Vĩnh biệt vị sứ giả của âm nhạc dân tộc

Thứ Sáu, 07/01/2022, 13:32

GS.TS Trần Quang Hải ra đi trong một đêm đông như tên bài hát bất hủ mà người vợ nổi tiếng của mình - danh ca Bạch Yến - từng thể hiện. Đêm lạnh giá, tuyết rơi trắng trời Paris nhưng ông ra đi nhẹ nhàng trong cơn ngủ, trong vòng tay ấm áp của hiền thê. Hơn 40 năm bên nhau, họ đã bôn ba khắp năm châu để giới thiệu âm nhạc cổ truyền.

GS.TS Trần Quang Hải sinh năm 1944, là con trai trưởng của GS.TS Trần Văn Khê. Ông được coi là bản sao của cha mình khi giống cha từ dung mạo, tính cách cho đến con đường sự nghiệp. Hai cha con đều là những nhà nghiên cứu uyên bác về âm nhạc dân tộc và tích cực truyền bá di sản truyền thống trên xứ người.

Tuy vậy, con đường nghiên cứu của GS Trần Quang Hải có đôi chút khác biệt khi ông tạo một hướng đi riêng trong địa hạt trình diễn về nhạc cổ truyền Việt Nam, nhạc tùy hứng, nhạc đương đại cũng như phương pháp nghiên cứu thể nghiệm qua hát đồng song thanh. Còn có một điều hơi khác mà có lần vui miệng, ông tiết lộ: "Tôi dám làm những điều ba tôi không dám làm". Để khám phá ra ngọn nguồn của kỹ thuật hát đồng song thanh dưới góc độ y khoa, ông không ngại dùng hóa chất có nguy cơ gây ung thư nội soi dây thanh quản.

GS Trần Văn Khê biết được việc "ngông" của ông con, ông không khỏi lo lắng. Nhưng ông con cứ cười hề hề: "Ba đừng lo, thử nghiệm có thể làm cho con chết, nhưng cũng có thể mang lại cho con những nhận thức đột phá. Con là nhà nghiên cứu, khác với người đi trình diễn ở chỗ, con phải biết âm thanh giọng hát mình thoát ra từ đâu".

1 gs tran quang hai.jpg -0
GS Trần Quang Hải biểu diễn đàn môi.

Năm 2017, phát hiện mình mắc bệnh ung thư máu, ông chẳng mảy may hối hận vì nghiên cứu "ngông" ngày nào. Bởi việc làm mạo hiểm ấy cho ông những kết quả đáng kinh ngạc để phát triển kỹ thuật hát đồng song thanh. Đời người rồi sẽ đến ga cuối. Chỉ có khác là đến sớm hay muộn. Ông thanh thản đón nhận tất cả để rồi vĩnh biệt cõi thế thật nhẹ nhàng.

Những năm tháng cuối đời, tôi vẫn nhớ như in nụ cười hồn nhiên và nhiệt thành của GS Trần Quang Hải. Bệnh tật là vậy nhưng dịp Giáng sinh vừa qua, ông vẫn đăng tải những video hóm hỉnh chúc mừng Noel. Thú thật tôi chưa bao giờ gặp vị giáo sư nào uyên bác, lỗi lạc trong chuyên môn mà lại bình dị, dễ gần như ông. Khi tôi viết bài đầu tiên về ca sĩ Bạch Yến hồi bà về Việt Nam năm 2014, ông cất công nhắn vào mục bình luận chỉ để cảm ơn tôi đã viết một bài báo xúc động và chân thành về vợ mình. Kết bạn trên Facebook, tôi càng ngỡ ngàng hơn trước sự tận tâm và lịch thiệp của ông. Vì thế hễ viết bài nào liên quan đến âm nhạc dân tộc hay nghệ thuật truyền thống là tôi lại "cầu cứu" nhà dân tộc nhạc học khả kính ấy. Ông bày vẽ cho tôi hết sức tỉ mỉ và cung cấp nhiều kiến thức lẫn ý kiến chuyên môn quý giá.

