Những câu chuyện chưa biết về Đặng Thái Sơn

Thứ Sáu, 30/06/2023, 07:53

Lâu nay, nhạc sĩ Đặng Thái Sơn vẫn được nhắc tới nhiều. Có một số thông tin dường như khá bổ ích cho độc giả, tuy vậy sai lệch cũng rất nhiều. Điều đó gây ra ngộ nhận không ít đối với chuyện nhà nước ta đối xử với người tài.

Chỉ dùng từ ngữ biểu cảm khác đi, đưa thông tin không đủ một chút, bình luận lạc đề một chút... thì người đọc sẽ có cảm giác như nghệ sĩ Đặng Thái Sơn bị "đì sói trán", bị cướp công, bị đối xử không ra gì... Sự thật thì hoàn toàn ngược lại.

232972708-10159740018625972-3115174045714445150-n-20.jpeg -0
NSND Thái Thị Liên và con trai Đặng Thái Sơn.

Đặng Thái Sơn sinh ra trong một gia đình rất danh giá. Mẹ anh là bà Thái Thị Liên, là pianist nổi tiếng nhất miền Bắc thời trước, là vợ của ông Trần Ngọc Danh - em trai Tổng bí thư đầu tiên Trần Phú và là đại sứ của miền Bắc tại Paris từ những năm 1945 trở về sau. Bà từng sống và tu nghiệp ở Praha và Paris, là người năm 1946 đại diện cho người Việt chơi đàn cho Bác Hồ và quan khách nghe tại Paris. Ông bố Đặng Đình Hưng vốn mê nhạc và lấy bà Liên sau này, sinh hạ được con trai đặt tên Đặng Thái Sơn. Tất nhiên ai cũng biết việc ông Hưng là một trong các nạn nhân của phong trào Nhân văn giai phẩm. Nhưng những thông tin kiểu "bà Thái Thị Liên bị sức ép, phải chia tay..." hay "...phải ra ở riêng, dạy nhạc kiếm sống; chấp nhận, chịu đựng một cuộc đời cực nhọc vất vả" là những thông tin đồn nhảm hết sức.

Những năm 1960 -1970, nhà nào ở Hà Nội có đàn dương cầm để chơi, để học thì quá hiếm hoi, chắc là ít hơn số người đi xe Maybach hay Bentley bây giờ! Nên bảo họ "chịu đựng cuộc đời cực nhọc vất vả" thì những người "có điều kiện" khác sẽ quá tủi thân…

Cuối những năm 70 thế kỷ XX mới có chuyện cử học sinh hệ trung cấp nghệ thuật sang Liên Xô học tiếp, rồi mới thi lên hệ đại học tại nước bạn. Người được đi học luôn do chuyên gia nước bạn sang chọn, đều từ mái trường Nhạc viện Hà Nội là chính. Thế nên đã được "đi Tây" học nhạc thì đều là phần tử xuất sắc so với bạn bè trong nước rồi!

Học kém thì không "đi Tây" được đâu nhưng học giỏi thì cũng chưa chắc đã được đi. Nhạc sĩ Phú Quang, học giỏi lại thèm đi Liên Xô học lắm nhưng vì lý lịch mà trượt lên trượt xuống. Miền Nam sau 1975 có Hồ Thị Thể Vân rất giỏi piano, nhưng cũng chả được cho sang nước ngoài học tiếp do không đủ các điều kiện để được xét tuyển đi học nước ngoài. Sau này chị định cư ở Canada...

Nhìn dưới góc độ đó thì phải hiểu là Đặng Thái Sơn là một học sinh khoa piano rất tài năng. Ông thầy Nga Isaac Katz trong trường thì lạ gì anh đâu, làm gì có chuyện thầy lang thang trên phố rồi ngẫu nhiên nghe thấy tiếng đàn… như trong phim Hàn Quốc. Anh Sơn hồi đó là ngôi sao sáng ở trường nhạc. Hầu như buổi diễn nào cho khách quốc tế cũng có anh tham gia, học sinh các khoa trên dưới xúm xít vòng trong vòng ngoài để nghe. Việc ông thầy Do Thái dạy anh Sơn mặc dù chưa học năm cuối thì có. Việc phía Nga tác động để cho anh sang Liên Xô học thì có, không chỉ mình anh đâu. Nhưng phải nói là trường và Bộ Văn hóa ưu ái gia đình anh lắm mới cho anh "đi du học" đấy! Tất nhiên điều kiện tiên quyết là tài năng - anh Sơn khi đó đã giỏi hơn các bạn cùng trang lứa một cái đầu. Việt Nam lúc đấy hiếm thầy cô giáo đủ trình độ để tiếp tục dạy Sơn

