TS. Phạm Việt Long, văn nhân nặng lòng với văn hóa dân tộc

Thứ Sáu, 30/08/2024, 14:07

Tôi đến tư gia thăm nhà văn, TS. Phạm Việt Long sau ngày cơ quan cũ của ông tổ chức ra mắt “Tín ngưỡng thờ mẫu từ góc nhìn văn hóa”, NXB Dân Trí năm 2024. Ông tặng tôi tập sách, hay nói đúng tầm là công trình nghiên cứu này. Sách dày đến gần 600 trang, bìa cứng, trang trọng.

TS. Phạm Việt Long, luôn ôn tồn, nhẹ nhàng; gần gũi, chân thành. Phòng khách nhà ông có chiếc loa nghe nhạc từ đĩa than cổ, ông nâng niu, gìn giữ. Nhiều vật dụng khác tại tư gia ông ăm ắp “thông điệp” văn hóa.

Ở tuổi gần bát thập, nhưng TS. Phạm Việt Long vẫn làm việc, tư duy không ngừng nghỉ, có sản phẩm; chứ không “chơi dài” như tôi.

TS. Phạm Việt Long, văn nhân nặng lòng với văn hóa dân tộc -1
TS. Phạm Việt Long.

Nhớ lại thời cả nước gồng mình lên đối mặt với “kẻ thù” COVID-19. Thời điểm TP. Hồ Chí Minh trở thành tâm dịch, tôi bất ngờ trước việc ông gửi link bài hát “Vì thành phố mang tên Bác” phổ thơ tôi, qua giọng hát của Hiền Anh Sao Mai.

Dù lớn tuổi nhưng trước hoàn cảnh “cam go”, dịch giã ập đến, ông vẫn “xung trận” theo cách của mình. Bài hát của ông, cùng với các nhạc phẩm thời đó của các nhạc sĩ Việt Nam, cất lên lòng tin và hy vọng, rằng thành phố mang tên Bác sẽ trở lại bình yên.

*

TS. Phạm Việt Long, nguyên Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), trước hết là một nhà văn. Ngồi nói chuyện bên ông, khi mùa thu năm 2024 đã rón rén về với Hà Nội, tôi nhận ra nhiều “giai điệu cuộc đời” trong “bản nhạc” mang tên Phạm Việt Long.

Giai đoạn từ năm 1966 đến 1968, khi tôi còn bé tẹo, Phạm Việt Long đã hoàn thành lớp lý luận tân văn; sau đó, làm phóng viên tại nhiều địa phương như Hà Nội, Hải Dương, Sơn La. Từ năm 1968 đến 1975, ông xung phong đi chiến trường, làm phóng viên Thông tấn xã giải phóng tại Bình Định, Quảng Nam, Đà Nẵng; đồng thời là biên tập viên tại Thông tấn xã giải phóng Khu V. Giai đoạn 1973 - 1975, ông phụ trách Tiểu ban Thông tấn xã giải phóng. Bên ông, cho đến bây giờ vẫn ngờm ngợm khói lửa chiến trường những năm tháng đó.

Năm 1975, Phạm Việt Long ra Bắc, trở lại công tác tại Thông tấn xã Việt Nam. Do hoàn cảnh lịch sử phải “gói ghém” ước mơ làm hành trang vào chiến trường, năm 1977, ông mới được vào Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Cùng lứa với ông có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và người bạn tâm giao Phạm Văn Kinh, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, nguyên Giám đốc kiêm Tổng Biên tập Đài Phát thanh và Truyền hình Khánh Hòa.

Khi ra dự lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Phạm Văn Kinh có đến thăm TS. Phạm Việt Long. Bên bàn trà ôn lại kỷ niệm thời chiến tranh ở Khu V, ông Phạm Văn Kinh dành không ít sự kinh ngạc về sức làm việc của người bạn vong niên, đồng nghiệp, đồng chí của mình.

