Nhiếp ảnh gia Đặng Văn Thông: Người lưu dấu xưa Đà Lạt

Chủ Nhật, 21/11/2021, 16:36

Với ông, những chiếc máy ảnh cũ kỹ trưng trong góc phòng là kỷ vật vô giá. Bởi nó đã từng lưu giữ một góc Đà Lạt cho riêng ông, cho người. Ai đã từng gắn bó hay đặt chân đến Đà Lạt một lần chợt thấy nao lòng trước những bức ảnh gợi cảnh xưa người cũ mà giờ đây chỉ còn là vang bóng trong cơn lốc đô thị hóa...

Đèo Mimosa lộng gió, cung đường đêm vàng vọt ánh đèn, hun hút thông rít. Giờ này thành phố đã ngủ, sắc dã quỳ thẫm lại trên nền trời xám xịt. Tình nhân đón củ khoai nướng nóng hổi từ tay bà bán khoai dạo. Bếp than rực hồng bên hồ Xuân Hương. Sớm mai, con ngựa kéo xe thong thả gặm cỏ bên vườn hoa Đà Lạt khi những người khách còn đang mặc cả với chủ của chúng... Nhà thờ Con Gà rền tiếng chuông... Tất cả cảnh sắc đó đều được nghệ sĩ nhiếp ảnh Đặng Văn Thông ghi lại. Gần 90 tuổi, vệt đồi mồi in hằn trên khuôn mặt ông – khuôn mặt chứng kiến bao đổi thay của xứ sở này.

Nhiếp ảnh gia Đặng Văn Thông: Người lưu dấu xưa Đà Lạt -0
 Nhiếp ảnh gia Đặng Văn Thông bên bức ảnh “Chiều Đà Lạt” chụp năm 1955.

Sáng sương lạnh, chiều đổ bóng, một ông già nhỏ bé khoác vội khăn quàng cổ, một chiếc áo ấm, một chiếc máy ảnh, rời khỏi ngôi nhà ven dốc Hoàng Hoa Thám. Ông rảo bước chầm chập. Hơi lạnh làm đôi tay nhăn nheo thêm hằn nếp. Tê cóng. Nhưng máy ảnh vẫn kêu tách tách ghi lại những khoảnh khắc của thành phố ông trót yêu. Ông chặc lưỡi: Tuổi già chỉ loanh quanh thành phố. Chân mỏi, gối chồn, đâu như hồi trẻ mà đi mây về gió, vượt núi băng rừng, tìm khắp ngõ ngách hoang vu của Đà Lạt để thả thiên nhiên vào khung hình.

Nhiếp ảnh gia Đặng Văn Thông được nhiều người biết đến với tư cách là một trong những nghệ sĩ chụp và lưu giữ nhiều ảnh Đà Lạt xưa và nay nhất. Hơn 70 năm nay, ông miệt mài làm người chép sử Đà Lạt bằng góc ảnh. Đến giờ ông không nhớ mình đã chụp được bao nhiêu tấm, chỉ ước tính chừng hàng vạn bức ảnh từ thuở 17 tuổi và bắt đầu cầm máy. Trong đó những tấm ảnh đáng giá về Đà Lạt xưa được ông chắt lọc còn hơn 50 bức.

Để lại ấn tượng nhất trong số đó là các bức: “Chiều Đà Lạt” (1955), “Đà Lạt xưa 2” (1952), “Cam Ly” (1952), “Hồ Mê Linh” (1948), “Chợ Đà Lạt” (1952), “Hồ Xuân Hương” (1952) ... Đà Lạt xưa được ví như nàng sơn nữ thuở trinh nguyên, đẹp một cách hoang dại, huyền bí và đầy quyến rũ. Đó là hồ Xuân Hương chiều hoàng hôn hay buổi bình minh sương mờ bảng lảng. Đó là hoa anh đào xuân về rợp phố, là người lái đò ven hồ, là người phụ nữ Đà Lạt đi chợ buổi sớm với chiếc áo dài đen, là chiếc thổ mộ lọc cọc giữa rừng thông, là sinh hoạt của cộng đồng người dân tộc những năm 40-50 của thế kỷ trước.

