“Phố Hiến mùa nhãn” thấm đẫm tình quê, tình đất, tình người...
Cầm trong tay cuốn tản văn, bút ký “Phố Hiến mùa nhãn” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2021) của nhà thơ Lê Hồng Thiện vừa gửi tặng, tôi dù đang bận cho một tác phẩm sắp chào đời vẫn nôn nóng muốn đọc và đã đọc, thấy thực sự lý thú bởi cuốn sách mang đến cho tôi một cảm giác thân quen như gặp lại những cảnh, những người, những tình cảm quê hương, đất nước đã thấm vào máu thịt.
Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì phố Hiến là điều mà xưa nay chúng ta đều biết. Cũng như vải thiều, nhãn lồng Hưng Yên nổi tiếng không chỉ trong cả nước mà bây giờ còn xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới.
Cầm trong tay cuốn tản văn, bút ký “Phố Hiến mùa nhãn” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2021) của nhà thơ Lê Hồng Thiện vừa gửi tặng, tôi dù đang bận cho một tác phẩm sắp chào đời vẫn nôn nóng muốn đọc và đã đọc, thấy thực sự lý thú bởi cuốn sách mang đến cho tôi một cảm giác thân quen như gặp lại những cảnh, những người, những tình cảm quê hương, đất nước đã thấm vào máu thịt. “Phố Hiến mùa nhãn” thực sự cuốn hút tôi bởi lối viết giản dị, chân tình, giầu chất thơ, thấm đẫm tình quê, tình đất, tình người...
Tôi đã từng nếm vị ngọt lịm của nhãn lồng Hưng Yên nhưng đọc “Phố Hiến mùa nhãn” tôi mới biết: “...Nhãn Hưng Yên có tới 36 loại: Nhãn đường phèn, nhãn cùi, nhãn trọc, nhãn thóc, nhãn nước, nhãn gỗ... Nhưng, nhãn lồng vẫn là loại nhãn được khen là ngon hơn cả...” (Phố Hiến mùa nhãn).
Tác giả “Phố Hiến mùa nhãn” là một nhà thơ, ông đã xuất bản 12 tập thơ viết cho thiếu nhi và tập thơ “Tóc dài ơi”, tôi đã đọc, thích và đã viết bài cho một tờ báo. Bởi vậy trong “Phố Hiến mùa nhãn” tôi lại được đọc nhiều câu thơ hay của chính tác giả, nhà thơ Lê Hồng Thiện: “Má em lúng liếng đồng tiền/ Chia tay Phố Hiến, bỏ quên nụ cười”.
Không chỉ những câu thơ của chính tác giả, nhà thơ Lê Hồng Thiện, nhiều câu thơ hay của các nhà thơ nổi tiếng cũng được trích dẫn trong này, rất hợp cảnh, hợp tình: “Ong bay khu nhà tỉnh ủy Hưng Yên / Mật đồng bằng ngọt lịm môi em...” (Chế Lan Viên).
“Tháng ba hoa nhãn con ong tìm về” trong “Phố Hiến mùa nhãn” như một bài thơ viết bằng văn xuôi, bởi hồn thơ, hồn hoa, hồn người hòa quyện cuốn hút tôi: “...Tháng ba này, tôi đã có dịp cua một vòng bán kính theo trục đê sông Hồng, ngắm hoa nhãn vàng. Cây nhãn vào mùa hoa như một cô gái đẹp... trên đầu đội hoa nhãn như đội một mâm xôi khổng lồ và đội cả ngàn con ong nữa chứ! Ngắm hoa nhãn tôi tự hào lắm, bởi ở đâu bây giờ chẳng có nhãn và hoa nhãn. Nhưng không có ở đâu trên đất nước này nhiều nhãn như quê tôi, và tất nhiên hoa nhãn cũng không thể nhiều như hoa nhãn phố Hiến. Hoa nhãn vàng như những vì sao li ti đậu trên cây, mỗi lần gió thổi mạnh là triệu triệu vì sao ấy rơi xuống đất...” (trang 127, 128).
