Phác thảo tiến trình văn học Công an nhân dân Việt Nam

Thứ Năm, 19/08/2021, 08:26

Vào đầu những năm 1960, 1970… khi các cuốn sách như “Vụ án Ôn Như Hầu” (1960) của nhà văn Lê Tri Kỷ, “Trung với Đảng - hiếu với dân” (1965) và “Bên dòng Păng Pơi” (1971) của chú bộ đội biên phòng Trần Hữu Tòng, rồi cuốn truyện “Nhóm rắn lục” (1971) của ông Công an Văn Phan được thiếu niên, thanh niên và một số người lớn tuổi xếp hàng chờ mua cho được từ các Hiệu sách nhân dân tại các thị trấn, thị xã đem về tíu tít đọc, thì cái ý niệm về một thể dạng sách mới, khác với các cuốn như “Vụ lúa chiêm” (Đào Vũ), “Mùa lạc” (Nguyễn Khải)… đã xuất hiện.

Hồi đó, chưa mấy ai quen biết các nhà văn đã đánh dấu cho sự phát triển của Văn học CAND này, nên đọc truyện rồi đoán, mà gọi các vị ấy là vậy. Người đọc chỉ biết và nói với nhau rằng: Đây là các tác phẩm có nhân vật chính là Công an vũ trang, là Bộ đội biên phòng đi bắt kẻ gian, được mọi người chỉ dẫn nơi chúng ẩn nấp… Một thầy giáo (của tôi) bảo: Mới đấy, cái dòng văn này rồi sẽ có nhiều người viết, người đọc…

Ngày nào, Văn học CAND mới là một ý niệm, hôm nay, cụm từ “Văn học Công an nhân dân” đã trở thành một khái niệm có tính chất chuyên ngành, với một số tác phẩm thành công hơn, thì đã tạo ra một số ấn tượng.Tôn vinh nhà văn Công an trong sự kiện “70 năm những trang sách vàng CAND”.

Văn học CAND đồng hành cùng dân tộc

Đây là một sự thực lịch sử của Văn học CAND, rồi ra, cũng là một nguyên lý của quá trình phát triển dòng văn học trẻ này.

screen shot 2021-08-24 at 16.35.56.jpg -0

Tôn vinh nhà văn Công an trong sự kiện “70 năm những trang sách vàng CAND”. 

Cộng đồng người Việt Nam gồm nhiều sắc tộc đã làm nên sự phong phú (và phức hợp) tất nhiên lâu nay và tạo ra cả một môi trường, một nguồn cảm hứng vô tận cho các nhà sáng tác. Trong sự đồng hành này, nhiều khi văn học nói chung và văn học CAND nói riêng đã được thừa hưởng. Rồi như bất cứ nền / dòng văn học trưởng thành nào, một khi đã là một nơi chưng cất phần tinh hoa của tư tưởng và tâm hồn dân tộc, Văn học CAND đã bắt đầu góp phần dẫn dắt cả dân tộc - quốc gia mà trước hết là cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang, nơi sinh thành ra mình đi tới một lối sống và nếp nghĩ, cùng cách ứng xử phù hợp hơn với thời đại mà vẫn phát huy được bản sắc của riêng mình. 

Nhiều năm nay, theo sự cậy nhờ của bạn bè, tôi đã tìm rồi gửi tới họ một số tập truyện và tiểu thuyết viết về CAND, những là: “Điệp viên hoàn hảo”, “Nữ tướng Fhunro”, “Bên kia cổng trời”, “Ký ức gã ăn mày”, “Câu lạc bộ thích khách”, “Cơm đen”, “Sao đen”, “Người Bình Xuyên”, “X30 phá lưới”, “Ông cố vấn”, “Bóng đêm”, “Bến bờ”, “Những người ở ngôi nhà mật”, “Ngôi nhà bên triền sông”… và gần đây là: “Kiếp người”, “Đơn tuyến”, “Rễ người”, “Bão ngầm”, “Âm binh và lá ngón”, “Phận Liễu”, “Mê cung”, “Kẻ sát nhân lương thiện”, “Chạy án”, “Mặc Cô Sầu”… nhiều lắm, nếu chép tên sách ra, có lẽ phải mấy trang. Một lần tôi hỏi: Sao bác đọc mấy cuốn này mãi thế? Ông bạn hưu trí như đã bỏ nghề cơ điện từ bao giờ mà thành người khác đã nói: Những cuốn này đồng hành với tôi lâu rồi, cũng có mấy người mượn đọc, thấy thích thì xin luôn.