“Ngày ấy Đà Lạt còn hoang sơ nên cảnh sắc, thác, hồ rất đẹp. Cư dân còn ít, rừng thông thì bạt ngàn. Nhà nào nhà nấy hầu hết đều nằm khuất dưới tán thông. Sáng sớm sương mù dày đặc đến nỗi người đi cách nhau vài mét là đã không nhìn thấy nhau. Hoa dại ken dày khắp lối đi, hương ngào ngạt. Vẻ đẹp của nó khiến người cầm máy như tôi không thể kìm lòng” – ông Thông cho biết.

Nhiều người sẽ nghĩ ông Thông sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này mới có thể giữ cho mình một gia tài thấm đẫm tình yêu xứ sở đến thế. Nhưng quê ông lại ở Nam Định. Đến tuổi đi học, ông được gia đình đưa lên Hà Nội. Tám tuổi ông mới theo gia đình vào Đà Lạt và trọ học ở hiệu ảnh Đà Lạt photo của người chú. Ngày ngày thấy chú tráng rửa, cho ra những tấm ảnh đẹp, cậu bé Thông mê mẩn. Thông xin người chú chỉ dạy nghệ thuật chụp và các kỹ thuật tráng rửa, phân sắc, cắt cúp ảnh... 17 tuổi ông đã có thể cầm máy băng rừng, lội suối ghi lại khoảnh khắc của đại ngàn hùng vĩ, của những nếp nhà thơ mộng “phố ở trong rừng, rừng ở trong phố”, những hoa cỏ đẫm sương.

Đồng nghiệp cùng thời với ông còn có nhiếp ảnh gia Trần Văn Châu và Nguyễn Bá Mậu, nhưng giờ sống ở Đà Lạt hiện tại chỉ còn ông. “Vua ảnh phân sắc” Nguyễn Bá Mậu đã trở thành người thiên cổ. Trần Văn Châu ở nước ngoài. Ngày đó, còn rất trẻ nhưng Đặng Văn Thông đã có rất nhiều cuộc triển lãm ảnh Đà Lạt với các bậc tiền bối tại Sài Gòn.

Gắn bó với nghiệp cầm máy, yêu từng góc phố, cây cỏ Đà Lạt, năm 1959,  Đặng Văn Thông xin vào làm việc ở Nha Địa dư Đà Lạt - nay là Xí nghiệp Bản đồ Đà Lạt, với công việc chụp ảnh họa viên trên giấy, làm chế bản. Công việc cho ông đi khắp nơi, men theo những con đường chưa ai biết để ghi lại cảnh đẹp của thành phố. Một lần thấy có con đò chạy ngang trên hồ, ông chạy theo để bắt kịp khoảnh khắc thì bị vấp phải tảng đá. Máu ở dưới chân không ngừng chảy nhưng ông cắn răng chịu đau, gắng đuổi theo suýt rơi máy ảnh xuống nước để kịp có tấm hình đẹp. Những tấm bưu thiếp có ảnh Đà Lạt do nhiếp ảnh gia Đặng Văn Thông chụp luôn thu hút du khách tìm mua, đặc biệt là những tấm phân sắc độ bằng thủ công với ba gam màu chính là đen, trắng và xám. Kỹ thuật này càng làm cho cảnh sắc Đà Lạt thêm thơ, huyễn hoặc, như ảo như thật.

Nhiếp ảnh gia Đặng Văn Thông: Người lưu dấu xưa Đà Lạt -0
Bức ảnh “Thác Gougah” (1955).

