Vang dội thanh âm trong lòng phố

Chủ Nhật, 17/11/2024, 21:59

Phố Bà Triệu luôn tràn ngập những ký ức trong tôi. Đây là con đường dài nhất (gần 2km) thuộc hai quận Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng (Hà Nội) có dốc Hàng Kèn độc đáo. Một thuở những âm thanh dàn kèn tây rộn ràng dốc phố (ngã tư Bà Triệu - Trần Quốc Toản); hay có khi cung điệu của phường bát âm than khóc những số phận long đong trọn kiếp người.

Và còn đó, những ngày chúng tôi đi bắn chim sẻ trên hàng cây hè đường. Rồi lại bất ngờ “Những cơn mưa chợt tới trên cành lá/ Mái hiên kia trú ngụ tuổi thơ tôi”.

Phố dài lắm chuyện

Những câu chuyện lan man về phố Bà Triệu, tôi được nghe NSND Doãn Châu (sinh năm 1944), ở số nhà 248 kể lại thật thú vị. Đầu tiên, ông nhớ tới ngôi nhà Thư viện Hà Nội, nơi nhà thơ Xuân Diệu hay nói chuyện về thơ tình. Nghệ sĩ nhớ như in câu thơ định nghĩa về tình yêu của Xuân Diệu rằng: “Đến như tia chớp ấy thôi/ Mà gieo trận bão kinh người trong tôi”.

9-họa si doãn châu.jpg -1
Họa sĩ Doãn Châu.

Ông kể, gốc của Thư viện Hà Nội là “Bình dân thư viện” được thành lập năm 1951, trụ sở và phòng đọc tại nhà Thủy Tạ (hồ Hoàn Kiếm). Mãi tới năm 1959 thư viện mới dọn về 47 Bà Triệu. Nay Thư viện Hà Nội hiện đại và có quy mô hoành tráng chứ không còn cảnh chật chội xếp hàng vào hội trường như thập niên 1970 nữa. Ấy thế rồi, nghệ sĩ Doãn Châu nhớ lại cảnh xập xệ của con chợ được gắn tên “Chợ Đuổi” ở cuối phố nơi gia đình ông ở. Nhìn những tòa nhà tháp đôi “Vincom Center” (số 191 Bà Triệu) sừng sững 25 tầng đối diện với Chợ Đuổi ngày nào bên góc Lê Đại Hành mà ngỡ như trong mơ vậy.

Chúng tôi đi dọc phố Bà Triệu với những ký ức dào dạt tràn về. Bất chợt nghệ sĩ Doãn Châu chỉ vào ngôi nhà đối diện với Bệnh viện Mắt Trung ương rồi cho biết, đó chính là quán cà phê Hói một thời nổi tiếng nhất Hà Nội. Quán cà phê Hói có tiếng thơm ngon hơn với một bí ẩn pha chế độc đáo nên rất thu hút khách tới uống. Có người rỉ tai bật mí rằng cà phê Hói thơm đậm vì có pha thêm chút nước mắm ngon Phú Quốc. Không ai tin nhưng vẫn tìm tới xếp hàng chờ đến lượt được ông chủ mang tách cà phê nóng hổi tới bàn. Rồi nghệ sĩ còn nhớ tới cả bà Thìn cháo lòng ở chợ Đuổi ngày ấy nay đã dọn về đâu. Ấy lại cả chuyện về dãy nhà bán lạc rang húng lìu “Bà Vân” nữa chứ. Ngỡ như phố Bà Triệu sống lại một thuở: “Ta còn em cô hàng hoa/ Gánh mùa thu qua cổng chợ/ Những chùm hoa tím/ Ngát/ Mùa thu”. (“Em ơi! Hà Nội phố” - Phan Vũ).

