BRICS và cuộc đối đầu mềm với trật tự phương Tây

Thứ Bảy, 03/05/2025, 06:40

Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) khai mạc hôm 28/4 tại TP Rio de Janeiro, Brazil, đã diễn ra trong bối cảnh thế giới đối mặt với những biến động lớn về kinh tế, chính trị và an ninh. Đây không chỉ là cuộc gặp ngoại giao thường niên, mà còn là một thông điệp mạnh mẽ gửi tới phần còn lại của thế giới: BRICS đang quyết tâm trở thành một cực quyền lực mới trong trật tự toàn cầu vốn lâu nay bị chi phối bởi phương Tây.

Cuộc họp tại Rio de Janeiro xoay quanh bốn chủ đề chính: Phản ứng trước chính sách thương mại của Mỹ; cải cách hệ thống quản trị toàn cầu; thúc đẩy hòa bình và an ninh quốc tế; và giảm sự phụ thuộc vào đồng USD trong giao dịch nội khối. Trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế 145% với hàng hóa Trung Quốc, các nước BRICS bày tỏ quan ngại sâu sắc về xu hướng bảo hộ thương mại đơn phương, kêu gọi bảo vệ hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

BRICS và cuộc đối đầu mềm  với trật tự phương Tây -0
Các đại biểu dự Hội nghị Ngoại trưởng BRICS ở TP Rio de Janeiro ngày 28/4. Ảnh: Xinhua.

Đây là lần thứ hai chỉ trong vòng ba năm, BRICS chính thức bày tỏ lập trường về xung đột thương mại Mỹ-Trung, nhưng khác với năm 2022, nhóm giờ đây đã có thêm nhiều tiếng nói mới và sức mạnh đàm phán mạnh mẽ hơn. Cải cách hệ thống quản trị toàn cầu cũng là một ưu tiên nổi bật.

Các nước BRICS lâu nay không giấu sự bất mãn với việc Hội đồng Bảo an, IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) vẫn mang dấu ấn sâu đậm của thời kỳ hậu Thế chiến II. Theo các nhà phân tích tại Viện Lowy (Australia), hệ thống toàn cầu hiện nay không phản ánh đúng sự nổi lên của phương Nam, khi phần lớn các nước phát triển phương Bắc vẫn giữ quyền phủ quyết, chi phối vốn vay và đặt ra luật chơi tài chính quốc tế.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị phát biểu tại hội nghị: “BRICS không chống ai, nhưng không chấp nhận trật tự quốc tế do một vài nước áp đặt”. Dẫn thêm phân tích của chuyên gia Andrew Cooper (Đại học Waterloo, Canada), ta thấy rõ BRICS không còn là nhóm của những người ngoài cuộc, mà đã trở thành nhân tố trung tâm trong các cuộc thảo luận về cải cách toàn cầu.

Một điểm nhấn khác tại hội nghị lần này là quan điểm chung về các cuộc xung đột quốc tế, đặc biệt là chiến sự Nga-Ukraine và xung đột Israel-Hamas ở Dải Gaza. Các nước BRICS, dù khác biệt lợi ích, đều kêu gọi các bên liên quan tìm giải pháp hòa bình thông qua đối thoại, nhấn mạnh sự tôn trọng luật pháp quốc tế. Ngoại trưởng Brazil Mauro Vieira nhấn mạnh: “Chúng ta không thể im lặng trước những đau thương mà chiến tranh mang lại cho dân thường”.

Đáng chú ý, dù Nga và Iran là hai bên liên quan trực tiếp trong các căng thẳng quốc tế, BRICS vẫn tránh né các ngôn từ chỉ trích trực diện phương Tây, cho thấy nỗ lực giữ cân bằng để bảo vệ sự đoàn kết nội khối. Về hợp tác tài chính, một trong những tham vọng lớn nhưng vẫn chưa thành hình của BRICS là ý tưởng phát hành đồng tiền chung để giảm sự phụ thuộc vào đồng USD. Trong thực tế, Nga tuyên bố 90% giao dịch của họ với các nước BRICS năm 2024 đã được thực hiện bằng đồng nội tệ. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Viện Peterson (Mỹ), những khác biệt nội bộ về hệ thống tài chính, mức độ mở cửa thị trường và chính sách tiền tệ khiến giấc mơ đồng tiền chung vẫn còn xa vời.

