Những điều chưa biết về Thủ tướng Đức tương lai Friedrich Merz
Ông Friedrich Merz - lãnh đạo liên minh bảo thủ Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU), chính thức được trao quyền để thành lập chính phủ mới, sau khi CDU/CSU vượt xa đảng Dân chủ Xã hội (SPD), giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tại Đức với tỷ lệ 28,8%. Dù chưa từng có kinh nghiệm làm việc trong chính phủ, ông Merz tuyên bố sẽ vực dậy nền kinh tế đầu tàu châu Âu và lấy lại vị thế cho Berlin trên trường quốc tế để người dân có thể một lần nữa tự hào về đất nước.
Đối thủ lâu năm của cựu Thủ tướng Angela Merkel
Ông Friedrich Merz sinh ngày 11/11/1955 tại Brilon, Tây Đức. Ông sở hữu bằng cử nhân luật tại Đại học Bonn và Đại học Marburg. Trước khi bắt đầu sự nghiệp chính trị, ông Merz làm việc toàn thời gian trong ngành luật.
Theo DW, năm 1972, ông Merz gia nhập đảng Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU). Ông từng là nghị sĩ Nghị viện Châu Âu giai đoạn 1989–1994. Năm 2000, ông được bầu giữ chức Chủ tịch nhóm nghị sĩ CDU/CSU trong Quốc hội Đức, cùng thời điểm bà Angela Merkel được bầu làm Chủ tịch CDU.

Giới chuyên gia nhận định, ông Merz là đối thủ của bà Angela Merkel trong CDU, hai người đại diện cho hai luồng chính trị khác nhau. Ông Merz tới từ Tây Đức - từng là một luật sư và thành công trong kinh doanh khi đảm nhiệm đến vị trí Chủ tịch ban giám sát tập đoàn quản lý tài sản lớn nhất thế giới BlackRock. Trong khi đó, bà Merkel tới từ Đông Đức - từng là một nhà khoa học được đào tạo bài bản, ít bảo thủ hơn.
Sau những bất đồng về chính sách nhập cư mới của bà Merkel - khi bà chấp nhận sự ủng hộ từ đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD), ông Merz đã chuyển hướng khỏi chính trường và trở lại với sự nghiệp luật sư.
Đến năm 2018, khi bà Merkel tuyên bố rút khỏi ghế lãnh đạo CDU, ông Merz tuyên bố đứng ra tranh cử. Năm 2021, ông quay lại Quốc hội Đức và sau đó nắm giữ chức lãnh đạo CDU vào năm 2022. Tới tháng 9/2024, ông trở thành ứng viên sáng giá của liên minh CDU/CSU trong cuộc bầu cử liên bang. Hiện tại, ông Merz gần như chắc chắn sẽ trở thành người kế nhiệm của Thủ tướng Đức Olaf Scholz khi liên minh bảo thủ CDU/CSU giành thắng lợi lớn với 28.8% sự ủng hộ trong cuộc bầu cử hôm 23/2.
Quan điểm đối nội cứng rắn
Được đánh giá là một người thẳng thắn, quyết đoán và táo bạo, giới quan sát nhận định rằng ông Merz là sẽ đưa ra các chính sách đối nội cứng rắn, tập trung vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải cách thuế và kiểm soát nhập cư.

