Những nhà thơ vĩ đại đã ra đi như thế
Không ai trên đời lại muốn có một cái chết đau đớn hay cô độc cả. Vậy nhưng mặt khác ai cũng hiểu cái chết của bản thân sẽ định hình cách người khác nhớ về mình. Và đôi khi có những thi sĩ mà “huyền sử” của chính họ lại được nâng lên một tầm cao mới vì cái chết đầy bí ẩn. Quả là họ đã trở thành “huyền thọai” cũng giống như chính những nhân vật trong tác phẩm của mình.
Nhà thơ Federico Garcia Lorca
Thơ dân gian vốn luôn là nguồn cảm hứng lớn đối với các thi sĩ Tây Ban Nha. Nhưng Federico Garcia Lorca có thể coi là một trong những “bậc thầy” của loại hình thơ mang âm hưởng truyền thống. Ông sinh ra và lớn lên tại một ngôi làng nhỏ ngoại ô Granada, nơi đã truyền cho thi sĩ tình yêu với thơ ca của những người nông dân và dân Gypsy du mục. Đến năm 1920, Lorca xuất bản tập thơ đầu tay mang tên “Những bản ballad của người Gypsy”. Tác phẩm ngay lập tức nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt của công chúng. Ngoài sáng tác thơ, ông còn viết kịch, vẽ tranh và sáng tác nhạc nữa.
Trong khi Lorca đang sáng tác và lưu diễn kịch tại New York (Mỹ) thì chính quyền quân chủ lập hiến sụp đổ, nhà nước Cộng hoà Tây Ban Nha được phục hồi. Lorca ngay lập tức trở về Tây Ban Nha để cống hiến cho nền cộng hòa mới. Ông dẫn đầu một đoàn kịch Nhà nước mang tên La Barracađi lưu diễn miễn phí khắp các vùng nông thôn. Cũng trong khoảng thời gian này ông viết ra bộ ba kiệt tác kịch nói nổi tiếng. Đó là, “Blood Wedding” (1933), “Yerma” (1934) và “The House of Bernarda Alba” (1936). Từ nội dung đến tính nghệ thuật của cả ba vở kịch đều mang tính cách mạng phá bỏ những định kiến đương thời, đưa tính nhân văn và sự công bằng đến tất cả mọi người.
Đến năm 1936, phe Phát xít lên nắm quyền tại Tây Ban Nha. Garcia Lorca biết rằng ông sẽ gặp nguy hiểm vì những tư tưởng Chủ nghĩa Xã hội của mình. Vậy nhưng nhà thơ, nhà biên kịch vẫn nhất quyết trở về Tây Ban Nha từ Mexico. Người anh rể của Lorca là luật sư Manuel Fernández - Montesinos bị ám sát sau khi nhận chức Thị trưởng thành phố Granada. Chỉ vài ngày sau vụ ám sát, Lorca bị cảnh sát bắt đi và hoàn toàn mất tích.
Ngay vào thời điểm đấy nhiều người đã nghi ngờ Lorca bị bọn Phát xít thủ tiêu. Phải đến tận ngày 19/8 năm ấy, chính phủ mới đưa ra thông cáo mập mờ rằng: nhà thơ đã mất trong thời gian bị giam giữ. Nhà độc tài Francisco Franco phủ nhận bản thân hay Đảng Phát xít của mình có liên quan đến cái chết của Lorca. Sự thật chỉ được công nhận vào tháng 4/2015 khi một loạt giấy tờ mật từ thời Franco được đưa ra công bố. Chúng cho biết nhà thơ đã bị bắn chết và chôn tại ngôi mộ nông ven đường. Sau đó nhiều cuộc khai quật đã được tổ chức tại Granada để tìm xác Lorca nhưng không đem lại kết quả gì. Người yêu thơ vẫn chỉ có cách nhớ về Lorca qua những tác phẩm tưởng niệm ông. Trong đó có thi phẩm mang tên: “Đàn ghita của Lorca” do nhà thơ Thanh Thảo của Việt Nam sáng tác mà thôi.
