NSƯT Tiến Hợi: Người vừa dạo gót về trời
Trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của nghệ sĩ Tiến Hợi , anh đã đóng nhiều vai diễn khác nhau nhưng vai diễn ấn tượng để lại dấu ấn sâu đậm nhất là vai diễn về Bác Hồ trên sân khấu và điện ảnh. Hình ảnh nghệ sĩ Tiến Hợi trong hình tượng Bác (Nguyễn Tất Thành) trong "Hẹn gặp lại Sài Gòn" là những thước phim đẹp, chân thực, sống động, dung dị của môn nghệ thuật thứ 7.
Nghệ sĩ Tiến Hợi đã từ giã cõi đời đến miền cực lạc vào một sáng sớm tinh sương ngày đầu năm mồng 10 Tết, hưởng thọ 63 tuổi. Sự ra đi của anh khiến người thân và bạn bè ngỡ ngàng vì trước Tết anh vẫn còn sinh hoạt bình thường, mãi đến hôm mồng 4 Tết chân tê bì, anh được người nhà đưa đi khám, bác sĩ kết luận anh bị ung thư phổi di căn giai đoạn cuối, tiên lượng xấu. Trở về nhà chưa được 6 hôm thì anh ra đi.
Trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình, anh đã đóng nhiều vai diễn khác nhau nhưng vai diễn ấn tượng để lại dấu ấn sâu đậm nhất là vai diễn về Bác Hồ trên sân khấu và điện ảnh. Hình ảnh nghệ sĩ Tiến Hợi trong hình tượng Bác (Nguyễn Tất Thành) trong "Hẹn gặp lại Sài Gòn" là những thước phim đẹp, chân thực, sống động, dung dị của môn nghệ thuật thứ 7.
Tết năm nay thật lạ, trời rét đậm, cảnh vật đìu hiu hơn do những cơn mưa dài rả rích kéo dài ngay từ những ngày đầu năm mới. Đợt dịch COVID của năm trước đã kéo theo sự ra đi của nhiều nghệ sĩ trong Nam. Ngoài Bắc tuy không bị dịch COVID cướp đi tính mạng nhưng bệnh ung thư lại cướp đi sự sống của một số nghệ sĩ tên tuổi. Tết năm ngoái, NSND Hoàng Dũng ra đi, năm nay là nghệ sĩ Tiến Hợi, cả hai đều công tác tại Nhà hát Kịch Hà Nội, và vừa mới nghỉ hưu.
Nghệ sĩ Tiến Hợi có cha là người Nghệ An, mẹ anh là người Hà Nội. Anh được sinh ra vào một ngày đầu thu vào năm 1959 ( Kỷ Hợi), nên anh được đặt tên Hợi cho dễ nuôi. Phải chăng vì mang trong dòng máu một nửa là xứ Nghệ nên trong anh vẫn có dư âm chất giọng Nghệ, để mỗi lần diễn xuất cần biểu đạt truyền cảm giọng nói của vị Cha già dân tộc, anh đã diễn rất tốt khiến khán giả thấy thật gần gũi thân thương là vậy.
Tuổi thơ của nghệ sĩ Tiến Hợi trôi qua với biết bao kỉ niệm về một Hà Nội thời xa vắng, khói lửa của chiến tranh chống Mỹ. Những lần tản cư cùng gia đình đi tránh bom. Năm 21 tuổi anh về công tác ở Đoàn Nghệ thuật Trường Sơn quân khu 2. Sau một thời gian dài công tác tại đơn vị, NSND Thu Hà lúc này là cô bé con cũng về đầu quân tại đây, và anh chính là người tuyển Thu Hà.
