Những cuốn sách nổi tiếng thế giới viết trong tù
Đối với không ít người tù, gánh nặng tâm lý đặt lên vai họ thật kinh khủng. Nó làm người ta chết dần chết mòn, mất đi hết niềm vui lẫn lòng tin vào cuộc sống hiện tại và tương lai. Những tưởng các nhà văn lại càng cảm nhận nỗi khổ này hơn. Nhưng đôi khi vẫn xuất hiện một số tâm hồn thật đặc biệt. Bằng sự kiên cường và niềm hy vọng của mình, trái tim lẫn trí tuệ của một số nhà văn đã bẻ gẫy song sắt ngục tù mà chạm đến một cái gì đó cao hơn cả.
De Profundis
Nhà văn, nhà thơ, nhà biên kịch Oscar Wilde luôn được xếp vào hàng những tác giả vĩ đại nhất của Anh Quốc. Trong sự nghiệp kéo dài hơn 30 năm của mình, Oscar Wilde đã thay đổi hoàn toàn nền văn học nước Anh. Chủ nghĩa duy mỹ coi ông như người cha đỡ đầu định hình nên những quy tắc cơ bản của trường phái. Nhiều nhà biên kịch thần tượng ông vì Wilde đã phá vỡ các khuôn phép cũ trong kịch trường Anh còn lại từ thời Shakespear. Tuy được ngưỡng mộ như vậy, nhưng cuộc đời của Wilde cũng không kém truân chuyên. Vào năm 1895, ông bị kết án vì tội có quan hệ đồng tính với đàn ông.
Cuộc sống trong tù tìm mọi cách để quật ngã nhà văn. Công việc hằng ngày của ông là tháo những cuộn dây thừng cũ ra thành từng sợi, rồi dùng chúng để chèn vào giữa các mối nối ống nước (thời điểm đó người ta chưa sáng chế ra cái gioăng cao su). Công việc mệt nhọc, cộng với nỗi buồn chán làm hại người nghệ sĩ kinh khủng. Ông phải nhờ đến một người bạn làm chức Bộ trưởng để được chuyển sang nhà tù Reading có chất lượng sống tốt hơn.
Tại Reading, Wilde được phép nhận giấy bút để sáng tác. Ông bắt tay ngay vào việc viết một bức thư gửi người yêu của ông, bá tước - nhà thơ Alfred Douglas. Chính mối tình giữa hai người đàn ông đã khiến Wilde phải vào tù. Nửa đầu bức thư được Wilde dành để tha thứ cho người tình và chính bản thân mình. Sau đó ông nhìn lại toàn bộ sự nghiệp bản thân. Một con người từng “lấy gậy chọc trời” như Wilde nhưng nay lại tỏ ra trong thư một sự khiêm nhường hiếm thấy. Mặt khác, cảnh bạc đãi trong tù đã không đè bẹp ông mà còn khơi mào cho một sức sống mới nơi nhà văn. Nói theo cách văn hoa hơn, bức thư ghi dấu lại những bước chân của một con người đi từ chỗ trắng tay đến lúc chạm tới sự giác ngộ.
Vì quy định của nhà tù mà Wilde viết xong trang giấy nào là bị quản giáo lấy đi. Phải đến khi ông ra tù năm 1897 thì nhà văn mới được nhận lại tập bản thảo. Wilde viết trong nhật ký rằng ông không muốn bị “gánh nặng” của tác phẩm đặt trên lưng nên mới giao nó lại cho người bạn thân là nhà báo Robert Ross. Khoảng ba năm sau, Wilde mất trong cảnh nghèo khó tại Pháp. Robert Ross biên tập lại bức thư để xuất bản dưới tiêu đề “De Profundis” - “Từ dưới đáy”. Tuy tác phẩm chịu phải không ít tai tiếng và những lời thị phi như chính tác giả, nhưng “De Profundis” vẫn được công chúng lẫn giới phê bình đón nhận nồng nhiệt. Oscar Wilde viết tự truyện không chỉ dành cho mình mà còn là cho cả một thế hệ nhà văn, nhà thơ, nhà biên kịch theo trường phái duy mỹ ở Anh.
Le Morte dArthur
Những huyền thoại về vua Arthur đã từ lâu vượt qua biên giới Anh Quốc mà lan ra toàn thế giới. Ngày nay hỏi bất kỳ ai ở châu Á hay châu Phi, họ cũng sẽ nhận ra những câu chuyện như “Vua Arthur rút thanh gươm khỏi đá”, “Hội hiệp sĩ bàn tròn” hay “Hành trình tìm chén Thánh”. Điều mà ít ai hiểu là những câu chuyện này không xuất hiện cùng một thời điểm.
Vua Arthur, hội hiệp sĩ bàn tròn, v.v… vốn là những nhân vật dân gian. Mỗi thi nhân châu Âu thời Trung Cổ lại có truyện kể của riêng mình về những nhân vật này. Sau nhiều thế kỷ, số lượng những bản kể khác nhau đã lên đến hàng trăm. Phải nhờ đến Thomas Malory mà những truyền thuyết về vua Arthur mới được định hình lại - hệ thống lại như ngày nay.
