Phố xuân trong khung son

Chủ Nhật, 10/03/2024, 14:33

Đường phố Hàng Trống (Hoàn Kiếm) như một gạch nối giữa khu kẻ chợ xưa với những con phố mới (phố Tây). Khu đất này vốn là một con đê bên Hồ Gươm cắt ngang ngã tư Hàng Bông - Hàng Gai kéo tới ngã ba Lý Thái Tổ (dài 431 mét).

Mấy chục năm làm việc ở Báo Hà Nội mới (44 Lê Thái Tổ), ngày nào tôi cũng đi qua phố Hàng Trống. Những hàng cây xanh luôn rộn rã tiếng chim mỗi sớm mai. Và tôi yêu những câu thơ: “Đường phố dài/ Chi chít chồi xinh/ Màu ước vọng in hình xanh nõn lá” (Phan Vũ).

Tiếng trống vẫn rộn ràng đường phố

Nếu quan sát những bức tranh thờ Hàng Trống trong đình Nam Hương mới hay nghề làm trống và làm tranh trên phố cùng ra đời cách đây gần 400 năm. Những người bán trống đều từ Yên Mỹ (Hưng Yên) đổ về dựng lán từ thời Lê - Trịnh. Còn những thợ vẽ tranh lại chính là các nghệ nhân ở ngay trên đất thôn Tự Pháp (cuối phố Hàng Trống). Sau này những người thợ thêu ở Quất Động (Thường Tín) cũng nô nức kéo lên dựng nghiệp ở đây. Hiện nay dấu vết của phố nghề ngày nào chỉ còn vài ba cửa hàng thêu hoặc may cờ.

Vào đầu thập niên 60 thế kỷ trước, phố Hàng Trống vẫn còn nhiều cửa hàng bán trống. Các nghệ nhân Hưng Yên tài hoa làm ra cả những trống hội lớn bên cạnh những trống trong ban nhạc. Đặc biệt cánh thợ làm trống xưa mở mang kinh doanh tràn cả xuống hai phố Hàng Hòm và Hàng Quạt. Hiện nay, Hàng Quạt vẫn giữ được dăm cửa hàng bán các loại trống cùng sáo nhị như hồi nào trên Hàng Trống.

Phố xuân trong khung son -0
Đình Nam Hương - 75 Hàng Trống.

Riêng những người thợ vẽ tranh thờ và tranh tết ở thôn Tự Pháp lại dựng được thương hiệu cho chính làng nghề của mình. Đó là dòng tranh phố mang nét đặc sắc của kẻ chợ Thăng Long. Nghệ thuật tạo hình tranh Hàng Trống độc đáo với sự vờn màu huyền ảo trên bản in tranh khắc gỗ. Các bộ tranh “Tứ bình” hay “Nhị bình” (treo Tết) được coi là đặc sản của tranh Hàng Trống bên cạnh tranh thờ ("Ngũ hổ", hay "Tứ phủ").

Một thuở hàng chục năm từ đầu thập niên 50 thế kỷ trước, mỗi nhà phố Hà Nội thường treo những bộ tứ bình như “Tùng, cúc, trúc, mai”; “Phú, quý, lễ, nghĩa”. “Đàn, ca, sáo, nhị” (Tố nữ)… Tất cả ngỡ như đi vào dĩ vãng trong làn sóng kinh tế thị trường. Cùng với dòng tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), những người thợ vẽ tranh Hàng Trống không còn nhiều người theo đuổi. Nhưng vẫn còn đó nhưng âm vang xa xưa dội về trong ký ức tôi với tiếng trống ngũ liên vào hội xuân.

Nhịp phố rộn ràng với những chuyến xe hối hả trên đường. Hàng Trống mỗi ngày một thêm tươi mới bởi sự đổi thay. Phố có tới hàng chục cửa hàng bán quần áo, đồ lưu niệm và khách sạn hoạt động ngày đêm. Nhưng đáng yêu thay khi con phố vẫn lưu giữ được cây đa, giếng nước trăm năm cùng với đình Nam Hương (số 75) và đền Đông Hương (số 82) cổ kính.

