NSND Quốc Hưng: Đào tạo âm nhạc cũng như "đãi cát tìm vàng"

Chủ Nhật, 28/11/2021, 09:13

Hà Nội những ngày tháng 11, mọi hoạt động nghệ thuật vẫn đang diễn ra cầm chừng vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Trong không gian ấm cúng tại Phòng Hòa nhạc nhỏ (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), chúng tôi là một trong số ít người được tham dự Lễ ra mắt cuốn sách “Đào tạo ca sĩ Opera tại Việt Nam” (NXB Sân khấu) của Tiến sĩ, NSND Quốc Hưng (Trưởng khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam).

Đó không chỉ là cuộc ra mắt thông thường mà còn gợi lại cho nhân vật chính biết bao ký ức về tình thầy trò, về những trăn trở trong việc đào tạo ca sĩ Opera tại Việt Nam.

Nếu không yêu nghề thì khó theo được Opera

NSND Quốc Hưng hôm ấy trông bảnh bao, phong độ trong bộ véc tối màu- trang phục mà khán giả thường thấy anh mặc trong các chương trình nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước. Trong đội hậu cần có người bạn đời của anh – nghệ sĩ đàn tỳ bà Thu Quyên (hiện công tác tại Đoàn Ca nhạc dân tộc, Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam). Tôi để ý trong sự tất bật, lo âu cho buổi lễ của chồng lấp lánh trong ánh mắt của chị là niềm hạnh phúc vô bờ. Người ta nói: “Đằng sau sự thành công của người đàn ông luôn có bóng dáng người phụ nữ”.

Điều đó thật đúng, dĩ nhiên cũng đúng với gia đình NSND Quốc Hưng. Tôi từng rất ấn tượng với anh khi trong một cuộc phỏng vấn, anh thẳng thắn chia sẻ đầy tình yêu và trách nhiệm: “Thực tế tôi cũng biết vợ đã không tập trung phát triển sự nghiệp nghệ thuật chỉ làm thật tốt công việc tại cơ quan và lùi lại phía sau để âm thầm hỗ trợ tôi. Tất cả những điều đó tôi biết hết, nhiều lúc nghĩ thấy càng thương và yêu vợ hơn nhưng có điều tôi chẳng bao giờ nói về điều này cả…”.

NSND Quốc Hưng: Đào tạo âm nhạc cũng như đãi cát tìm vàng -0
NSND Quốc Hưng.

Khi tôi đang miên man với những dòng suy nghĩ ấy thì bỗng nhiên giọng nói quen thuộc của nhạc sĩ Nguyễn Quang Long – MC của chương trình vang lên. Giọng anh nhỏ nhẹ, trầm ấm vừa đủ cho hơn mười người trong khán phòng nghe được: “Đào tạo ca sĩ Opera tại Việt Nam” được chia thành 3 chương, trong đó mỗi chương của cuốn sách đề cập tới một nội dung trọng tâm chính như: Khái quát về nghệ thuật opera thế giới và quá trình hình thành – phát triển của nghệ thuật opera Việt Nam; một số mô hình đào tạo ca sĩ opera trên thế giới và thực trạng đào tạo ca sĩ opera ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam; thông qua đó tác giả đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo ca sĩ hát Opera tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam…”.

Thì ra cuốn sách này được phát triển trên cơ sở luận án Tiến sĩ đã được anh bảo vệ thành công năm 2018 tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam dưới sự hướng dẫn của Giáo sư, NSND Nguyễn Trung Kiên. Đây là công trình mà anh đã ấp ủ, nghiên cứu suốt 10 năm để góp thêm nền tảng lý luận cho việc đào tạo ca sĩ Opera tại Việt Nam. Anh trải lòng, khi còn trẻ, anh có cơ hội được sang Nhà hát Opera Hannover (Đức) để thực tập và học tập vở Opera “Viên đạn thẳng”, anh được gặp rất nhiều các nghệ sĩ nổi tiếng thế giới và được làm việc cùng nhiều giáo sư hàng đầu của Đức trong lĩnh vực này. Mặc dù đã được học các tác phẩm Opera nước ngoài ở Nhạc viện Hà Nội, nhưng anh chỉ có thể cảm nhận được hết về Opera đến khi sang châu Âu.

“Operalà đỉnh cao của nghệ thuật ca hát, không chỉ là sự vận dụng của hơi thở, âm thanh mà còn là sự cảm nhận của mỗi nghệ sĩ vào âm nhạc, trong từng diễn biến của một nhân vật trong tác phẩm. Học tốt kỹ thuật, thể hiện đúng tình cảm của các tác phẩm Opera thế giới dù khó là vẫn chưa đủ. Người nghệ sĩ hát Opera ở Việt Nam còn phải nghiên cứu, trau dồi, tích lũy kinh nghiệm từ thực tiễn bản thân cũng như từ các đồng nghiệp để đưa ra những đúc kết phù hợp với đặc điểmgiọng hát của người Việt. Việc hát Opera với nghệ sĩ Việt không dễ còn do vòm họng của người Việt, hay người châu Á nói chung khác với người châu Âu. Bởi vậy, trong nhiều năm, tôi đã khảo sát, nghiên cứu để đưa ra những phương pháp áp dụng cho nghệ sĩ Việt trong cuốn sách này”, nghệ sĩ Quốc Hưng trải lòng.

