Từ Đồng Lộc đến Truông Bồn

Thứ Bảy, 20/07/2024, 09:26

Ngày 1 tháng 7 năm 2024, Ban Quản lý Khu Di tích Truông Bồn trên địa bàn huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An đã tiến hành dựng bia đá khắc bài thơ “Khúc tưởng niệm liệt sĩ Truông Bồn” của tôi - nhà thơ Vương Trọng. Trước đó 26 năm, năm 1998, ở Khu Di tích Đồng Lộc trên địa bàn huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh đã khắc dựng bài thơ “Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc” của tôi.

Như vậy trên hai khu di tích lịch sử lớn của đất nước ta, tôi đã có hai bài thơ thường trực với linh hồn của hơn hai nghìn liệt sĩ Thanh niên xung phong, quân đội và đồng bào đã ngã xuống trên hai vùng đất ác liệt này.

Từ Đồng Lộc đến Truông Bồn -0
Nhà thơ Vương Trọng tại khu di tích Đồng Lộc.

Đầu năm 1965, không quân Mỹ mở rộng phạm vi đánh phá ra các vùng thuộc địa bàn Quân khu 4, thì Đồng Lộc và Truông Bồn trở thành hai trọng điểm hứng chịu bom đạn địch. Để bảo đảm con đường vận tải chuyển quân và chuyển vũ khí, hàng hóa vào Nam, trên mảnh đất Ngã ba Đồng Lộc bé nhỏ đã có gần một ngàn liệt sĩ, còn ở Truông Bồn và vùng phụ cận, 1.240 người đã ngã xuống. Cuối chiều ngày 24 tháng 7 năm 1968, mười cô gái Thanh niên xung phong đã hy sinh vì bom vùi ở Đồng Lộc, thì 99 ngày sau, vào rạng sáng ngày 31 tháng 10 năm 1968, 13 chiến sĩ Thanh niên xung phong gồm 11 nữ, 2 nam đã hy sinh ở Truông Bồn.

Năm 1995, sau khi mười liệt sĩ ở đây hy sinh đã 27 năm, tôi mới có dịp về thăm Đồng Lộc và sáng tác bài thơ “Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc”. Ở bài thơ này, tôi không nói cảm xúc của nhà thơ khi đến nghĩa trang, mà nói lời thỉnh cầu của mười liệt sĩ với những người đến viếng. Ở đây tôi muốn ca ngợi thêm một lần nữa phẩm chất anh hùng của các liệt sĩ: luôn luôn nghĩ về người khác, mà ngày xưa các cụ thường gọi tấm lòng vị tha. Trước hết là nghĩ về những liệt sĩ khác không có mộ phần ở Đồng Lộc, rồi đến chuyện trồng cây, bón chăm mùa màng… đều vì những người đang sống. Còn đối với các cô thì chỉ mong khu nghĩa trang có vài cây bồ kết, để người đến viếng đốt hương cùng quả bồ kết, để hai thứ hương thơm ấy hòa quyện tắm gội cho linh hồn các cô, bởi “Nằm xuống mộ rồi mái đầu chưa kịp gội”!

Ba năm sau, năm 1998 thì bài thơ được khắc vào đá và hai cây bồ kết được trồng vào nghĩa trang. Điều đáng nói là người khắc thơ lần đầu tiên và trồng hai cây bồ kết là Đại tá Nguyễn Tiến Tuẫn, một trong ba anh hùng lực lượng vũ trang có thành tích trên địa bàn Đồng Lộc.

Từ khi có thơ khắc vào bia đá ở Khu Di tích Đồng Lộc, tôi cảm thấy mình có nợ với Truông Bồn. Truông Bồn thuộc huyện Đô Lương của tôi, cách nhà tôi chỉ mười lăm cây số, mà thuở xưa cuối năm dân làng tôi vẫn đến đó cắt cỏ về cho trâu bò “ăn tết”.

Năm 2014, khi Khu Di tích Truông Bồn xây dựng đã gần xong, tôi có chuyến đi thực tế khu vực này và đọc lại những trang bút ký, đặc biệt là hai quyển sách của nhà văn Trần Huy Quang và nhà báo Hoàng Chỉnh, tôi thật sự xúc động và muốn truyền sự xúc động đó đến với người đọc. Tôi nghĩ tới thể loại văn tế. Văn tế có khả năng chuyển tải chi tiết, sự kiện... không kém bút ký, đồng thời có thể truyền xúc động hơn cả thơ trữ tình. Và khi làm xong bài thơ với thể văn tế này, tôi nghĩ sự lựa chọn thể loại của mình là chính xác, khi đọc lại những câu:

Từ Đồng Lộc đến Truông Bồn -1
Bài thơ khắc trên bia tưởng niệm tại khu di tích Truông Bồn.

Bữa ăn muộn quây quần trận địa, bờ hố bom mì luộc thay cơm/ Giấc ngủ khuya chen chúc chỗ nằm, đáy hầm kèo rơm khô lót ổ”, hay: “Bảy chiến sĩ tung lên trong tiếng nổ, xót xác người tan giữa trời cao/ Sáu sinh linh nằm sâu dưới bãi bom, đau thi thể vùi trong đất đỏ”. Sự thật chọn thể loại văn tế để viết đề tài này đến với tôi không phải ngẫu nhiên, mà từ lâu tôi đã có ý muốn góp sức mình để làm sống lại thể loại văn tế hơn nửa thế kỷ qua đã vắng bóng trên thi đàn.

Một điều vui là ý tưởng trồng cây bồ kết ở Đồng Lộc đã lan sang Truông Bồn. Hiện tại ở Truông Bồn đã có trên bốn chục cây bồ kết, làm thành một đồi bồ kết tốt tươi, mà phần lớn thân cây đều to hơn hai cây ở nghĩa trang Đồng Lộc!