Nhạc viện quốc gia Matxcơva mang tên Tchaikovsky là cái nôi âm nhạc hàng đầu của Liên Xô và uy tín cao nhất trong cả khối XHCN. Trước anh, người Việt chỉ có chị Tôn Nữ Nguyệt Minh là người từng được bằng khen tại chính cuộc thi quốc tế Tchaikovsky nên mới được nhận vào học chính quy đại học khoa piano ở đây. Việc tác giả bài báo nào đó bôi bác, coi chuyện 60 rúp/tháng là ít ỏi và Sơn cũng như sinh viên phải đi làm thêm để sống chứng tỏ không hề biết gì. Với 60 rúp ở Nga những năm 1970 có thể sống khá đàng hoàng, khi mà tất cả chi phí ở và học hành được bao cấp.

Thói quen ở trong nước, người chơi piano phải giữ gìn nâng niu đôi tay như nâng trứng, chồng đánh đàn thì vợ phải bê xe đạp, xách nước… Sang Liên Xô, anh Sơn mới biết ngược lại hoàn toàn, pianist phải luyện đôi tay cho thật khỏe! Không phải một thầy Natanson nói không thôi, mà còn ông thầy Dmitry Bashkirov dạy anh nữa.

đặng thái sơn sau khi đạt giải.jpg -0
Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn sau khi đoạt giải.

Câu chuyện anh Sơn đi thi năm 1980 cực "hay", tác giả bài bôi bác kia chỉ nghe hơi nồi chõ nên bỏ đi những phần hay và quan trọng nhất! Cuộc thi piano mang tên Chopin ở Warsaw (Ba Lan) là cuộc thi piano uy tín bậc nhất đối với khối XHCN (và cũng rất uy tín so với thế giới) - nơi chỉ chơi các tác phẩm của nhạc sĩ Ba Lan thiên tài Chopin, 5 năm mới tổ chức một lần. Các thầy giáo Nga thấy Sơn giỏi nên muốn anh tham gia kỳ thi thứ 10 tổ chức năm 1980. Lúc đó Sơn còn chưa học xong.

Quả là anh Sơn không đi thi dưới màu cờ Việt Nam, nhưng cái "quy trình" nó như sau: Thí sinh tương lai liên hệ với Ban tổ chức cuộc thi (hoặc được các nhạc sĩ danh tiếng giới thiệu) - Ban tổ chức gửi thư mời - Thí sinh tự lo giấy tờ đi thi (hộ chiếu, visa) - tự lo chi phí mà đi, mà thi! Rất nhiều sinh viên Việt Nam muốn tham gia các cuộc thi quốc tế phải trải qua khâu "hộ chiếu - visa" này khá vất vả, phải xin về Bộ Văn hóa và được sự đồng ý từ nhà Đại sứ quán Việt Nam bên Liên Xô mới cho phép đi làm các thủ tục tiếp theo! Xin nhớ hồi đó người Việt ta bay về nước còn phải xin giấy thông hành, nói gì đến chuyện đi nước khác! Và Sơn có lẽ "vướng" đúng khâu này: nếu anh xin thì ai dám quyết định cho anh "xuất ngoại" lần nữa, sang Ba Lan thôi, có được cũng lâu lắm. Anh được phía Liên Xô cho tham gia đội tuyển là rất ưu ái đấy, nhưng cũng không phải là ngoại lệ duy nhất. Trước khi đoàn Liên Xô lên đường họ có tổ chức một buổi đánh biểu diễn cho tất cả các thí sinh mọi quốc tịch. Và buổi đó Sơn chơi xuất sắc hơn cả nên được chọn.