Các nhà nghiên cứu hiện đại không rõ Thomas Malory thật sự là ai. Họ chỉ biết rằng ông là một hiệp sĩ người Anh bị cầm tù dưới thời vua Edward IV. Cứ theo lối viết bằng chữ La Tinh của tác giả thì có thể tin rằng ông xuất thân là quý tộc và giữ địa vị ít nhiều trong triều đình phong kiến. Rất có thể Malory bị cầm tù vì tội tham gia âm mưu phế vị vua Edward IV do bá tước Richard Neville đề xướng.
Trong thời gian bị cầm tù, Thomas Malory nảy ra ý tưởng tập hợp và soạn lại những câu chuyện truyền thuyết về vua Arthur. Ông dày công nghiên cứu các bộ sưu tầm chuyện kể của những thi sĩ Pháp và Anh, sau đó sắp xếp chúng lại theo thứ tự thời gian. Không ít bản kể thiếu tính logic hoặc không phù hợp với mạch cốt truyện, mạch nhân vật của các truyện kể đi trước thì cũng phải nhờ đến Malory viết lại. Kết quả ông nhận được là một trong những bộ tiểu thuyết sử thi đầu tiên của nền văn học thế giới - “Le Morte d Arthur”. Thomas Malory hoàn thành bộ “Le Morte dArthur” vào khoảng năm 1470, nhưng không rõ vì lý do gì mà tác phẩm chỉ được xuất bản vào năm 1485 sau khi Malory mất.
Hiện nay Viện Bảo tàng Văn học Anh còn giữ một bản chép tay do tác giả đọc cho người khác chép. Vào thời điểm ra mắt, “Le Morte dArthur” trở thành bộ sách bán chạy nhất châu Âu. Từ quý tộc đến dân thường ai ai cũng ham mê đọc tác phẩm. Người Anh vì quá hãnh diện với tác phẩm mà biến vua Arthur trở thành biểu tượng dân tộc. Theo sau “Le Morte d Arthur” là cả một “làn sóng” những tiểu thuyết viết về giới hiệp sĩ. Nói không ngoa, Thomas Malory đã định hình nên cách nhìn của người hiện đại về châu Âu Trung cổ.
Discovery of India
“Ấn Độ từng biết đến cái trong trắng và hồn nhiên của trẻ thơ, niềm đam mê và lòng quên mình của tuổi trẻ, trí tuệ và sự trưởng thành đến từ nỗi đau lẫn sung sướng; nhưng lúc này đây Ấn Độ đang trẻ lại!”.
Đoạn trích trên từ tác phẩm “Discovery of India” của cố Thủ tướng Jawaharlal Nehru ngày nay vẫn được hàng triệu học sinh Ấn Đô học thuộc lòng. Nehru, người đã lãnh đạo đất nước Ấn Độ giành độc lập khỏi ách thống trị của thực dân Anh, cũng là một nhà văn, thi sĩ, nhà sử học và xã hội học đầy tài năng. Vị lãnh tụ để lại không dưới 100 đầu sách, tiểu luận, thư ngỏ nói về lịch sử, văn hóa, con người Ấn Độ và tầm nhìn của ông về một nước Ấn Độ độc lập.
“Discovery of India” được viết khi Jawaharlal Nehru ngồi tù ở pháo đài Ahmednagar do tham gia Phong trào Tháng Tám (1942-1944). Chỉ mới trước đó một năm thôi, chính quyền thuộc địa Anh đã gây ra nạn đói giết chết 3 triệu người dân Ấn Độ. Luân Đôn ra lệnh tịch thu tất cả số gạo của dân sống tại tỉnh Bengal (nay là Bangladesh) để quân Nhật khi đó đang chiếm đóng Burmar (nay là Myanmar) không có lương thực. Mất đi “vựa lúa” Bengal khiến Ấn Độ rơi vào cảnh đói cùng cực. Trước cái chết của đồng bào, Mahatma Gadhi, Nehru và nhiều trí thức khác thành lập Phong trào Tháng Tám nhằm đòi độc lập cho Ấn Độ. Hầu hết các lãnh đạo của phong trào bị thực dân Anh bắt bỏ tù tại pháo đài Ahmednagar.
Quyển “Discovery of India” được hoàn thành vào năm 1944 và do Nehru cùng mười một người bạn tù khác biên soạn. Những nhà trí thức Ấn Độ hàng đầu khi đó đã soạn ra một cuốn “dư địa chí” về đất nước họ. Sách đưa người đọc khám phá sự kiện, con người và văn hoá Ấn Độ từ thuở hồng hoang đến khi bị người Anh chiếm lấy. Qua tác phẩm, Nehru và các bạn đồng chí mong những người Ấn Độ hãy biết tự hào về di sản ông cha họ để lại mà đứng lên giành lấy độc lập.
Vương quốc Anh kiệt quệ sau Thế chiến Thứ Hai nên chẳng còn thể giữ quyền kiểm soát Ấn Độ được nữa. Chính quyền Anh đành phải thả các lãnh tụ của Phong trào Tháng Tám ra và mời họ tham gia quá trình chuyển giao quyền độc lập cho Ấn Độ. Nehru trở thành vị Thủ tướng Ấn Độ đầu tiên, nhưng di sản mà ông để lại còn lớn hơn thế. Tương lai Ấn Độ vẫn đang đi theo đường lối của Nehru, còn quá khứ của họ tiếp tục được nhìn qua lăng kính của “Discovery of India”.