Vĩnh biệt "quái kiệt" harmonica Tòng Sơn

Thứ Sáu, 24/06/2022, 10:50

Hằng năm, mỗi lần đến chương trình “Tết vì người nghèo” hay Hội nghị Cộng tác viên của Báo Công an nhân dân, người ta lại thấy một lão nghệ sĩ đầu bồng bềnh màu tóc pha sương, áo vest sặc sỡ lịch  lãm ngồi bên cánh gà sân khấu. Mặc ngày gió hay ngày mưa, bao giờ ông cũng đến trước giờ biểu diễn 30 phút. Đến sớm để tay bắt mặt mừng, để cười nói rổn rảng với bạn bè, đồng nghiệp. Mấy ai biết lão nghệ sĩ ấy cô độc biết chừng nào...

Chiều 12-6, nghệ sĩ harmonica Tòng Sơn đã vĩnh biệt cõi tạm để về chốn thiên đàng ở tuổi 93. Trút hơi thở cuối cùng là trút hết mọi đau đớn bệnh tật, trút hết sự cô độc lẫn ân hận giày vò "một kiếp ngựa hoang". Ông từng bảo mình tuổi ngựa nên đời mình không khác gì con ngựa hoang. Con ngựa hoang ấy tung hoành một thời tuổi trẻ và cả đến khi bóng ngả về chiều.

Nghệ sĩ Tòng Sơn tên thật là Dương Ngô Tòng. Năm 1950, ông từ Vĩnh Long lên Sài Gòn làm thợ sắp chữ trong một nhà in. Trong túi vẫn không quên mang theo cây kèn harmonica lượm được hồi còn nhỏ. Đêm đêm ông gửi nỗi buồn xa xứ vào tiếng kèn. Rồi với sự động viên, khích lệ của bạn bè, ông theo thầy học thổi kèn bài bản. Đến khi Đài phát thanh Pháp - Á tổ chức cuộc thi “Tuyển lựa tài tử” (tuyển giọng hát và nhạc công), ông trúng tuyển rồi biểu diễn chuyên nghiệp từ đó. Nghệ danh Tòng Sơn là tên ghép từ tên của ông và cha ruột mình.

nghe si tong son.jpg -0
Nghệ sĩ Tòng Sơn.

Lão nghệ sĩ gốc Vĩnh Long ấy nổi tiếng trong giới văn nghệ Sài Gòn nhờ tài thổi kèn harmonica bằng mũi, vừa ăn chuối, uống bia, vừa thổi kèn. Tài nghệ này khiến ông được công chúng gọi là “quái kiệt” và năm 2005, Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục "Người có phong cách biểu diễn khẩu cầm độc đáo nhất Việt Nam".  Hơn 90 tuổi đời, ông không nhớ mình đã ăn bao nhiêu tấn chuối, uống bao nhiêu lít bia.

Đến bây giờ, cái tài nghệ độc nhất vô nhị ấy vẫn chưa có đệ tử chân truyền. Cách đây mấy năm, hỏi thăm về chuyện truyền nghề, ông cười buồn kể: “Cũng có mấy đứa thanh niên đến xin bố dạy. Nhưng được vài bữa nửa tháng là nó lè lưỡi chạy dài. Thổi bằng mũi đã khó, vừa thổi vừa ăn chuối, uống bia thì rất dễ bị sặc. Riết rồi bố cũng chán, không truyền dạy cho ai nữa. Trong cái rủi có cái may, vì một mình một cõi nên khán giả dễ nhớ đến bố”.

Với ai đáng tuổi con cháu, ông đều gọi họ bằng con, xưng mình là bố. Cái cảm giác gần gũi, thân thương ấy khiến nhiều người không hiểu, lỡ nghe lỏm cuộc trò chuyện thì cứ ngỡ đó là hai bố con thật. Nghệ sĩ Tòng Sơn xưng hô như thế bởi ông thèm khát lắm một mái nhà nho nhỏ, nơi có vợ con sum vầy, có tiếng cười giòn tan trong nắng mới. Cả đời ông lang bạt kỳ hồ, góc bếp là cơm hàng cháo chợ, chỗ ngủ là góc trọ nhà người. Có mười đứa con nhưng mãi về sau này, khi đã gối mỏi chồn chân, bệnh tật triền miên, ông mới về nhà cô em gái ở quận Phú Nhuận. Còn trước đó, ông trọ trên căn gác xép gần chợ Trần Hữu Trang. Được vài năm lại chuyển sang nhà trọ ở Bàn Cờ, quận 3 để đi diễn cho tiện. Ông ngại làm phiền con vì biết tụi nó cũng sấp ngửa mưu sinh. Và vì mặc cảm, vì nỗi ân hận với vợ con vẫn còn giày vò…

Thuở trai trẻ, mẹ cưới cho cậu con trai ưa chơi bời một cô vợ xinh đẹp, đài các. Ở nhà vợ chịu thương chịu khó gồng gánh nuôi con cho anh chồng nghệ sĩ “yên tâm công tác”. Có người vợ đảm, ông vắng nhà biền biệt. Những chuyến lưu diễn dưới miền Tây sông nước hay ngược lên mạn Tây Nguyên nắng gió cứ nối dài ngày này qua tháng khác. Miền đất lạ và chiếc khẩu cầm quyến rũ bước chân chàng nghệ sĩ lãng tử. Bộ sưu tập kèn harmonica từ khắp nơi trên thế giới cứ đầy lên thành cả ngàn chiếc, và những mối tình vắt vai dọc đường lưu diễn cứ nhiều lên thì cũng là lúc ông dần văng ra khỏi mái ấm của mình.