Nhà thơ Sándor Petofi
Ngày nay không khó khăn gì để tìm thấy tượng đài Sándor Petofi đặt tại những thành phố lớn ở Hungary. Nhà thơ được coi như “tiếng nói của dân tộc” vì lẽ, một tác phẩm của ông đã gây xúc động lớn trong nhân dân và trực tiếp dẫn đến cuộc Cách mạng Hungary năm 1848. Những di sản thi ca khác của Sándor Petofi cũng góp phần xây dựng nên một cá tính riêng cho nền thơ tiếng Hungary. Ngay từ thời trẻ, Sándor Petofi đã lộ rõ tài năng với thơ ca. Ông giành giải thưởng thơ đầu tiên của mình năm 15 tuổi. Nhưng vì nhà nghèo mà cậu bé Sándor sớm phải bỏ học, đi kiếm sống bằng nhiều nghề khác nhau. Sau này từng có lúc nhà thơ tự ví von rằng mình đã sống cuộc đời của nhiều người nên mới có cách hiểu thế giới, hiểu nhân dân tường tận như vậy. Phải đến tận năm 1844 thì Petofi mới có thể tiếp tục theo đuổi thi ca. Ông trở thành học trò của nhà thơ nổi tiếng Mihaly Vorosmarty. Và sau đó xuất bản thành công bài thơ đầu tay “Người say”.
Trong vòng bốn năm tiếp theo, Sándor Petofi vừa sáng tác, vừa theo đuổi chính trị. Ông đều dành được thành công trong cả hai lĩnh vực. Công chúng và giới phê bình đánh giá cao lối thơ trào phúng dân gian của ông. Petofi “viết kịch bằng thơ” nhằm vừa mang lại tiếng cười trong người đọc, vừa tố cáo những điều ngớ ngẩn trong xã hội Hungary lạc hậu. Về mặt chính trị, Petofi đấu tranh không ngừng nghỉ cho nền cộng hòa. Hungary khi đó là một phần của đế chế Áo - Hung quyền lực. Vậy nhưng xã hội Hungary khi đó vẫn đầy rẫy những bất công và áp bức. Nhà thơ tìm kiếm những người trẻ khác có tư tưởng tiến bộ như mình rồi tập hợp họ lại vào các tổ chức cách mạng. Khi nhà hát đầu tiên tại Hungary được mở (sau này đổi tên thành Nhà hát Quốc gia tại Budapest), Petofi đã vận động thành công nhà hát diễn những vở kịch tiếng Hungary để khơi dậy lòng ái quốc và nhân ái trong khán giả.
Khi cuộc cách mạng 1848 nổ ra, Petofi nằm trong số những vị lãnh tụ trẻ soạn thảo bản yêu sách 12 điểm gửi lên hoàng đế Ferdinand của Áo. Họ yêu cầu quyền được thành lập chính phủ dân chủ do người Hungary bầu lên, phá bỏ chế độ quý tộc và nông nô, trả tự do cho các tù nhân chính trị, v.v… Petofi còn soạn kèm theo đó tác phẩm lớn nhất của đời mình: bài thơ “Nemzeti dal”, nghĩa là “Quốc ca” trong tiếng Hungary. Quả thật tác phẩm giống như một bài hát bằng thơ nhằm hiệu triệu những người Hungary đứng lên tự làm chủ vận mệnh dân tộc mình.
Vào này 15/3/1848, các nhà cách mạng tổ chức tuần hành đồng loạt tại những thành phố lớn ở Hungary. Petofi dẫn đầu đoàn tuần hành tại thành phố Pest (sau này sát nhập vào Budapest) đi từ Viện Bảo tàng quốc gia đến toà nhà thị chính. Ông đứng trên những bậc thềm tòa thị chính mà đọc bản yêu sách 12 điểm và bài thơ “Nemzeti dal” khiến hào khí của người Hungary nào khi đó cũng ngùn ngụt. Vị đại diện cho hoàng đế Ferdinandcai quản Hungary không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc ký vào bản yêu sách của nhân dân.
Chiến thắng của cuộc cách mạng tuy thế không kéo dài được lâu. Ngai vàng Áo điều quân đến Hungary để dập tắt phong trào độc lập. Họ còn được sự trợ giúp của quân đội Nga dưới sự chỉ huy của Sa Hoàng Nicholas I. Petofi xung phong gia nhập quân đội bảo vệ nền Cộng hoà. Lần cuối cùng người ta thấy ông là trước trận đánh Segesvár. Hầu hết các sử gia đều cho rằng, Petofiđã tử trận. Vậy nhưng thi thể của ông chưa bao giờ được tìm thấy. Còn có một giả thuyết khác được các chuyên gia Liên Xô (cũ) công bố sau khi xem xét tài liệu mật của đế chế Áo là: Petofi cùng khoảng 1800 tù nhân chiến tranh khác bị đày đến Siberia và mất ở đó.
