Sự lãng quên độc đáo

Thứ Sáu, 06/05/2022, 15:01

Nguyễn Đình San ngoài tư cách là nhạc sĩ sáng tác (tác giả những bài hát quen biết: “Chiều nắng”, “Trên dòng sông Lại Hạ”, “Có anh ở đảo”, “Khúc quân hành mùa xuân” “Chiều Nhật Lệ”…), nhà lý luận phê bình âm nhạc, còn được coi là “nhà tư liệu học” bởi ông có khả năng nhớ rất rõ nhiều bài hát ra đời trong quá khứ từ rất lâu (tác giả, thời điểm ra đời, thậm chí là ca sĩ hát lần đầu tiên trên Đài phát thanh).

Nhiều khi ông còn thuộc được toàn bộ tác phẩm ngay cả với những bài rất bình thường, không thể coi là hay, chẳng ai còn nhớ, có khi chính tác giả cũng quên.

Một lần ngồi đàm đạo với Văn An - cố nhạc sĩ quân đội nổi tiếng - trong lúc tác giả “Đôi dép Bác Hồ” xin lỗi mấy phút để tìm một tài liệu rất cần thiết thì Nguyễn Đình San khẽ cất lời âm ư hát một bài. Văn An hỏi:

- Có sáng tác mới đấy à? Hát to cả bài xem nào. Viết lâu chưa hay vừa xong?

Nguyễn Đình San tủm tỉm cười, không trả lời, chỉ nói:

- Em hát lại nhé. Anh chịu khó nghe rồi góp ý thẳng thắn cho em.

Nói xong, tác giả “Chiều nắng” say sưa hát lại cả bài: “Đoàn dũng sĩ diệt Mỹ ra đi trong màn sương/ Ruột gan ta bầm tím đau thương/ Gọi ta đi trả nợ máu xương/ Từ bên kia Thái Bình Dương giặc Mỹ tới quê hương ta tàn sát, cướp phá làng quê ta/ Chúng giết cha mẹ em thơ của ta…”.

Lúc này, Nguyễn Đình San đã có mấy bài được công chúng tán thưởng nên Văn An góp ý thẳng thắn:

- Quá bình thường, không xứng với năng lực của cậu, kém xa những bài cậu đã có. Giai điệu tầm thường, cũ kỹ, không có hình tượng, đoạn cuối cố gắng làm cho mới nhưng lại trúc trắc, nghe khô, ngang phè. Cậu học văn ra, từng làm thơ, viết tiểu thuyết mà riêng bài này ca từ quá dở, nhất là câu cuối kết bài (“Chiến đấu tới ngày nào không còn quân Mỹ mới thôi”).

Nghe người nhạc sĩ trứ danh, bậc thầy của của mình chê thẳng thừng, chẳng những Nguyễn Đình San không tự ái mà còn phá lên cười rất thích thú.

- Cậu cười gì vậy?

- Báo cáo nhạc sĩ lớn. Em nói một sự thật, mong anh đừng buồn nhé.

- Sao phải buồn? Sự thật gì? Nói đi.

Nguyễn Đình San vẫn chưa hết cơn buồn cười, nói:

- Bài này không phải của em mà của người khác ạ.

- Của ai? Bài dở vậy mà cậu có thể thuộc được sao?

- Thưa anh! Bài này của một nhạc sĩ nổi tiếng đấy ạ. Vị này có nhiều bài được công chúng ưa thích lắm.

- Ai nổi tiếng mà cho ra một bài dở hơi vậy?

- Thưa, đó là Văn An, Đại tá, được mọi người đặc biệt là bộ đội rất hâm mộ đấy ạ.

Lúc này Văn An mới trố mắt nhìn người nhạc sĩ đàn em. Nhưng vẫn hỏi lại:

- Cậu có trêu tớ không đấy?

- Thưa, không ạ. Đó là bài “Căm thù dồn lên đầu súng” anh sáng tác năm 1965 đấy ạ. Bài này được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam do hợp ca nam nữ của Đài trình bày và Mộng Dung cùng Đăng Khoa lĩnh xướng đấy ạ.

Lúc này Văn An hình như mới nhận ra bài hát của mình:

- Thảo nào mà khi nghe cậu hát xong, tớ cứ nghĩ bài hát như được viết ra từ thời chưa giải phóng miền Nam và lấy làm thắc mắc: Tại sao bây giờ cậu lại còn viết ca khúc về cái đề tài cũ ấy làm gì nữa. 

Rồi ông không quên dặn “nhà tư liệu”:

- Đó là một trong những bài tầm thường trong mấy trăm bài tớ đã viết ra. Cậu thật đáng bái phục về trí nhớ tuyệt vời. Nhưng thôi nhé. Chớ bao giờ hát lại bài này ở đâu đấy nhé.

Nguyễn Đình San còn hát thêm cho Văn An nghe một vài bài khác của người nhạc sĩ đàn anh, trong đó có bài tác giả còn nhớ là của mình và có bài cũng quên, rồi nói:

- Nhạc sĩ nào dẫu tài ba đến mấy thì cũng có những bài bình thường, thậm chí là dở, làm sao mà hay hết cả được. Nhưng quên hẳn đứa con tinh thần của mình thì em chưa thấy có ai là người thứ hai.

Văn An kết luận một câu khiến Nguyễn Đình San nhớ mãi:

- Đứa con thể chất thì dù có đui què mẻ sứt, ta vẫn thương yêu, thậm chí là càng thương hơn. Nhưng đứa con tinh thần mà què quặt thì nên quên vì nếu cứ “yêu quý” mãi thì sẽ chẳng “đẻ” ra được đứa nào hơn thế. Chỉ khổ người thưởng thức.

Mỗi lần Nguyễn Đình San kể lại câu chuyện trên ở đâu, tất thảy đều cười rất thú vị và lại nhớ đến người nhạc sĩ quân đội tài danh rất đáng yêu đã quá cố.

Nguyễn Bình An
.
.