Trinh nữ - "như một niềm ấp ủ"!
Đầu những năm 80 thế kỷ trước, lính chúng tôi nằm bờ ngủ bụi giúp nhân dân Campuchia hồi sinh. Quen thuộc nhất là những bụi cây trinh nữ, lại nhớ về bài thơ "Cây xấu hổ" của Anh Ngọc viết trong thời chống Mỹ (5/1972). Càng thấy nhà thơ miêu tả tinh tế đặc trưng loài thảo mộc: "Khi bất chợt thoảng một bàn chân lạ/ Cây vội vã nhắm nghìn con mắt lá/ Nhựa dồn lên cành khẽ ngả như chào".
"Con mắt lá" vừa tả dáng chiếc lá giống như hình con mắt vừa như thổi hồn người vào cây vốn mọc hoang dại đầy bờ bụi khắp nơi, trong rừng, trên đầm cạn, bờ đất... Nhưng thú vị nhất là nói lên đặc trưng lá khép lại như "mắt" ngủ. Câu thơ làm "xôn xao" những tâm hồn giữa lúc chẳng thể vui, vì xa nhà, đã thế lại căng thẳng trong không gian sống chết. Quả là thơ ca gắn kết tâm hồn với cuộc đời.
Giữa thiên nhiên và tâm hồn người lính tạo ra mối đồng cảm đặc biệt: "Anh lính trẻ bỗng quay đầu tủm tỉm/ Cây đã hé những mắt tròn chúm chím/ Đang thập thò nghịch ngợm nhìn theo". Ai đó "tủm tỉm" là khi vừa phát hiện ra điều gì ngộ nghĩnh, vui vẻ, bất ngờ. Hai chữ này không thể thay thế. "Chúm chím", tượng hình sự vật hồn nhiên đang hoạt động co lại, giãn ra. "Nghịch ngợm" dành cho trẻ con vô tư vui vẻ. Những câu thơ như vậy là hành trang tinh thần đời lính chúng tôi!

Chưa hết. Còn là những câu thơ ca ngợi tinh tế tâm hồn nghệ sĩ yêu, trân trọng cái đẹp của người lính: "Giữa một vùng lửa cháy bom rơi/ Cây hiện lên như một niềm ấp ủ/ Anh lính trẻ hái một cành xấu hổ/ Ướp vào trong trang sổ của mình". Nếu thời nhà thơ quân đội Anh Ngọc chiến đấu trong "lửa cháy bom rơi", thì thời chúng tôi không "bom rơi" nhưng "lửa cháy" có thể bất kỳ lúc nào. Vì tàn quân địch vẫn đang rập rình "phun lửa"…
Hai chữ "ấp ủ" rất gợi. "Ấp ủ" niềm hy vọng bình yên, được sống, được "chúm chím", "nghịch ngợm"… với người hay "xấu hổ". Thế mà không hiểu sao, sau này Đại tá, nhà thơ Anh Ngọc (sinh 1943, quê Nghi Trung, Nghi Lộc, Nghệ An) hơn một lần nói "xấu hổ" vì "cây xấu hổ", tức có ý phủ nhận bài thơ - đứa con tinh thần. Âu đấy cũng là chuyện hay dở thường tình trong tiếp nhận văn chương. Khi tác phẩm ra đời, sẽ có đời sống độc lập, chính tác giả cũng chỉ là một bạn đọc với thẩm quyền riêng.
"Sự tích hoa trinh nữ" của người Việt kể, ở tại vùng đất nọ vì chiến tranh liên miên nên trai tráng phải đi lính. Một gia đình có hai đời cha và con đều ra trận nhưng chẳng trở về. Người bà và người mẹ cầu mong đứa cháu, đứa con gái duy nhất sau này không phải như mình. Họ tìm mọi cách ngăn con/cháu mình không tiếp xúc với ai là lính. Nhưng sự đời thì ngược lại. Cô đã đính hôn với một anh lính. Họ hẹn nhau ngày trở về làm hôn lễ.
