“Sống mãi với cây xanh” - hay là kỳ vọng về một nền văn học xanh

Thứ Sáu, 17/06/2022, 18:28

Nguyễn Tuân (1910 - 1987), Nguyễn Minh Châu (1930 - 1989), Nguyễn Huy Thiệp (1950 - 2021), ba nhà văn tiêu biểu của văn học nước nhà về mảng “văn học xanh”.

Từ “Sông Đà” của Nguyễn Tuân

Sông Đà (ký, 1960) được coi là tác phẩm đánh dấu bước chuyển quan trọng của nhà văn Nguyễn Tuân, một cây bút tài hoa, uyên bác thuộc thế hệ nhà văn “từ chân trời của một người đến chân trời của nhiều người” đến với Cách mạng Tháng Tám 1945 như một “cuộc tái sinh màu nhiệm”. Trong tập ký này, riêng tùy bút “Người lái đò Sông Đà” (chọn đưa vào SGK Ngữ văn 12, định vị qua nhiều lần cải tiến chương trình), được đánh giá như một bài ca lao động trong hòa bình dựng xây đất nước, đã đành, còn luôn được coi là mẫu mực của “văn học xanh”.

Con sông Đà, qua ngòi bút Nguyễn Tuân, ánh lên như một sinh linh. Người ta có thể “du lịch qua màn ảnh nhỏ” (một chương trình thú vị của VTV), cũng như có thể “du lịch qua chữ” nhờ vào những trang văn xanh của Nguyễn Tuân. Đọc “Sông Đà” của Nguyễn Tuân, đôi khi riêng tôi cứ liên hệ, so sánh với những “Bút ký người đi săn” của văn hào Nga thế kỷ XIX, I. Tuôcghênhep, “Rừng Nga” của nhà văn Liên Xô L. Lêônnôp, cùng những kiệt tác “văn học xanh” của các nhà văn Nga hiện đại tài danh khác như “Lịch bốn mùa thiên nhiên” của M.Prisvin, “Chuyện núi đồi và thảo nguyên” của T. Aitơmatôp, “Đaghextan của tôi” của R. Gamzatôp,...

“Sống mãi với cây xanh” - hay là kỳ vọng về một nền văn học xanh -0
Nguyễn Tuân (1910 - 1987), Nguyễn Minh Châu (1930 - 1989), Nguyễn Huy Thiệp (1950 - 2021), ba nhà văn tiêu biểu của văn học nước nhà về mảng “văn học xanh”.

Trong văn học Việt Nam hiện đại, do điều kiện lịch sử đặc thù, “văn học xanh” còn chưa đậm nét trên bản lược đồ văn học nước nhà thế kỷ XX. Sinh thời, nhà văn Nguyễn Tuân đã hơn một lần: “Theo đoàn địa chất trèo lên tận đỉnh núi Phănxipăng để được từ đỉnh cao nhất của Tổ quốc nhìn bao la một vùng núi non hùng vĩ để có được cái xúc cảm tự hào về đất nước tươi đẹp của mình. Rồi lại leo đèo Lũng Cú, mỏm địa đầu phía Bắc của Tổ quốc để được ngắm nhìn, quan sát một vùng biên giới trùng điệp” (Ngọc Trai - “Trò chuyện với nhà văn Nguyễn Tuân”, Nxb Hội Nhà văn, 2010, tr. 32).

Trong tác phẩm “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi” (ký, 1972), Nguyễn Tuân không chỉ ca ngợi người Hà Nội không những vốn thanh lịch (ca dao “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”) mà còn chăm chút đến “cây Hà Nội”, “hoa Hà Nội”, coi đó như là bản sắc, phong cách người xưa gọi là dân Kẻ Chợ.

Cần phải kể đến công lao của những nhà văn thời hiện đại đã “kề vai sát cánh” tôn vinh vẻ đẹp thiên nhiên quê hương xứ sở như Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Đoàn Giỏi, Hoàng Phủ Ngọc Tường,... Họ là tác giả của những trang “văn học xanh” chính hiệu (“Bắt sấu rừng U Minh Hạ”, “Rừng mắm”, “Đất rừng phương Nam”, “Ai đã đặt tên cho dòng sông”).