Nhà thơ Arthur Cravan
Các nhà thơ Siêu thực luôn nổi tiếng là có cuộc sống “ba chìm bảy nổi”. Vậy nhưng cũng khó ai bì được với chuyện đời của nhà thơ Thuỵ Sĩ Arthur Cravan. “Đứa con đầu” của phong trào Siêu thực châu Âu nổi tiếng là một gã say xỉn hay đi vòng quanh Paris phân phát tờ tạp chí văn học “Maintenant!” do mình làm chủ biên cho khách qua đường.
Những lúc tỉnh thì ngoài sáng tác thơ và biên tập tạp chí, Cravan còn phê bình hội họa. Có lần ông chỉ trích bức tự họa của nữ danh họa Marie Laurencin đến mức người yêu của bà, nhà văn, nhà thơ nổi tiếng Guillaume Apollinaire phải lên tiếng “mời” Cravan lên sàn đấm bốc. Vậy là hai tác giả có công lớn trong việc “sản sinh” trường phái Dada gặp nhau trên sàn đấu. Báo chí đương thời tuy vậy không đưa tin kẻ thắng, người thua. Khó có thể nói hết những ảnh hưởng của Arthur Cravan (tên thật Fabian Avenarius Lloyd) đối với nghệ thuật châu Âu đầu thế kỷ trước. Chủ nghĩa Vị lai cho ông là người đầu tiên sử dụng các thuật ngữ của họ như “machinisme” (tính máy móc của cuộc sống). Nhà thơ André Breton, hai họa sĩ Francis Picabia và Marcel Duchamp,v.v… coi Cravan như “hình mẫu” để làm theo trong sáng tác.
Ấy thế nhưng cùng vào thời điểm các trường phái Siêu thực và Hậu hiện đại đang “lên ngôi” tại Tây Âu, Arthur Cravan lại phải sống trong cảnh đói nghèo ở New York. Ông đã trốn sang Mỹ để không bị gọi đi nhập ngũ chiến đấu trong Thế chiến I. Trước lúc rời châu Âu ông vốn đã không có một xu dính túi nên phải tham gia một trận đấu biểu diễn với nhà vô địch quyền anh Jack Johnson. Nhà thơ chịu để bị đánh đến ngất xỉu nhằm có tiền mua vé tàu.
Cravan chuyển đến sống tại Mexico vào năm 1917. Ông cưới người yêu lâu năm của mình là nữ nhà thơ Anh Mina Loy và mở một trường dạy đấm bốc. Tuy vậy, mật thám Mỹ truy đuổi Cravan đến tận Mexico vì tội trốn lính. Cặp đôi hạnh phúc đành chịu cảnh di cư sang Argentina. Vì Cravan chỉ có đủ tiền mua một tấm vé tàu biển nên ông nhường chỗ cho người vợ đang mang thai của mình. Bản thân nhà thơ sẽ cùng bốn người bạn lái một chiếc thuyền nhỏ đi từ Chile đến Argentina và gặp bà Mina ở đó. Nhà thơ Mina Loy chờ chồng mãi tại Bueno Aires (Argentina) mà không thấy Cravan đâu. Bốn người bạn của Cravan cho biết sau khi mua được con thuyền cũ tại Chile, nhà thơ định một mình lái thử một chuyến. Hầu hết mọi người cho rằng Arthur Cravan đã bỏ mạng trong chuyến chạy thử con tàu đó.
Câu chuyện chưa hẳn chấm hết tại đó. Nhiều năm sau khi bà Mina Loy tạ thế có xuất hiện tin đồn rằng Arthur Cravan vẫn còn sống. Vụ mất tích trên biển hoàn toàn do thi sĩ dàn dựng để “cắt đuôi” mật thám và bỏ vợ. Người ta đồn đoán thế này, sau đó Arthur Cravan lấy hai tên giả là Dorian Hope và Sebastian Hope để sống “nay đây mai đó” ở New York, Paris hay Amsterdam. Và ông ta sống bằng nghề đạo thơ và bán những kịch bản giả đề tên người chú rể của mình, nhà thơ, nhà biên kịch Ai Len vĩ đại Oscar Wilde.