"Tráng sĩ của núi rừng" đã bay về miền ánh sáng

Thứ Sáu, 03/05/2024, 09:58

Tôi may mắn có nhiều dịp được trò chuyện cùng ông, trong những cuộc phỏng vấn, hội thảo về văn hóa dân gian. Gần đây nhất là cuộc trò chuyện cho số báo Tết năm 2022. Lần đó, sức khỏe của ông đã yếu dần nhưng ông vẫn còn nhiều trăn trở cho sự mai một của văn hóa. Giờ thì những nỗi âu lo không còn vướng bận đến ông nữa. Ngày 24/4 vừa qua, người “tráng sĩ của núi rừng” ấy đã bay về miền mây trắng, để lại một khoảng trống vô cùng trong đời sống văn hóa, khoa học nước nhà.

1. Trong cuộc gặp lần đó, GS.TS khoa học Tô Ngọc Thanh vẫn hào hứng kể cho tôi nghe những chuyến về rừng, đến các vùng dân tộc của ông, về hành trình đến hơn 60 quốc gia, cả những vùng xa nhất như Tây Tạng, hay dãy núi Himalaya… Những chuyến điền dã nhiều năm ròng với người Thái, người Tày… Bước chân ông đã ngừng đi gần 20 năm, trí nhớ cũng vơi dần, nhưng những gì thuộc về văn hóa, tộc người, ông vẫn nằm lòng. Con người nhỏ bé, gầy guộc ấy mang trong mình một sức sống lạ kỳ, một khí phách hiên ngang, một tình yêu và sự tận hiến cho khoa học, cho văn hóa dân gian. Ông nói, ông mê âm nhạc dân gian từ bé, nếu ngày nhỏ không được nghe hát ru thì ông không ngủ.

Giáo sư Tô Ngọc Thanh được bố là họa sĩ Tô Ngọc Vân dạy vẽ từ năm lên 6 tuổi, nhưng ông yêu âm nhạc hơn. Ngày nhỏ, ông thường trốn nhà đi nghe hát xẩm đầu phố Khâm Thiên, hay ngó sang nhà nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, bạn của bố để nghe lỏm ả đào. Biết con trai mê âm nhạc nên họa sĩ Tô Ngọc Vân tôn trọng con. Giáo sư Tô Ngọc Thanh kể lại, cha ông bảo: “Con không theo hội họa là đúng. Nếu không có năng khiếu thì đừng đứng chật đất của người khác”.

GS.TS Tô Ngọc Thanh.

Ông là sinh viên khóa 1 của Trường Âm nhạc Việt Nam (1956-1959), tốt nghiệp loại giỏi. Khóa đầu tiên của ông là lứa nhạc sĩ phục vụ chống Mỹ cứu nước sau này như: Hoàng Việt, Hoàng Hiệp, Ngô Huỳnh, Hồng Thao, Vĩnh Cát, Hồng Đăng. Năm 1959, ông được phân công về Ban Nghiên cứu âm nhạc thuộc Vụ Nghệ thuật, Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

Từ thời điểm này, ông bắt đầu hành trình sưu tầm nghiên cứu âm nhạc dân gian các dân tộc, sống hòa nhập cùng đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao với tư cách là “người trong cuộc - Insider” - ăn ngủ cùng người dân tộc, học nói ngôn ngữ của họ, thẩm thấu văn hóa của họ. Ông ở với người Thái 12 năm, thông thạo tiếng Thái, có lẽ nhiều người Thái không hiểu văn hóa của họ bằng ông. Hay nghiên cứu về người Mông, Dao, Tày cũng vậy.

Đối với ông, văn hóa dân gian là cả một kho tàng mang vẻ đẹp lấp lánh của những huyền sử, những biểu tượng. Vẻ đẹp ấy, giờ đã mai một đi nhiều. Không chỉ “thuộc lòng” Tây Bắc, ông còn dành thời gian nghiên cứu âm nhạc, văn hóa Tây Nguyên và có những đóng góp đáng kể. Chọn âm nhạc dân tộc để theo đuổi, ông đã bảo vệ xuất sắc luận án Phó tiến sĩ tại Bungary, sau đó thành Tiến sĩ và Tiến sĩ khoa học.

Ông là người có nhiều công lao, cùng với các cộng sự của mình hoàn thiện các hồ sơ về nhã nhạc cung đình Huế, ca trù, quan họ để trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo tồn của thế giới. Với tính cách thẳng thắn, quyết liệt, kiến thức uyên thâm và tình yêu vô bờ bến dành cho văn hóa dân gian, ông đã dũng cảm đấu tranh bảo vệ, lưu giữ nhiều giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc, trên nhiều diễn đàn trong nước và quốc tế.

Mấy chục năm lặn lội khắp núi rừng, buôn bản vùng Tây Bắc, Việt Bắc và Tây Nguyên, GS.TS Tô Ngọc Thanh cho ra đời nhiều công trình nghiên cứu xuất sắc như công trình“Âm nhạc dân gian Thái Tây Bắc”(1969), tác phẩm“Âm nhạc dân gian Mường”(1971), tư liệu“Âm nhạc Cung đình Việt Nam”(2000), ghi chép về văn hóa và âm nhạc - công trình đồ sộ, dày hơn 900 trang sách... Hơn ai hết, ông hiểu được vai trò quan trọng của văn hóa, văn hóa dân gian đối với sự tồn vong của một quốc gia.

