Tiếng đàn, tiếng hát còn vọng ngân trên mái phố

Thứ Bảy, 12/07/2025, 10:38

Phố Mai Hắc Đế (Hà Nội) dài 840m, rộng 10m, chạy từ phố Trần Nhân Tông đến phố Lê Đại Hành, song song với Phố Huế, Bà Triệu, cắt các phố Tuệ Tĩnh, Tô Hiến Thành, Đoàn Trần Nghiệp, Thái Phiên. Thời Pháp thuộc, phố tên là Sarông (Rue de Charron), sau ta đổi là phố Mai Hắc Đế.

Đất thiêng phố cổ Hà thành…

Phố này nguyên là đất của hai thôn Giáo Phường và Phúc Lâm Tiêu, đều thuộc tổng Tả Nghiêm (sau đổi là Kim Liên), huyện Thọ Xương cũ. Phố được mang tên Mai Hắc Đế, vị anh hùng dân tộc (tên thật là Mai Thúc Loan, quê Thạch Hà, Hà Tĩnh), người đã làm cuộc khởi nghĩa chống lại ách thống trị nhà Đường, quét sạch quân thù, giải phóng thành Tống Bình (Hà Nội) và xưng Đế vào thế kỷ thứ VIII.

%3fnh 1.jpg -0
Một đoạn phố Mai Hắc Đế.

Những năm 1960, nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo (nằm ở cuối phố), tiếng máy khoan, máy bào, đột dập chạy ì ầm suốt ngày đêm, sản xuất vũ khí, máy móc cho quân giới; máy in phục vụ tuyên truyền và in giấy bạc; phụ tùng cho ô tô vận tải quân sự. Người dân trong phố tự hào rằng, từ góc phố cũ nhỏ bé này đã âm thầm cung cấp hàng vạn vòng bi, trục xe, trang thiết bị cho các đoàn xe vận tải chở vũ khí, lương thực, kịp thời tiếp ứng cho chiến trường miền Nam (hiện nơi đây là tòa nhà Vincom Centre Bà Triệu).

Dân phố đồn rằng phố này vốn là đất khu Đàn Nam Giao thời nhà Lê xưa, nên "đất thiêng", dân sống ở đây được bình an, may mắn, làm ăn phát tài. Mùa hè 1967 bom Mỹ đánh phố Huế, chỉ chệch dăm mét nữa là trúng phố Mai Hắc Đế. Không biết có đúng vậy không, chỉ biết những năm gần đây, đất phố này trở thành "đất vàng", nhiều khách sạn, tower hiện đại; các thương hiệu ẩm thực nổi tiếng tụ về, phố bỗng trở nên sầm uất, nhà đất có giá.

Điển hình là tòa nhà "Hoàng Thành Tower" (số 114 Mai Hắc Đế) được xây dựng bởi chủ đầu tư Công ty cổ phần Trần Hưng Đạo, thiết kế với 20 tầng nổi, 3 tầng hầm. Tầng 1 là trung tâm thương mại. Tầng 2 đến tầng 6 là khu vực văn phòng với dịch vụ cao cấp. Tầng 7 đến tầng 20 là hơn 180 căn hộ sang trọng dành cho người dân.

Lời đồn phố Mai Hắc Đế là "Đất thiêng" nghe càng có vẻ hợp lý và bí ẩn khi gần đây, Nguyễn Văn Hậu ("Hậu pháo"), Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phúc Sơn, bị truy tố về ba tội, bị cơ quan điều tra kê biên bất động sản tại nhiều lô "đất vàng" ở trung tâm các quận nội thành Hà Nội, trong đó có thửa đất hoành tráng và căn nhà khá đẹp tại phố Mai Hắc Đế (Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Ở một góc khác, trong tâm hồn những người dân từng sống qua hai thế kỷ trên con phố này, là những "ký ức vàng" về những thanh âm Hà Nội thời chống chiến tranh phá hoại, bảo vệ Thủ đô nghìn năm văn hiến.

…Âm thanh giục giã tuổi xanh lên đường

Nhà số 35 là gia đình NSND Lê Trọng Nghĩa (Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long), chị gái là ca sĩ Tuyết Nhung, Đoàn Ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam, là vợ nhạc sĩ Văn Dung và em út là ca sĩ Lê Trọng Khang. Hồi chiến tranh, Trọng Nghĩa là gương mặt nổi bật của phong trào ca hát không chuyên. Ông cùng Quốc Đông, Huy Túc, Văn Sáu, Ngọc Bé, Kim Quyên… sáng lập "CLB đơn ca" đi biểu diễn phục vụ tại các trận địa phòng không. Năm 1972, khi đang là giảng viên Trường Đại học Bách khoa, Trọng Nghĩa đã xung phong vào đội xung kích của Đoàn Ca múa Hà Nội, đi tuyến lửa Quảng Trị biểu diễn.

Tôi học cùng Trọng Khang cấp I Tây Sơn. Thấy anh Nghĩa đi tuyến lửa biểu diễn, cả hai háo hức muốn đi nhưng còn quá bé. Lớn lên một chút, hai đứa đều mê ca hát, tối nào cũng rủ nhau lân la ở CLB Hồ Thiền Quang hoặc CLB Lao động xem văn nghệ, còn truyền tay nhau những tờ nhạc bướm để học thuộc lời.

Tôi còn nhớ khi nghe Trọng Nghĩa hát bài "Tuổi trẻ niềm tin và mơ ước" của nhạc sĩ An Chung: "Đi đi lên bạn ơi/ Đảng như sao sáng dẫn lối/ Đi đi lên bạn ơi/ đời vui theo ánh nắng lên/ Trời Thăng Long nay lộng gió Ba Đình/ Giục ta đi gieo ánh sáng mùa xuân cuộc đời"… Trong tôi như có một sức mạnh thần kỳ từ sâu thẳm, thúc giục ghê gớm, và tôi đã nộp đơn xin tòng quân.

