NSƯT Văn Hóa: Tiếng đàn bầu trên mọi nẻo biên cương

Thứ Năm, 26/08/2021, 15:48

Thượng tá, Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Văn Hóa gây ấn tượng với tôi không chỉ bởi tiếng đàn, sự say mê mà còn bởi tình yêu, khát khao được đem tiếng đàn bầu đến phục vụ cán bộ, chiến sĩ và bà con các dân tộc thiểu số trên mọi nẻo biên cương, hải đảo. Với anh, mỗi đồn Biên phòng chính là nhà, mỗi vùng biên cương, hải đảo chính là quê hương ấm áp nghĩa tình luôn thôi thúc, giục giã, mời gọi đôi chân và cả trái tim anh.

Sống nặng về tình cảm

Những lần vào Đoàn Văn công Bộ đội Biên phòng (BĐBP), tôi thường nghe Đoàn trưởng, Thượng tá, nhạc sĩ, NSƯT Nguyễn Tuấn Anh kể về NSƯT Văn Hóa là người sở hữu tiếng đàn bầu có “hồn”, kỹ thuật điêu luyện, phong cách biểu diễn cuốn hút khán giả: “Nghệ sĩ Văn Hóa có khả năng chơi tốt nhiều nhạc cụ kể cả nhạc cụ truyền thống cũng như nhạc điện tử. Ở anh biểu hiện một lối sống giản dị, chan hoà, thẳng thắn, biết nhường nhịn; sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt các nhiệm vụ, không ngại khó khăn, gian khổ...”.

văn hóa 1.jpg -0

NSƯT Văn Hóa phiêu cùng cây đàn bầu.

Từ những gợi mở hết sức thú vị ấy, tôi đã tìm gặp NSƯT Văn Hóa vào cuối buổi chiều khi anh vừa hoàn thành xong phần tập luyện của mình. Quả đúng như Đoàn trưởng Tuấn Anh nhận xét, Văn Hóa dễ gần, thân thiện, nước da xạm màu nắng gió biên thùy để không khó phân biệt anh với các nghệ sĩ đàn bầu khác. Trong cuộc trò chuyện, anh nhắc đi nhắc lại: Mình đơn thuần là người làm nghề và điều hạnh phúc là được cống hiến cho khán giả.

Những người chơi đàn bầu thường sống nặng về tình cảm, thiên về nội tâm, Văn Hóa tâm sự như thế với tôi. Bởi theo lý giải của anh thì tiếng đàn bầu – một đại diện tiêu biểu của nhạc cụ dân tộc như nhà thơ Lữ Giang viết: “Cung thanh là tiếng mẹ, cung trầm là giọng cha”.

“Tiếng đàn bầu trong trẻo, da diết, gần gũi, chất chứa hình ảnh của quê hương, đất nước, của mẹ, của cha. Tiếng đàn bầu đã đi vào ca dao, tục ngữ người Việt: “Làm thân con gái chớ nghe đàn bầu” hay “Đi qua nghe tiếng em đàn/ Lá vàng xanh lại sen tàn nở hoa”... để mô tả tiếng đàn hấp dẫn đến say lòng người, thậm chí còn có thể khiến hoa cỏ hồi sinh. Bởi thế người nghệ sĩ đàn bầu không thể sống hời hợt, qua quýt được. “Sứ mệnh” đặt trên vai người nghệ sĩ đàn bầu thật lớn lao và chúng tôi vinh dự được mang tiếng đàn đi phục vụ khán giả, để dòng chảy âm nhạc dân tộc chảy mãi trong thời đại hôm nay và mai sau”, NSƯT Văn Hóa bồi hồi chia sẻ.

“Có tiền cũng không mua được”

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất giàu truyền thống văn hóa nghệ thuật, cậu bé Văn Hóa từng mê mẩn tiếng đàn bầu khi đi xem một bộ phim chiếu bóng mà nhân vật chơi điêu luyện bài “Qua cầu gió bay”. Mới 5, 6 tuổi nhỏ xíu nhưng anh đã nằng nặc đòi người chú làm cho cây đàn bầu bằng ống bơ để thỏa mãn đam mê. Và thành quả không phụ công người vun trồng, anh đã được Huy chương Vàng tiết mục độc tấu đàn bầu tại một cuộc thi âm nhạc của tỉnh Hải Hưng (nay là tỉnh Hải Dương) khi mới 8 tuổ

Tiếng lành gần xa, trong một lần Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) về tuyển, anh đã trúng tuyển. Học đàn bầu suốt 13 năm (từ năm 1975 - 1987) từ sơ cấp, trung cấp lên đại học, anh đã được theo đuổi nhiều trường phái, như học thầy Khắc Chí mảng âm nhạc hiện đại, học thầy Quốc Lộc mảng âm nhạc Huế, học cô Thanh Tâm về đàn bầu nói chung để định hình lên phong cách âm nhạc của người nghệ sĩ chuyên nghiệp sau này.

Khi chưa tốt nghiệp đại học, anh đã tham gia cộng tác với Đoàn Nghệ thuật bộ đội Biên phòng (BĐBP) (nay là Đoàn Văn công BĐBP) dưới thời Đoàn trưởng, nhạc sĩ Bảo Chung. Thời trẻ với tính lãng du, thích nay đây mai đó, nhất là khám phá các vùng biên cương, hải đảo ít người đặt chân đến mà khi được gợi ý, anh đã về đầu quân và trở thành người chiến sĩ mang “quân hàm xanh”.