Cây đa, giếng nước, sân đình là cảnh quê muôn đời thân thuộc của người Việt Nam. Nhưng, khi đọc “Phố Hiến mùa nhãn” của nhà thơ Lê Hồng Thiện tôi mới biết: “Tại hội nghị quốc tế người cao tuổi ngày 26-7-1982 ở Viên thủ đô nước Áo do Liên hợp quốc triệu tập với sự có mặt của 170 nước đã quyết định lấy bức họa “Cây đa” của họa sỹ người Mỹ Ô-xca 82 tuổi làm biểu tượng cho người cao tuổi. Cũng từ đây ngày 1-10 hàng năm được chọn là ngày quốc tế của người cao tuổi.
Hội người cao tuổi Việt Nam được thành lập ngày 24-9-1994 lấy hình ảnh cây đa làm biểu tượng với hình tròn nhỏ có cây đa già, ở phía trên cây đa sum suê đang rợp bóng là lá cờ Tổ quốc đỏ thắm đang tung bay. Một biểu tượng như vậy vừa mang ý nghĩa quốc tế, lại gần gũi, thân thiết với người cao tuổi Việt
Nam, thể hiện ước mong trường thọ, tính nối tiếp giữa các thế hệ, tính cộng đồng trên thế giới.
Cây đa cao, to là linh hồn của làng. Mỗi lần tôi về quê bước xuống bến xe, từ xa đã nhìn thấy cây đa là biểu tượng của làng mình kia rồi... (Cây đa biểu tượng của người già).
Những trang viết vừa gần gũi, vừa sâu xa, vừa có những hiểu biết thấu đáo như vậy thực sự thuyết phục người đọc.
Phố Hiến không những là một vùng quê nổi tiếng nhãn lồng, vải thiều ngọt lịm. Đây còn là một vùng đất địa linh nhân kiệt, tiêu biểu là Văn Miếu Xích Đằng nổi tiếng. Trong bài “Thổ Hoàng đất đại khoa”, nhà thơ Lê Hồng Thiện cho chúng ta biết khá tường tận những vị tiền nhân đã đi vào lịch sử. Ở đây cho đến nay còn lưu lại 9 tấm bia đá ghi 172 vị đỗ Tiến sỹ, Trạng nguyên, Bảng nhãn. Những vị tiền nhân đậu Trạng nguyên như Nguyễn Trung Ngạn, Mạc Đĩnh Chi... lưu danh sử sách.
Không chỉ là những bậc tiền nhân lưu danh sử sách, cả những người con ưu tú của vùng quê chỉ sau kinh kỳ này cũng đã, đang rạng danh một vùng quê. Trong bài “Bốn người con gái của Giáo sư Dương Quảng Hàm” tôi mới biết: “...Các bà Dương Thị Duyên, Dương Thị Thoa (Lê Thi), Dương Thị Ngân, Dương Thị Cương là những tấm gương nối nghiệp cha về phấn đấu, học tập - phát huy truyền thống của dân tộc ta nói chung và và người phụ nữ Việt Nam nói riêng. Cả bốn bà đã “sánh bước cùng nam nhi” trên con đường học tập, công tác, cống hiến tài năng cho đất nước và góp phần làm rạng rỡ truyền thống hiếu học cho quê hương văn hiến Hưng Yên”.
Tôi đã có chuyến đi công tác lên Sơn La, Điện Biên với Tướng Đặng Quốc Bảo, lúc đó, ông là Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Trong chuyến đi ấy tôi mới biết bà Dương Thị Duyên người con cả của Giáo sư Dương Quảng Hàm tác giả của hai bộ sách nổi tiếng “Việt Nam văn học sử yếu” (1941) và “Việt Nam thi văn hợp tuyển” (1943) chính là phu nhân của Tướng Đặng Quốc Bảo. Trên đường đi chúng tôi nghỉ lại ở nông trường Mộc Châu, Tướng Đặng Quốc Bảo mở gói xôi bà Dương Thị Duyên nấu bảo tôi cùng ăn. Bà Dương Thị Duyên nấu xôi rất ngon...
Nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng ở vùng đất “thứ nhì” Kinh kỳ này được nhà thơ Lê Hồng Thiện khắc họa và cho độc giả biết nhiều điều mới mà nay tôi mới biết như: “Trong số 1.000 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam hiện nay, thì nhà văn, nhà viết kịch Học Phi (tên khai sinh là Chu Văn Tập) có tuổi thọ cao nhất 100 tuổi... Hơn 60 năm cầm bút, nhà văn Học Phi đã viết trên 40 vở kịch, chưa kể các tập tiểu thuyết, văn xuôi... Riêng về kịch ông có ba vở trình diễn ở ba kỳ đại hội Đảng toàn quốc...” (Nhà văn, nhà viết kịch Học Phi).
