Thi pháp trữ tình lãng mạn trong dòng thơ yêu nước 1945 - 1975
Nhìn lại dòng thơ cách mạng kháng chiến 1945-1975, ta thấy phẩm chất chủ đạo và nổi trội nhất là tinh thần yêu nước mang tính chiến đấu với những khúc tráng ca có tính sử thi nhằm động viên người người, lớp lớp xông ra chiến trường trong cuộc trường chinh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Trong bài viết này, tôi hướng đến một phẩm chất đặc biệt khác của dòng thơ này, đó là thi pháp trữ tình lãng mạn đã làm nên sức sống trường tồn của thi ca đương đại.
Theo tôi, chúng ta có thể thấy phẩm chất trữ tình lãng mạn của dòng thơ yêu nước 1945-1975 qua hai tác phẩm tiêu biểu theo thời gian, đó là bài thơ "Bên kia sông Đuống" của nhà thơ Hoàng Cầm viết tháng tháng 4/1948 ở chiến khu Việt Bắc và bài thơ "Đất nước đàn bầu" của nhà thơ Lưu Quang Vũ viết năm 1972. Giọng điệu chung của hai tác phẩm này là giọng điệu trữ tình lãng mạn, mang tinh thần yêu nước thương nòi và chia sẻ với những nỗi buồn đau, mất mát của con người và lên án chiến tranh xâm lược tàn khốc của kẻ thù đã xéo dày lên quê hương, đất nước Việt Nam.
"Sông Đuống nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ"
Cố nhà thơ Hoàng Cầm tên khai sinh là Bùi Tằng Việt, sinh năm 1922, quê Thuận Thành, Bắc Ninh, tham gia Việt Minh từ năm 1944; Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007, ông qua đời năm 2010. Hoàng Cầm đã xuất bản gần hai chục tác phẩm, gồm: truyện ngắn, truyện vừa, thơ, kịch, thơ dịch, truyện thơ. Trong đó có các tập thơ nổi tiếng: "Bên kia sông Đuống", "Về Kinh Bắc", "Tiếng hát quan họ", "Lá diêu bông", "Mưa Thuận Thành", "Men đá vàng", "99 tình khúc"…
Có thể nói, với "Bên kia sông Đuống" của nhà thơ Hoàng Cầm, lần đầu tiên thi ca cách mạng Việt Nam đã dựng lên một bức tranh thấm đẫm tình quê hương, sông núi trong kháng chiến gian lao đã bị giặc Pháp tàn phá dập vùi trong bom đạn: "Em ơi! Buồn làm chi/ Anh đưa em về sông Đuống/ Ngày xưa cát trắng phẳng lì/ Sông Đuống trôi đi/ Một dòng lấp lánh/ Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ/ Xanh xanh bãi mía bờ dâu/ Ngô khoai biêng biếc/ Đứng bên này sông sao nhớ tiếc/ Sao xót xa như rụng bàn tay/ Bên kia sông Đuống/ Quê hương ta lúa nếp thơm nồng/ Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong/ Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp/ Quê hương ta từ ngày khủng khiếp/ Giặc kéo lên ngùn ngụt lửa hung tàn/ Ruộng ta khô/ Nhà ta cháy/ Chó ngộ một đàn/ Lưỡi dài lê sắc máu/ Kiệt cùng ngõ thẳm bờ hoang/ Mẹ con đàn lợn âm dương/ Chia lìa trăm ngả/ Đám cưới chuột đang tưng bừng rộn rã/ Bây giờ tan tác về đâu?".
Những câu thơ cháy bỏng cảm xúc nói trên với hình ảnh thân thương về miền quê Kinh Bắc, với hình tượng thơ lãng mạn trữ tình "Sông Đuống trôi đi/ một dòng lấp lánh/ nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ" của Hoàng Cầm đã làm nên một biểu tượng của cái đẹp vượt lên sự tàn khốc của chiến tranh trong thi ca đương đại.
