Tạm biệt nhé, đạo diễn, NSND Nguyễn Hữu Phần

Thứ Sáu, 31/05/2024, 11:06

Vậy là người đạo diễn già, chào chúng ta ra đi vào buổi trưa, cuối vụ mùa loa kèn trắng. Người ta vẫn gọi, NSND Nguyễn Hữu Phần là “đạo diễn của nhà nông” khi những tác phẩm phim truyền hình của ông trình làng đã khẳng định vị thế nhất phẩm của người đạo diễn về đề tài nông thôn: “Ma làng”, “Đất và Người”, “Gió làng Kình”, “Bão qua làng”…

Và người ta tưởng như quên, thật ra, đã từng có thời kỳ ông còn là “hoàng tử đảo” của những bộ phim với những câu chuyện tình êm đềm, lãng mạn, như bản tình ca du dương, vằng vặc ánh sao trời: “Em còn nhớ hay em đã quên”, “Bản tình ca trong đêm”…

untitled-1.jpg -1
NSND Nguyễn Hữu Phần.

Cũng là một đời người, một chuyến đò sang sông, vậy mà cái thuyền của Nguyễn Hữu Phần thật đặc biệt, ở đó chuyên chở biết bao nhiêu câu chuyện cảm động và lí thú. Những câu chuyện từ cuộc đời tuổi thơ mộc mạc, giản dị ở làng quê nghèo Hưng Yên. Năm ông lên 3 tuổi, bố ông mất, người mẹ tần tảo bươn chải thân cò nuôi đàn con thơ. Một đứa trẻ mất cha từ tấm bé, mọi sinh hoạt trong gia đình đều do mẹ ông, một người đàn bà điển hình của sự cần mẫn, chắt chiu, lam lũ chốn thôn quê. Rồi, dường như, cái sự chân chất nông dân đấy lây sang đứa con trai bé nhỏ. Để sau này ông thành một cậu Phần say việc, ham mê, lam làm.

Cuộc sống khốn khó đầu đời của Nguyễn Hữu Phần bắt đầu từ những công việc kỹ thuật nặng nhọc ngỡ như chả liên quan gì đến tâm hồn sau này sẽ trở thành nghệ sĩ của ông như làm thợ điện, thợ hàn, kéo xe… Tháng ngày lam lũ sớm tối đó đã cho ông thực tế cuộc sống. Mà cuộc sống chính là người thầy vĩ đại, nơi đó chính là hơi thở của những người nông dân, công nhân, những mảnh đời lam lũ tận hiến làm nên những mảnh ghép đẹp đẽ của cuộc sống tươi xanh nhất. Chắt lọc và bơi trong bể hiện thực đời sống, gom góp được một gia tài đời thực với chất liệu ngồn ngộn qua tháng năm đi khắp nơi cùng chốn, sống tận cùng với người lao động, cộng với tư duy đạo diễn và khối óc của một nghệ sĩ lãng mạn, phiêu bồng sau này ông đã cho ra những tác phẩm phim truyền hình dậy mùi “đạo diễn Nguyễn Hữu Phần”.

Cuộc sống hay và kì diệu vì không ai biết trước được tương lai của mình sẽ ra sao. Người ta vẫn thường bám vào hai từ: “định mệnh” ám chỉ duyên số đến như một sự sắp đặt có chủ đích của tạo hóa ban tặng. Và, cuộc đời kỳ lạ của ông dường như có một bàn tay che chở đầy yêu thương của tạo hóa khi cho ông bước vào một ngã rẽ duyên phận. Đấy là lúc ông đang là giáo viên dạy văn thì chơi với người bạn quay phim bên xưởng phim truyện. Mỗi lần gặp gỡ với người bạn là ông lại bị hấp lực của phim ảnh lôi kéo đến mụ mị. Cái ngày mong chờ ấy rồi cuối cùng cũng đến. Ông trở thành sinh viên khóa đầuTrường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội.