Cuối cùng nói về ngôi nhà của mình, nghệ sĩ Doãn Châu kể đây là nơi hội tụ nhiều thế hệ nghệ sĩ tới giao lưu. Ước mơ trở thành nghệ sĩ sân khấu đầu tiên của ông cũng bắt đầu được gieo mầm từ cậu ruột mình là nhà viết kịch nổi tiếng Hoài Giao. Hơn nửa thế kỷ qua, NSND Doãn Châu đã từng làm Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam và hiện là họa sĩ chuyên vẽ chân dung văn nghệ sĩ và những ký ức về Hà Nội. Con trai của ông là NSND Đỗ Doãn Bằng, Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam cũng phát triển tài năng thiết kế mỹ thuật sân khấu từ cái nôi nghệ thuật 248 Bà Triệu.

Dọc trên đường phố bao căn nhà bạn đồng nghiệp thân quen với NSND Doãn Châu. Ông bồi hồi nhớ lại đây là ngôi nhà của nghệ sĩ Mỹ Dung, kia là nhà của Kim Thư, Ngọc Hiền. Ông sực nhớ gần đối diện bên nhà mình còn có nghệ sĩ guitar nổi tiếng Tạ Tấn kế bên chùa Chân Tiên (số 151). Rồi bất ngờ ông dừng chân bên số nhà số 55A Bà Triệu, một địa chỉ ẩn chứa bao điều kỳ bí về họa sĩ nổi tiếng Dương Bích Liên (1924-1988). Họa sĩ là con người trầm lặng, dành cả cuộc đời mình cống hiến cho sự nghiệp nghệ thuật. Ông sống cô đơn, không gia đình vợ con nhưng đã để lại những tác phẩm lừng danh cho nền hội họa Việt Nam. Tác phẩm “Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc” của ông đoạt giải nhất năm 1980 và xếp hạng là “Bảo vật Quốc gia” năm 2017.

Con đường thơ thời gian

Chúng tôi đi trong nỗi niềm thân thương muôn nẻo vọng về. Hình ảnh mà tôi không thể quên đó là thầy giáo, nhà thơ Vũ Đình Liên (1913-1996) ở số nhà 156B, Bà Triệu. Ông luôn mang theo chiếc cặp da chứa bản thảo, cặm cụi đi trên đường phố. Nhà thơ đã gieo trong nỗi nhớ chúng tôi ngày đó với những câu thơ để đời: “Năm nay đào lại nở/ Không thấy ông đồ xưa/ Những người muôn năm cũ/ Hồn ở đâu bây giờ?”. ("Ông đồ", 1936).

Gần với gia đình nghệ sĩ Doãn Châu còn có nhà thơ Lữ Giang là tác giả bài thơ “Tiếng đàn bầu” được nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc phổ nhạc rất nổi tiếng qua giọng hát trong trẻo, đậm chất dân gian của NSƯT Kiều Hưng. Hơn nửa thế kỷ qua, bài hát luôn được các ca sĩ chọn trong các cuộc thi hát. Trong những số đó nổi trội nhất là ca sĩ Trọng Tấn đoạt giải nhất trong một cuộc thi “Tiếng hát truyền hình”. Nhà thơ Lữ Giang là một thành viên trong nhóm thi sĩ cùng phố Bà Triệu như Vân Long, Võ Văn Trực, Nguyễn Xuân Thâm và Ngô Quân Miện. Nhóm này còn có thêm nhà thơ Trần Lê Văn (ở Hàm Long) cũng hay gặp nhau để đàm đạo và đọc thơ tại ngôi nhà số 54A, gia đình nhà thơ Ngô Quân Miện,

Điều đáng chú ý, nhóm thơ Bà Triệu ở thập niên 1970-1980 ngày đó còn phải kể tới nhà thơ Quang Dũng. Ông ở cuối phố, số nhà 296 Bà Triệu, hàng ngày lên làm việc tại NXB Văn học (số 49 Trần Hưng Đạo). Nhà thơ được coi là thỏi nam châm thu hút nhiều bạn thơ đến với mình. Đó là một phong cách thơ hiện đại thể hiện một tài năng vững chãi trong nghệ thuật.