Tôi gợi thêm: Già rồi, trồng cây nhặt cỏ chả thú gì à? Giọng ông trầm trầm: Mấy tay viết sách lõi đời cả đấy ông ạ, họ mượn chuyện Công an, tình báo, phá án… để nói chuyện trung nghĩa, yêu thương, không chấp nê chấp vặt cả đấy. Toàn chuyện trượng phu khí phách mà không lên gân ra vẻ gì.

Quả thật, cũng có rất nhiều mẩu chuyện và lý sự (khi cần thiết), để làm rõ cái nhận định Văn học CAND đồng hành cùng dân tộc này. Lần ấy, tôi đến một Trại giam ở Nghệ An. Chừng mực và hơi vui hơi ngại, tôi vẫn hỏi một thanh niên mặc bộ quần áo sọc: Cháu vào đây lâu chưa? Thoáng chút tần ngần, thanh niên nói luôn, như sợ không còn thì giờ: Ở đây ngày nào cũng dài và lâu bác ạ… Dăm phút trò chuyện, tôi nhớ được một câu của cháu: Không phải ai vào tù cũng vì tham lam, cướp phá. Cháu có đọc một truyện ngắn nói thế, trong này cũng có mấy phạm nhân như thế. Giá lúc chưa vào đây, cháu được đọc những cuốn sách này.

Theo tôi, văn học đồng hành với dân tộc, là không chỉ cùng nhân dân đánh giặc và lao động dựng xây cuộc sống theo cách của mình, mà nó - những cuốn sách ấy, còn là nơi để một bộ phận dân chúng thiếu may mắn (có thể là do chưa được trưởng thành từ một môi trường giáo dục tốt) được an ủi, động viên và mở đường cho họ trở lại cuộc sống hiền lương. Các nhà văn CAND và nhiều bạn đọc Văn học CAND từ trong tiềm thức đã hiểu như vậy. Tìm đọc thêm các tác phẩm viết theo chủ đề hòa giải, hòa hợp dân tộc mà Văn học CAND đang đạt được một số thành công riêng, ta sẽ hiểu thêm về sự đồng hành quý báu này.

Chỉ trong khoảng 100 năm gần đây, cộng đồng dân chúng Việt Nam đã phải gồng mình đánh đủ loại giặc để có được một quốc gia toàn vẹn mà hôm nay đang nắm tay nhau “xây lại đời ta” như Bác Hồ kính yêu dặn dò và nhà thơ Tố Hữu từng viết. Đó cũng chính là nguồn gốc làm nẩy nở phẩm tính Văn học CAND giàu chất nhân văn, cùng đồng hành với mọi tầng lớp nhân dân qua mấy chặng đường.

Văn học CAND tiếp bước các truyền thống

Phân tích tiến trình sinh trưởng của Văn học CAND trong bối cảnh chung của khối văn học nghệ thuật Việt Nam, ta có thể nói rằng: Từ trong nguồn chung, có những nẻo riêng ngỡ như ngẫu nhiên, song thực ra cũng là bởi có những hoàn cảnh chiến đấu và lao động đã khác biệt mà sự tiếp bước các truyền thống của Văn học CAND đang có nét đặc sắc và mới mẻ.

