Thuận Hữu, một nhà thơ đích thực

Thứ Sáu, 11/04/2025, 16:21

Sở dĩ tôi phải nói điều này vì khiêm tốn mà anh Thuận Hữu ít nói về thơ mình; vì có nhiều người cho rằng, "Thuận Hữu không có ý thức làm thơ như một nhà thơ".

Nhiều người nói: Hà Tĩnh là đất của thi nhân. Điều ấy đúng vì có Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Tự… làm chứng. Xa hơn có Đặng Dung, gần hơn có Xuân Diệu, Huy Cận. Tôi không so Thuận Hữu với các bậc tiền bối ấy nhưng anh cũng đình đám với bài thơ "Những phút xao lòng" trong thập kỷ 1990, không mấy ai không biết, nhiều người còn thuộc và thích thú đến bây giờ.

nhà tho thu%3fn h%3fu t%3fi l%3f ra m%3ft sách nh%3ft d%3fc du%3fng.jpg -1
Nhà thơ Thuận Hữu tại lễ ra mắt sách “Nhặt dọc đường”.

Thuận Hữu là người cửa biển Nghi Xuân, con nhà chài lưới. Ngay từ nhỏ, anh đã thể hiện mình là một thi sĩ:

Biển có hải âu bay trong nắng chiều/ Có những cánh buồm phồng căng gió thổi/ Có bầu trời xanh cao vời vợi/ Những đêm đi thuyền lưới kéo mặt trời lên…  (Làng tôi)

Ra biển đánh cá, không nói về cá lại đánh bắt ánh nắng mặt trời! Nó báo hiệu hành trình của anh trong cuộc đời là hành trình đánh bắt cái đẹp!

Nhà thơ là gì? Thật khó có một định nghĩa rạch ròi, bao quát mà cụ thể đúng với mỗi một người làm thơ. Nhưng chắc chắn, anh ta có một cái nhìn khác với mọi người, có một cách sống khác, mục tiêu khác. Và thơ là nơi anh không dối mình, không nhượng bộ ai; anh mở rộng hết kích tấc của riêng mình. Bởi vậy, thế giới mà anh ta tạo ra, huyền ảo, khác biệt với thế giới thường ngày. Nó mới mẻ, lung linh và hấp dẫn, ngay cả khi đó là nỗi buồn. 

"Phố huyện thiếu em, phố huyện trở buồn", đó là câu thơ Thuận Hữu viết về Tây Sơn, Bình Định. Đó là câu thơ găm vào trí nhớ tôi nhiều năm và nó lại vang lên mỗi khi tôi đến Tây Sơn hay một thị trấn nào đó. Cùng với câu thơ Nguyễn Bính "Học trò trường huyện ngày năm ấy", thơ Thuận Hữu làm tôi yêu thêm những phố huyện, chỉ tiếc rồi đây sẽ không còn huyện, đến câu thơ cũng chịu cảnh bơ vơ…

Nhiều người biết câu thơ Chế Lan Viên "Trở trời con ốc bể/ Vặn mình còn đau lâu" - một câu thơ thật ấn tượng, với liên tưởng từ hình hài xoắn vặn của con ốc nói lên nỗi đau quặn thắt, trở đi, trở lại không có lối ra, không thoát được của con người. Thuận Hữu cũng có câu thơ tương tự "Gặp con ốc con sò tôi chợt hiểu/ Những nỗi đau ẩn mình trong vỏ đá đầy hoa''. Ở câu thơ này, Thuận Hữu không chỉ nói được cái ý của Chế Lan Viên từng nói mà lại còn thêm được một lớp nghĩa nữa: Trong cái đẹp có cái đau, buộc người đọc phải day dứt bởi sự phi lý ấy. Khả năng biểu cảm của câu thơ thật lớn!

Một trường hợp khác. Đó là câu thơ lấy cảnh để tả tình, đậm chất Đường thi với đủ hình ảnh mang tính biểu tượng, đủ sự hô ứng, đăng đối "Hoa đầy tuổi nụ vàng rơi bối rối/ Phượng cuối mùa cánh đỏ ngẩn ngơ bay". Đọc câu thơ này tôi chợt nhớ tới câu Anh Thơ trong bài "Sang thu": "Hoa mướp rụng từng đóa vàng rải rác / Lũ chuồn chuồn nhớ nắng ngẩn ngơ bay". Hai câu thơ đều cổ điển, nhưng Thuận Hữu trẻ hơn, hiện đại hơn, có sáng tạo với chữ "hoa đầy tuổi" đối với "phượng cuối mùa", rõ hơn anh học trò, rõ hơn tình người trong cảnh vật.

