Tác giả "Người đàn bà quỳ" nổi tiếng đã ra đi

Thứ Bảy, 14/05/2022, 22:14

Biết tin nhà văn, nhà báo Lê Văn Ba, tác giả truyện “Người đàn bà quỳ” nổi tiếng một thời vừa ra đi, đi về cõi vĩnh hằng, tôi lặng người.

Nhiều bạn đọc hẳn còn nhớ truyện ngắn “Người đàn bà quỳ” của Trần Khắc (một bút danh của nhà văn Lê Văn Ba) đã khắc họa nên hình ảnh không dễ quên của một thời mà văn học cũng như báo chí ở nước ta đã “Nhìn thẳng vào sự thật” như lời Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh.

Nhớ lần tôi đi dự Ngày Thơ Việt Nam, gặp nhà văn Lê Văn Ba cùng vợ và con gái đầu, cháu Hà đang mải mê ngắm cảnh, đọc thơ trong khuôn viên Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Thấy ông khỏe mạnh, nhanh nhẹn, tôi thật mừng.

Giờ nghỉ giải lao Đại hội Nhà văn Việt Nam lần trước, nhà văn, nhà báo Lê Văn Ba mang đến tặng tôi cuốn “Nhà văn Việt Nam trong nhà tù quân xâm lược” dày gần 1.500 trang.

Tôi thực sự ngạc nhiên. Một nhà văn ngoài 80 tuổi còn bỏ công sức sưu tầm và biên tập được một cuốn sách như vậy quả là đáng nể.

image0 (1).jpeg -0
Viết tại nhà vườn Sóc Sơn.

Đọc bài viết của Trần Bảo Hưng và hồi ký của chính tác giả in trong cuốn sách tôi biết thêm nhiều điều về nhà văn, nhà báo Lê Văn Ba, người đã từng là sếp cũ của tôi trong nhiều năm.

Nhà báo, nhà văn Lê Văn Ba đã hoạt động trong Tổ chức Thanh niên Hà Nội thời chống Pháp, có lần bị bắt, bị giam hơn một năm ở nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội). Ông đã có mấy cuốn sách viết về nhà tù như “Kể chuyện nhà tù Hỏa Lò” (2004); “Thơ viết trong nhà tù Hỏa Lò” (2006); “Nhà tù Hỏa Lò, trường học yêu nước và cách mạng” (2009).

Tôi đã từng nghe nói đến những tấm gương yêu nước của các nhà văn, nhà thơ Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Nhưng khi đọc “Nhà văn Việt Nam trong nhà tù quân xâm lược” tôi mới biết được cụ thể, biết được nhiều điều mà lâu nay tôi chưa thể hình dung. Việc tập hợp được những tư liệu như vậy, nhất là việc lý giải được xuất xứ, lịch sử ra đời của những tư liệu đó quả là đáng quý, nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi mà văn hóa đọc, khi mà lớp trẻ nhiều người còn có biểu hiện thờ ơ, thiếu hiểu biết cặn kẽ lịch sử văn hóa cũng như lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc.

Tôi thường ngâm ngợi câu thơ nổi tiếng của Đặng Dung: “Nợ nước chưa xong đầu đã bạc/ Mấy độ mài gươm bóng nguyệt tà” mà nay mới biết được xuất xứ của bài thơ “Cảm hoài” nổi tiếng nhờ đọc cuốn sách này.

Cũng có người bảo tôi rằng, bây giờ muốn tìm kiếm thông tin gì thì gõ vào Google là có hết. Tất nhiên, thời buổi hiện đại, không chỉ tìm trong sách mà ta có thể tìm kiếm qua các trang mạng. Nhưng, không hiểu sao tôi vẫn cho rằng những cuốn sách (tất nhiên là sách nghiêm chỉnh) là nơi đáng tin cậy nhất.

Khi tôi làm cuốn “Những câu thơ hay Đông - Tây - Kim - Cổ” (Nhà xuất bản Giáo dục, ấn hành năm 2013), tôi mới hiểu hết cái cực nhọc của những người làm sách nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn mà trong những cuốn sách đó có nhiều tác giả, ở nhiều nơi và nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau.

Cho nên tôi rất kính nể những nhà báo, nhà văn, nhà thơ dày công tìm tòi. biên soạn những cuốn sách như vậy, như nhà văn, nhà báo Lê Văn Ba đã làm.