Ngoài mặt trận, anh lính hết mình lập công giết giặc. Thấy anh trẻ đẹp, tài giỏi, gan dạ, nhà vua bèn phong anh làm tướng hộ vệ, luôn bên cạnh vua. Từ đó anh vừa là "cái khiên" che chắn "mũi tên hòn đạn", vừa là "thanh kiếm" sẵn sàng trừng phạt kẻ thù hoặc những ai chống lệnh vua. Rất mực trung thành, tận tâm, hết mình đến tuyệt đối, vua phong thưởng anh rất hậu. Lên cấp cao hơn. Tiền của không thiếu… Nhưng tiếc thay, anh dần dần trở thành cái máy, công cụ cho nhà vua.
Mười bảy năm sau, hết giặc, anh được vua cho phép về cưới vợ…
Trời ơi, mười bảy năm! Đó là khoảng thời gian khủng khiếp với ba người phụ nữ nọ. Người con gái đau khổ bao nhiêu thì người mẹ, người bà lo lắng, bất an bấy nhiêu. Mười bảy năm, với đời người đã dài, với đời người con gái là quá dài. Ngoài ba mươi, cô gái "đã toan về già". Cứ tưởng cặp tình nhân này gặp gỡ sẽ là niềm hạnh phúc nhất thế gian… Nhưng ngược lại.
Vì phải tiếp xúc với cảnh chém giết, vì quen với gươm đao, quen nghe lệnh… Anh biến thành một con người hoàn toàn khác. Cái nhìn của anh lạnh lẽo. Cái ôm người yêu của anh rất chặt nhưng chỉ là sức mạnh vật lý nên không ấm áp, mà như gông cùm… Cô gái không khóc trong chờ đợi. Mà khóc trong nỗi thất vọng.
Lễ cưới linh đình diễn ra. Vua ban đai vàng kiếm bạc cho chú rể, ban áo tím cho nàng dâu. Đêm tân hôn anh bước vào buồng cưới vẫn đeo đai vàng, kiếm bạc. Anh không kể về tình yêu cùng nỗi nhớ cồn cào… Mà kể cảnh giết người, máu chảy… Cô dâu càng thêm đau khổ. Cô xin chồng mỉm cười như ngày xưa đã từng mỉm cười. Nhưng anh không cười được. Vì đã quen nghe lệnh và ra lệnh. Họ lên giường cưới. Nhưng người chồng không làm việc yêu mà chỉ kể chuyện cảnh đâm chém... Thất vọng đến tận cùng, nàng càng cảm thấy mùi vị người chồng mang mùi tanh của máu…
Đây là một trong những câu chuyện hay nhất về chủ đề lên án chiến tranh. Không hề có cảnh bom rơi đạn nổ mà vẫn cảm thấy cái dữ dội kinh hoàng của nó. Đứng từ bình diện con người, đi sâu vào số phận con người, câu chuyện là tiếng thét nhức nhối với cả nhân loại: hãy dừng lại chiến tranh. Nếu không, con người sẽ không được sống. Vì phụ nữ sẽ chết mòn trong chờ đợi, thất vọng và đau khổ. Còn đàn ông sẽ bị tha hóa, sẽ trở thành sắt thép lạnh lùng. Chiến tranh sẽ triệt tiêu nhân tính con người!
Với ý nghĩa ấy thì cô gái sẽ chết. Quả vậy. Người chồng bỏ đi. Không còn là thẫn thờ, đau khổ nữa, người vợ như hóa đá, câm nín và lạnh lẽo. Nàng chết khi vẫn còn là trinh nữ trong tư thế hai tay che mặt như che đi nỗi đau buồn không thể bày tỏ cùng ai, hay như muốn giấu đi nỗi cùng cực thất vọng, khi mang tiếng với thiên hạ là có chồng mà không được làm vợ… Người ta đến cố gỡ tay nàng nhưng không được… Ít ngày sau, trên mộ nàng mọc một loài cây lòa xòa, mỗi khi có tiếng động, những chiếc lá xanh bối rối như giật mình khép lại, như bàn tay che mặt. Hoa nở tròn tim tím ngỡ ngàng, run rẩy… Người đời đặt tên hoa xấu hổ, còn gọi là trinh nữ.