Nhân dịp này tôi muốn chúng ta cùng đọc lại hai tác phẩm đó và thấy được hình ảnh trên bia đá ở hai khu Di tích Thanh niên xung phong Đồng Lộc và Truông Bồn!

Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc

Mười bát nhang, hương cắm thế đủ rồi
Còn hương nữa, dành phần cho đất
Ngã xuống nơi này đâu chỉ có chúng tôi
Bao xương máu mới làm nên Đồng Lộc
Lòng tưởng nhớ xin chia đều khắp
Như cỏ trong thung, như nắng trên đồi.

Hoa cỏ may khâu nặng ống quần, kìa!
Ơi các em tuổi quàng khăn đỏ
Bên kia mộ, xếp hàng nghiêm trang quá
Thương các chị lắm phải không? Thì hãy quay về
Tìm cây non trồng lên đồi Trọ Voi và bao vùng đất trống
Các chị nằm còn khát bóng cây che.

Hai mươi bảy năm qua, chúng tôi không thêm một tuổi nào
Ba lần chuyển chỗ nằm, lại trở về Đồng Lộc
Thương chúng tôi, các bạn ơi, đừng khóc
Về bón chăm cho lúa được mùa hơn
Bữa ăn cuối cùng, mười chị em không có gạo
Nắm mì luộc chia nhau rồi vác cuốc ra đường.

Cần gì ư?- Lời ai hỏi trong chiều
Tất cả chưa chồng và chưa ngỏ lời yêu
Ngày bom vùi tóc tai bết đất
Nằm xuống mộ rồi, mái đầu chưa gội được
Thỉnh cầu đất cằn cỗi nghĩa trang
Cho mọc dậy vài cây bồ kết
Hương chia đều trong hư ảo khói nhang.

                              Đồng Lộc, 5/7/1995

Khúc tưởng niệm liệt sĩ Truông Bồn

Gió thông ru giấc ngủ vĩnh hằng
Hương khói quyện lòng người nức nở
Ngàn hai liệt sĩ dứt cõi trăm năm (*)
Mười ba linh hồn nương cùng một mộ
Khác xóm làng, khác biệt giờ sinh
Chung trận địa, chung nhau ngày giỗ!

Nhớ linh xưa
Từ giã ruộng nương
Kết thành đội ngũ
Vũ khí là xẻng cuốc, đã từng quen cán bỏng tay phồng
Chiến trường ấy cầu đường, chẳng xa lạ bom rơi đạn nổ.
Cháy xe như cháy thịt, chiến sĩ lái xe vượt quầng lửa điên cuồng
Đứt đường tựa đứt gân, chị em vá đường chấp tiếng gầm hùng hổ.
Đến ấm áp tình em tình chị, lá thư nhà cùng đọc cùng nghe
Qua thẫn thờ nỗi mẹ, nỗi quê, căn hầm lạ đêm buồn đêm nhớ.
Nước nhút, quả cà
Rau lang, ngọn đỗ
Bữa ăn muộn quây quần trận địa, bờ hố bom mì luộc thay cơm
Giấc ngủ khuya chen chúc chỗ nằm, đáy hầm kèo rơm khô lót ổ…

Ba năm gian khổ, hiểm nguy
Một sáng ngỡ ngàng, mừng rỡ:
Xứ Nghệ sắp thoát khỏi đạn bom
Truông Bồn sẽ nằm ngoài vĩ độ
Khao khát lắm con về với mẹ, dọi mái nhà che nắng, che mưa
Hạnh phúc sao chị lại cùng em, chăm thửa ruộng trồng khoai, trồng đỗ
Ba năm gần đã bao kỷ niệm, quyến luyến sao đồng đội chiến tranh
Một ngày xa ắt lắm nhớ thương, dằng dặc lắm con đường sỏi đỏ.

Đêm 30, lời bịn rịn chia tay
Sáng 31, buổi cuối cùng nhiệm vụ
Kẻng báo động vừa nghe vài tiếng, đinh tai phản lực cuồng điên
Hầm trú thân mới chạy một thôi, lóa mắt bom chùm tọa độ
Mặt đất đung đưa
Khung trời sụp đổ
Tan khói bom vắng biệt bóng người
Tìm đồng đội gặp toàn miệng hố!
Bảy chiến sĩ tung lên trong tiếng nổ, xót xác người tan giữa trời cao
Sáu sinh linh nằm sâu dưới bãi bom, đau thi thể vùi trong đất đỏ
Tìm đâu được thịt xương đà tan biến để phân chia riêng biệt từng người
Nhớ đinh ninh đồng đội chết chẳng rời đành gom lại chung nằm một mộ.

Đất hay
Trời rõ:
Sống cho nước, xả thân vì nước, để muôn đời ngào ngạt danh thơm
Chết vì dân, chiến đấu cho dân, lưu vạn thuở rạng ngời gương tỏ
Mãi dìu dặt lời ca Ví Giặm, công anh hùng thống nhất giang sơn
Còn ngân vang câu hát Đò Đưa, máu liệt sĩ vẹn toàn lãnh thổ.

Em nhỏ Cà Mau
Cụ già Trà Cổ
Đến Xứ Nghệ thăm vùng đất nổi tiếng ngàn năm
Về Truông Bồn dâng nén nhang viếng người thiên cổ!

                                                                     15/4/2015

--------

(*) Trong cuộc chiến tranh phá hoại của không quân Hoa Kỳ, ở khu vực Truông Bồn, đã có 1.240 chiến sĩ hy sinh.

Vương Trọng
.
.