Nhà văn, nhà báo Lê văn Ba đã từng bị thực dân Pháp bắt đi tù khi ông còn hoạt động bí mật trong Tổ chức Đoàn Thanh niên Hà Nội. Bởi vậy, khi bỏ công sức làm cuốn “Nhà văn Việt Nam trong nhà tù quân xâm lược”, hẳn ông đã gửi nhiều tâm huyết vào đó. Hẳn ông rất thấu hiểu nổi khổ cũng như ý chí kiên cường của người cầm bút trong cảnh tù đày thời thực dân phong kiến.

Nói đến nhà văn, nhà báo Lê Văn Ba, tôi lại nhớ về một thời làm báo với nhiều kỷ niệm khó quên.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Văn, tôi gia nhập quân đội và là sĩ quan điều khiển tên lửa trong chiến tranh chống Mỹ. Năm 1975, sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, tôi chuyển về làm phóng viên Báo Tiền phong.

Hôm đầu tiên đến nhận việc, lãnh đạo báo phân công tôi về làm ở Ban Công nghiệp.

“Lên gặp nhà báo Lê Văn Ba nhé, ông ấy là Trưởng ban của cậu” - người phụ trách tổ chức của báo Tiền Phong lúc đó bảo tôi.

Tôi lên tầng ba để ra mắt người Trưởng ban mà tôi chưa hề biết mặt. Nhưng, hôm ấy không gặp được ông. Mọi người bảo vợ ông vừa sinh con trai, ông ấy đang ở nhà.

Sau này tôi mới biết, con trai ông, cháu Trần Toàn Thắng sinh đúng ngày tôi về nhận việc ở Báo Tiền phong. Hôm sau gặp tôi, ông bảo: “Nhân dịp đại thắng mùa xuân này, mình đặt tên cháu là Trần Toàn Thắng đấy”.

Những ngày làm phóng viên ở Ban Công nghiệp Báo Tiền phong tôi được nhà báo Lê Văn Ba tận tình giúp đỡ. Ông là người cẩn thận, chịu khó và rất nghiêm khắc với phóng viên. Bài viết của chúng tôi ông đọc rất kỹ, sửa từng câu, từng chữ, mỗi lần tôi được cử đi viết bài ông dặn xuống cơ sở sản xuất phải gặp ai, hỏi han điều gì, về nhà phải báo cáo cụ thể trước khi viết.

Có thể là do tuổi trẻ, do là người học văn và say làm thơ nên tôi chỉ thích viết những gì mà tôi cảm thấy xúc động, cảm thấy mới, thấy lạ…Và điều đó có vẻ không phù hợp lắm với không khí báo chí thời bấy giờ, cuối những năm bảy mươi của thế kỷ trước nên nhiều bài viết của tôi bị loại, không được đăng và bị cắt bỏ rất nhiều…

Tuy tôi nhận thấy nhà báo Lê Văn Ba là người có quan điểm chính thống, có lẽ trong thâm tâm ông không thích lắm những người lơ mơ thơ phú và hơi ngang như tôi. Nhưng, tôi thấy ông rất tận tình, quan tâm chỉ bảo từng ly từng tý, tôi cũng rất thích đến chơi với gia đình ông, vợ ông, các con ông đều sống chân tình…

Tôi cũng có được điều may mắn là công tác trong một cơ quan báo chí có nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng như Bùi Ngọc Tấn, Lê Minh Khuê, Sơn Tùng, Phan Cung Việt… Nhà văn, nhà báo Lê Văn Ba gần đây mới được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, nhưng ông đã say mê văn chương từ lâu, đã có nhiều truyện ngắn, nhiều phóng sự được bạn đọc đón nhận. Ông là người Hà Nội nên luôn đau đáu với những vấn đề của Thủ đô suốt bao năm qua.

Khi tôi lên thay ông phụ trách Ban Công nghiệp rồi Ban Kinh tế của Báo Tiền phong, ông chuyển sang làm ở Báo Đại Đoàn Kết. Sau khi nghỉ hưu, ông về làm Phó Tổng biên tập Báo Người cao tuổi. Cả cuộc đời của nhà văn, nhà báo Lê Văn Ba luôn gắn bó với đề tài người Hà Nội. Ông đã có được nhiều tư liệu quý, nhiều vốn sống phong phú, nhiều nghị lực vượt khó để khi ông với tư cách là một nhà văn, ông đã làm được những cuốn sách công phu, đáng nể như cuốn “Nhà văn Việt Nam trong nhà tù quân xâm lược” mà tôi vừa nói đến.

Dương Kỳ Anh
.
.