Thơ Hoàng Cầm: Trường thẩm mỹ mới của thơ trữ tình
Nhà thơ Hoàng Cầm tên khai sinh là Bùi Tằng Việt, sinh năm 1922, quê Thuận Thành, Bắc Ninh, tham gia Việt Minh từ năm 1944, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007. Ông mất năm 2010 tại Hà Nội.
Hoàng Cầm đã xuất bản gần hai chục tác phẩm, gồm: truyện ngắn, truyện vừa, thơ, kịch, thơ dịch, truyện thơ. Trong đó có các tập thơ nổi tiếng: "Bên kia sông Đuống", "Về Kinh Bắc", "Tiếng hát quan họ", "Lá diêu bông", "Mưa Thuận Thành", "Men đá vàng", "99 tình khúc". Ngoài bài thơ nổi tiếng "Bên kia sông Đuống", đã đưa Hoàng Cầm lên vị trí sáng chói của thơ ca kháng chiến, thì những bài thơ viết trong khoảng ba chục năm cuối đời đã khẳng định ông là một trong số ít những tên tuổi lớn của nền thơ cách tân đương đại.
Hoàng Cầm có một ảnh hưởng khá lớn và thơ ông có một lượng bạn đọc đông đảo. Tôi coi ông là ngọn cờ đầu của trường phái duy mỹ trong thơ Việt đương đại. Phải chăng chính vì sự khơi nguồn mạch chảy của thơ từ những cảm xúc duy mỹ nên ông đã rung động được lòng trắc ẩn của người đời: "Ta con bê lạc dáng chiều xanh/ Đi mãi tìm sim chẳng chín/ Ta lên đồi thông nằm miếu Hai cô/ Gặm cỏ mưa phùn/ Dóng dả gọi về đồng sương/ Đôi ba người lận đận/ Đêm nay mẹ chẳng về chuồng/ Ta con chào mào khát nước/ Về vườn xưa hạt nhãn đã đâm mầm/ Cây ổi giơ xương/ Chống đỡ mùa đông sập về đánh úp/ Ô này tám đỏ ra hoa/Ta con chim cu về gù rặng tre/ Đưa nắng ấu thơ về sân đất trắng/ Đưa mây lành những phương trời lạ/ Về tụ nóc cây rơm/ Ta ru em/ Lớn lên em đừng tìm mẹ phía cơn mưa" (thơ Hoàng Cầm).
Chất - men - thơ của vùng văn hóa Kinh Bắc
Có nhiều người cho rằng Hoàng Cầm là ông hoàng của thơ tình. Theo tôi, trước hết Hoàng Cầm là ông hoàng của thơ trữ tình và những sáng tác thơ của ông trong hơn nửa thế kỷ qua đã nói lên điều ấy. Thơ trữ tình của Hoàng Cầm có một phong thái rất đặc biệt và đặc thù, tên tuổi của ông đã làm rạng danh cả một vùng Kinh Bắc - cái nôi của nền văn hóa sông Hồng.
Theo tôi, những câu thơ trữ tình của ông được ủ bằng một chất men đặc biệt, trong đó có thể thấy cái ngậm ngùi thương nhớ của những câu ca vùng quan họ còn bịn rịn đâu đây, cái bình yên siêu thoát của những tiếng chuông chùa vẫn bảng lảng ngân nga trong xa vắng và cái gần gũi với hồn người Việt trong tục ngữ, ca dao: "Về Kinh Bắc phải đâu em nhắm mắt/ Gài mảnh gương thiên lý đợi tua rua/ Chùa Phật Tích ruỗi trong màn lụa bạch/ Tượng Quan Âm má ửng bồ quân/ Chuông chiều cởi yếm/ Chuông sớm đội khăn/ Câu kinh tê tê mười ngón tay măng/ Mõ đêm hè cuốc lội/ Ao mưa dằng dịt lá trường sinh/ Gió vào trăm cửa/ Gió ra hồng da trinh nữ/ Gió vào xanh quan lục/ Gió ra vàng thớ mít/ Ong bay vai tiểu áo thon mình/ Trưa hè gẫy rắc cành hoa đại/ Mái hậu cung bồ các tha rơm/ Liếu điếu vỗ hoa xoan lả tả/ Lụa sồng nén nghẹn búp thanh xuân/ Tờ kinh đắp mặt ru bươm bướm/ Chuối chín cây đổ gục đứt dây bìm" ("Chùa Phật Tích" - thơ Hoàng Cầm)
Chính cái men - văn - hóa vùng Kinh Bắc ấy đã để cho thơ Hoàng Cầm làm say người đọc bằng một thứ rượu - thơ của một miền tinh hoa cổ kính. Phải chăng, chính vì Hoàng Cầm không cố tình cách tân nên thơ ông mới cách tân đến thế. Tương tự, Hoàng Cầm cũng không cố tình làm thơ hay nên thơ ông mới hay đến thế? Tài năng ông là ở chỗ tìm tòi đổi mới thơ mà bản ngã truyền thống vẫn không suy chuyển, nâng cao tư duy thơ mà giọng điệu vẫn không xa lạ với mọi người: "Cúi lạy mẹ con trở về Kinh Bắc/ Chiều xưa giẻ quạt voi lồng/ Thân cau cụt vẫy đuôi mèo trắng mốc/ Chuồn chuồn khiêng nắng sang sông/ Đê mười tám khúc Văn Giang/ Chuông Bách môn đỏ xô gò má/ Mây thành thổi lửa/ Nẻo Đông Triều khép mở gió kỳ lân/ Chớp rạch dáng tiên vén xiêm xõa ngủ/ Thoắt chìm/ Gấu đẩy đá Thiên thai/ Đi đâu/ Trăng mày xếch vòng cung/ Bắn nát chiều mai ráng đỏ/ Châu chấu ma vờn cổ yếm xây/ Không gặp người quen/ Hờ/ Ngõ cũ/ Đêm xuống/ Làm lầu hoang/ Trò chuyện gì ai đâu/ Mồ tháng giêng mưa song/ Đằm ca dao sáo diều chiều lịm tím lưng trâu/ Bưởi Nga My sao mẹ bắt đèo bòng" ("Đêm thổ" - thơ Hoàng Cầm)
Trong bài thơ trên, tôi nghe thấy Hoàng Cầm đã tấu lên một nhạc điệu mới, một thứ nhạc nội tại kết dính những câu thơ lại với nhau bằng một thứ nhịp vô hình. Và nhà thơ, với những ngón đàn đầy hứng thú và lão luyện đã bắt nhịp cho những con chữ bổng trầm theo một thang âm cách điệu của riêng ông. Khi ấy, người đọc thơ Hoàng Cầm không cần phải biết tới cái nghĩa bóng - nghĩa đen của những con chữ này mà vẫn có thể nắm được cái sắc diện tinh thần của mỗi câu thơ.
