NSƯT Phạm Bằng: Một phong cách nghệ thuật "dị biệt"

Thứ Năm, 23/11/2023, 14:52

Cố nghệ sĩ Phạm Bằng (1931-2016) sinh trong một gia đình làm ăn khá giả có tiếng tăm ở Hà Nội. Sau 1954, người cha mất sớm để lại bốn mẹ con ông sống hết sức khó khăn. Ông không được học tiếp đại học. Phạm Bằng phải sống tự lập và tìm đến sân khấu như một sự tình cờ sau những ngày tập luyện trên sân khấu của thi sĩ Hoàng Cầm.

Một tài năng thiên bẩm

Phạm Bằng say mê với ánh đèn sân khấu và đã tìm đến Đoàn văn công Hà Nội để xin làm diễn viên (1959). Là lính mới tò te nên ông chỉ được làm những công việc sau cánh gà phục vụ cho vở diễn. Thỉnh thoảng Phạm Bằng mới được phân đóng những vai phụ. Cuối cùng với năng khiếu trời cho, Phạm Bằng cũng được vào những vai diễn chính thức.

Vai đầu tiên của Phạm Bằng là một anh công nhân trong vở kịch “Giờ phút quyết định” (1963). Nhưng không ngờ, sau này cái bản mặt gốc gác phong lưu của ông luôn được phân đóng những nhân vật sở khanh. Vai thiếu úy Minh là một lóe sáng tài năng của Phạm Bằng trong vở kịch “Đêm tháng bảy” (1965). Nhưng đạo diễn Trần Hoạt lại phát hiện ra tố chất diễn những vai tính cách hài hước mới là sở trường của Phạm Bằng. Sau này khi Phạm Bằng được chuyển về Nhà hát Kịch trung ương (1975), các đạo diễn đã tạo điều kiện để ông phát huy hết tài năng bẩm sinh của mình.

1-nsưt phạm bằng-1.jpg -0
NSƯT Phạm Bằng.

Thật độc đáo khi nghệ sĩ Phạm Bằng đã xử lý một đạo cụ diễn xuất thể hiện tính cách Lý Trưởng. Đó là cái tăm ông ngậm khi bước ra sân khấu với dáng đi quềnh quàng cùng đôi guốc cắp nách. Cái tăm tất nhiên được khuếch đại lên bằng cả gang tay để ông làm đạo cụ diễn xuất tô đậm thêm màu sắc vai diễn. Khi cái tăm dùng để ngậm miệng hoặc mút thể hiện sự tham ăn tục uống của Lý Trưởng. Có khi bất ngờ cái tăm trở thành cái gậy của quyền lực. Lý Trưởng vung cái tăm như vung cái ba tong la hét trong cơn tức giận với đối phương.

Chính vai này đã đem lại Huy chương Vàng cho nghệ sĩ Phạm Bằng trong Hội diễn Sân khấu toàn quốc năm 1985. Đó là một vai sống động cùng những đêm diễn kéo dài nhiều năm cho đến khi ông về hưu năm 1993. Cũng vào năm đó nghệ sĩ Phạm Bằng được Nhà nước phong danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú.

“Sống” nhờ những vai “Sếp” hói trên màn hình

Vượt qua thời kỳ cam go của thập niên 90 thế kỷ XX, sân khấu gượng dậy cùng những tìm tòi với sân khấu hài. Trên màn hình cũng xuất hiện chương trình “Gặp nhau cuối tuần” (2001). Trong đó, các vai “Sếp” hói đầu của Phạm Bằng đã tạo nên cơn sốt cười cho khán giả màn ảnh nhỏ. Cũng qua màn hình nhỏ, nghệ sĩ Phạm Bằng được thêm một lần tỏa sáng với những vai tính cách độc đáo. Ông tạo nên những nhân vật hài hước mang yếu tố phản biện hết sức chân thực và hồn nhiên. Gặp đúng sở trường, nghệ sĩ Phạm Bằng trở lại sân khấu hài như “cá gặp nước” vậy.

Dường như không tuần nào trên màn ảnh nhỏ không xuất hiện cái đầu hói và giọng nói khàn khàn, thẽ thọt và dí dỏm của ông. Có lần ông nói cái đầu hói di truyền đã tạo thuận lợi cho những vai diễn hài hước mà khán giả khó có thể quên. Nhiều khi ông cùng diễn với cái đầu hói của mình như một đạo cụ nghệ thuật. Có lúc nghệ sĩ gãi hay xoa cái trán hói tùy tình huống tâm lý. Lại có khi ông vỗ đánh độp một cái lên trán để thể hiện tình huống đầy kịch tính của nhân vật. Khán giả cứ thế bật cười cùng những vai diễn của Phạm Bằng.