Kể từ đó đến nay đã 34 năm gắn bó với Đoàn, “tài sản” lớn nhất đọng lại trong anh chính là những kỷ niệm được đem tiếng đàn phục vụ cán bộ, chiến sĩ và đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Anh bảo: Anh đã đi đến biểu diễn ở hầu hết các đồn Biên phòng trên dọc dài Tổ quốc, thậm chí nhiều đồn ở vùng sâu, vùng xa, anh còn đi đến 3 lần. Ngoài ra, anh cũng đã từng đi biểu diễn một số nước, như: Ấn Độ, Trung Quốc, Lào, Campuchia… theo chương trình mà Đoàn phân công.

văn hóa 2.jpg -0

NSƯT Văn Hóa cùng dàn nhạc Đoàn Văn công Bộ đội Biên phòng.

“Vào năm 90 của thế kỷ trước, khi huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) rộ lên sự kiện “vua trời nhảy xuống vực biết bay” nên cấp trên cử tốp nghệ sĩ của Đoàn Nghệ thuật BĐBP tới biểu diễn những mong mang được ánh sáng văn hóa đến với bà con. Đường lên Bảo Lạc khi ấy hết sức khó khăn và không ngoa khi nhiều người kể cán bộ vùng này ra tỉnh họp phải mang “thuốc nổ” theo để phòng những tảng đá chắn đường. Nhưng những vất vả, hiểm nguy cũng vội qua đi khi những tiết mục của chúng tôi được bà con kéo đến xem chật kín cả “sân khấu” (là những khu đất trống nhiều sỏi đá). Sáng hôm sau khi chúng tôi chưa ngủ dậy, bà con đã mang gà, lợn đến vì cứ nghĩ dân nuôi văn công thì sẽ tiếp tục được xem biểu diễn. Rồi có lần vào xã Púng Bánh của huyện biên giới Sốp Cộp (Sơn La) dù rất mệt mỏi nhưng khi thấy bảo bà con ở các bản làng xa xôi nghe tin có văn công về đã kéo đến xem từ hôm trước nên tất cả như lại được xốc lại tinh thần. Diễn xong, anh em chiến sĩ và bà con còn tâm sự đến 2, 3 giờ sáng quyến luyến mãi không thôi”, NSƯT Văn Hóa kể.

Khi tôi đặt câu hỏi: “Điều gì khiến anh đam mê như vậy?”. Anh cười hiền hậu rồi bảo: “Mỗi chuyến đi sẽ là những kỷ niệm theo mình suốt cuộc đời mà có tiền cũng không mua được”. Anh cũng nhấn mạnh rằng, bản thân muốn thăm lại vùng biên mà mình đã từng đến diễn để xem cuộc sống của bà con thế nào. Trình độ thưởng thức nghệ thuật có được nâng lên không? Và anh đã tìm thấy niềm hạnh phúc khi cảm nhận được sự “thay da đổi thịt”, một cuộc sống mới đang bao trùm trên từng nếp nhà, con đường và trên cả nụ cười của bà con dân bản. Thêm một lý do nữa anh muốn trở lại biểu diễn là muốn giới thiệu với bà con rằng: Đoàn đã ngày càng lớn mạnh, sở hữu nhiều nghệ sĩ tài năng, được trang bị nhiều thiết bị âm thanh, ánh sáng hiện đại, chuyên nghiệp...

Sẵn sàng cho Armygame

Những ngày này, nghệ sĩ Văn Hóa và các nghệ sĩ của Đoàn Văn công BĐBP đang dồn toàn lực tập luyện chương trình biểu diễn ở “Khu không gian văn hóa” trong khuôn khổ Hội thao Quân sự quốc tế (Army Games) năm 2021 tại Việt Nam mà lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh BĐBP giao. Trong đó, theo dự kiến Văn Hóa sẽ tham gia đệm đến 13 tiết mục cùng dàn nhạc và biểu diễn độc tấu đàn bầu bài “Cung đàn đất nước” của cố nhạc sĩ Xuân Khải – một trong những tác phẩm được coi là kinh điển của đàn bầu mà phải là nghệ sĩ có chuyên môn vững vàng mới thể hiện được. Thời gian gấp rút, anh lại cùng đồng đội đêm ngày chuẩn bị những tiết mục một cách tốt nhất, hoàn hảo nhất, đúng với tinh thần người lính “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Gõ những dòng cuối bài viết này, tôi vào mạng thì vô tình xem được phần độc tấu đàn bầu của anh bài “Tâm tình người lính” (sáng tác của nhạc sĩ Quang Hưng) và đó cũng là tiết mục mang đến cho anh Huy chương Vàng tại Liên hoan Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc năm 2017. Trong đêm khuya vắng, tôi nhận ra đó là tiếng đàn ngọt ngào, vang, sắc, mang hồn cốt và chứa đựng tâm tư, tình cảm của người lính Biên phòng. Tôi càng yêu và trân trọng biết mấy tấm lòng của người nghệ sĩ xứ Đông dành cho đồng đội cũng như cho biên cương, hải đảo thân yêu của Tổ quốc”.

Ngô Khiêm
.
.