Sau khi tốt nghiệp Đại học, từ 1981 đến 1992, Phạm Việt Long về “đầu quân” tại Văn phòng Bộ Văn hóa - Thông tin. Từ chuyên viên, ông phấn đấu trưởng thành; năm 1998 đến 2003, ông là Chánh Văn phòng Bộ, kiêm Chủ nhiệm - Tổng biên tập mạng CINET. Trong thời gian này, Phạm Việt Long hoàn thành luận án tiến sĩ với đề tài: “Tục ngữ, ca dao về quan hệ gia đình”. Từ năm 2003 đến 2006, ông là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Phát hành sách Việt Nam (sau này là Tổng công ty Sách Việt Nam).

TS. Phạm Việt Long, văn nhân nặng lòng với văn hóa dân tộc -0
Bìa sách “Tín ngưỡng thờ mẫu từ góc nhìn văn hóa”.

Những đóng góp bền bỉ của TS. Phạm Việt Long được vinh danh với nhiều phần thưởng và danh hiệu; trong đó có Huân chương Kháng chiến hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Nhì (2007), Chiến sĩ thi đua cấp ngành (2003).

Từ năm 2006, dẫu đã nghỉ hưu, ông vẫn được giới thiệu làm Tổng biên tập một số cơ quan báo thuộc lĩnh vực văn hóa, văn hiến; đồng sáng lập Nhà xuất bản Dân trí, sáng lập Viện nghiên cứu Văn hóa và Phát triển, Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển. TS. Phạm Việt Long là tấm gương “hưu” nhưng làm việc không ngừng nghỉ, luôn tươi xanh khát vọng.

*

TS. Phạm Việt Long là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Đọc tác phẩm của ông, tôi nhớ mãi truyện ngắn “Phong lan về trời” in trong tập truyện ngắn “Phong lan về trời” của ông, NXB Dân Trí, năm 2020. Truyện ngắn giàu tính tự truyện.

Vườn nhà ông có một giò lan tím. Khi giò phong lan ra được nhành hoa tím, cánh mịn như nhung, hàng ngày ông lên sân thượng trò chuyện như với một người bạn. Ngắm nhìn giò lan, ông gặp lại mình thời trẻ trai, khỏe mạnh và đầy nhiệt huyết tham gia cuộc hành quân vĩ đại của dân tộc vượt Trường Sơn đi cứu nước.

“Và tôi đã gặp em, như một định mệnh để xây dựng hạnh phúc riêng tư. Ở hai cơ quan khác nhau chúng tôi thường gặp nhau vào buổi trưa, trên một triền dốc, cách cơ quan khoảng 30 phút đi bộ... Giò phong lan trở thành người bạn của chúng tôi. Từ trên cao ấy, những nhành lan tím chứng kiến hạnh phúc của chúng tôi, trong những cuộc hẹn gặp ngắn ngủi...”, (trang 112, 113). Nhưng rồi đơn vị bị B52 ném bom. Dẫu bom không ném trúng đơn vị trú quân, nhưng giò phong lan, nhân chứng của tình yêu của hai người đồng chí biến mất.

Chiến tranh luôn vậy, luôn “không phải trò đùa”, không chết chóc về nhân mạng, cũng hủy hoại sinh thái, là kẻ thù của văn hóa, vẻ đẹp. Truyện ngắn “Phong lan về trời” là truyện ngắn về đề tài hậu chiến, là thông điệp về hòa bình, nhân ái.

Đọc văn chương của nhà văn Phạm Việt Long, nhận ra ông tình yêu đa dạng sinh học, cân bằng sinh thái nhưng cũng không thiếu tính thời sự từ hiện thực. Đó là “Lánh nạn phóng sinh”, “Thỏa hiệp với chuột”, “Hơi ấm rừng chò”, “Huyền thoại đầm Bạch Liên”... Ông là ngòi bút nhân hậu, mang nặng suy tư.