Những tháng năm dài vừa học vừa làm, được theo chân những bậc tiền bối gạo cội trong làng điện ảnh: Phạm Văn Khoa, Bắc Xuyên, Nguyễn Ngọc Chung, Trần Vũ… Những bài học được tích lũy từ thực tế cuộc sống, từ những người đạo diễn đi trước, từ những tác phẩm phim kinh điển của điện ảnh cách mạng Việt Nam đã khiến cho Hữu Phần trở thành một con người mới, đó là con người dành cả đời mình cho điện ảnh. Lúc này, điện ảnh có một thời kì huy hoàng rực rỡ, mang một sứ mệnh cao cả thiêng liêng - điện ảnh chói sáng trên nền trời nghệ thuật đã đưa bao người đến những giấc mơ phim trường. Trong số đó có đạo diễn Nguyễn Hữu Phần. Ông đã nạp nhiên liệu cho mình qua nhiều hình thức khác nhau từ làm trợ lý, thư ký trường quay cho các bậc tiền bối.

“Có chí làm quan, có gan làm giàu”, ông đi học lại từ đầu khi đang là giáo viên và đeo đuổi đam mê bộ môn nghệ thuật thứ 7 đến tận cùng. Một sự dũng cảm thời bao cấp khi mà đồng lương bát gạo luôn là gánh nặng oằn lưng. Ngay cả trong lúc thiên hạ đói ăn, chạy ăn từng bữa, thèm một miếng thịt, một quả trứng thì ông đã dốc sạch, vét nhẵn túi tiền của bản thân để đổ ra nuôi đam mê phim trường lãng mạn. Bộ phim nổi đình đám thời ấy giữa những năm thập niên 90: “Em còn nhớ hay em đã quên” được sử dụng bằng những đồng tiền tích cóp bao năm. Mang bộ phim đi khắp các tỉnh thành trong nước, ông trở thành nhà phát hành phim ngoại hạng. Kể từ đó về sau, ông “dư giả” kinh nghiệm làm một nhà đạo diễn, kiêm sản xuất, phát hành phim mát tay.

Có một dạo, phim mì ăn liền, quay nhanh thắng gọn, làm mưa làm gió các rạp trong nước. Tuy doanh thu sau khi phát hành có nhiều đến mấy, ông cũng không màng. Có lẽ, những người được đào tạo bài bản như ông cộng với việc những tháng ngày rong ruổi, trên từng cây số với các cây đa cây đề - các bậc tiền bối đáng kính đã cho ông một niềm tin, tình yêu sâu sắc với nghệ thuật thứ bảy. Có thế ông mới vượt qua được sự cám dỗ vật chất, sức mạnh của đồng tiền không làm cho ông thay đổi cái nhìn trong sáng, kiên định về nghệ thuật.

phim _ma làng_ là một trong những tác phẩm thành công của nsnd nguyễn hữu phần.jpg -0
Phim “Ma làng” là một trong những tác phẩm thành công của NSND Nguyễn Hữu Phần.

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần không chịu được cái lối làm phim chộp giật. Với ông những thước phim hời hợt, dễ dãi không thỏa mãn được sự sáng tạo ngùn ngụt và tư duy làm phim nghiêm túc. Ông vẫn cần mẫn với con đường phim trường riêng sâu sắc, táo bạo, sáng tạo. Với tư duy sắc bén của nghệ thuật đạo diễn cộng với con mắt xanh điêu luyện nhà nghề, ông đã “đãi cát tìm vàng” phát hiện nhiều diễn viên và đưa tên tuổi nghệ sĩ lên một tầm cao mới, khi họ bén duyên với những phim do ông đạo diễn. Thu Hiền trong “Mảnh đời của Huệ”, Hán Văn Tình trong “Đất và Người”, NSND Bùi Bài Bình với “Ma làng”…

Cũng một chữ duyên, những năm tháng say nghề rong ruổi trên mọi cung đường của đất nước, chọn bối cảnh để quay, để dựng phim. Đã có không ít lần đạo diễn NSND Nguyễn Hữu Phần cho cậu con trai nhỏ đi theo, và rồi, tình yêu với nghệ thuật thứ bảy này cũng nảy nở lớn dần lên trong tâm hồn của đứa bé thơ, con trai ông, Nguyễn Hữu Trọng. Sau này, vào tuổi trưởng thành, Trọng theo nghề của bố. Hổ phụ sinh hổ tử, ở đâu đó sâu xa, ông có niềm hãnh diện và tự hào về sự hợp gu, ăn ý khi hai cha con có chung một niềm đam mê, có sự đồng điệu về sở thích.

