Vườn Thanh và phố hoa tigôn

Thứ Năm, 24/02/2022, 14:15

Năm 2022 là năm kỷ niệm lần thứ 110 ngày sinh nhà văn Thanh Châu (1912-2022), tác giả truyện ngắn "Hoa tigôn", thiên truyện đã làm khơi dậy men thơ cho T.T.Kh sáng tác bài thơ nổi tiếng "Hai sắc hoa tigôn" từng làm dậy sóng văn đàn từ cuối những năm 30 của thế kỷ trước.

Nhà văn Thanh Châu, tên thật là Ngô Hoan, quê ở Diễn Kim, Diễn Châu, Nghệ An và cái tên Thanh Châu, như nhiều người nói có nghĩa là Diễn Châu xanh! Được biết, Thanh Châu từng tham gia kháng chiến chống Pháp, làm Báo Vệ quốc đoàn, Báo Văn nghệ và tham gia Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1957.

Vườn Thanh và phố hoa tigôn -0
Nhà văn Thanh Châu (1912-2007).

Còn nhớ cách đây gần 10 năm, đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Thanh Châu (2012), Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức một cuộc tọa đàm về thân thế, sự nghiệp của nhà văn. Với tư cách Chủ tịch Hội, chủ trì hội thảo, nhà thơ Hữu Thỉnh lúc bấy giờ kết luận có 3 việc phải làm đối với nhà văn Thanh Châu: (1) Hội Nhà văn sưu tầm các tác phẩm của Thanh Châu, tập hợp và xuất bản ngay trong năm 2012; (2) Sưu tầm mọi hiện vật liên quan đến nhà văn để trưng bày tại Bảo tàng Văn học Việt Nam; (3) Lưu ý đến năm 2017 (tức 10 năm sau khi nhà văn qua đời - 2007) sẽ có công văn đề nghị đến các cơ quan liên quan để đặt tên Thanh Châu cho một đường phố, trường học hoặc một công trình văn hóa… nhằm ghi nhớ công lao nhà văn đối với đất nước, quê hương.

Ba việc lớn mà nhà thơ Hữu Thỉnh kết luận nói trên thuộc về công việc thường xuyên, lâu dài của Hội Nhà văn Việt Nam (ở tỉnh là các Hội văn nghệ) gắn liền với hoạt động của cơ quan Nhà nước ở Hà Nội, Nghệ An, Thanh Hóa (quê mẹ nhà văn gắn liền với câu thơ "Ở lại vườn Thanh có một mình" và "con người vườn Thanh" mà Hoài Thanh từng nhắc đến trong "Thi nhân Việt Nam") và có thể cả huyện Diễn Châu, quê hương nhà văn. Trong đó, công việc sưu tầm in ấn tác phẩm, trưng bày hiện vật tại bảo tàng nằm trong "tầm tay" của Hội. Việc đặt tên nhà văn cho một con phố, một công trình là do Hội đề xuất đủ thời gian sau khi nhà văn qua đời (2007) theo quy định, bao gồm cả việc đại diện Hội Nhà văn tham gia trong thành phần Hội đồng tư vấn của các tỉnh, thành phố nói trên và tham gia góp ý kiến trong quy trình xin ý kiến rộng rãi trước khi trình Hội đồng Nhân dân tỉnh, thành phố quyết định.

Vườn Thanh và phố hoa tigôn -0
Bìa tập sách “Truyện ngắn Thanh Châu”.

Kể lại câu chuyện này để thấy, việc ghi nhớ, tôn vinh công lao của một văn nghệ sỹ không hề là một việc đơn giản, mà đòi hỏi có thời gian, nhiều công sức, sự phối hợp, thống nhất của nhiều cơ quan có thẩm quyền. Và cũng để thấy, đối với những trường hợp đặc biệt như Trịnh Công Sơn, Nguyễn Đình Thi…, Hội đồng Nhân dân TP. Hà Nội ra quyết định vào ngày 06/07/2015 và tổ chức lễ gắn biển tên đường vào ngày 26/8/2015 là một việc làm đầy ý nghĩa trên đất Thủ đô nghìn năm văn hiến. Tương tự là mới đây vào kỳ họp cuối năm, 12/2021, Hà Nội vừa đặt tên đường Chế Lan Viên, Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ… nằm trong những hoạt động đầy ý nghĩa văn hóa cao đẹp đó.