Sự tiếp bước truyền thống này thường được tập trung khá rõ ở chùm tác phẩm viết chuyện thực về những con người có thực như Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Xuân Ẩn, Phạm Ngọc Thảo, Nguyễn Đình Ngọc… thời chiến tranh chống Mỹ và Vũ Hùng Vương ở thời nay trong cuộc chiến với tội phạm ma túy.

Trong các tập truyện - ký sự này, nhà văn đã mô tả trung thực, khá tỉ mỉ những suy tư và hành động của các vị tướng Công an như là những anh hùng, tiêu biểu cho trí tuệ Việt Nam, sự tinh tường sắc sảo và cả tầm văn hóa chiến tranh của dân tộc Việt Nam mà Tổ tiên ta từ xưa đã ngẫm ngợi:

Đem đại nghĩa để thắng hung tàn
Lấy chí nhân mà thay cường bạo

(Bình Ngô đại cáo - Nguyễn Trãi)

Nhiều truyện ngắn và tiểu thuyết văn học CAND cũng kể và tả rằng: Cán bộ, chiến sĩ CAND ra trận, thường khi không kịp để gia đình tiễn đưa, một số người còn phải đóng vai kẻ xấu, người bê tha mà một mình lọt vào hang ổ kẻ thù để cùng đồng đội đánh bắt chúng sao cho hiệu quả nhất. Các chiến sĩ CAND ta trong những trang sách này đã khéo léo dẫn gợi, phân tích mà làm tan rã dần hàng ngũ đối phương rồi cô lập và thuyết phục kẻ cầm đầu ra đầu thú, kịp trở về với cuộc đời lương thiện. Thế mà ngày thắng lợi, cũng có chiến sĩ không còn…

Tại sao Văn học CAND lại dựng lên được những cảnh bi tráng như thế? Nhiều nhà văn trả lời: Chính cuộc chiến đấu từ ngàn đời nay của dân tộc ta đã phải trả giá đắt, nên nhà văn cần phải tiếp tục ghi nhận phản ánh để con cháu đừng quên, trái lại, còn phải biết vượt lên, chiến đấu ngoan cường và có hiệu quả hơn nữa.

Quả thật, do đồng cảm và có ý nguyện gửi gắm nhắc nhở sâu xa, nên nhà văn CAND ta mới mạnh tay và khéo léo mà viết ra các tác phẩm gây xúc động mạnh mẽ như vậy. Với các tác phẩm viết theo xu hướng tư tưởng này, sáng tác của văn học CAND đã nối tiếp được dòng văn thơ đánh giặc trong truyền thống dân tộc một cách sâu sắc, tạo ra hiệu quả riêng. Hình tượng những người anh hùng mới là các cán bộ chiến sĩ CAND và đồng bào các dân tộc đang hỗ trợ nhau chiến đấu trên mặt trận trị an nội địa, đánh dẹp bọn âm mưu bạo loạn từ bên ngoài… đang từ các trang văn thơ CAND đi vào cuộc đời thường, dần dần trở thành những tấm gương vì nước quên thân vì dân phục vụ cho mọi người noi theo.

Người đọc ngày nay, qua Văn học CAND đã hiểu thêm ra: Văn chương ca tụng chiến công, thắng lợi của chiến sĩ và đồng bào ta đã có giá trị vô cùng lớn lao; rồi từ những đỉnh cao thắng lợi ấy, các nhà văn ta lại cất lên tiếng lòng của nhân dân từng chịu nhiều đau thương, rằng: Văn chương viết về mất mát hy sinh không thể tránh hết được, cũng có đóng góp vẻ vang theo cách riêng. Dòng văn chương mới mẻ này, phần lớn, do Văn học CAND - Văn học chiến sĩ làm chủ lưu được trưởng thành từ tư duy và hành động của thời đổi mới đang góp phần chấn hưng dân chí, nâng cao dân trí.

23h ngày 9.8.2021

Nguyên An
.
.