NSND Hoàng Cúc: Tôi nằm lặng lẽ đợi trăng rơi

Thứ Sáu, 12/11/2021, 12:57

Cứ mỗi lần đến độ thu về, trên con đường trải dài hoa cúc, tôi lại nhớ đến chị, người đàn bà mang tên một loài hoa vàng rực - Hoàng Cúc. Nhưng trái lại, hoa cúc vàng có vẻ đẹp giản dị, khiêm nhường còn chị thì đẹp đến nao lòng. Đôi mắt sắc lạnh như dao cau cùng nụ cười bí hiểm kiêu sa làm đốn tim biết bao kẻ si tình khờ dại lỡ rồi... lạc lối. Cả tuổi xuân thì, tính khí nghệ sĩ bay trên mây trời cùng trăng gió, cho dù hàng thập niên đã đi qua bao ngả cung đường, vậy mà cho đến giờ người đàn bà đẹp vẫn miên man bất tận một cuộc yêu... địa đàng.

Thật ra, nếu nói về đẹp, khó có nhà văn nào có thể dùng ngòi bút để diễn tả hết được vẻ đẹp của chị bởi vì nó quá nồng nàn đắm say. Chị không những đẹp mà trên sân khấu Hoàng Cúc còn là một nghệ sĩ thăng hoa lên đồng trên sân khấu, nên một khi đã yêu chị là say, là đắm đuối với chị. 

Thật may mắn cho những ai sinh ra và lớn lên, được thưởng thức nền sân khấu kịch nghệ của nước nhà vào thập niên 80, 90 của thế kỉ trước. Còn nhớ, những năm đầu của thập niên 80 cùng với những kỉ niệm thời bao cấp, xếp hàng tem phiếu mua gạo, mua mắm ở cửa hàng mậu dịch, hay xếp xô chậu để chờ tới lượt ở vòi nước công cộng thì người dân mong mỏi đến cuối tuần ngóng xem kịch truyền hình trên tivi đen trắng được coi là thăng hoa của đời sống tinh thần. Và những nghệ sĩ của Nhà hát Kịch Hà Nội: Hoàng Dũng, Trần Vân, Hoàng Cúc, Quốc Toàn, Minh Vượng, Hồng Sơn, Minh Trang, Trần Đức, Đam Ka như những ngôi sao sáng rực rỡ trên bầu trời nghệ thuật với những vở kịch mang đầy mỹ cảm như một sự dẫn dụ, để rồi hàng chục năm sau người ta vẫn không thể nào quên những giây phút của ngày xưa ấy.

img_9921.jpg -0
NSND Hoàng Cúc.

Năm 1985, vở kịch "Tôi và chúng ta" của cố tác giả Lưu Quang Vũ ra mắt khán giả cô bé 11 tuổi không biết chủ đề, cũng chẳng cần biết đến tư tưởng của tác phẩm, tôi chỉ biết khóc nức nở khi thấy Thanh, kíp trưởng phân xưởng 1 (Hoàng Cúc đóng), mặc bộ áo yếm màu xanh công nhân sau khi đã đấu tranh để giành lại chính nghĩa thì chị bị bệnh ung thư và mất. Cảnh kết kịch, chị nằm trên chiếc ghế bành bằng mây, người hơi ngả về phía sau, tấm chăn mỏng được đắp ngang người, đôi mắt khẽ khép lại, xung quanh là anh em công nhân thân quen cất tiếng gọi chị đầy thổn thức, công chúng của truyền hình cũng đang xốn xang, còn tôi chạy ra một góc nhà, rấm rứt khóc. Mẹ thấy con gái như vậy chạy ra hỏi: "Sao khóc thế con?". Tôi trả lời trong tiếng nấc: "Con thương... cô Thanh quá, cô ấy chết rồi". Mẹ tôi thấy vậy phải dỗ dành: "Đấy là trên phim, trong kịch thôi, còn cô Thanh ở ngoài đời vẫn sống...". Hình ảnh cô Thanh đẹp như một bài thơ đã ăn trong trí não của tôi từ ngày đó.