Vào một ngày đẹp trời, tôi gặp ông ở nhà NSND Thanh Tú. Hai người là bạn học của nhau từ thời sinh viên khóa đầu ở Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội. Ở họ có sự thân thiết đặc biệt. Trải qua nhiều sóng gió của cuộc đời, họ từ lâu đã thành bạn tâm giao, tri kỷ. Ông mặc áo sơ mi màu trắng cắm thùng, đeo kính gọng đen, mắt kính trắng.

Họ cùng nhau bàn luận say sưa về một bộ phim và những câu chuyện nghệ thuật đầy hào hứng và sôi nổi. Lúc đó, ông là một trong 7 thành viên của Hội đồng duyệt phim quốc gia. Tôi thấy lửa nghệ thuật trong lòng họ vẫn vẹn nguyên, âm ỉ và dai dẳng, sẵn sàng bùng phát khi vào những đoạn cao trào. Đúng, không thể lầm lẫn được, họ sinh ra để cho nghệ thuật. Tình yêu nghệ thuật, sự hiểu biết về nhau đã đưa tình bạn trở nên thắm thiết. Họ bàn luận về một thời hoa đỏ ăm ắp kỷ niệm, về những tháng năm phim trường qua sự gập ghềnh biến động của thời gian.

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần kể một câu chuyện, đấy là khi nhà ông còn ở phố Bát Đàn, một trong con phố cổ của 36 phố phường Hà Nội. Một buổi chiều mùa đông có một thầy phong thủy đi ngang qua con ngõ Bát Đàn, vị thầy phong thủy đứng ở ngoài và chỉ vào con ngõ nơi nhà ông ở và nói lớn: “Ai đang sống trong con ngõ này sẽ rất nổi tiếng trong lĩnh vực nghệ thuật. Khí đất của con ngõ này rất vượng về nghệ thuật”. Và thật trùng hợp, con ngõ đó có đạo diễn Nguyễn Hữu Phần và cậu con trai Nguyễn Hữu Trọng sinh sống. Và quả thật sau này cả hai cha con danh tiếng nổi như cồn.

Tiếng là đạo diễn, ra hiện trường chỉ đạo diễn xuất, làm đủ các lịch trình khác của đoàn làm phim nhưng ông vẫn nho nhã, chả khi nào cáu gắt. Có lần, tôi hỏi ông: “Thường các đạo diễn tính nóng như lửa, vậy mà tại sao ông vẫn nhỏ nhẹ, điềm tĩnh với diễn viên như thế?”. Ông thủng thẳng trả lời: “Cáu gắt có ích gì, càng làm cho diễn viên rối trí. Cách truyền đạt cho diễn viên dễ hiểu nhất là nói từ tốn vừa đủ để diễn viên hiểu. Người nghệ sĩ họ có bình tĩnh thì mới sáng tạo tốt được”. Tuy đã ngoài 70 tuổi, nhưng ông vẫn chịu khó “quan sát” những hậu duệ làm phim điện ảnh sau này. Khi hay tin có bộ phim Việt “hot”, “hit” trên các trang mạng xã hội, ông cũng sẵn sàng mua vé vào rạp xem. Và rồi, với tư duy cấp tiến, ông khen phim hay, xúc động, ông vẫn tìm ra được ánh sáng điện ảnh nơi thế hệ trẻ.

Và giờ đây, trong một giấc ngủ dài của tháng 5 mùa hè với hoa phượng đỏ, hoa bằng lăng tím biếc, hoa vàng rực rỡ trên từng con phố Hà Nội. Ông đã chọn để ra đi vào một mùa tưng bừng và lãng mạn như thế. Tạm biệt nhé, đạo diễn, NSND Nguyễn Hữu Phần.

Trần Mỹ Hiền
.
.