Cho đến nay, nhà văn Phạm Việt Long đã có một “gia tài” kha khá với 2 tiểu thuyết “B trọc”, “Giã từ”; 3 tập truyện ngắn và và 3 tập ký. Đáng kể nhất trong số đó là tiểu thuyết “B trọc” xuất bản lần đầu năm 1999, đã được tái bản 5 lần và mang về cho ông một số “thành tựu”: Giải B của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam (năm 2000), Giải B Trương Hán Siêu của tỉnh Ninh Bình (năm 2002). Tác phẩm này cũng đã được chuyển thể thành phim truyện truyền hình dài 4 tập với tên “Nhật ký chiến trường”.

Ngoài đề tài chiến tranh, hậu chiến, nhà văn Phạm Việt Long còn viết cho thiếu nhi. Bộ truyện cổ tích thời hiện đại “Bi Bi và Mặt Đen”, năm 2016 của ông nhận được “Giải ba sách hay” Giải thưởng sách Quốc gia lần thứ nhất (năm 2018).

Nhà văn Phạm Việt Long còn là hội viên Hội Văn hóa dân gian và là một tiến sĩ chuyên ngành văn hóa đúng nghĩa. Ngoài tác phẩm văn học, trên lĩnh vực văn hóa, ông còn 6 tác phẩm nghiên cứu chuyên sâu. “Tín ngưỡng thờ Mẫu từ góc nhìn văn hóa” mà tôi đang cầm trên tay là tác phẩm mới nhất. Với tư cách là nhạc sĩ - Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, “gia tài âm nhạc” của ông có đến 150 tác phẩm, trong đó có “Tâm sự người làm báo”, một tác phẩm có sức lan tỏa khá sâu rộng trong đời sống.

*

Khi tôi hỏi TS. Phạm Việt Long, căn nguyên nào ông nâng niu, tâm huyết dành thời gian cho tín ngưỡng thờ Mẫu. “Tôi có thời gian dài nghiên cứu và quản lý về văn hóa. Tín ngưỡng thờ Mẫu là văn hóa rất đặc biệt của người Việt, sao không nghiên cứu, nâng niu?!”, TS. Phạm Việt Long trả lời, hiền hậu.

Cho đến nay đã 8 năm UNESCO ghi danh Tín ngưỡng thờ Mẫu là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”. Liên hợp quốc và giới nghiên cứu văn hóa thế giới đánh giá thờ Mẫu Việt Nam là một tín ngưỡng bản địa lâu đời, lấy việc tôn thờ Mẫu (Mẹ) làm thần tượng với các quyền năng sinh sôi, bảo trợ và che chở cho con người. “Thông qua tín ngưỡng này, người phụ nữ Việt Nam đã gửi gắm những ước vọng giải thoát của mình khỏi những thành kiến, ràng buộc của xã hội Nho giáo phong kiến”, TS. Phạm Việt Long chia sẻ.

Tuy nhiên, giữa việc thờ Nữ thần, Thánh Mẫu, Thánh Cô, Mẫu tam phủ, tứ phủ không hoàn toàn đồng nhất, mà có sự khác biệt về quyền năng, địa vị, phân cấp thứ bậc riêng. Trên thực tế, đang có nhiều vấn đề như thử nghiệm xây dựng giá hầu đồng liên quan đến các nhân vật sử thi, anh hùng; hát văn và hầu đồng đang bị biến tướng, thương mại hóa... “Điều đó, cho thấy phải nghiên cứu một cách nghiêm túc, khoa học”, TS. Phạm Việt Long khẳng định.

Chia tay TS. Phạm Việt Long trong buổi chiều áp thấp nhiệt đới sụt sùi, tôi cứ nhớ mãi lời ông nói: “Chú nhớ cho, về Tín ngưỡng thờ Mẫu, ngoài công trình của tôi, cho đến nay đã có 25 nghiên cứu của các tác giả trong nước, 13 nghiên cứu của các tác giả ngoài nước; tuy nhiên chúng ta phải tiếp tục”.

Đúng thế, cần phải được nghiên cứu. Tín ngưỡng thờ Mẫu có trở thành một tôn giáo hoàn toàn Việt Nam hay không, nhiều vấn đề về pháp lý, khoa học cần được giải quyết thỏa đáng.

Ngày 15/8/2024

Sông Nghèn
.
.