Chuyện Sơn đi tàu hỏa sang Warsaw hay chuyện ít tiền, chê bai là rất sai cho anh. Ai biết địa lý một chút cũng hiểu nằm ngủ một đêm từ Moscow đã tới Warsaw. Chi phí các thí sinh tự lo thì không có gì phải kêu ca phàn nàn cả.

Sơn đã thắng xứng đáng cuộc thi Piano quốc tế năm 1980 ở Ba Lan so với các thí sinh còn lại. Anh là người châu Á đầu tiên đoạt giải thưởng danh giá này. Đến khi anh được giải rồi thì "ở nhà" cả nước mới biết chuyện. Sơn đem vinh dự về cho Nhạc viện Tchaicovsky, nhưng anh vẫn phải học tiếp để tốt nghiệp, vì ở trường ấy sinh viên đang học đã được giải quốc tế "đông như quân Nguyên"! Sơn đem vinh dự về cho Việt Nam, đúng vậy, và chính quyền, báo chí cũng như người hâm mộ tung hô anh hết lời cũng phải thôi, mặc dù ai cũng hiểu không có nhạc viện Tchaicovsky và mái trường với những người thầy Xô Viết thì chả có Đặng Thái Sơn của năm 1980 ấy!

Tôi tìm mãi vẫn chưa thấy một nhân vật nào trong giới nghệ sĩ nước ta mà được nhà nước ưu ái như đối với Sơn, kể cả Ngô Bảo Châu ngành toán. Anh được biểu diễn báo cáo tại Nhà hát Lớn Hà Nội 10 buổi liền. Anh được nhà nước tặng căn hộ lắp ghép ở Giảng Võ - điều mà các anh chị đi trước được giải hay bằng khen như Tôn Nữ Nguyệt Minh hay Ngô Văn Thành violin làm gì có được. Giá trị của nó hồi ấy cũng chả kém gì căn hộ Vincom của Ngô Bảo Châu sau này đâu! Anh được phong Nghệ sĩ Nhân dân từ 1984, trong khi đó ông Bashkirov thầy giáo của anh đến 1990 mới được phong danh hiệu nghệ sĩ nhân dân CCCP! Thêm nữa, anh được ra nước ngoài sinh sống (Nhật), được sang Canada định cư. Người đọc có hiểu sự ưu ái của những năm tháng khó khăn ấy phải lớn đến thế nào không?

Sống ở nước ngoài, công việc chính của anh là dạy học, mặc dù anh đã đi biểu diễn khắp các phòng hòa nhạc nổi tiếng nhất thế giới. Gia đình của anh vẫn rất được chế độ ưu ái. Chị anh là bà Trần Thu Hà cũng là nghệ sĩ piano (làm luận án phó Tiến sĩ cũng ở Tchaicovsky) sau trở thành Giám đốc Nhạc viện Hà Nội. Các học trò cùng con cháu đã tổ chức cho bà Thái Thị Liên mẹ của anh nhân ngày sinh nhật thứ 100, và bà vẫn chơi đàn trên sân khấu! Còn việc vì sao anh Sơn không ở Việt Nam dài lâu thì chúng ta cũng nên hiểu âm nhạc thính phòng, nhạc cổ điển không phát triển mạnh ở Việt Nam. Ở Việt Nam rất ít sân khấu có thường xuyên khoảng 5.000 người sẵn sàng thưởng thức nhạc cổ điển không? Vì thế Đặng Thái Sơn định cư ở nước ngoài để phát triển và nuôi dưỡng âm nhạc bác học của anh. Và cũng là để có môi trường cho anh giữ được vị thế thuộc về danh sách các nghệ sĩ piano hạng nhất thế giới. Muốn thế anh phải được sống trong một môi trường thấm đẫm âm nhạc hàn lâm?

Theo tôi anh Sơn rất xứng đáng với cái cách mà chính quyền ưu ái anh. Anh không những là "người được Chopin chọn" mà còn được chính quyền chọn để làm gương mặt tiêu biểu cho văn nghệ sĩ nước nhà. Do đó dư luận xã hội và các báo chí lá cải ở hải ngoại viết bài cho rằng anh bị nhà nước rẻ rúng, chí ít là không trọng dụng là hoàn toàn sai trái.

Nguyễn Nam
.
.