Vì gia đình đã có anh Tuấn đi bộ đội, nên Trọng Khang được tạm hoãn, anh phụ trách văn thể ở Xí nghiệp Dệt 10/10. Hồi đó, không khí văn nghệ quần chúng ở thành phố rất sôi động. Những bài ca hùng tráng, da diết về chiến trường, về chiến công của quân giải phóng đã thôi thúc các thế hệ thanh niên Thủ đô xếp bút nghiên, xung phong lên đường đánh giặc. Trọng Khang có giọng hát vang, sáng. Sau 1975, anh đầu quân về Đoàn Ca múa Hà Nội. Mấy năm sau, anh chuyển vào TP Hồ Chí Minh làm công tác văn hóa quần chúng. Và sau đó ít năm, anh không may qua đời do đột quỵ khi tuổi đời còn khá trẻ.

Cuối 1972, đang là giảng viên Đại học Bách khoa, Trọng Nghĩa xin về Đoàn Ca múa Hà Nội, chính thức thành ca sĩ chuyên nghiệp. Trong 12 ngày đêm lịch sử, ông xông xáo cất cao tiếng hát giữa các ụ pháo, các trận địa phòng không. Tôi còn nhớ ngay trong những đêm B-52 ác liệt ấy, giọng ca Trọng Nghĩa rền vang, đầy tự hào vang trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền thanh Hà Nội: "Đâu chỉ vì riêng nước non này/ Phất ngọn cờ sao chính nghĩa/ Hà Nội ơi, dẫu phố phường bị giặc tàn phá đau thương/ ghi chiến công tuyệt vời, một Điện Biên sáng chói, Hà Nội ơi!".

Ca sĩ Tuyết Nhung (vợ Nhạc sĩ Văn Dung), những ngày Hà Nội đánh B-52 bà cũng trực chiến ngày đêm, sẵn sàng thu thanh ca khúc mới và đi biểu diễn các nơi. Năm 1971, bà lĩnh xướng ca khúc "Bài ca đường chín" của chồng trong niềm xúc động nghẹn ngào: "Em nghe tin vui bên Đông Trường Sơn/ Em nghe tin vui bên Tây Trường Sơn/, Nghe sấm dội cả non ngàn/ Nghe bão nổi cả đôi miền".        

Năm 1978, Trọng Nghĩa được bổ nhiệm Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, được tặng danh hiệu NSND năm 2011. Ông đã chỉ đạo nghệ thuật đoạt nhiều huy chương vàng, Bạc cho cá nhân và các tiết mục tập thể của Nhà hát tại các Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc. Hiện NSND Lê Trọng Nghĩa nghỉ hưu tại Hà Nội.

Trên phố Mai Hắc Đế, còn có một nghệ sĩ nổi tiếng là Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ (1921 - 2022). Ông sinh ra, lớn lên và sống trọn cuộc đời tại chính ngôi nhà số 22 phố Mai Hắc Đế này. Ông học guitar Hawaii từ năm 12 tuổi, thời thiếu niên từng cùng Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh lập ban nhạc Myosotis trình diễn ở các tụ điểm văn hóa. Trong phong trào Hướng đạo sinh ở Trường Thăng Long, Nguyễn Thiện Tơ là một gương mặt nổi bật. Ông sống chủ yếu bằng dạy nhạc và biểu diễn guitar, mandoline, sáo ở các CLB, quán bar. Những nhạc sĩ nổi tiếng sau này như Đoàn Chuẩn, Dzoãn Mẫn, Đỗ Liên, Hoàng Giác, Tạ Tấn, Hoàng Dương, Nguyễn Văn Quỳ… thuở ban đầu đều học đàn từ Nguyễn Thiện Tơ.

Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ chỉ sáng tác hơn chục ca khúc, tiêu biểu là "Giáo đường im bóng", "Cung đàn xuân xưa", "Đêm trăng xưa", "Khúc nhạc canh tàn", "Nắng xuân", "Nhắn gió chiều"… Sau 1954, ông công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Đến năm 1959, ông chuyển sang dàn nhạc giao hưởng nhạc vũ kịch. Năm 1965, ông về Hãng phim truyện Việt Nam cho đến ngày nghỉ hưu.

Các con, cháu của ông hầu hết yêu âm nhạc. Con trai thứ 2, anh Nguyễn Vũ Hà, từng chơi sáo flute ở Nhà hát Tuổi Trẻ và ở xưởng phim. Con gái Hồng Ánh là nghệ sĩ flute có tiếng, được mến mộ của Dàn nhạc giao hưởng Quốc gia. Cháu Nguyễn Vũ Long (con anh Nguyễn Vũ Hà) cũng là một nghệ sĩ saxophone và clarinet, từng là nghệ sĩ biểu diễn ở Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long. NSƯT, người chơi flute có tiếng ở Dàn nhạc giao hưởng Quốc gia Việt Nam Nguyễn Diệu Hồng, cũng từng là học sinh xuất sắc của thầy Nguyễn Thiện Tơ.

Mai Hắc Đế - một con phố nhỏ nằm trong khu phố cũ của Hà Nội, ẩn chứa những ký ức khó quên về mảnh đất, con người Thăng Long của một thời bom đạn chưa xa. Dường như, trên mái phố nhỏ Mai Hắc Đế này, quyện trên những tán lá bàng còn vọng ngân âm hưởng của những tiếng đàn, tiếng hát của một Hà Nội hào hoa, kiên cường và dũng cảm.

Hà Cầm Phong
.
.