Nhưng rất nhiều cảnh sắc Đà Lạt trở thành dấu xưa trong nhớ tiếc. Bức ảnh đầu tiên mà nhiếp ảnh gia Đặng Văn Thông chụp là bức “Hồ Mê Linh” (năm 1948). “Khi bấm máy tôi nào ngờ sau này hồ sẽ vĩnh viễn biến mất. Hồ rất đẹp, đẹp hơn hồ Xuân Hương, ven hồ rất nhiều cây xanh và hoa dại. Nhưng vì kinh tế, người ta lấp hồ, trồng hoa trồng rau. Nhiều cảnh đẹp khác cũng vì quá trình đô thị hóa mà mất đi”.

Nói rồi ông đem bức chụp thác Cam Ly cho chúng tôi xem. Một dòng thác thơ mộng, mát lành, nghe như tiếng nước réo rắt hoan ca. Ven bờ suối là chiếc chòi lá nho nhỏ. Nay thác Cam Ly toàn rác và rác, bốc mùi hôi thối quanh năm, thác đâu còn đẹp để thi sĩ họa lại thành thơ. Thác Gougah với dòng nước mát lành giờ cũng cằn khô sỏi đá. Dòng nước ào ạt ngày nào chỉ còn rỉ rả, ven hồ là những bịch ni lông, hộp nhựa, thức ăn phân hủy của du khách... Rừng bị đốn hạ, khí hậu Đà Lạt nóng hơn, nhịp sống sôi động, ồn ã với những nếp nhà, công trình bê tông hóa.

 Đặng Văn Thông cũng là người lưu lại những thú chơi quý tộc nay đã không còn như bức “Chiều Đà Lạt” lưu lại cảnh thuyền buồm dong trên hồ Xuân Hương. Xem ảnh Đà Lạt bây giờ của nhiếp ảnh gia Đặng Văn Thông vẫn thấy trong đó là sự tĩnh mịch, hùng vĩ và đầy chất thơ lặng lẽ dù đời sống vốn nhiều biến động. Ông tâm sự: “Tôi không thích chụp những thứ ồn ã hay đến chốn đông người. Đà Lạt vốn yên bình, và tôi chụp sự tĩnh mịch của nó như tìm về chính nó thuở sơ khai”.

Hồ Xuân Hương là cảnh đẹp mà ông yêu thích nhất khi chụp về thành phố này. “Hồ đẹp lắm. Bất cứ thời điểm nào trong ngày và bất cứ góc độ nào hồ cũng cho tôi những tấm hình rất thơ”.  Hàng ngàn bức hình hồ Xuân Hương đủ các góc độ ra đời. Ông đến bên hồ Xuân Hương, chợt thấy một cô gái ngồi lặng lẽ dưới đôi thông già. Bốn bề vắng lặng. Cây thông còn có đôi, duy cô gái đơn độc một mình. Vậy là ông bấm máy. Bức “Cô đơn” ra đời với những câu thơ ông đề: “Yêu ai chẳng biết ai yêu/ Buâng khuâng gió lạnh những chiều cô đơn”. Bức ảnh như nói hộ lòng ông. Lưu giữ cảnh xưa người cũ, giờ chỉ còn một mình ông cô đơn độc mã vậy.

Những bức ảnh về thành phố ngàn hoa của ông luôn có mặt ở các bài báo viết về Đà Lạt, xuất hiện trong các cuộc triển lãm lớn và nhỏ về Đà Lạt trong cả nước. Nhiều bức Đà Lạt xưa được thành phố trưng bày tại bảo tàng hay trong dịp Fesival Hoa để giới thiệu với du khách một dòng hoài niệm xen lẫn tiếc nuối. “Âu đó cũng là sự đổi vần của thời gian, của đời sống kinh tế con người. Mình còn biết làm gì hơn. Lưu giữ lại đây một chút này đã là quý lắm rồi. Hy vọng người ta xem lại những tấm hình này, cũng day dứt mà làm một cái gì đó cho những giá trị đang chết dần chết mòn đi từng ngày” – tay mân mê bức thác Cam Ly, giọng nhiếp ảnh gia Đặng Văn Thông nghẹn lại.

Phan Thi Uyên
.
.