Vì sao nhiều nữ văn sỹ lấy bút danh nam?

Thứ Năm, 02/12/2021, 15:21

Trái với suy nghĩ của nhiều người, thực tế cho thấy, phụ nữ trên thế giới làm nhà văn, nhà thơ cũng đã từng có một quá trình thời gian lâu như đàn ông vậy. Nhà thơ nữ đầu tiên được lịch sử văn học thế giới ghi lại là một nữ tư tế sống tại đế chế Sumer cổ đại cách đây 4.200 năm. Còn một trong những cuốn tiểu thuyết thực sự đầu tiên là quyển “Truyện kể Genji” do Murasaki Shikibu, một nữ quý tộc người Nhật sống vào hồi thế kỷ thứ X viết nên.

Ấy thế nhưng, do tư tưởng “trọng nam khinh nữ” mà không phải lúc nào các tác giả nữ cũng được đối xử một cách thật công bằng và dân chủ với những người đồng nghiệp nam của họ. Đến tận ngày nay một số nhà văn nữ vẫn buộc phải “giả dạng” làm đàn ông trong quá trình lao động nghệ thuật. Tại sao lại có chuyện tréo ngoe đến thế? Và, liệu có lời giải cho vấn đề này hay không?

Không có sự lựa chọn

Vào năm 2012, fan hâm mộ của tiểu thuyết huyễn tưởng “City of Dark Magic” phải một phen kinh ngạc khi tác giả tiết lộ danh tính thật của mình. Magnus Flyte, người mà bạn đọc vẫn nghĩ là tên tác giả, thực chất chỉ là bút danh của hai nữ nhà văn Mỹ tên là Meg Howrey và Christina Lynch. Khi được hỏi vì sao họ lại lấy một bút danh nam giới, hai tiểu thuyết gia đã thẳng thắn trả lời rằng: “Đàn ông thường chỉ mua sách do đàn ông viết. Vậy nên cách tốt nhất để lôi kéo khán giả là chúng tôi sử dụng bút danh khiến người ta nghĩ chúng tôi là nam giới!”.

Đây không phải là một câu trả lời hiếm thấy. Nữ văn sỹ Anh lừng danh J. K. Rowling có thời phải “chạy bở hơi tai” tìm nhà xuất bản cho cuốn tiểu thuyết Harry Potter đầu tiên. Cuối cùng bà làm theo lời khuyên của một người bạn và viết tắt tên “Joanne” thành “J. K.”. Nhà xuất bản ngay lập tức đồng ý nhận bản thảo của bà. Và từ đó nữ văn sỹ gắn bó cả sự nghiệp với một cái bút danh đàn ông.

không ai ngờ được văn hào george sand thật ra là một người phụ nữ tên amantine lucile aurore dupin.jpg -0
Không ai ngờ được văn hào George Sand thật ra là một người phụ nữ tên Amantine Lucile Aurore Dupin.

Hay như trước đó hơn một thế kỷ cũng ở nước Anh, ba chị em nhà Bronte xuất bản tập thơ đầu tay của mình dưới cái tên “ba anh em nhà Bell”. Nhà văn Charlotte Bronte viết trong nhật ký của mình thế này: “Chúng tôi đều ngờ ngợ rằng xã hội sẽ không dễ chấp nhận ba người đàn bà đi viết sách!”. Ngay cả trước khi sách xuất bản, tác phẩm của ba người phụ nữ ấy đã phải chịu sự kỳ thị của các nhân vật lớn trong văn đàn Anh Quốc khi đó. Phải đến khi các bà viết ra hai kiệt tác nổi tiếng là, “Jane Eyre” và “Đồi Gió Hú” thì ba chị em họ mới có thể tự tin một cách đàng hoàng đề tên thật của mình lên bìa sách.