Trên miền đất hội tụ nhiều tinh hoa của đất nước, trên quê hương của những người có công lao như nhà văn Thanh Châu, hy vọng mọi việc suôn sẻ theo quy trình để Hà Nội cùng Nghệ An, Thanh Hóa và có thể huyện Diễn Châu sẽ có một con đường mang tên ông, một khu "vườn Thanh" và con đường thơ mộng đó, khu vườn đó sẽ luôn ngập tràn màu hoa tigôn thương nhớ.

Người viết bỗng nhớ lại câu chuyện nhà văn Đức Ban kể, khi ông nói về người bạn văn cùng ngày tháng năm sinh (10/01/1949) là nhà thơ Lê Thái Sơn ở Nghệ An. Lúc đó, nhà thơ Lê Thái Sơn bị bệnh nặng, phải điều trị ở Hà Nội. Đánh đường từ trong quê ra thăm bạn, những mong nói một lời động viên chân thành thì lại được bạn cười to và… động viên lại mình! Nhà thơ Lê Thái Sơn hồ hởi thông báo: Thành phố Vinh đã có quyết định đặt tên đường Trần Hữu Thung, đường Minh Huệ rồi. Mừng lắm!

Thì đây, từ năm 2010, Hội đồng tư vấn về đặt tên đường, đổi tên đường ở Thành phố Vinh - Nghệ An đã ra thông báo về "Ngân hàng tên danh nhân văn hóa" và dự kiến việc đặt tên, đổi tên đường để mọi người dân tham gia ý kiến theo quy định. Điều khác với Hà Nội, đối với danh nhân ở Nghệ An, sau khi mất 5 năm là đủ điều kiện đưa ra xin ý kiến và quyết định. Người viết sau này đã xem "Ngân hàng tên danh nhân", trong đó có đầy đủ các lĩnh vực, đầy đủ các nhân vật xuất sắc, với những nhà văn nổi tiếng đã đi xa như Trần Hữu Thung, Minh Huệ, Hoàng Trung Thông, Nguyễn Minh Châu…  quả là điều vô cùng kịp thời và đáng quý. Nhưng đáng nói là liệu cái tên Thanh Châu chưa có hay đã kịp bổ sung trong "Ngân hàng" này ở TP. Vinh cũng như Diễn Châu quê ông?

Vườn Thanh và phố hoa tigôn -0
Ký họa nhà văn Thanh Châu của họa sĩ Bùi Xuân Phái.

Thật không dám chắc đường Trịnh Công Sơn ở Thừa Thiên - Huế, ở Đà Nẵng hay TP. Hồ Chí Minh có "đẹp và thơ mộng nhất" như ở Hà Nội hay không? Cũng như chưa thể hình dung được đường Trần Hữu Thung ở TP. Vinh có là con đường sát cánh đồng để qua đây ai cũng hình dung "Lúa níu anh trật dép" hay không? Và tới đây, khi đường Thanh Châu được gắn biển ở Hà Nội, ở Vinh, Thanh Hóa hay Diễn Châu có rợp sắc hoa ti-gôn như mong đợi, tưởng tượng của những người yêu thơ từng mê đắm những sắc hoa đầy nhớ nhung, mất mát một thời tuổi trẻ hay không?

Vậy hãy thử một lần đi trên đường Trịnh Công Sơn ở Tây Hồ - Hà Nội vào mùa thu cốm xanh, dưới cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ và khẽ ngân lên giai điệu bài hát mê hoặc ấy. Hoặc có thể hãy đọc lại câu thơ tuyệt tác của Nguyễn Đình Thi "Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy" và thử ngắt nhịp sao cho hay nhất, nhiều liên tưởng nhất về một bức tranh thu Hà Nội ngàn năm. Hoặc một mình đi trên đường Thanh Châu để ngẫm ngợi về một loài hoa vỡ "Nếu biết rằng tôi đã có chồng/ Trời ơi, người ấy có buồn không…". Để yêu hơn, quý hơn, trân trọng hơn những gì đang có trong tay mình, đang đọng lại trong tâm hồn mình giữa bao lo toan và bề bộn của cuộc sống này.

Nếu chúng ta làm được điều đó, nếu mỗi con đường mang tên danh nhân, thi sỹ, anh hùng giải phóng dân tộc… đều có những dấu ấn đặc biệt nào đó gắn liền, gợi nhớ… đến những con người ưu tú làm rạng danh quê hương thì thật ý nghĩa biết bao.

Bùi Sỹ Hoa
.
.