Giếng nước ấy, trong ngõ 86 Hàng Trống luôn thanh ngọt với thời gian. Một dấu ấn sâu thẳm bên rêu phong lá đổ bốn mùa. Cảnh làng quê hiện về trên phố với hình ảnh thân thương: "Thứ nhất gần mẹ gần cha/ Thứ nhì gần giếng, thứ ba gần đình".

Riêng cây đa ở trong khuôn viên Báo Nhân dân (số 71 Hàng Trống) có tuổi đời hơn 300 năm với bao ký ức lịch sử văn hóa xum xuê trên từng cành lá. Đây chính là “Cụ đa” cao 30 mét, đẹp dáng nhất trong hơn 700 cây đa cổ thụ trong nội thành Hà Nội. Hàng ngày tiếng chim luôn thánh thót reo vang bên Hồ Gươm xanh. Hồi ức tràn về dưới mỗi tán lá thơ mộng với những cánh chim bay lượn trong hồn thơ dâng trào. Thật yêu sao: “Em ơi! Hà Nội phố!/ Ta còn em cánh nhạn trao nghiêng/ Chiều cuối/ Những giọt sương nhòa bóng điện/ Mặt nước Hồ Gươm bỗng nhiên trở lạnh/ Tháp Rùa ngả bóng/ Lung linh” (Phan Vũ).

Người xưa đâu tá - bóng hình ai?

Một thời tôi cứ thắc mắc vì sao trên phố Hàng Trống có cô “Em gái của trời” được thờ tại đền Đông Hương. Hỏi ra mới hay dưới đền chính là nấm mộ của một đào nương được tôn vinh thành “Phúc Thần đào nương”. Bởi lẽ người ca nương tài hoa xinh đẹp này đã từng có công giết giặc Minh. Nếu tính từ đầu phố Hàng Trống có một địa chỉ sớm được nhắc tới. Đó là số nhà 17, nơi nhà báo nổi tiếng Phạm Quỳnh (1892-1945) cất tiếng khóc chào đời.

Nhà báo Phạm Quỳnh có công truyền bá chữ Quốc ngữ vào những thập niên đầu thế kỷ 20. Ông chính là cha của nhạc sĩ Phạm Tuyên lừng danh với những ca khúc để đời trong dòng nhạc cách mạng. Tiếp đến là nữ sĩ Vân Đài (1904-1964). Bà tên thật là Đào Thị Minh được sinh tại dốc Bảo Khánh phố Hàng Trống. Tuổi thanh xuân nữ sĩ gắn với đường phố cùng với những hoạt động cách mạng từ thuở 1930. Bà nổi tiếng là một trong những hoa khôi của phường Hàng Trống nhưng lại sớm đi theo kháng chiến.

Có thời nhà văn Nguyễn Công Hoan thuê nhà trọ ở Hàng Trống cũng đã làm quen với nữ sĩ Vân Đài. Một lần nhà văn Tô Hoài tò mò thăm dò tình ý của ông với nữ sĩ xinh đẹp thì lập tức Nguyễn Công Hoan cười khơ khớ. Nhà văn nói ý rằng, ba chị em nhà ấy đẹp nhất Hàng Trống, nhất cả Hà Nội cũng nên. Ông còn đế thêm, cái đuôi của người đẹp dài lắm ai đâu dám mơ.

Ấy thế rồi nhà thơ Vân Đài bị giặc Nhật bắt giam nhà lao Hỏa Lò. Mãi tới Cách mạng tháng Tám thành công, nữ sĩ mới được thả ra. Sau đó bà đi kháng chiến và làm việc trong Ban Văn nghệ Liên khu I. Sau hòa bình, nữ sĩ Vân Đài làm việc cho Báo Phụ nữ Việt Nam và Báo Văn nghệ cho tới khi nghỉ hưu. Nữ sĩ Vân Đài là một trong những nhà thơ nữ hiếm hoi của phong trào Thơ mới. Bà nổi tiếng với tập thơ “Trà Vinh thương nhớ”.

Phố xuân trong khung son -1
Hình ảnh gian hàng bán tranh Hàng Trống xưa.