Một năm sau tôi cùng bố rời Thủ đô vào Nam sinh sống. Bố tôi làm ở Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thuận Hải. Bộ Chỉ huy có một "đặc ân" cho những cán bộ nhân viên trong đơn vị là vào các tối thứ sáu hằng tuần sẽ chiếu phim, loại phim giải trí thịnh hành nhất thời bấy giờ cho mọi người xem. Bãi chiếu trên nền sân của đơn vị, mọi người kê ghế ngồi xem. Bố con tôi tuần nào cũng háo hức đợi đến tối thứ sáu để được xem phim. Lúc xem phim, gió ngoài trời mát rượi, gió biển mang hương vị của muối xào xạc trên những tán dừa.

Đến tuần chiếu "Bỉ vỏ", một tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Nguyên Hồng, tôi ngạc nhiên lắm, cô Thanh hiền dịu khi nào trong "Tôi và chúng ta" giờ lại là nhân vật nữ có cuộc đời nếm trải đủ những éo le, khổ đau và vùi dập, người đàn bà mang tên Tám Bính. Tám Bính không hiền như Thanh, Tám Bính với những va đập liên hồi đắng khét của vòng đời xô đẩy, nên có sự lọc lõi, tinh quái, ranh ma của dân bụi đời, đầu đường xó chợ. Nhưng dù là Thanh hay Tám Bính thì nữ nghệ sĩ cũng ôm trọn trong tôi một sự dịu ngọt đến không ngờ.

Sau này ra Hà Nội, tôi có dịp đến sân khấu Nhà hát Kịch Hà Nội để thưởng thức những vở kịch chị diễn. Quả thật, không hổ danh là nghệ sĩ kịch Thủ đô, mảnh đất Tràng An ngàn năm văn hiến, của nét đẹp nền nã, tinh tế con gái đất Hà thành: Hoàng Cúc, Minh Hoà, Thu Hà như những ánh sao đêm của sân khấu lung linh mà nhiều thập niên sau này cũng không dễ tìm được gương mặt thay thế. 

img_9920.jpg -0
NSND Hoàng Cúc tại nhà riêng.

Một tối, tôi ngồi trong căn nhà chị ở phố Linh Lang, lúc này chị đã vừa thôi chức Phó Giám đốc Nhà hát kịch Hà Nội. Về hưu, chị sống an nhiên cùng vợ chồng người con trai cùng hai cháu nội, một trai, một gái. Nhà chị là nơi để mọi người đến tập yoga và phương pháp thiền. Chị đưa cho tôi xem từng chồng bản thảo, chị viết tay. Trời ạ, chị có thói quen viết tay hàng chục trang, hàng trăm trang. Chị nói, chị viết tay quen rồi, khi viết tay đem lại cho chị cảm hứng dào dạt hơn. Chị có con trai làm việc ở Truyền hình CAND (ANTV), công việc của con trai khi đó là quay những câu chuyện về đời, về nghề của người nghệ sĩ. Vậy là chị hì hụi, một phần giúp con, một phần viết để tuôn trào mạch cảm xúc, viết để nhớ, để thương, để yêu, để tri ân với những người đồng nghiệp. Vậy là bao nhiêu thước phim phóng sự được phát sóng về chân dung nghệ sĩ do NSND Hoàng Cúc viết kịch bản và lời bình. Chẳng ai hiểu người nghệ sĩ bằng chị, bởi chị chính là họ và họ cũng chính là chị. Gắn bó từ thủa nào, hiểu từng chân tơ kẽ tóc, cộng với vốn văn chương phong phú tâm hồn đa cảm, bay bổng của người nghệ sĩ đã làm nên những trang viết giàu cảm xúc.

