Thôi đã lỡ một mùa hoa sữa

Thứ Năm, 24/03/2022, 20:22

Vậy là nhạc sĩ Hồng Đăng đã bay về phương trời ấy với các nhạc sĩ cùng sinh năm 1936 như Nguyễn Tài Tuệ, Văn Dung khiến mùa xuân năm nay lại thêm mênh mang... nỗi buồn khó có thể lấp đầy trong giới âm nhạc và công chúng yêu nhạc nước nhà. Cuộc đời và những ca khúc của ông đã, đang và sẽ là những chủ đề mà người ta còn nói đến, còn viết đến với sự trân trọng và lòng biết ơn.

Nhạc sĩ Hồng Đăng qua đời vào sáng sớm ngày 21/3, hưởng thọ 86 tuổi. Vậy là ông đã kiên cường để sống trọn vẹn hết ngày 20/3 – Ngày Quốc tế Hạnh phúc trong vòng tay người vợ yêu dấu của mình.

Chẳng hiểu sao mỗi khi nghĩ đến nhạc sĩ Hồng Đăng, tôi lại thường nghĩ đến 2 từ “Hạnh Phúc”. Hẳn những ai biết về cuộc sống riêng tư của tác giả “Hoa sữa” thì biết ông đã trải qua những năm tháng lênh đênh như ca khúc ông từng viết nhưng rồi số phận run rủi cho ông được gặp người vợ hiện tại - bà Lê Anh Thúy - một kỹ sư xây dựng vốn quen với những bản vẽ kỹ thuật, những công trình xây dựng khô khan nhưng đã dần biết yêu âm nhạc, hiểu âm nhạc của ông nói riêng và giới âm nhạc nói chung như một nhà “Hồng Đăng học”. Không chỉ vậy, bà Thúy còn giỏi quán xuyến công việc gia đình, chăm chút cho ông từng ly từng tý, thậm chí bà còn như một “bác sĩ” riêng của chồng vậy.

hong_dang_1-1648212868337.jpg

Nhạc sĩ Hồng Đăng (1936-2022).

Nhạc sĩ Hồng Đăng từng không giấu nổi niềm hạnh phúc khi chia sẻ: “Được sinh ra trong đời là đã hạnh phúc rồi. Với người nghệ sĩ, có được tác phẩm mà công chúng yêu thích là niềm hạnh phúc lớn. Chúng ta ngồi với nhau ở đây là hạnh phúc nhỏ mà có thật. Còn vợ con là hạnh phúc khổng lồ”.

Rõ ràng cuộc đời nhạc sĩ Hồng Đăng có rất nhiều hạnh phúc. Ông được sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An), có bác ruột là nhà cách mạng nổi tiếng Phan Đăng Lưu. Không theo con đường của bác để làm chính trị và cũng không theo con đường của cha (nhà báo Phan Đăng Tài, bút danh Phan Hồng Sơn, từng giữ chức Trưởng phòng Tư liệu - Thư viện, Báo Nhân Dân) để làm báo mà ông chọn cho mình một lối đi riêng, đó là làm âm nhạc. Dòng họ Phan Đăng ở Yên Thành trước và sau ông không ai theo âm nhạc. Công bằng mà nói ông là một trong số không nhiều nhạc sĩ có sự nghiệp âm nhạc đồ sộ, có nhiều tác phẩm được công chúng biết đến và mến mộ.

Tôi chưa được về Yên Thành quê ông nhưng đã được đọc rất kỹ tiểu thuyết lịch sử “Hừng đông” của người con Yên Thành – PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ viết về bậc tiền bối của mảnh đất này - nhà cách mạng Phan Đăng Lưu. Ở đó tôi thêm hiểu, thêm yêu và thầm ngưỡng mộ về quê hương ông, về khí chất, tư tưởng, nhân cách của những người trong dòng họ của ông. Âm nhạc xưa nay vẫn là bộ môn nghệ thuật không dễ, nó đòi hỏi ai đó muốn thành công phải thật sự khổ luyện, thực sự kiên trì, thực sự hòa vào đời sống của nhân dân, nói lên tiếng nói của nhân dân. Tôi cảm nhận ông đã học được ở người bác, người cha của mình tính kiên trì, bền bỉ, chịu khó học tập, không ngừng phấn đấu, nỗ lực.

Thôi đã lỡ một mùa hoa sữa -0
Nhạc sĩ Hồng Đăng nhận Giải thưởng Lớn - Giải thưởng “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội” lần thứ 14 - năm 2021 tại gia đình (Ảnh: Nguyễn Đình Toán).

Nhắc đến nhạc sĩ Hồng Đăng là nói đến những điều đặc biệt mà ít nhạc sĩ nào có được. Ông là một trong số không nhiều nhạc sĩ được Nhà nước phong tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật ngay đợt đầu tiên năm 2001. Ông là một trong hai nhạc sĩ được vinh danh ở hạng mục Giải thưởng Lớn - hạng mục quan trọng nhất trong Giải thưởng “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội”. Ông được vinh danh năm 2021, còn nhạc sĩ Phú Quang được vinh danh năm 2020, tuy nhiên nếu nhạc sĩ Phú Quang là người con của Hà thành thì ông lại là “vị khách” của mảnh đất này.