Thêm nữa, dân phố quanh vùng còn rất ngưỡng mộ người đẹp Đỗ Thị Quế cũng được sinh ra tại phố Hàng Trống. Đó chính là nữ sĩ Ngân Giang (1916-2002). Gia đình bà gốc nghề thêu trên phố. Thân phụ nữ sĩ còn làm nghề bốc thuốc nên thường truyền dạy cho các con học hành chữ nghĩa thấu đáo. Mới 8 tuổi bé Quế ngày đó đã phát tiết như một hiện tượng thi ca với những câu thơ: “Tàu về rồi tàu lại đi/ Khối vô tình ấy nhớ gì sân ga…”. (Viết trên sân ga Hà Nội).

Quả nhiên sau này nữ sĩ Ngân Giang nổi tiếng với bản trường ca “Trưng Nữ Vương”. Tác phẩm thể hiện khí phách của dân tộc trước giặc xâm lược với những câu thơ bi tráng: “Ngang dọc non sông đường kiếm mã/ Huy hoàng cung điện nếp cân đai/ Bốn phương gió bão dồn chân ngựa/ Tám nẻo mưa ngàn táp đóa mai/ Máu đỏ cốt xong thù vạn cổ/ Ngai vàng đâu tính chuyện tương lai”. Tác phẩm này chứa đựng hồn thiêng của dân tộc cùng ý chí quật khởi của con rồng cháu tiên nên gây ấn tượng sâu sắc.

Lại nhớ, nhà thơ Đông Hồ (ở Hà Tiên) đã lấy bài thơ “Trưng Nữ Vương” bình giảng tại Đại học Văn khoa Sài Gòn (năm 1969). Vì quá xúc động với nhịp điệu bùng nổ dữ dội trong thơ của nữ sĩ Ngân Giang, thầy giáo Đông Hồ đã xúc động mạnh đột quỵ bất ngờ trên bục giảng. Nữ sĩ Ngân Giang đào hoa bạc mệnh và sống lận đận cho tới cuối đời. Hàng Trống năm xưa ấy vẫn còn ghi dấu một hồn thơ đầy ám ảnh: “Ngày chửa sang thu đã thấy buồn/ Tình chưa ngời sáng đã hoàng hôn/ Thân không trời đất mà mưa gió/ Người ở đầu thôn, mộng cuối thôn”. (Ngân Giang).

Hồi ức nghiêng hoa

Hàng Trống quả là một con phố kỳ lạ. Cốt cách Thăng Long - Hà Nội ngàn năm đều dồn tụ về đây. Có thể coi Hàng Trống là phố Văn. Bởi lẽ ngoài những kỳ nhân sinh ra nơi ba thôn cổ xưa ấy, trên phố còn có hai ngôi nhà số 71 và 128 Hàng Trống cũng là nơi hiện diện và sinh sống của hàng chục nhà văn, nhà thơ nổi tiếng trong làng văn nước nhà.

Tòa soạn Báo Nhân dân (số 71) trong suốt 70 năm qua luôn là mảnh đất phát huy tài năng của nhiều thế hệ nhà văn, nhà báo từ năm 1954 tới nay. Riêng số nhà 128 (khu tập thể Báo Tiền phong) còn là nơi sinh sống và sáng tạo của một dàn nhà văn, nhà thơ trẻ vào thập niên 80 và 90. Đó là những cái tên thân quen như Bùi Ngọc Tấn, Đăng Trung, Dường Kỳ Anh, Lê Minh Khuê, Nguyễn Hoàng Sơn, Xuân Ba, Phan Cung Việt… Họ là những con dân của phường Hàng Trống, ăn nước giếng phố và hết lòng yêu thương những căn phòng nhỏ vách liếp của mình. Mỗi lần đi ngang qua ngôi nhà thân quen ấy tôi luôn bồi hồi ngước nhìn. Khi ấy những dò phong lan nghiêng nghiêng những bông hoa đỏ bên cửa sổ đung đưa như gửi một lời chào. Một bình minh óng ánh bên Hồ Gươm tỏa sáng.

Vương Tâm
.
.