Giáo sư Trần Quang Hải còn là bậc thầy đàn môi, đàn muỗng. Một lần, thấy tôi ngỏ ý muốn viết bài về đàn môi, ông bảo: "Con nên liên lạc với em Khai Nguyên, người có kho tàng đàn môi tại nhà ở tỉnh Đồng Nai. Cậu ấy chơi đàn môi giỏi hơn chú nhiều, lại là người biết làm nhiều kiểu đàn môi tre. Nếu con thực hiện một bài viết về em này thì thật quý hóa". Tưởng ông chỉ giới thiệu sơ sơ tên họ rồi địa chỉ của Nguyên để tôi tự liên hệ, không ngờ ông gửi cho tôi hàng loạt hình ảnh, các clip tự quay, giới thiệu tài nghệ chơi đàn môi lẫn tài lẻ khác của chàng trai.

Không hiếm người được GS Trần Quang Hải nhận làm học trò và dạy qua mạng như Nguyên. Ai yêu nhạc dân tộc đều được ông sẵn sàng chỉ dạy. Bởi tâm niệm suốt đời của ông chính là làm sao cho lớp trẻ Việt hiểu và yêu âm nhạc truyền thống. Để từ đó mang nhạc Việt đi xa hơn, tự hào cất tiếng nói độc đáo của mình trước bạn bè thế giới. Cũng như ông thời trẻ, nào có ham hố gì cây đàn tranh, đàn bầu. Ông biết chơi đó, đánh đó vì gia đình có truyền thống đờn ca tài tử nhưng không muốn tiếp bước con đường cha mình đã đi. Tốt nghiệp Trường trung học Pétrus Ký, Trần Quang Hải ghi danh vào khoa Violin, Trường Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn.

2 vo cho bach yen - tran quang hai.jpg -0
Vợ chồng GS Trần Quang Hải, ca sĩ Bạch Yến luôn sát cánh bên nhau trong hành trình quảng bá âm nhạc dân tộc ở nước ngoài.

Năm 1961, ông ôm cây vĩ cầm sang Pháp học nâng cao với giấc mộng làm giáo sư violin. Lúc ấy, GS.TS Trần Văn Khê đang ở Pháp. Ông đưa con đến gặp một giáo sư violin nổi tiếng để con thử trổ tài. Chơi xong mấy bản, Hải hồi hộp chờ vị giáo sư ấy nhận xét: "Khả năng của cháu mà được đào tạo tốt, may ra có thể trở thành một giáo sư violin giỏi, những người như thế có hàng chục nghìn ở Pháp. Nếu cháu giỏi hơn, được vào chơi ở Dàn nhạc quốc gia opera của Pháp, ngoại hạng hơn nữa thì trở thành nghệ sĩ biểu diễn trên thế giới. Nhưng có hàng trăm người như thế ở Pháp. Nước Pháp không cần thêm một nghệ sĩ violin, mà cần hơn một nghệ sĩ, một chuyên gia âm nhạc dân tộc Việt. Sao cháu không quay về cội nguồn?".

Rời nhà vị giáo sư, mặt mày cậu sinh viên buồn so. Sau một tuần lễ, Hải đến quỳ xuống trước mặt cha: "Ba ơi! Ba có nhận con làm học trò không?" Chỉ chờ có thế, GS Trần Văn Khê ôm con vào lòng. Hai cha con ôm nhau khóc. "Sau này tôi mới hiểu, đó chính là mong ước của ba. Chính ông đã nói với giáo sư violin khuyên tôi nên trở về với âm nhạc dân tộc" - GS Trần Quang Hải nhớ lại.