Thơ trữ tình của Hoàng Cầm có một phong thái rất đặc biệt, chính cái men - văn - hóa vùng Kinh Bắc đã để cho thơ Hoàng Cầm làm say người đọc bằng một thứ rượu - thơ của một miền tinh hoa cổ kính: "Ai về bên kia sông Đuống/ Cho ta gửi tấm the đen/ Mấy trăm năm thấp thoáng mộng bình yên/ Những hội hè đình đám/ Trên núi Thiên Thai/ Trong chùa Bút Tháp/ Giữa huyện Lang Tài/ Gửi về may áo cho ai/ Chuông chùa văng vẳng nay người ở đâu?/ Những nàng môi cắn chỉ quết trầu/ Những cụ già phơ phơ tóc trắng/ Những em sột soạt quần nâu/ Bây giờ đi đâu, về đâu?/ Ai về bên kia sông Đuống/ Có nhớ từng khuôn mặt búp sen/ Những cô hàng xén răng đen/ Cười như mùa thu tỏa nắng".
Sau khi dựng lên hình ảnh quê hương máu thịt gần gũi bị chiến tranh tàn phá như vậy, Hoàng Cầm đã khắc họa hình ảnh cuộc chiến đấu của những người con đi giành lại quê hương với những câu thơ rừng rực căm hờn: "Em ơi, đừng hát nữa lòng anh đau/ Mẹ ơi, đừng khóc nữa dạ con sầu/ Cánh đồng im phăng phắc/ Để con đi giết giặc/ Lấy máu nó rửa thù này/ Lấy súng nó cầm trong tay/ Mỗi đêm một lần mở hội/ Trong lòng con chim múa hoa cười/ Vì nắng sắp lên rồi/ Chân trời đã tỏ/ Sông Đuống cuồn cuộn trôi/ Để nó cuốn phăng ra bể/ Bao nhiêu đồn giặc tơi bời/ Bao nhiêu nước mắt/ Bao nhiêu mồ hôi/ Bao nhiêu bóng tối/ Bao nhiêu nỗi đời/ Bao giờ về bên kia sông Đuống/ Anh lại tìm em/ Em mặc yếm thắm/ Em thắt lụa hồng/ Em đi trẩy hội non sông/ Cười mê ánh sáng muôn lòng xuân xanh".
Bài thơ "Bên kia sông Đuống" là một đỉnh cao của thơ ca kháng chiến khi lòng yêu nước được thể hiện từ những cảm xúc và hình ảnh chân thực thấm đẫm nét văn hóa của miền quê Kinh Bắc. Cái trục quê hương - văn hóa - con người với hình ảnh lãng mạn trữ tình đã xuyên suốt từ đầu bài thơ tới cuối bài thơ đã làm nên một tứ thơ độc đáo của phong cách thi ca Hoàng Cầm.
"Đất nước đàn bầu" - một vở sử thi lớn
Nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ (1948-1988), với 6 tập thơ và hàng trăm bài thơ trong di cảo vừa được công bố, cho thấy tình yêu con người, cuộc sống và tình yêu đất nước là mạch nguồn chính của thi ca ông. Với hơn 50 tác phẩm sân khấu, Lưu Quang Vũ là một kịch tác gia xuất sắc của sân khấu đương đại Việt Nam. Không chỉ thế, trong thế hệ nhà thơ xuất hiện những năm 70 thế kỷ trước, Lưu Quang Vũ là một tài năng thơ bẩm sinh và kiệt xuất. Sau này khi trở thành một kịch tác gia nổi tiếng khắp nước thì khát vọng sáng tạo lớn của ông vẫn là thi ca. Ông đã được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật.
Trong những bài thơ lớn của ông, tôi nói về "Đất nước đàn bầu" như một vở sử thi lớn của Lưu Quang Vũ. Ông viết bài thơ này năm 1972, và sau đó đã được trao Giải thưởng Thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Với mỹ cảm lãng mạn, bài thơ mở đầu bằng những hình ảnh sinh động, hoang dã, lộng lẫy và hào sảng về lịch sử dân tộc Việt từ thuở sơ khai: "Đi dọc một triền sông/ Những chiếc trống đồng vùi trong cát/ Những mảnh bình vỡ nát/ Những mũi tên lăn lóc/ Khắp núi đồi hoang vu/ Những rìu đá cổ sơ những hang động khổng lồ/ Những đống lửa còn tro tàn sót lại/ Đi tìm lại thời gian đã mất/ Thuở biển cả điên cuồng gầm thét/ Những con chim lạc mỏ dài/ Bay qua vầng trăng lớn/ Cánh sừng sững tắm hoàng hôn đỏ rực/ Cất tiếng kêu hoang dại dưới đêm nồng/ Tôi đi tìm dòng máu của tôi/ Hơi thở đầu sục sôi của tôi/ Trong cuồn cuộn những ngực trần đen bóng/ Những bộ lạc mình vẽ đầy rồng rắn/ Quần hôn trên bờ bãi sông Hồng/ Những mái tóc dài bay gió biển Đông/ Những mái lá có bùi nhùi giữ lửa/ Những người đàn bà tết cỏ cây che vú/ Đã ngọt ngào dòng sữa/ Điệu ru con đầu tiên/ Bức tranh đầu tiên khắc mặt người lên đá/ Điệu múa đầu tiên theo nhịp thuyền".