Bài thơ “Tây tiến” là đỉnh cao trong nền thơ ca mới ở nước ta. Trong thế hệ chúng tôi không ai không thuộc lòng bài thơ này. Những câu thơ của Quang Dũng luôn vang dội và gây ấn tượng sâu sắc cho tuổi trẻ. Họ đầy khát khao và tự hào với cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Không thể nào quên những hình ảnh bi hùng trong bài thơ: “Rải rác biên cương mồ viễn xứ/ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh/ Áo bào thay chiếu anh về đất/ Sông Mã gầm lên khúc độc hành”. (Tây tiến).

3-thư viện hà nội góc phố bà triệu.jpg -0
Thư viện Hà Nội góc phố Bà Triệu.

Tôi chợt nhớ, ở cùng khu nhà tập thể 54 Bà Triệu với nhà thơ Vân Long còn có nhà văn Trần Huy Quang. Sau này nhà văn Trần Huy Quang chuyển công tác về làm việc tại Báo Văn nghệ. Ông nổi tiếng với loạt phóng sự “Ông Vua lốp” vào năm 1986. Đáng chú ý, tại tòa soạn Báo Đại đoàn kết (số 66 Bà Triệu) cũng là nơi xuất hiện những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng làm việc trong nhiều năm tại đây.

Đầu tiên phải nói tới nhà thơ Xuân Thủy rồi kế tới nhà văn Trần Đình Vân. Tiếp sau là nhà văn Trần Bảo Hưng, nhà thơ Lê Quang Trang và nhà thơ Hồng Thanh Quang. Âm thanh tiếng đàn bầu luôn vọng đâu đây từ một góc phố thân quen. Mỗi bước chân dạo trên đường Bà Triệu chúng tôi lại được sống với những ký ức vẫn còn tươi xanh như ngày nào.

Giọng hát của ca sĩ Thúy Hà nổi bật trong thập niên 1980 vẫn còn vang vọng từ ngôi “Trường âm nhạc quần chúng” ở số nhà 33 Bà Triệu. Nhiều người luôn nhớ tới ca khúc “Trước ngày hội bắn” với giọng hát cao vút của Thúy Hà. Nếu tính thêm những địa chỉ và nơi ở của họa sĩ Nguyễn Quang (Quang gốm) ở số nhà 95, Đào Hải Phong (số 139)… Quả nhiên đường Bà Triệu xứng danh là phố trung tâm văn nghệ sĩ Hà Nội hiện nay.

Nhịp phố nơi cửa ô

Chuyến dạo phố của chúng tôi dừng chân tại chùa Chân Tiên, nơi có 57 pho tượng được tạc từ thời Lê và Nguyễn. Đặc biệt, chùa còn có 237 bản khắc gỗ in sách kinh Phật được lưu giữ hàng trăm năm qua. Tiếng chuông chùa gióng giả ngân nga thật bình an nơi góc phố. Hình ảnh ông đồ xưa cũ bỗng hiện về bên sân chùa. Ông đang thảo chữ “Phúc”, chữ “Hiếu”, chữ “Tâm”. Không gian tĩnh lặng trầm sâu trong những đóa hoa thiền tự.

Dường như ông đồ tĩnh tại trong tâm linh cuộc đời nơi cửa Phật, cho dù:“Ông đồ vẫn ngồi đấy/ Qua đường không ai hay/ Lá vàng rơi trên giấy/ Ngoài trời mưa bụi bay”. (Vũ Đình Liên). Nhưng ngoài kia con phố vẫn hối hả vang dội những thanh âm trên lòng đường. Nhịp phố luôn rộn rã với những chuyến xe đi về phía cuối con đường (Đại Cồ Việt). Nơi đây có những ngã rẽ về phía nam thành phố qua Ô Cầu Dền, Ô Đồng Lầm như một kết nối mọi cung đường vạn lý tới trung tâm hồ Hoàn Kiếm.

Vương Tâm
.
.