Cũng như một nhân duyên, năm 1988, Đoàn Văn công Quân khu 2 giải thể, cả hai đều về công tác tại Nhà hát Kịch Hà Nội, và đặc biệt hơn họ gặp nhau trong thước phim điện ảnh vô giá "Hẹn gặp lại Sài Gòn" năm 1989 của đạo diễn Long Vân. Bộ phim có bối cảnh năm 1895-1909, khi Nguyễn Tất Thành chuẩn bị ra nước ngoài. Thu Hà đóng vai Út Vân, cô gái miền Nam có tình cảm với người thanh niên yêu nước. Từng đã khoác áo người lính cùng NSƯT Tiến Hợi ở những ngày Đoàn văn công Quân đội, sau này lại cùng công tác tại Nhà hát Kịch Hà Nội từ những ngày mới đầu ra Thủ đô, lại cùng đóng với nhau biết bao thước phim sống động, ấn tượng NSND Thu Hà bồi hồi và xúc động, những kỉ niệm của hai chú cháu ngày nào cứ ùa về.
NSND Thu Hà kém NSƯT Tiến Hợi 10 tuổi, chị gọi anh là chú. Mồng 8 Tết năm nay, chị đi lễ tại đền thờ Bác Hồ trên đỉnh non thiêng Ba Vì, chẳng hiểu sao khi lễ, hình ảnh về bộ phim "Hẹn gặp lại Sài Gòn" cứ hiện ra. Bất giác trên non cao vợi, gió lạnh, mưa phùn, tự nhiên hai hàng nước mắt của chị lăn dài trên gò má và 15 phút sau thì nhận được tin của vợ anh báo tin nghệ sĩ Tiến Hợi lâm trọng bệnh và không còn sống được bao lâu nữa, chưa đầy hai ngày sau thì anh ra đi.
NSND Doãn Hoàng Giang bùi ngùi nhớ lại, năm 1987, khi tìm diễn viên để thể hiện hình tượng Hồ Chí Minh cho vở kịch "Đêm trắng", Đoàn Nghệ thuật Trường Sơn quân khu 2. Lúc này là thời kì hoàng kim của sân khấu, nhất là một vở kịch đi vào đề tài rất nóng của xã hội, vấn đề về tham nhũng. Vở kịch tái hiện lại câu chuyện có thật về sự kiện Cục trưởng Cục Quân nhu Trần Dụ Châu, diễn ra tháng 9 năm 1950 tại ATK Thái Nguyên, và trong kịch có thể hiện hình tượng Bác vào vị trí trung tâm, con người với đức quý báu: "Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư".
Ban đầu, đoàn chủ trương định mời những nghệ sĩ đóng Bác Hồ về tham gia cho vở diễn, nhưng vì đoàn đi lưu diễn khắp nơi nên mời nghệ sĩ khác rất bất tiện, nên ban lãnh đạo quyết định tìm một nghệ sĩ ngay trong đoàn sẽ tốt hơn. Lúc đó, Tiến Hợi mới 28 tuổi và một diễn viên nữa được thử vai. Thời kì đó, dáng anh dong dỏng cao, 1,7m, nặng 53 kg. Cả hai gặp NSƯT Nguyễn Đình Nhữ là nghệ sĩ hoá trang số một của Hãng phim truyện Việt Nam, sau khi hoá trang thì anh lọt vào mắt xanh của đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang. Vị đạo diễn bảo: "Tiến Hợi là người toát lên thần thái ánh mắt, khuôn mặt rất lợi thế để đóng vai Bác, lại thêm dáng người dong dỏng rất phù hợp với bối cảnh vở diễn kịch vào những năm đó. Vai diễn thành công hơn cả mong đợi và sau này diễn lại cả hàng trăm đêm.
NSƯT Tiến Hợi đoạt Huy chương Vàng Hội diễn Sân khấu toàn quốc năm 1992 với vai diễn hình tượng Bác. Năm 2013, sách kỷ lục Guinness của Việt Nam đã xác nhận Tiến Hợi là nghệ sĩ thể hiện thành công vai Bác Hồ nhiều thể loại nhất.
"Đêm trắng" vở kịch đánh dấu mốc son đầu đời ghi dấu trong sự nghiệp diễn xuất đầy thăng hoa và xuất thần của mình, đồng thời cũng đưa anh vào vòng xoáy của tình yêu. Số phận luôn có những lối se duyên đầy bất ngờ và thú vị, số là NSƯT Nguyễn Đình Nhữ do công việc bận rộn ở Hãng phim truyện nên không thể theo đoàn kịch đi hoá trang mãi được nên đã cử cô học trò của ông thay mình đi hoá trang cho Tiến Hợi. Cô trò nhỏ này lại cùng quê Nam Đàn với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thời kì đầu, anh và nữ hoá trang còn ngại ngùng xưng hô chú cháu, sau này sự gần gũi mang lại cảm giác tự nhiên, từ cảm mến đến yêu nhanh như một tia chớp, lễ cưới được diễn ra trong sự chúc phúc của nhiều người.