1-phạm bằng trong vai lý trưởng (hồn trương ba da hàng thịt).jpg -1
NSƯT Phạm Bằng vào vai Lý trưởng trong vở “Hồn Trương Ba da hàng thịt”.

Đáng chú ý, nghệ sĩ Phạm Bằng thường đóng vợ chồng cùng với Vân Dung và Thu Hương (Hương tươi) rất duyên dáng. Đó là những phẩm chất tạo nên sức thanh xuân trong các vai diễn của ông. Tuy nói cười cứ bả lả hồn nhiên trên sân khấu vậy mà ngoài đời nghệ sĩ Phạm Bằng luôn luôn nặng trĩu những nỗi cô đơn sau khi vợ mất năm 2003. Ông tiếp tục cùng các con trụ bám quán hàng bánh trôi do vợ để lại của gia đình ở 30 Hàng Giấy để mưu sinh.

Có lần, nghệ sĩ kể trong những đêm tối thao thức vì thương nhớ người vợ hiền, ông đã tìm đến những trang kịch bản để trút bầu tâm sự. Không ít đêm người nghệ sĩ già đã diễn lại những vai kịch cho linh hồn vợ hiện về xem. Trí tưởng tượng bay bổng đã đem lại sự nồng ấm cho ông mỗi khi nhớ đến người vợ đã chung sống suốt 43 năm hạnh phúc. Bởi ông luôn nhớ những năm tháng bôn ba cùng sân khấu, biền biệt tháng ngày chỉ có vợ ở nhà âm thầm nuôi dạy bốn con nhỏ. Khi vợ mất, nghệ sĩ Phạm Bằng đã bị khủng hoảng tâm lý một thời gian dài. May mắn sao tiếng cười sân khấu là niềm an ủi lớn lao nuôi dưỡng tâm hồn ông.

Nút kết ở tuổi 85

NSƯT Phạm Bằng là một trong số hiếm nghệ sĩ với tuổi trên 80 vẫn hăng hái tham gia các kịch mục hài trên màn ảnh nhỏ. Một phần vì có lẽ cái duyên của ông vẫn còn chan chứa những nỗi niềm muốn bày tỏ với người xem. Hai nữa vẫn là tài năng bẩm sinh đã đưa ông đến những vai diễn độc đáo khó ai có thể thay thế. Ông là một hiện tượng kỳ lạ trên sân khấu khi đóng vợ chồng với những nữ nghệ sĩ kém ông đến cả 50 tuổi đời mà vẫn không thấy chênh lệch trong nghệ thuật diễn xuất.

Ít ai ngờ đến tuổi 84 ông vẫn được mời đóng một vai hài trong phim “Chôn Nhời” được chiếu trong ngày Tết (2015). Trong phim ông đóng vai Tri phủ, một kẻ trăng hoa đã đong đưa với vợ của Tri huyện (do NSƯT Kim Oanh thủ vai). Bộ phim đã xảy ra những tình huống dở khóc dở cười và những chuyện châm biếm sâu cay về thói hư tật xấu của người đời. Vai diễn của Phạm Bằng đã đóng góp sự thành công xuất sắc của bộ phim. Đó là vai cuối cùng của ông làm sống động lại hình ảnh vai Lý Trưởng lừng danh một thuở.

Và cũng không mấy ai tưởng tượng nổi khi bước sang tuổi 85 vào những tháng đầu năm 2016, NSƯT Phạm Bằng vẫn nhong nhong xe máy đi đóng phim đó đây. Người ta nói tuổi con dê như ông bền bỉ và chịu khó tìm lá thuốc ăn nên trường sức. Đúng là ông cặm cụi một đời với những vai diễn. Nhưng quả mọi chuyện không suôn sẻ khi căn bệnh ung thư đã tìm đến ông. Ông phải bỏ dở dự định đóng phim Tết vì lâm trọng bệnh và từ biệt cuộc đời vào tối 30/10/2016.

Ông mất đi nhưng hàng trăm vai diễn ông để lại với ấn tượng độc đáo đem lại niềm vui và tiếng cười sâu sắc cho khán giả. Nghệ thuật diễn xuất của ông là một mẫu mực để lại cho các thế hệ nghệ sĩ trẻ sau này noi theo. Đúng như lời nhận xét của cố đạo diễn NSND Trần Hoạt nhận định về ông từ trước đó hơn 40 năm: “Tương lai cậu đóng vài hài giỏi. Khiếu hài là khiếu trời cho. Không thể mở lớp các diễn viên hài. Nhưng nghệ sĩ hài phải có một trình độ văn hóa cao, sâu và tư duy vững, mới dựng được một vai diễn có chất lượng nghệ thuật”. NSƯT Phạm Bằng đã phấn đấu theo lời dạy đó và khẳng định mình đúng như vậy. Ông là một tài năng xuất chúng với những vai diễn hài có tính cách dị biệt.

Mỹ Hiền
.
.