Đọc “Phố Hiến mùa nhãn” tôi mới hay nhà văn, nhà báo, liệt sỹ Dương Thị Xuân Quý “là cháu ruột của Giáo sư Dương Quảng Hàm” (Nhà báo, nhà văn Dương Thị Xuân Quý người con Hưng Yên trên đất Quảng Nam).
Tác giả nhà thơ Lê Hồng Thiện đã đến tận nơi an nghỉ cuối cùng của một nhà văn, nhà báo đã hy sinh vì Tổ quốc: “...Tôi liền đi mua mấy thẻ hương cùng trái cây vào để thắp hương chị. Băng qua mấy ruộng lúa đang chín vàng rộm, theo con đường bê tông, tôi nhìn phía trước thấy một phiến đá hình chóp cao hơn một mét, rộng chừng trên dưới nửa mét. Tôi nhận ra đây là nơi đặt mộ của chị Quý. Mộ nằm phía trong khuôn viên nhà anh Võ Bắc... Hỏi ra mới biết gia đình thân nhân chị Quý một mực để mộ chị ở đây, cũng không mang về nghĩa trang Văn Giang quê nhà, bà con cô bác ở Duy Thành cũng mong muốn mộ chị để mãi mãi ở đây. Ai cũng nói: “Chị hy sinh ở đây thì phần mộ nên ở đây...”. Những trang viết giản dị, cụ thể như vậy của nhà thơ Lê Hồng Thiện làm tôi xúc động và nhớ đến câu thơ của nhà thơ Bùi Minh Quốc, chồng liệt sỹ Dương Thị Xuân Quý: “Thôi em nằm lại với đất lành Duy Xuyên / Trên mồ em có mùa xuân ở mãi/ Trời chiến trường vẫn một sắc xanh yên...”.
Tác giả “Phố Hiến mùa nhãn” không chỉ nói về vùng quê nổi tiếng Phố Hiến; Ông còn dẫn dắt chúng ta đến với nhiều vùng quê trong cả nước. Từ “Một thoáng xứ Lạng” đến “Thành phố Nha Trang và đảo Bình Ba” rồi “Theo lời bài hát “Vàm cỏ đông” đi tìm mộ thân nhân liệt sỹ”... Ở vùng quê nào tác giả cũng có cái nhìn hồn nhiên, tinh tế, sâu nặng như chính quê mình.
Cả con người cũng vậy, những nhà thơ, nhà văn nổi tiếng cũng được ông khắc họa sinh động: “...Buổi chiều ngày 20 tháng 12 năm 1966, một người to cao, tóc xoăn dựng chiếc xe đạp Pơ-giô ở đầu nhà tôi rồi hỏi thật to: “Đây có phải nhà Lê Hồng Thiện không?”. Tôi từ trong nhà chạy ra: “Anh Diệu, anh Diệu” rồi mừng quýnh hỏi: “Anh đi từ Hà Nội về đây bằng xe đạp?”. Xuân Diệu tròn mắt đáp: “Chứ sao!”. Tôi ngạc nhiên quá. Từ Hà Nội về thị xã Hưng Yên 64km mà anh đi bằng xe đạp...”. (Xuân Diệu đi thực tế bằng xe đạp). Rồi các nhà văn Tô Hoài, nhà thơ Huy Cận, nhà thơ Phạm Hổ, nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý... chỉ ít nét chấm phá của tác giả nhà thơ Lê Hồng Thiện, nhưng người đọc cũng thấy được chân dung chân thực của họ...
Tôi đọc thơ viết cho thiếu nhi của nhà thơ Lê Hồng Thiện từ lâu. Nhiều năm quen biết ông, tôi thấy đúng như người xưa đã nói “Văn là người”. Người thơ tóc bạc Lê Hồng Thiện luôn chân thành, giản dị, lạc quan, yêu đời, sống nhân văn... Và trong các tác phẩm của ông cũng vậy.
Hà Nội, tháng 7-2021