Thật đáng ngạc nhiên khi ngành tiểu thuyết giữ thái độ kỳ thị với tác giả nữ đến tận ngày nay. Biên tập viên của Nhà xuất bản Penguin, bà Anne Sowards, giải thích: “Không phải không có trường hợp mà việc nhà văn nữ lấy bút danh nam là vô lý. Có những thể loại như khoa học viễn tưởng hay giả sử thi mà độc giả rất dễ bỏ qua sách nếu được đề tên tác giả nữ, vậy nên họ buộc phải lấy bút danh nam giới”. Bà Anne từng cộng tác với ba nữ nhà văn huyễn tưởng nổi tiếng đều dùng bút danh nam là K.A. Stewart, K.J Taylor, và Rob Thurman.

Quan điểm của những nhà xuất bản phương Tây quả thật khó hiểu trong khi sự thật là hầu hết bạn đọc (79,5% theo một cuộc điều tra của tờ The Guardians) là nữ giới. Tuy vậy, ngành văn học vẫn luôn luôn phải tìm cách “lấy lòng” độc giả nam. Vào năm 2005, hai giáo sư tại Trường đại học Queen Mary (Anh) đã khảo sát 100 nhà giáo, nhà phê bình và tác giả. Kết quả là có bốn trong số năm người trả lời rằng, quyển tiểu thuyết họ đọc gần đây nhất là do đàn ông viết. Vậy nhưng cứ một trên bốn những quyển tiểu thuyết này lại do nhà văn nữ viết.

Nhà văn John Scalzi, cựu Chủ tịch Hội Nhà văn Khoa học viễn tưởng & Huyễn tưởng Mỹ, nhận xét về vấn đề: “Các ông chủ nhà xuất bản nghĩ rằng: “À, phụ nữ thì thế nào cũng đọc sách do phái mạnh viết. Nhưng đàn ông chắc sẽ chẳng muốn đọc sách do phụ nữ viết”. Bởi vì cái lối nghĩ ấy nên họ mới hay khuyên các nữ nhà văn lấy bút danh nam giới!”.

John Scalzi còn kể câu chuyện về một người đồng nghiệp và bạn thân của ông: “Bây giờ ai ưa thích truyện kinh dị cũng biết đến Seanan McGuire, tác giả của bộ tiểu thuyết “Newflesh”. Nhưng hồi cô ấy mới viết xong phần thứ nhất đem đi nộp nhà xuất bản nào cũng không được. Phải đến khi Seanan lấy bút danh “Mira Grant” thì cuốn tiểu thuyết mới được xuất bản. Trong một lần tôi ngồi cùng Seanan trong buổi ký tặng sách, cô ấy nói với tôi: “Anh cứ nhìn xem, fan hâm mộ của tôi có cả trai cả gái. Mình cứ viết cho thật hay vào thì ai chẳng muốn đọc” Quả thật là cách nghĩ của các ông chủ nhà xuất bản chẳng đem lại lợi ích cho ai cả”.

Nhà phê bình James Dolan (Anh) có một góc nhìn tương tự: “Xuất bản là một ngành rất “đóng”. Những người giữ các chức vị cao nhất nếu không phải con cháu của thế hệ lãnh đạo đi trước thì cũng trưởng thành trong cùng môi trường đấy. Rất khó để đưa được những tư tưởng mới vào đầu họ. Họ vẫn giữ quan điểm phụ nữ không thể trở thành nhà văn chuyên nghiệp của ông bà họ. Trừ khi chúng ta thật sự “dân chủ” hoá được ngành xuất bản thì chuyện nhà văn nữ lấy bút danh nam giới sẽ vẫn còn!”.