Thuận Hữu thi sĩ trong cái vu vơ, ngơ ngác:

"Chiều nay nắng trải vàng Cửa Hội/ Em về Hộ Độ nhớ anh không/… Chiều thứ bảy - về đâu - chiều thứ bảy/ Ta không có hẹn hò, ta chờ đợi vẩn vơ… Buổi chiều ơi, sao buồn thế buổi chiều/ Câu hát buồn, câu hát cứ nghêu ngao".

Cũng chỉ thi sĩ mới biết lặng người trước một cành hoa dại:

"Anh lặng người khi gặp nhành hoa dại/ Giữa cỗi cằn vẫn tím đến rưng rưng"…

Với một cành hoa dại còn biết yêu thương, xúc động đến dường kia, huống chi số phận những con người, số phận đất nước!

Năm 1979, khi quân bành trướng tràn vào biên giới. Anh đã hăng hái nhập ngũ theo tiếng gọi của Tổ quốc "Cả nước đánh giặc, toàn dân là lính". Cầm súng ra trận khi Tổ quốc bị xâm lăng là một hành động của lương tri, của tình yêu Tổ quốc, một tình yêu lớn nhất, bao trùm mọi tình yêu. Nhưng đi về phía súng nổ, đi về phía có thể một đi không trở lại, điều anh nghĩ trước hết là về người mẹ:

"Manh áo sờn vai đêm dài quạnh quẽ/ Bưng bát cơm ăn nước mắt mẹ lưng tròn/ Cơn đi rồi không nỡ mặc, nỡ ăn/ Ngày giỗ mong con, ngày Tết ngồi bậc cửa…" (Gửi mẹ).

Anh viết về người cha, nhưng để xác lập thế sống của mình:

"Tần tảo sớm hôm chưa đêm nào trọn ngủ/ Manh áo sờn muối đọng vệt ngang lưng/ Nhường hết cho người thân từng cái ăn, cái mặc/ Vất vả khó khăn cha chịu đựng âm thầm" (Hoa biển dâng người).

Đó chính là cái đẹp, là thơ, là hồn dân tộc!

Sự yêu thương nhiều khi làm cho người ta đau khổ, nhất là trong tình yêu nam - nữ. Và dường như đó là một quá trình luyện ngọc. Trong bài thơ "Nói cùng thương nhớ", anh mong đừng phải nhớ ai, thương ai để bớt dày vò; nhưng chính là cách nói mình đang hạnh phúc, đang được ở trong thương nhớ, bởi không có ai để thương nhớ, hướng về thì còn ý nghĩa gì nữa?

"Thương nhớ ạ, đừng dày vò ta nữa/ Để đêm nao cũng hóa những đêm dài/ Nằm nghe gió cồn cào trong khuya vắng/ Ta thầm ước mình chẳng phải nhớ thương ai/ Thương nhớ ạ, đừng dày vò ta nữa/ Thoáng qua thôi, như gió thoảng trong đời/ Ta trả lại cho ta những tháng ngày yên ả/ Đừng giày vò ta nữa, nhớ thương ơi!".

Ai đã quen biết Thuận Hữu, ai chưa biết nhưng đọc thơ anh sẽ thấy một con người mộc mạc mà có những điều thẳm sâu, một người nặng tình nặng nghĩa; khi kỷ cương, khi thật hào hoa, phóng túng. Đó chính là cốt cách của một người miền Trung, tính cách một thi sĩ. Nhiều người làm thơ về miền Trung và đã có rất nhiều bài thơ hay về miền Trung như của Hoàng Trần Cương, Trần Mạnh Hảo… Thuận Hữu có một miền Trung rất thẳm sâu, quyết liệt: "Một câu chào đẫm lệ lúc đi xa/ Một cái bắt tay máu trào khi trở lại/ Lòng bỗng tái tê cơn gió mùa thổi trái/ Tháng năm dài ta nhớ lắm miền Trung!".

nhà tho thu%3fn h%3fu kí t%3fng sách cho d%3fc gi%3f.jpg -0
Nhà thơ Thuận Hữu kí tặng sách cho độc giả.