Mấy chục năm qua, ông định cư ở nước Pháp và làm việc tại Trung tâm Quốc gia nghiên cứu khoa học với êkip nghiên cứu tại Viện Dân tộc nhạc học của Viện Bảo tàng con người. Trong mắt bạn bè phương Tây, ông không chỉ là nhà dân tộc nhạc học lỗi lạc mà còn là một nghệ sĩ trình diễn độc đáo. Ông có hàng ngàn chuyến lưu diễn tại 70 quốc gia, tham gia 130 đại hội liên hoan quốc tế nhạc truyền thống, giảng dạy tại hơn 120 trường đại học, sáng tác hơn 400 bản nhạc cho đàn tranh, đàn môi, muỗng, hát đồng song thanh, nhạc tùy hứng, đương đại…

Hành trình bôn ba khắp năm châu của GS Trần Quang Hải còn có một người bạn đồng hành tri kỷ. Đó là ca sĩ Bạch Yến. Nhắc về duyên gặp gỡ và chuyện tình của mình, ca sĩ Bạch Yến cứ tủm tỉm cười: Chỉ 24 giờ gặp gỡ mà họ nên duyên vợ chồng. Năm 1978, bà đang đứng trước cửa nhà hát Pháp thì một người đàn ông ôm chầm lấy bà, hôn vào má. Đón bó hoa từ tay người đàn ông, bà ngạc nhiên hỏi: "Ủa, anh biết tôi là ai không mà ôm hôn?". Người đàn ông cười: "Ca sĩ Bạch Yến chớ ai". Bạch Yến đỏ lựng cả má, bà vắt óc vẫn không biết gương mặt quen này mình đã gặp ở đâu, tên là gì. "Không nhận ra tôi hả, tôi là con trai của GS Trần Văn Khê nè". Đến lúc này bà "à" lên ngạc nhiên.

Bà từng biết đến ông trong một lần giao lưu âm nhạc ở Pháp với GS Trần Văn Khê. Ngồi trên sân khấu, GS chỉ về phía cậu thanh niên gầy ốm, đen đúa đứng khúm núm phía cuối dãy ghế khán giả, nói nhỏ với Bạch Yến: "Tôi có thằng con trai từ Việt Nam mới qua, nó đứng đằng kia kìa". Lúc đó, với Trần Quang Hải thì Bạch Yến là thần tượng. Không thần tượng sao được khi thập niên 60 của thế kỉ trước, Bạch Yến là ngôi sao Việt Nam đầu tiên hát trong chương trình truyền hình The Ed Sullivan show (chương trình ăn khách nhất của Mỹ trong khoảng thời gian 1950-1970), hòa giọng cùng các ca sĩ nổi tiếng của Mỹ thời đó như Bob Hope, Bing Crosby, Pat Boone, Mike Douglas.... Mỗi khi nhạc điệu bài "Đêm đông" của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương vang lên, người ta reo vang tên Bạch Yến.

 Gặp lại nhau sau 20 năm, bà không nhận ra ngay cũng phải vì người đàn ông đứng trước mặt không còn vẻ gầy gò, đen đúa như ngày nào. Ông trông phong độ, hồng hào, đi cạnh là cô con gái nhỏ của người vợ đã ly dị. Ông ngỏ lời mời nữ danh ca đi ăn tối. Vui quá. Trần Quang Hải cầm tay Bạch Yến nói: "Bàn tay Bạch Yến đẹp quá, cho tôi được phép rước nó về nhà nghen". Bạch Yến tưởng ông giỡn, liền gật đầu. Hai tuần sau, 400 thiệp cưới được phát ra trong sự ngỡ ngàng của mọi người.

 "Thuyền theo lái, gái theo chồng", yêu Trần Quang Hải, Bạch Yến bước vào lĩnh vực âm nhạc dân tộc - lĩnh vực vô cùng lạ lẫm với một ca sĩ chuyên trị tân nhạc, nhạc ngoại quốc như bà. Phải mất 15 năm, Bạch Yến mới có thể lướt đàn tranh, ngân nga khúc dân ca, cùng chồng đi khắp thế giới để quảng bá âm nhạc dân tộc. Không có con nhưng cặp vợ chồng già luôn quấn quýt như đôi chim câu. Hỏi rằng có điều gì khiến cho hai người yêu và gắn bó với nhau đến thế, GS Trần Quang Hải cười mà rằng: "Chúng tôi có một tình yêu lớn là âm nhạc và đặc biệt, mãi coi nhau như tình nhân".

Mai Quỳnh Nga
.
.