Năm 1988, anh về đầu quân Nhà hát Kịch, vợ anh, nghệ sĩ Vương Đạm Thuỷ cũng theo ra làm diễn viên tại đoàn, nhưng cuộc sống khốn khó, chị chấp nhận thôi nghề diễn viên để ở nhà mở cửa hàng may cho anh yên tâm công tác. Bao nhiêu năm nay, chị là người vợ, người bạn, người đồng hành tri kỉ đã đi theo anh suốt những cung đường, bất cứ nơi đâu, nghệ sĩ Tiến Hợi đóng vai Bác là chị lại khăn gói theo anh để kì công, nắn nót, tỉ mỉ hoá trang cho anh, ríu rít thân thương như hình với bóng.
Chị kể từ khi biết anh, làm vợ anh cho đến nay, chị đã hoá trang hàng nghìn lần cho anh trong hình tượng Bác, và sau khi hoá trang cho anh xong thì cảm thấy có điều gì trong mình rất khó tả, cảm thấy không phải là chồng mình nữa, mà có sự trân trọng đặc biệt. Ngay kể cả sống với hàng chục năm trời, xem chồng diễn hàng nghìn buổi nhưng mỗi lần chồng chị - NS Tiến Hợi ra sân khấu, chị lại thấy bồi hồi, xúc động, và nhiều khi không lăn nổi những giọt nước mắt. Chính cảm xúc tuyệt vời này đã làm cho chị thành công ở mỗi lần hoá trang cho chồng vào vai hình tượng Bác.
Vợ chồng anh chị có hai người con trai cũng gắn kỉ niệm về Bác. Năm 1989, khi đang đóng phim "Hẹn gặp lại sài Gòn" thì chị mang bầu con trai đầu. Năm 1990, năm kỉ niệm 100 năm Ngày sinh của Bác Hồ, cũng vào năm này, vợ anh sinh con đầu lòng, nên anh đặt tên con là Nguyễn Vương Thành. Phim "Hẹn gặp lại Sài Gòn", anh đóng vai Nguyễn Tất Thành, anh họ Nguyễn, vợ họ Vương nên lấy họ anh, họ vợ, và tên vai diễn năm đó anh đảm nhận để đặt tên cho con.
Tiếp đến là lần thứ hai vợ anh mang bầu, sự trùng hợp kì lạ mà không thể lý giải là năm 1996 anh tham gia phim "Hà Nội mùa đông năm 1946" - Đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh, quay xong bộ phim thì vợ anh mang bầu và sang năm 1997 thì chị hạ sinh cậu con trai thứ hai. Vợ chồng anh có hai cậu con trai gắn liền với hai bộ phim truyện nhựa về vai diễn Bác anh đảm nhiệm thành công.
Chiều ảm đạm và những cơn mưa rả rích kéo dài vào ngày 11 (âm lịch) buồn não nùng, gia đình và bạn bè làm lễ truy điệu tại Nhà tang lễ Quốc gia rồi đưa tiễn anh hoả táng tại đài hoá thân Hoàn Vũ (Văn Điển - Hà Nội). Chị Đạm Thuỷ - vợ nghệ sĩ Tiến Hợi trở về nhà ở chung cư Victoria, phường Phú La - Hà Đông - Hà Nội, thẫn thờ nhìn di ảnh của chồng, người vừa mới hôm qua, nay đã thành nhang khói. Trong phòng khách, một bên là bàn thờ Bác Hồ (ngày còn sống anh về Nam Đàn quê Bác, đồng thời là quê vợ, nhờ sư thầy làm lễ xin rước tượng Bác về nhà để thờ cúng). Giờ đây, sau những ngày Tết năm Nhâm Dần, trong căn phòng lại đặt thêm một di ảnh của anh, hương trầm đang toả khói bay.