Là loài cỏ dại vùng nhiệt đới thường sinh sống vùng râm mát, có tên khoa học là Mimosa pudica, dân gian gọi là cây xấu hổ, cây mắc cỡ, cỏ thẹn, có đặc điểm các lá kép gập vào trong và cụp xuống mỗi khi bị chạm vào, mở lại vài phút sau. Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh có nhạc phẩm để đời "Hoa trinh nữ" mượn lời một người lính để "cổ tích hóa" hình tượng: "Có ông vua trẻ xuất binh qua rừng dẹp quân xâm lấn/ Khi vua kéo quân về tình cờ gặp một giai nhân/ Vua xao xuyến tâm hồn vời nàng về chốn hoàng cung/ Truyền cho khắp nhân gian đem lụa là đến cho nàng/ Trên ngôi cao chín từng hoàng hậu đẹp hơn ánh sao".
Bài hát đi vào lòng người nhờ giai điệu đẹp nhẹ nhàng, chất nhạc bâng khuâng, chứ nội dung thực ra cũng "thường thường", có phần hơi "sến". Cơ bản nhất là có điểm tựa vào "mẫu gốc" cây hoa trinh nữ để "kiến tạo" một mô hình mới là một người lính đang hành quân tưởng tượng về "ông vua trẻ". Những câu chuyện như thế ai cũng có thể nghĩ ra, nhưng, như đã nói hình tượng được nhạc chắp cánh bay vào bầu trời ước mơ của bạn đọc, đậu ở đó bông hoa trinh nữ hồng tím e ấp, lấp lánh ánh sao, nên thuyết phục người nghe.
Cũng phải khẳng định lời hát có những khám phá tinh tế đúng với đặc trưng đối tượng: "Nâng nhẹ một cây lá xếp trong tay lá ngủ thật mê say/ Ngỡ đôi mi dày khép đêm trăng đầy cài then cung ái/ Tôi nghe thoáng qua hồn mình vừa thành một quân vương/ Quân vương giữa hoa rừng lòng bàng hoàng nhớ người thương/ Và mong ước mai sau khi tan giặc nước vua về/ Cho giai nhân ngóng đợi chỉ một cành trinh nữ thôi".
"Ngỡ đôi mi dày" là một so sánh ngỡ ngàng bởi liên tưởng "lá" khép giống như mắt "giai nhân" đang đợi chờ… "quân vương". "Khép đêm trăng đầy" hơi lạ. Đặt trong cấu trúc với "cài then cung ái" có thể hiểu khép lại không gian vật lý ngoài trời mở ra không gian tâm lý bên trong: đêm nồng nàn hạnh phúc của cặp tình nhân lý tưởng: quân vương và giai nhân. Trên đời này, có chàng trai nào chẳng hơn một lần mong ước trở thành "quân vương"? Thế nên biết bao chàng gửi lòng mình theo bài hát…
Thế là cây xấu hổ/trinh nữ đã "nở" ra hai bông hoa đẹp, một thơ, một nhạc.
Ở Đà Lạt, và chỉ có ở Đà Lạt có một loài hoa trinh nữ khác, gọi là trinh nữ hoa vàng - gốc gác từ nước Úc, chắc do người Pháp đưa sang (?). Tên gốc là hoa Mimosa (acacia podalyriaefolia), họ "Mimosaceae" hình cầu giống hoa trinh nữ. Theo "lý giải" của nhạc sĩ Trần Kiết Tường (trong bài hát "Mimosa"), thì: "vì em yêu cuộc sống trên cao, có thông reo rì rào/ Vì em yêu dòng thác Cam Ly, như cuộc sống đang dâng trào/…". Tìm trong cổ tích xứ sở Kangaroo, truyền thuyết về cây hoa này khá lâm ly. Xin phép được kể sau…