Theo anh thì nếu không yêu thì khó theo được Opera. Anh luôn mong những học trò có đủ tố chất theo Opera của mình sẽ không chệch khỏi con đường âm nhạc chính thống, bởi lẽ làng Opera Việt rất khan hiếm những giọng ca. Do không biết tìm đâu ra giọng bass nên nhiều lần Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP Hồ Chí Minh phải nhờ tới NSND Quốc Hưng. Anh kể, đảm nhận vai diễn trong một vở Opera rất vất vả nhưng chế độ thù lao cho nghệ sĩ còn rất hạn chế. Nếu không yêu nghề thì chắc không nghệ sĩ nào dám nhận lời tham gia.

Giữ gìn và phát triển vẻ đẹp của nghệ thuật hát Opera

Có mặt tại buổi lễ, Tiến sĩ, ca sĩ Tân Nhàn (Phó trưởng khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) nhận xét: “Là ca sĩ, nghệ sĩ Quốc Hưng đã ghi dấu tên tuổi của mình ở nhiều tác phẩm để đời. Ở vị trí người thầy, nghệ sĩ Quốc Hưng đã đào tạo nhiều nghệ sĩ thành danh, đạt được những giải thưởng quan trọng tại các cuộc thi âm nhạc trong nước và quốc tế.

Và bây giờ, cuốn sách là minh chứng về tình yêu của anh với âm nhạc, những nỗ lực của thầy trong lĩnh vực nghiên cứu. Anh đã tiếp nối xứng đáng những gì mà NSND Trung Kiên đã làm và luôn mong muốn, đó là giữ gìn vẻ đẹp của nghệ thuật hát Opera và phát triển nó tại Việt Nam”. Còn Tiến sĩ, ca sĩ Phương Nga (Phó trưởng khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) thì cho biết: “Là đồng nghiệp của anh, cho đến giờ tôi vẫn chỉ đào tạo Opera nữ. Còn anh thì đa dạng, Opera nữ cao, nam cao, nam trầm... Các học trò của anh đều đã khẳng định được chỗ đứng của mình bằng những giải thưởngvà dấu ấn để lại trong lòng khán giả”.

Thương học trò quá vừa là nhược điểm vừa là ưu điểm

NSND Đỗ Quốc Hưng cũng cho biết, cuốn sách được xuất bản trong tháng 11 là cách để anh tri ân những người thầy của mình như Giáo sư, NSND Nguyễn Trung Kiên, NSND Trần Hiếu... Trong không khí hết sức cởi mở, chân tình, nghệ sĩ Quốc Hưng cho biết, bản thân anh xuất thân từ diễn viên chèo, được NSND Quý Dương phát hiện, giới thiệu đến thi tuyển tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) và được NSND Trần Hiếu nhận làm học trò. Đề cập đến câu chuyện này, anh bảo, phát hiện tài năng trong ngành này cũng như “đãi cát tìm vàng”. Như khi về Quảng Ninh dạy học, anh phát hiện ra Hoàng Tùng có chất giọng tốt, anh đã tìm cách “dụ dỗ”, thậm chí “bắt ép” để lên Hà Nội học.

NSND Quốc Hưng: Đào tạo âm nhạc cũng như đãi cát tìm vàng -0
NSND Quốc Hưng và bạn bè trong Lễ ra mắt cuốn sách “Đào tạo ca sĩ Opera tại Việt Nam”.

“Khác với các ngành khác, trong giảng dạy âm nhạc, dấu ấn của người thầy rất rõ nét trong phong cách của người học trò. Ngành thanh nhạc là ngành mà thầy - trò có sự gắn bó rất đặc biệt, khi lên lớp chỉ có một thầy một trò thôi. Nếu các em học từ trung cấp lên đại học thì sẽ gắn bó với thầy trong 8 năm ròng. Chính vì vậy, ảnh hưởng của người thầy với học trò rất lớn, không những về chuyên môn, kỹ thuật mà còn cả tính cách, nhân cách. Tôi học NSND Trần Hiếu trong suốt quá trình từ trung cấp đến đại học, trong thời gian đó, mình gặp thầy có khi còn nhiều hơn gặp bố mẹ mình nên tình cảm gắn bó với thầy rất sâu sắc, thầy không khác gì người cha, người mẹ của mình cả”, anh trải lòng.

Khi ca sĩ Tân Nhàn nói vui rằng NSND Quốc Hưng có ưu điểm là rất thương học trò, nhưng nhược điểm lại là… “thương quá”  đã đem đến những lý giải thú vị, dí dỏm của chủ nhân buổi lễ. Anh bảo, ở Khoa thanh nhạc có đặc thù là các giảng viên đều rất thương học trò. Lý do vì người học trò thanh nhạc và người thầy gắn bó với nhau chặng đường rất dài. Điều đó giúp tình cảm giữa thầy và trò gắn bó hơn. Làm người thầy mà “thương quá” học sinh đúng là nhược điểm vì học sinh đôi khi sẽ ỷ lại vào thầy, nhưng anh nghĩ ở khía cạnh nào đó thì cũng là ưu điểm của thầy cô. Khi thương học sinh nhiều, chúng tôi sẽ giống một gia đình, tình cảm gắn bó hơn và dễ uốn nắn các em hơn… 

Ngô Khiêm
.
.