Tôi nhớ bài "Người Nghệ" của Đinh Nho Tuấn: Đi khắp năm châu nơi mô cũng húc vào người Nghệ

Làm phăm phăm/ Yêu phăm phăm./ Độc quyền một ngôn ngữ/ Bắt tay tưởng bẻ xương/ Cười đôi khi ướt bạn/ Túi xủng xẻng dăm đồng/ Là ăn chơi xả láng…

Thơ Thuận Hữu chủ yếu trực ngôn, nói thẳng, nói thật, nói hết. Nhưng những câu thơ tôi vừa dẫn ở trên là những câu thơ tài hoa, nhuần nhụy tư duy, hình ảnh và ngôn ngữ, không qua Tổng hợp Văn, không từng tiếp thu sự hào hoa, lịch lãm kinh thành không viết được. Tôi yêu những rung động tâm hồn chợt đến như câu thơ này "Em đẹp quá. Chân tôi không nỡ bước/ Bởi chỉ còn hết dãy phố này thôi"; yêu cái chân thành và sâu sắc trong bài "Những phút xao lòng".

Đã có hàng chục, thậm chí hàng trăm bài viết về bài thơ này, nhưng chủ yếu nói về tình yêu. Đó là một chuyện lớn, nhưng tôi thấy bài thơ còn lớn hơn. Nó nói lên một vấn đề thời đại; đó là sự giải phóng trong tư duy, trong tình cảm con người. Nó đem lại cho ta một nhận thức mới: Hiện thực hiện tại không đủ làm người ta hạnh phúc; hiện thực dù tốt đẹp đến bao nhiêu chăng nữa, cũng không đủ đáp ứng khát vọng con người. Nó đặt ra vấn đề về quan niệm nhân văn, cuộc sống nhân văn. Tôi nghĩ Thuận Hữu có một cặp đôi. Song hành với “Những phút xao lòng” là bài "Có thể":

"Có thể là em cũng yêu tôi/ Nếu ta không muộn mằn gặp gỡ/ Và có thể bình thường như muôn thuở/ Em với tôi sẽ thành vợ, thành chồng…/ Cảm ơn em và xin biết ơn đời/ Đã cho tôi mối tình có thể/ Giúp tôi vượt qua nhọc nhằn vất vả/ Của mối tình đã có bấy lâu nay…".

Định nghĩa về nhà thơ có thể phải bổ sung thêm: Nhà thơ không phải chỉ là người phát hiện ra cái đẹp, mà còn là người sáng tạo ra tình yêu, sáng tạo ra cái đẹp và biến chúng thành sức mạnh trong cuộc đời!

Nhà thơ cũng là người trừ bỏ những cái xấu lây lan như nấm độc. Trong bài "Bạn cũ", Thuận Hữu kể về một bạn lính đến thăm bạn lính nay đã có một chức to liền quay lưng với bạn bè:

"Bạn nhìn tôi như mới gặp lần đầu/ Bỗng nhiên tôi như người hành tinh khác xuống/ Bạn chìa tay ra miễn cưỡng/ Bàn tay trơn tuột đến bàng hoàng".

Nhà thơ tỏ một thái độ rõ ràng, dứt khoát:

"Có phải bạn không nhận ra tôi vì tôi là người lính/ Một người lính bình thường như bạn trước đây thôi/ Thì xin lỗi. Tôi đi. Bạn cũ đã chết rồi!". Đây không phải chuyện cá nhân. Một hiện thực xã hội. Đó là sự phản bội.

Như vậy, Thuận Hữu không chỉ là một nhà thơ đích thực mà còn là một nhà thơ có tầm.

Thuận Hữu có câu thơ "Nếu trong anh thiếu biển chỉ một ngày". Tôi cũng vậy, từng đặt câu hỏi "Nếu trong anh thơ vắng chỉ một ngày". Thuận Hữu vì công việc đã vắng thơ trong nhiều ngày.

Nay đã mừng anh trở lại!

Nguyễn Sĩ Đại
.
.