Đến “Sống mãi với cây xanh” của Nguyễn Minh Châu

“Sống mãi với cây xanh” là một trong những thiên truyện độc đáo trong di sản văn chương của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Chúng ta đã từng, qua văn chương, “sống mãi với Thủ đô” (nhan đề một tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng). Nhưng mấy ai trong số chúng ta, ít nhất một lần, “sống mãi với cây xanh”.

Có thể nói, Nguyễn Minh Châu là cây bút đặc biệt ưu ái với thiên nhiên như một thung thổ, khí quyển văn hóa của con người thời hiện đại. Trong bài viết “Người viết trẻ và cánh rừng già” (1973), khi chiến tranh còn ngút ngàn khói lửa, nhà văn đã sớm chắt chiu vẻ đẹp thiên nhiên:

“Những ngày đi men theo dải Trường Sơn tôi ngắm đến mê say những cánh rừng khộp, một thứ cây chỉ ở phía Tây Trường Sơn mới có. Đó là một thứ cây vỏ dày bằng đốt ngón tay, sạm đen và nứt nẻ, cứng như đá, cả thân và cành tưởng vắt không có giọt nước. Trong xã hội loài cây ở rừng chả khác nào xã hội loài người, chỉ có từ ngàn đời nay có thể mọc trên những bãi đá phẳng lỳ mùa hè nóng đến nỗi không còn sống một ngọn cỏ, chỉ có lá khộp trắng lát đầy, khô cong, một chút gió nhẹ đi qua cũng đủ nổ ra tiếng động. Không hiểu sao mỗi lần đứng trước một cánh rừng khộp bao giờ tôi cũng cảm thấy nôn nao không yên trong dạ. Nền trời trên chỏm rừng trắng bợt ra và trên cái khoảng trắng bàng hoàng đó không biết cơ man nào những cây phong lan đang nở hoa, những bông hoa tím, trắng hoặc vàng đẹp một vẻ đẹp kiều diễm” (“Nguyễn Minh Châu toàn tập”, năm tập, tập 5, Nxb Văn học, 2001, tr.159).

Có thể nói, thiên nhiên Trường Sơn thời chiến tranh hủy diệt vẫn không mai một vẻ đẹp của tự nhiên, của sinh thành, của điều hòa đời sống tình cảm con người trong những hoàn cảnh sinh tử nhất. Nó là căn rễ để sau chiến tranh, sống trong hòa bình, nhà văn có thêm điều kiện để suy ngẫm về mối quan hệ giữa con người với tự nhiên. Sống mãi với cây xanh là sống với quy luật của muôn đời.

Nhân vật ông Thông (thợ trồng cây), có cái khả năng đặc biệt - biết nói chuyện với cây cối, theo ý kiến của nhà phê bình văn học Lại Nguyên Ân, mang tính chất “viễn tưởng” (may mắn không phải là “ảo tưởng”). Trong thiên truyện “Cỏ lau” (đã được chuyển thành phim điện ảnh), nhà văn đã viết về sức sống của loài cỏ đặc biệt ở vùng sơn cước miền Trung, nơi ông đã gắn bó nhiều năm cả trong chiến tranh, cả trong hòa bình, nơi ông trìu mến gọi là “mảnh đất tình yêu”  (nhan đề một tiểu thuyết).

Càng ngày, càng thấm thía vị “Muối của rừng” của Nguyễn Huy Thiệp

Một ngày nọ cách đây chưa lâu, một vị trong ngành giáo dục than thở “Chúng ta còn mặc nợ Nguyễn Huy Thiệp!”. Lúc đầu chưa mấy ai thông tỏ lời cảm thán này, mãi sau mới ngộ ra: duyên do là ông này quá yêu văn (truyện ngắn) của Nguyễn Huy Thiệp mà mãi chưa thấy những người làm sách giáo khoa Ngữ văn (bậc THPT) đưa dù chỉ một truyện vào chương trình phổ thông. Sau năm 2018, khi có chương trình mới, ai cũng có thể biết, rồi sự thắc thỏm chính đáng ấy sẽ được giải tỏa, khi “Muối của rừng” của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (1950 - 2021) sẽ có cơ hội kiếm tìm một vị trí nhất định trong sách giáo khoa Ngữ văn.