Nói điều này không phải có ý là chỉ phụ nữ mới phải “đeo mặt nạ” khi viết sách. Ở các nước nói tiếng Anh, tác giả nam khi viết truyện lãng mạng thường hay phải lấy bút danh nữ giới. Các ví dụ nổi tiếng có Madeleine Brent (“Merlins Keep”), Jennifer Wilde (“Love's Tender Fury”, “Love Me, Marietta”), và Laura Black (“Glendraco”), v. v…

 Nhà văn, nhà viết truyện tranh người Anh Peter O'Donnell giải thích vì sao ông lấy tên bút danh là Madeleine Brent: “Tôi không phải người duy nhất làm vậy. Công chúng thường hay có quan điểm rằng, truyện tình là thứ giải trí tầm thường, chỉ phụ nữ mới đọc. Nhà văn nam nào muốn viết tiểu thuyết lãng mạn cũng phải lấy bút danh nữ giới để vừa thu hút fan hâm mộ nữ, vừa tránh “lời ra tiếng vào” đối với các tác phẩm khác họ ký tên thật”.

Một câu chuyện tương tự xảy ra cách đây không lâu đã làm xáo động văn đàn Tây Ban Nha. Carmen Mola là một cái tên mới nổi trong giới văn học Tây Ban Nha nhờ các tác phẩm truyện trinh thám đầy phá cách của mình. Theo lời tác giả tự viết giới thiệu về mình thì Carmen là một người mẹ ba con làm giáo viên môn số học và sáng tác vào thời gian rảnh.

Phải đến khi Carmen Mola lên nhận giải thưởng Premio Planeta dành cho tác phẩm “La Bestia” thì sự thật mới được phơi bày. Hoá ra đằng sau cái tên không phải là một mà tới tận ba người đàn ông: Jorge Diaz, Antonio Mercero, và Augustin Martinez. Họ đều là những tác giả, biên kịch phim truyền hình có tiếng ở Tây Ban Nha. Ba người tốn thời gian không chỉ để sáng tác mà còn để trả lời phỏng vấn, post trên mạng xã hội, v.v… nhằm xây dựng hình ảnh nhà văn nữ Carmen Mola. “Trò lừa” công phu đến mức đã có những ý kiến yêu cầu Ban tổ chức xem xét lại người nhận giải.

Đi tìm lời giải

“Gốc rễ” của vấn đề nhà văn nữ giả làm đàn ông nằm ở việc ngành xuất bản bây giờ vẫn chủ yếu do phái mạnh nắm quyền kiểm soát. Có hai cách để thay đổi tình trạng trên: Tăng cường tuyên truyền những tư tưởng nữ quyền nhắm đến đối tượng này. Hoặc thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong ngành xuất bản. Cả hai biện pháp khó thực hiện thành công ngoài thực tế vì tính “đóng” của các nhà xuất bản như đã nhắc đến ở trên.

Thế nhưng vẫn có những ý tưởng đã và đang được đưa vào thực tiễn. Từ ba năm trở lại đây, tổ chức quản lý Giải thưởng dành cho Nhà văn Nữ nước Anh đã xuất bản một số đầu sách kinh điển do các nhà văn nữ ký tên nam viết. Tổ chức phát miễn phí các tiểu thuyết như “Middlemarch” và “A Phantom Lover”, trên bìa sách viết tên thật chứ không phải bút danh của tác giả. Dự án “Reclaim Her Name” (“Trả lại tên cho cô”) này được mong đợi là sẽ thúc đẩy sự nhận thức của công chúng về đóng góp ít được người biết đến của các nhà văn nữ.

Cách đây hơn một năm, Quốc hội Anh đã chính thức phê chuẩn mở cuộc điều tra vào hiện tượng các tác giả nữ bị nhà xuất bản trả ít tiền nhuận bút hơn. Khởi đầu mọi chuyện bắt đầu từ một cuộc điều tra của nhà xã hội học Dana Beth Weinberg và nhà toán học Adam Kapelner cho thấy trung bình sách của các tác giả nữ có giá bán thấp hơn 9% so với sách của tác giả nam, nhưng tác giả nữ lại nhận được ít hơn đến 45% tiền nhuận bút. Hiện cuộc điều tra vẫn đang trong quá trình tiến hành. Mong rằng sau khi các nhà chức trách Anh công bố kết quả điều tra sẽ có những biện pháp thực chất để phá bỏ rào cản đối với các nhà văn nữ.

Lê Vũ Hội
.
.