Ông có lẽ cũng là Tổng biên tập (Tạp chí Âm nhạc Việt Nam) duy nhất là người ngoài Đảng nhưng đã có bài hát ca ngợi Đảng rất hay “Đường ta đi có ánh nắng mặt trời”. Ông cũng chính là nhạc sĩ đầu tiên được kết nạp vào Hội Điện ảnh Việt Nam nhờ những sáng tác cho nhạc phim rất nổi tiếng của mình, trong đó “Hoa sữa”, “Biển hát chiều nay”, “Lênh đênh”… là những ví dụ. Rất nhiều nhạc sĩ có tên tuổi với ca khúc nhưng lại thường không thành công với nhạc phim, bởi viết nhạc phim là công việc rất khó, đòi hỏi người viết phải “chắc tay”, phải đọc thật kỹ kịch bản để nắm được phần “hồn” rồi tìm “nét nhạc” phù hợp. Và có thể nói đến nay nhiều bộ phim, nhiều người cũng không còn nhớ nhưng ca khúc của ông trong phim thì vượt qua khuôn khổ một bộ phim và đã đi vào lòng người với những sự rung cảm nhất.

Tôi đã từng có vinh dự là vị khách trong bữa cơm trưa đầm ấm, thân mật cùng gia đình nhạc sĩ Hồng Đăng trên gác 2 của căn nhà ở phố Hồng Hà (Hà Nội). Điều mà tôi ấn tượng với ông là khi ấy mặc dù ông đi lại rất khó khăn (phải bằng khung đỡ hoặc người dìu), thậm chí cũng đã bị lẫn nhiều chuyện nhưng ông vẫn luôn quan tâm đến khách từng chi tiết nhỏ nhất, như: “Gắp thức ăn vào”, “Cơm ăn có ngon không?” rồi ăn xong ông lại hỏi: “Có dùng tăm không?”... Thấy tôi “mắt tròn, mắt dẹt” có vẻ bất ngờ về những câu hỏi ấy, bà Lê Anh Thúy tủm tỉm cười rồi đáp: “Ông ấy vẫn như vậy đó! Ông ấy bị ảnh hưởng của văn hóa Pháp (ý nói sự lịch sự, mến khách) vì học tiếng Pháp từ hồi nhỏ và từng đến với âm nhạc từ cuốn sách bằng tiếng Pháp đấy…”.

Nhạc sĩ Hồng Đăng ra đi trong những ngày cuối xuân khi mùa hè chuẩn bị sang, khi mùa thu chưa kịp đến. Vậy là mùa hè này khi nghe “Tiếng ve đu cành sấu/ Tiếng ve náu cành me/ Tiếng ve vẫy tuổi thơ/ Tiếng ve chào mùa hè” (bài hát "Kỷ niệm thành phố tuổi thơ"), mùa thu này nghe “Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm” (bài hát "Hoa sữa"), người dân Thủ đô đã không còn thấy người nhạc sĩ già đáng kính thường bách bộ cùng chiếc batoong bên cạnh người vợ của mình. Hà Nội đã vắng ông, từng con đường, góc phố đã vắng bóng dáng người nhạc sĩ có hơn nửa thế kỷ sinh sống, gắn bó và luôn coi mảnh đất này là quê hương thứ hai của mình.

Ông đã cùng tác giả “Bài ca hy vọng” - nhạc sĩ Văn Ký rủ nhau chơi âm nhạc ở cõi khác mà không có cơ hội để có thể được chứng kiến giây phút hạnh phúc của cuộc đời - đó là nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật trong đợt tới này nữa. (Năm 2021, ông cùng 4 nhạc sĩ khác là Phạm Minh Tuấn, Trần Quý, Văn Ký, Đinh Quang Hợp có tên trong danh sách đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật). Đó có lẽ cũng là điều hạnh phúc duy nhất mà ông chưa có cơ hội chạm đến.

Trong bài viết gần đây trên trang Facebook của mình, bà Lê Anh Thúy đã viết bài tưởng nhớ đầy xúc động về tác giả “Đường Trường Sơn xe anh qua” - nhạc sĩ Văn Dung: “Người lữ hành không mệt mỏi trên con đường tìm cái đẹp”. Ở đó bà đã nhắc về những kỷ niệm của nhạc sĩ Hồng Đăng với nhạc sĩ Văn Dung khi còn trẻ, trong đó có câu hát mà tác giả “Hoa sữa” đã nghêu ngao hát: “Ông Văn Dung ơi! Ông đang ở đâu…”. Giờ đây đọc đến chi tiết này, chắc chắn nhiều người cũng đang nghêu ngao hát: “Ông Hồng Đăng ơi! ông đang ở đâu…”.

Ngô Đăng Khoa
.
.