Dường như đoạn thơ trên không chỉ là thơ khi nó chứa đựng dưới tầng thi ngữ những âm thanh, cảnh sắc, nhạc điệu, hình tượng… của một vở sử thi lớn tái hiện những trang sử mang đậm chất bi ca và hùng ca của dân tộc Việt trong suốt chiều dài ngàn năm dựng nước và giữ nước. Chúng ta có cảm tưởng, Lưu Quang Vũ như một nhà khảo cổ học đi tìm lại thời gian đã mất bằng ngôn ngữ của thi ca lãng mạn và ông đã phát hiện những tầng văn hóa Việt cổ trong bề dày lịch sử văn hiến của dân tộc. Thơ của Lưu Quang Vũ mang vẻ đẹp lạ kỳ của hình ảnh và ngôn ngữ thơ lãng mạn, mang tính đặc thù của riêng ông với những câu thơ xuất thần đậm nét tài hoa và giàu cảm xúc. Những câu thơ vang lên trong tâm tưởng người đọc một nhạc điệu lãng mạn đầy xúc động với những thi ảnh được chọn lọc một cách tinh tế và giàu tính hội họa.
Qua bài thơ "Đất nước đàn bầu", chúng ta có thể thấy những đóng góp của Lưu Quang Vũ cho sự phát triển của thơ hiện đại là khá đa dạng. Không chỉ nằm ở bình diện phát hiện các vẻ đẹp của ngôn ngữ thơ, sự đóng góp ấy còn thể hiện ở việc Lưu Quang Vũ đã khắc họa chiều sâu những rung động suy tư của tâm trạng con người trong những tầng văn hóa sống động của đời sống lịch sử dân tộc bằng ngôn ngữ thi ca mang phong cách độc đáo của riêng anh và chỉ anh mới có: "Em đến cùng tôi như chùm vải đầu mùa/ Tóc hoang dại lòa xòa trên ngực nắng/ Ngực em sáng như mặt trời sắp lặn/ Tôi đầm đìa sương lạnh của bờ đê/ Tôi thấm đầy nước mắt của trời khuya/ Trăng đã hiện, đêm ca dao vằng vặc/ Những cô Tấm thử hài trong tiếng nhạc/ Những nàng Kiều hồi hộp bấm dây tơ/ Đêm sử thi náo động tiếng quân hò/ Sôi trong máu những bầy voi nguyên thủy/ Sáng trong mắt những rừng gươm chớp lóe/ Những nỗi buồn tê dại ngón tay rung/ Chim Lạc bay, cánh rợp cả sườn non/ Rùa đẻ trứng nồng nàn trên cát bể/ Rừng gầm thét, thác nguồn sao trắng thế/ Đất mênh mông tràn ngập ánh mặt trời/ Gió thổi lồng những đốm lửa không nguôi/ Tôi nhận hết, tôi là người tiếp nối/ Là dĩ vãng nhưng chẳng là bóng tối/ Nước mắt tôi ướt đẫm những dây đàn".
Có thể nói, những câu thơ huyền ảo, âm vang và mộng mị nói trên của Lưu Quang Vũ, phần nào đó đã dựng lên bức tranh sử thi trong một vở kịch lớn trên đất Việt ngàn năm của chúng ta. Với hai bài thơ, từ "Bên kia sông Đuống" tới "Đất nước đàn bầu", chúng ta có thể thấy vẻ đẹp của thi ca lãng mạn yêu nước đã cất cánh trên cái nền của văn hóa-nghệ thuật ngàn đời của cha ông. Và, đấy chính là sự đóng góp lớn của hai nhà thơ Hoàng Cầm và Lưu Quang Vũ cho thi ca Việt Nam.