Vĩnh biệt
Nghệ sỹ Tòng Sơn biểu diễn tại một chương trình gặp mặt của Báo CAND năm 2019. Ảnh: Duy Hiển.

Mỗi lần có cô gái nào tìm đến tận nhà và đòi gặp ông, người vợ hiền đều ngậm ngùi, lặng lẽ thu xếp phòng cho hai người mà không nói gì. Thương chồng, chiều chồng, bà lo tất cho ông vui. Nhưng rồi cái gì rồi cũng đến giới hạn của nó. “Vợ chiều bố riết, nên bắt đầu ngoài 50 tuổi, bố hư luôn”. Ly hôn, con ngựa hoang trong ông đi theo tiếng gọi của tự do và dọn ra ngoài ở với những bóng hồng vây quanh đời mình. Những buổi biểu diễn với catse cao ngất đủ sức cho ông một cuộc sống phóng túng, hào hoa, không biết đến ngày mai. Nhẩm sơ sơ, ông có đến 8 đời vợ. Thế rồi khi túi cạn, tình cũng tan. Chỉ cây kèn harmonica là còn ở lại. Ông vẫn nhờ vào nó để kiếm cơm qua ngày, để nuôi cơn say ngất ngư ngày nào.

85 tuổi, bệnh tật ùa đến. Nằm một mình nghe tiếng đời lao xao trong bóng đêm tĩnh mịch, lão nghệ sĩ ứa nước mắt. Nỗi ân hận như bàn tay mềm choàng lấy trái tim. Ông bị khớp, bị suy thận, loét dạ dày, huyết áp cao… Chật vật lắm mới chắt chiu đủ tiền thuê nhà. Tiền chữa bệnh, phẫu thuật mấy bận phải nhờ các mạnh thường quân, nghệ sĩ quyên góp. Thân mình còn lận đận vậy mà hễ nơi đâu cần đóng góp thiện nguyện, ông lại là nghệ sĩ hăng hái nhất. Đồng nghiệp đi biểu diễn cho chương trình từ thiện, hễ ới một tiếng là cái thân già như ông lên đường liền. Nhìn bà con nghèo được cất ngôi nhà mới, ông mừng rớt nước mắt như chính căn nhà đó xây cho mình. Đạo diễn Thanh Hiệp, một đàn em thân thiết với nghệ sĩ Tòng Sơn, tâm sự: "Những chuyến đi diễn ở các trung tâm cai nghiện, các trại trẻ mồ côi, các mái ấm tình thương, bố đều nhiệt tình tham gia. Có lần nữa khuya bố gọi và hỏi ngày mai diễn ở trung tâm dạy nghề trẻ khuyết tật bố sẽ thổi kèn bài "Làng tôi", tôi bảo nếu không kịp thì bố thổi bài nào vui là được rồi. Nhưng ngày hôm sau đã nghe giai điệu bài hát đó vang lên từ chiếc kèn huyền thoại của bố".

Năm nào chương trình “Tết vì người nghèo” của báo Công an nhân dân cũng có tiếng kèn của ông góp mặt. Ông tâm niệm: “Dù nhiều năm tham gia biểu diễn tại chương trình “Tết vì người nghèo” của Báo nhưng cứ hễ cuối năm, nhận được tin Báo chuẩn bị tổ chức chương trình là tôi lại háo hức như đứa trẻ. Tôi tập luyện say mê lắm, còn vui hơn lúc mình chạy show ở các sân khấu. Vì tôi biết mình đang làm việc thiện. Tôi luyện nhiều bài thật hay, thổi kèn bằng mũi sao cho năm nay độc đáo hơn, khác hơn so với những năm trước. Tuổi cao, bệnh tật thì lắm, mình cũng khó khăn chứ chẳng dư dả gì nhưng nhìn lại thấy nhiều người còn khổ hơn mình. Cho nên hễ còn có thể đóng góp được bằng tinh thần ủng hộ cho chương trình, gửi thông điệp tốt đẹp đến đồng bào nghèo thì tôi còn nhiệt tình tham gia”.

Năm 2016, khi thấy nghệ sĩ Tòng Sơn yếu nhiều mà lại một thân một mình, không nơi nương tựa, có đề xuất đưa ông vào Viện dưỡng lão nghệ sĩ TP Hồ Chí Minh. Nhưng đời nghệ sĩ lang bạt, tên ông không thuộc Hội Nghệ sĩ nên không đủ tiêu chuẩn vào Viện. Về sau, ông ở nhờ nhà cô em Út ở quận Phú Nhuận và được cháu gái chăm sóc. Tiếc thay niềm vui sum họp chẳng tày gang. Sau lần bị thổ ra huyết, ông bị bệnh viện trả về nhà vì các bác sĩ không còn khả năng cứu chữa. Tang lễ của nghệ sĩ Tòng Sơn tổ chức tại Giáo xứ Tân Hòa, quận Phú Nhuận.

Rời bỏ nhân gian, ông về đoàn tụ với người vợ thảo hiền, như lời ngày xưa ông thì thầm khi vân vê tấm ảnh cưới: “Cả đời này, với bố, vợ vẫn là số một, không bao giờ có người đàn bà thứ hai thay thế được. Bố có lỗi với bả. Bố nợ bả quá nhiều, cái nợ ân tình không thể trả hết".

Mai Quỳnh Nga
.
.