2. Ông là một nhà nghiên cứu lớn và đồng thời, ông còn là một người thầy của nhiều thế hệ học trò - một người thầy vĩ đại. Bởi ông không chỉ truyền dạy tri thức, kỹ năng làm nghề, ông còn có thể trao truyền cả nghiệp lớn cho các thế hệ tiếp nối. “Tất cả những nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc, văn hóa dân gian Việt Nam thế hệ sau ông ít nhiều đều lĩnh hội, thụ hưởng kiến thức từ giáo sư Tô Ngọc Thanh - như một cây đại thụ lớn của nền khoa học xã hội Việt Nam hiện đại”. Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền - một trong những học trò xuất sắc của ông chia sẻ.

GS.TS Tô Ngọc Thanh (ngoài cùng bên phải) với NSND Y Brơm và các nghệ nhân dân tộc Ba Na, tỉnh Kon Tum.

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền có nhiều kỷ niệm gắn bó với giáo sư Tô Ngọc Thanh. Ông chia sẻ: “Không chỉ như một người thầy, một học giả lớn với khối lượng công trình đồ sộ có tính tiên phong, lớp hậu sinh chúng tôi còn tìm thấy ở ông một đồng nghiệp lớn - một bạn nghề vong niên hiếm có, sẵn lòng chấp nhận mọi sự tranh cãi sòng phẳng, không phân biệt thế hệ. Đặc biệt với các học trò thân cận, sẽ dễ dàng thấy ông như 1 người cha/ chú ruột rà thân thương với vô số những kỷ niệm không thể nào quên”.

Ông kể lại nhiều kỷ niệm với người thầy lớn của mình. “Thời ông sống một mình ở khu tập thể Nghĩa Tân, có những lúc khủng hoảng, gọi điện than thở, ông nói ngay: “Mày vào đây với chú!”. Thế là lọ mọ cả ngày ở bên thầy như chú cún con tìm chỗ che chở. Tự tay ông pha cafe, rồi dắt tôi đi chợ, nấu nướng các món ngon, buôn chuyện đến tận tối khuya để giải tỏa, sốc lại tinh thần cho học trò. Ông còn lục tìm nhiều kỷ vật cho tôi xem, như những bản dân ca Thái do ông ký âm, chép tay, nét bút xanh tím thuở những năm còn sống trên Sơn La, đẹp đến lạ lùng; hay những thủ bút trên những mảnh giấy ố vàng, có cả biên bản kiểm điểm Tô Ngọc Thanh thời trai trẻ vì cái tội “tối đến không chịu sinh hoạt hòa đồng với anh em bạn bè mà chỉ lo… tự học ngoại ngữ, làm lợi cho riêng mình…”.

Giờ ông đã “bay về miền ánh sáng”. Vị “tráng sĩ” của núi rừng năm xưa đã để lại cả một di cảo đồ sộ những công trình lớn rực rỡ ánh hào quang. “Lịch sử nghiên cứu văn hóa nghệ thuật, văn hóa dân gian Việt Nam sẽ mãi in đậm dấu ấn 3 chữ Tô Ngọc Thanh như một tấm gương lớn về sống- học tập- lao động cống hiến không biết mệt mỏi đến tận phút chót”, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền xúc động. 

GS.TSKH Tô Ngọc Thanh sinh năm 1934 tại Hà Nội, là con trai của danh họa Tô Ngọc Vân. Từ nhỏ, dù được học mỹ thuật nhưng ông đã sớm bộc lộ đam mê về âm nhạc và lựa chọn âm nhạc là hướng đi của đời mình. Ông thi tuyển và theo học khóa I. Năm 1988, ông tiếp tục bảo vệ thành công Luận án và được phong học vị TSKH về chuyên ngành Âm nhạc tại Nhạc viện Quốc gia Bulgaria. Ông được phong PGS năm 1984 và được phong GS năm 1991.

Cả cuộc đời GS Tô Ngọc Thanh gắn bó với công việc nghiên cứu về văn hóa dân gian. Ông đã cho ra đời nhiều công trình nghiên cứu như: “Âm nhạc dân gian Thái Tây Bắc” (1969), “Âm nhạc dân gian Mường” (1971); “Âm nhạc dân gian nhóm tộc người Nam Á ở Việt Nam” (1979); “Tìm hiểu âm nhạc cổ truyền”, viết chung với nhạc sĩ Hồng Thao (1982); “Fonclo Bahna”, do ông chủ biên (1988), “Nhạc cụ các dân tộc thiểu số Việt Nam” (1995), tư liệu “Âm nhạc cung đình Việt Nam” (2000); “Ghi chép về văn hóa và âm nhạc” - công trình đồ sộ, dày hơn 900 trang…

GS,TSKH Tô Ngọc Thanh còn nghiên cứu, sưu tầm, chỉnh lý, nâng cao, đưa vào đời sống văn hóa cộng đồng 12 tập dân ca phổ biến tiêu biểu của đồng bào các dân tộc thiểu số và 30 tập dân ca chuyên đề từng dân tộc.

Trong sự nghiệp của mình, GS.TSKH Tô Ngọc Thanh từng trải qua nhiều vai trò như Phó Viện trưởng rồi Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật; Tổng Thư ký, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam; Tổng Thư ký, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Hội đồng Quốc tế Âm nhạc truyền thống ICTM của UNESCO.

Năm 2001, GS Tô Ngọc Thanh được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. GS.TSKH Tô Ngọc Thanh còn được Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quý như Huân chương Độc lập hạng Nhì (2019), Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất (2001)…

Việt Hà
.
.