Cách tân thơ không phải cứ viết tùy hứng, bừa bãi
Có ý kiến cho rằng, trong thơ Hoàng Cầm thấp thoáng có những nét chạm khắc tinh hoa của kiến trúc đình - chùa vùng Kinh Bắc, nó mang hơi thở và dấu ấn sáng tạo tuyệt kỹ của những nghệ nhân dân gian. Tôi thấy trong những bài thơ của mình, Hoàng Cầm không chỉ là một nghệ nhân kỳ tài đang say sưa khắc họa cả một vùng không khí lễ hội, mà nhà thơ còn chuyển hóa cung điệu trữ tình này sang tình cảm đôi lứa trong những trò chơi dân gian hồn nhiên và gần gũi với nhiều thế hệ: "Cỗ bài tam cúc mép cong cong/ Rút trộm rơm nhà đi trải ổ/ Chị gọi đôi cây!/ Trầu cay má đỏ/ Kết xe hồng đưa Chị đến quê Em/ Nghé cây bài tìm hơi tóc ấm/ Em đừng lớn nữa Chị đừng đi/ Tướng sĩ đỏ đen chui sấp ngửa/ Ổ rơm thơm đọng tuổi đương thì/ Đứa được/ chinh truyền xủng xoẻng/ Đứa thua/ Đáo gỡ ngoài thềm/ Em đi đêm tướng điều, sĩ đỏ/ Đổi xe hồng đưa Chị đến quê Em/ Năm sau giặc giã/ Quan Đốc đồng áo đen, nẹp đỏ/ Thả tịnh vàng cưới Chị/ võng mây trôi/ Em đứng nhìn theo, Em gọi đôi" (thơ Hoàng Cầm).
Có thể nói, trong thơ Việt Nam hiện đại, Hoàng Cầm đã tạo ra một trường - thẩm - mỹ mới, nó vừa mang trong mình cốt cách văn hóa của vùng Kinh Bắc, vừa mở ra một không gian lớn của thơ trữ tình với những tìm tòi nhằm đưa cái đẹp dân gian vào hơi thở của mỗi bài thơ. Và chính điều này đã làm nên một trường - giang - thơ lộng lẫy của riêng Hoàng Cầm - ông hoàng của thơ trữ tình đương đại.
Cùng với nhà thơ Hoàng Cầm là các nhà thơ Trần Dần, Lê Đạt, Văn Cao, Đặng Đình Hưng, Dương Tường… một thế hệ khởi đầu với những viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho ngôi - nhà - thơ cách tân. Các nhà thơ này đã làm chúng ta hết sức ngạc nhiên về những tư duy thẩm mỹ mới và hiện đại. Thơ của họ đã vượt thoát khỏi những khuôn sáo ước lệ của vần điệu để thắp lên những hình tượng thơ mới. Không gian thơ được mở rộng hơn, mở sâu hơn, với tới các chiều kích của những suy tưởng lớn mang tính khái quát cao. Và, trong trường - thẩm - mỹ này, những vấn đề tưởng chừng lớn lao lại được khái quát lên từ những cái rất tầm thường, nhỏ bé của đời sống quê hương máu thịt hàng ngày.
Nhận xét về những cách tân của các nhà thơ trẻ hôm nay, nhà thơ Hoàng Cầm cho rằng: "Có hai vấn đề: Một là có người thơ trẻ cố làm ra vẻ cách tân nhưng thơ không đọng được, không đọc được. Hai là có người đã tìm thấy một cách biểu hiện mới, chữ nghĩa dùng cũng mới. Nó cũng thấy thấp thoáng những gương mặt thơ mới được phác thảo và cần phải ghi nhận sự cố gắng của lớp trẻ này, nhưng sự trải nghiệm của họ còn ít nên khi đổi mới cũng có những chuệch choạc. Tìm được một câu thơ hay ở lớp người trẻ bây giờ khó lắm, nhất là khi mở cửa ra với thế giới, lớp trẻ dễ bị choáng ngợp, bị ảnh hưởng bởi các trào lưu mới. Cách tân thơ không phải là cứ viết tùy hứng, bừa bãi được. Theo mình, chỉ có thơ hay và không hay mà thôi. Thơ ca bao giờ cũng xuất phát từ tình cảm hơn là lý trí và không thể nào khác được. Những người làm thơ trẻ bây giờ phải tránh bớt đi sự "giả vờ làm dáng" trong việc cách tân thơ. Bởi tự bản thân thơ ca đã mang trong mình tinh thần cách tân rồi và đấy là quy luật tự nhiên, tự thân phải đổi mới”.