Hiện tại, Đức đang trải qua giai đoạn suy thoái kinh tế kéo dài hai năm và ông Merz cam kết tái thiết nền kinh tế bằng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cắt giảm quan liêu và khuyến khích đầu tư. Ông cho rằng chính phủ tiền nhiệm đã thất bại trong việc duy trì sự ổn định kinh tế và cần có một sự thay đổi mạnh mẽ.
Dù chưa từng có kinh nghiệm làm việc cho chính phủ nhưng những thành công mà ông Merz đạt được trong ngành luật và kinh doanh khiến ông nhận được sự ủng hộ lớn từ cử tri và họ tin tưởng vào cam kết của chính trị gia này.
Lãnh đạo liên minh bảo thủ CDU/CSU đồng thời phản đối các chính sách nhập cư cởi mở, kêu gọi thắt chặt kiểm soát biên giới, đặc biệt là đối với người nhập cư không có tay nghề cao. Ông cho rằng việc nhập cư không kiểm soát sẽ gây áp lực lên hệ thống phúc lợi xã hội của Đức.
Ngoài ra, ông Merz dự định sẽ giới hạn các khoản trợ cấp xã hội, đặc biệt là đối với những người không có đóng góp lâu dài vào hệ thống này. Ông cũng ủng hộ chính sách khuyến khích lao động và tăng cường đào tạo nghề để giảm tỷ lệ thất nghiệp.
Mong muốn đồng thuận châu Âu và độc lập với Mỹ
Tờ Politico dẫn lời các nhà phân tích chính trị thế giới cho rằng, là một người bảo thủ theo trường phái muốn thúc đẩy quan hệ xuyên Đại Tây Dương cùng kỹ năng đàm phán được mài giũa trên thương trường, ông Friedrich Merz có lẽ sẽ phù hợp để đối thoại cùng Tổng thống Donald Trump hơn so với ông Olaf Scholz.
Tuy vậy, ngay trong những tuyên bố mới nhất, ông Merz nhấn mạnh các ưu tiên hàng đầu là tăng cường sức mạnh quân sự của châu Âu càng nhanh càng tốt, để từng bước đạt được sự độc lập thực sự với Mỹ về các vấn đề quốc phòng, nhất là trong bối cảnh chính trị toàn cầu có nhiều biến động. Ông cũng bày tỏ quan ngại về lập trường của Washington, nói rằng những tuyên bố gần đây của Tổng thống Donald Trump cho thấy, Mỹ dường như không còn quan tâm nhiều đến số phận của châu Âu.
Theo Politico, thời gian qua, ông Merz đã rất chăm chỉ xây dựng mối quan hệ với các nhà lãnh đạo châu Âu. Trong bài phát biểu cuối tháng 1 về chính sách đối ngoại tại quỹ Körber, ông Merz cam kết tạo ra một vai trò nổi bật hơn của Đức trong Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), theo đuổi mối quan hệ tốt hơn với Pháp, Ba Lan.
Ngoài ra, ông Merz được cho là sẽ có lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc cũng như thẳng thắn trong việc hậu thuẫn cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga, khi tuyên bố sẽ cung cấp cho Kiev tên lửa hành trình tầm xa Taurus của Đức. Được biết, Đức là nước cung cấp thiết bị quân sự lớn thứ hai cho Ukraine và ông Merz là người hoàn toàn ủng hộ chủ trương này.
Bài toán thành lập chính phủ khó nhằn

Trong hệ thống chính trị Đức, rất khó để một đảng đơn lẻ giành đủ số phiếu để tự đứng ra thành lập chính phủ và các cuộc đàm phán thành lập liên minh sắp tới vẫn còn nhiều ẩn số. Tuy nhiên, một điều có thể chắc chắn rằng các đảng chính thống đã tuyên bố không hợp tác với đảng cực hữu AfD, loại hoàn toàn cơ hội nắm quyền của đảng này.
Theo giới chuyên gia, một liên minh lớn giữa CDU/CSU và SPD – các đảng trung dung thống trị ở Đức, vẫn là con đường khả thi nhất để thành lập chính phủ. Một đối tác tiềm năng khác là đảng Xanh, lực lượng bảo vệ môi trường từng tham gia liên minh "đèn giao thông" dưới thời ông Olaf Scholz.
Hiện chưa rõ liệu ông Merz sẽ cần một hay hai đối tác để đảm bảo thế đa số, bởi chính phủ liên minh ba bên rất hiếm trong chính trường Đức. Dự kiến, quá trình đàm phán có thể kéo dài nhiều tuần, đồng nghĩa với việc Berlin sẽ tiếp tục rơi vào trạng thái bế tắc chính trị trong thời điểm chuyển giao. Mỗi kịch bản đều đi kèm những đòi hỏi riêng và sự khác biệt về tư tưởng, biến quá trình này thành một màn cân não đầy rủi ro.