Chị kể với tôi nhiều chuyện, nhưng có lẽ ấn tượng nhất vẫn là những câu chuyện về cây và hoa. Hình như, những người đàn bà đẹp thì thường yêu hoa và tin hoa, nhưng rồi như vận số lại long đong như những cánh hoa rơi. Trong "Hồng lâu mộng", Lâm Đại Ngọc đã từng thương tiếc hoa, nàng quệt nước mắt, lau những giọt lệ sầu, nhặt những cánh hoa rơi rồi chôn hoa dưới làn đất lạnh. Hoàng Cúc cũng yêu hoa không kém, chị bảo chị tin vào vẻ đẹp của những bông hoa. Chị tin vào khoảnh khắc Giao thừa  sẽ có những vị thần cưỡi mây, đạp gió, bay trên bầu trời đêm để chấm điểm từng nhà. Nhà nào cây cối tưng bừng, hoa nở rực rỡ thì năm đó các Ngài sẽ "chấm" cho được thịnh vượng ấm no. Chị kể, có lần chỉ còn vài tiếng nữa là sang năm mới, hai mẹ con đi trên phố, thấy những cây quất con vẫn còn lăn lóc không ai mua. Người nông dân mếu máo nài nỉ. Vừa thương người, lại vừa thương cây, chị mua hết những cây quất con. Năm đó, tầng 1 của căn nhà chật kín những cây quất con, hoa quất trắng tinh khiết thơm dịu xen lẫn với chồi non lộc biếc, quả quất vàng trĩu nặng đung đưa. Chị bảo quả thật năm đấy là một năm đại thắng lợi của cả gia đình. 

Một Tết khác, đấy là khi chị cùng con dâu đi chọn đào, hai mẹ con xuống tận vườn đào chọn cả ngày trời vẫn chưa được cây đào ưng ý, đến hôm sau lại một lần nữa đi lùng đào. Lần này, cây đào được mang về nhà là một cây mập mạp, chắc khoẻ, cánh hoa nở to màu hồng thắm trông rất xuân. Nhưng than ôi, chỉ sang đến sáng mồng 1, từ trên gác đi xuống, vừa nhìn thấy cây đào, chị đã chết lặng, hoa rụng tả tơi, héo rũ. Qua cái Tết, mấy tháng sau, chị thấy trong người mệt, đi kiểm tra thì phát hiện... ung thư. Nhưng rồi, nhờ tập yoga, nhờ có niềm tin phải sống, cuối cùng chị đã sống. Nội lực và sự kiên cường nơi chị không gì có thể dập tắt.

 Hai năm nay, do tình hình dịch bệnh, căn nhà ở phố Linh Lang chị đã cho thuê. Chị rời đến sống ở chung cư cao cấp nhìn ra Hồ Tây lộng gió. Thi thoảng được mời, chị đi đóng phim và làm mẫu ảnh cho bộ sưu tập thời trang của một nhà thiết kế nào đó. Còn khi trở về nhà, lần này là một cái kết cực kì có hậu, sau bao nhiêu năm cô đơn lẻ bóng, chị đã tìm cho mình được một bờ vai để tựa. Anh ấy hàng chục năm âm thầm si mê, theo đuổi trong vô vọng, mãi cho đến cuối đoạn đường mới dám là chàng hoàng tử phá tấm rào ngăn cách đến bên nàng, dắt nàng bay lên bầu trời với những vì sao vần vũ. Còn Hoàng Cúc vẫn khao khát yêu, vẫn nồng nàn cháy bỏng, vẫn tận cùng dâng hiến. Chị làm thơ, những bài thơ gợi mở: "Kìa trời có rộng dài cho ong mê mải/ mệt mê yêu trên phiến phiến hoa tình.../Liệu sẽ gió giông vùi hoa phai nhụy?/ Để quên đường phiêu bạt ong nâu/ Có thể hai ta không còn biết về đâu!/ Gió cuốn phong ba tàn cơn say khát..."

Trần Mỹ Hiền
.
.