Trong số gần 50 truyện ngắn của nhà văn tài danh này, nếu chọn cho học sinh phổ thông đọc, thì cũng chỉ có thể chọn một “Muối của rừng”, trong khi với nhà văn Nguyễn Minh Châu đã chọn lần lượt “Mảnh trăng cuối rừng”, “Bến quê”, “Bức tranh”, “Chiếc thuyền ngoài xa”.

Câu chuyện ông Diểu đi săn trong rừng và con khỉ đực bị bắn khiến không ít độc giả liên tưởng đến cái gọi là “quan điểm thẩm mỹ về hoang dã” của người Mỹ được phân tích trong tiểu luận “Giá trị của cảnh quan: Mỹ học phong cảnh và hệ thống vườn quốc gia” của tác giả Alison Byerly (Hoàng Tố Mai chủ biên - “Phê bình sinh thái là gì”? Nxb Hội Nhà văn, 2017).

Câu “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ nã đại bác vào anh” có thể “chế” thành: “Nếu anh bắn vào thiên nhiên bằng súng lục thì tự nhiên sẽ nã đại bác vào anh”. Trong thực tế, chúng ta đang tàn phá (nếu không nói là hủy diệt) thiên nhiên. Những hậu quả của thiên tai khôn lường đang được truy vấn từ lý do “nhân tai”, không phải không có lý.

Cái kết truyện “Muối của rừng” có ý nghĩa triết lý sâu sắc, khi ông Diểu tha cho con khỉ đực vừa bị bắn trọng thương, mặc cho con khỉ cái xoay xở, lo liệu: “Ông Diểu rẽ sang một lối đi khác. Ông muốn tránh sẽ gặp người. Lối này đầy những bụi gai ngáng đường nhưng hoa tử huyền nhiều không kể xiết. Ông Diểu dừng lại sững sờ. Loài hoa tử huyền cứ ba chục năm mới nở một lần. Người nào gặp hoa tử huyền sẽ gặp may mắn. Hoa này màu trắng, vị mặn, bé bằng đầu tăm, người ta vẫn gọi hoa này là muối của rừng. Khi rừng kết muối, đấy là điềm báo đất nước thanh bình, mùa màng phong túc” (Nguyễn Huy Thiệp - “Như những ngọn gió”, Nxb Văn học, 1995, tr. 107-108).

Con người là một phần của tự nhiên - như một bà mẹ vĩ đại, hiển hiện trong thiên truyện nhuốm màu cổ tích hiện đại “Những ngọn gió Hua Tát” (gồm 10 truyện). Dưới ngòi bút của nhà văn, thiên nhiên là nơi trở về, nơi trú ngụ cuối cùng đẹp đẽ nhất, an lành nhất với con người khi họ phải chịu những nỗi thống khổ ở cõi trần gian. Không có thiên nhiên, con người sẽ không còn chốn nương thân. Đó là cấu tứ xuyên suốt sáng tác truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp với tâm cảm “thương nhớ đồng quê” (nhan đề một truyện ngắn hay đã được chuyển thành phim điện ảnh).

Văn học xanh của tương lai

Các nhà văn thế hệ 7X, theo quan sát của tôi, đã bắt đầu cố gắng lấp khoảng trống của “văn học xanh”. Nguyễn Thế Hùng với “Lộc trời”, Phạm Duy Nghĩa với “Cơn mưa hoa mận trắng”, Hồ Thị Ngọc Hoài với “Thung lam”, Vũ Thanh Lịch với “Mây vờn trên đỉnh Mã Yên”, Võ Diệu Thanh với “Lần đầu thấy trăng”... đã bước đầu “chạm” đến “văn học xanh”.

Chiến dịch trồng một tỷ cây xanh trong chiến lược bảo vệ môi trường sinh thái, tăng thêm chất lượng sống cho người dân lẽ nào không “phả” vào văn chương một nỗ lực lớn mang ý nghĩa văn hóa - nhân văn, như nỗi niềm của nhà văn Phạm Duy Nghĩa muốn văn chương ngày càng “thêm chất xanh cho ngòi bút”.

Bùi Việt Thắng
.
.