Chuyên gia Nicu Popescu (Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu) đã cảnh báo: “BRICS mạnh về kinh tế nhưng rời rạc về chiến lược; nếu không giải quyết được mâu thuẫn nội khối, nhóm khó có thể đi xa”. Một thực tế không thể bỏ qua là sự chia rẽ trong nội bộ BRICS. Ấn Độ vẫn dè chừng ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, đặc biệt sau các vụ đụng độ biên giới. Iran và Saudi Arabia, dù gần đây cải thiện quan hệ, vẫn mang dấu ấn đối địch kéo dài nhiều thập kỷ.

Brazil và Nam Phi thì muốn giữ thế cân bằng, tránh lệ thuộc vào Nga hay Trung Quốc, trong khi Ethiopia và Ai Cập lại tranh chấp về nguồn nước sông Nile. Chỉ riêng việc không ra được tuyên bố chung đã cho thấy mức độ khó khăn trong tìm kiếm đồng thuận. Chuyên gia Jeffrey Sachs (Đại học Columbia, Mỹ) nhận xét: “Sự mở rộng của BRICS là lời nhắc nhở rằng các nước phương Nam không còn chấp nhận đứng ngoài bàn cờ quyền lực toàn cầu, nhưng tiếng nói chung không dễ tìm kiếm”.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng BRICS đang trở thành một biểu tượng cho nỗ lực xây dựng thế giới đa cực. Khi phương Tây tập trung vào khối NATO, G7, G20, thì BRICS nổi lên như một đối trọng, thúc đẩy các mô hình hợp tác mới, từ Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) cho đến các sáng kiến thương mại nội khối. Việc BRICS ủng hộ sử dụng đồng nội tệ, xây dựng mạng lưới hạ tầng tài chính riêng và giảm dần lệ thuộc vào đồng USD có thể tạo ra những thay đổi mang tính cấu trúc cho hệ thống tài chính toàn cầu. Nếu thành công, điều này sẽ giúp các nước thành viên tránh bị áp đặt các lệnh trừng phạt tài chính, đồng thời củng cố vị thế của họ trong các cuộc đàm phán quốc tế.

Dẫu vậy, câu hỏi đặt ra là liệu BRICS có đủ năng lực để biến tham vọng thành thực lực? Kinh tế lớn, dân số đông không tự động chuyển hóa thành sức mạnh chiến lược, nếu thiếu một tầm nhìn chung và cơ chế phối hợp hiệu quả. Hội nghị Rio de Janeiro vừa qua là một bước đi quan trọng, nhưng phép thử thực sự sẽ đến vào tháng 7/2025, khi Hội nghị Thượng đỉnh BRICS diễn ra cũng tại Rio. Liệu nhóm có thể vượt qua khác biệt, đưa ra các quyết sách cụ thể, hay vẫn chỉ dừng lại ở những tuyên bố đầy tham vọng mà thiếu thực chất? Nếu BRICS thành công, thế giới sẽ chứng kiến sự hình thành của một cực quyền lực mới, nhưng nếu thất bại, nhóm này có nguy cơ trở thành một diễn đàn chính trị mang tính biểu tượng, giống như nhiều nỗ lực của phương Nam trong quá khứ.

Trong bức tranh thế giới nhiều biến động, BRICS 2025 không chỉ là một cuộc họp của các nước đang phát triển, mà là lời nhắc nhở rằng thế giới không còn là sân chơi của riêng phương Tây. Dù còn nhiều thách thức, sự lớn mạnh của BRICS là dấu hiệu của một trật tự quốc tế đang định hình lại - nơi các tiếng nói từ phương Nam ngày càng vang vọng và có khả năng tạo dựng những thay đổi sâu sắc. Chặng đường phía trước sẽ đầy gian nan, nhưng BRICS đã bước lên sân khấu trung tâm, và thế giới không thể làm ngơ trước sự hiện diện của họ. Cuộc gặp tại Rio de Janeiro chính là lời cảnh báo: kỷ nguyên đơn cực đã qua và kỷ nguyên đa cực đang mở ra trước mắt chúng ta.

Khổng Hà
.
.