Nhạc sĩ Vũ Thiết: “Với tôi, âm nhạckhông phải là cuộc chơi...”
Gần 70 tuổi, nhạc sĩ Vũ Thiết vẫn khỏe khoắn, lãng tử và thẳng thắn từ ngoại hình đến tính cách, đặc biệt, "lửa nghề" dường như vẫn luôn nồng đượm trong mọi câu chuyện của ông.
Mới đây nhất, vượt lên trên 70 tác phẩm, ca khúc "Gặp anh - chiến sĩ Cảnh sát cơ động trên cao nguyên" của ông đã đoạt giải Đặc biệt tại Trại sáng tác âm nhạc, văn học với chủ đề "Cảnh sát cơ động - Lá chắn thép bảo vệ bình yên cuộc sống" do Bộ Công an tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát cơ động (15/4/1974 - 15/4/2024). Phóng viên Chuyên đề Văn nghệ công an đã có cuộc trò chuyện cùng nhạc sĩ Vũ Thiết xung quanh ca khúc này...
- Thưa nhạc sĩ Vũ Thiết, trước hết xin chúc mừng ông với giải thưởng đặc biệt này. Ca khúc "Gặp anh - chiến sĩ Cảnh sát cơ động trên cao nguyên" đã được sáng tác trong hoàn cảnh như thế nào?
+ Tôi đến với cuộc thi rất tình cờ. Thú thật, ban đầu nhận giấy mời, tôi không nghĩ đây là cuộc thi mà chỉ nghĩ là được tham gia chuyến đi thực tế tại một số đơn vị cảnh sát cơ động (CSCĐ). Lâu nay, tôi mới biết về lực lượng CSCĐ chủ yếu qua các phương tiện truyền thông đại chúng, phim ảnh... biết họ phải rèn luyện rất vất vả, nhiệm vụ gian khổ, nguy hiểm... nên có cơ hội được tìm hiểu kỹ thì thấy hay quá nên tôi nhận lời ngay. Sau đó, chúng tôi được tới thăm Bộ Tư lệnh CSCĐ, được nghe kể những câu chuyện thực tế về tinh thần chiến đấu, sẵn sàng có mặt ở những điểm ''nóng'' của các chiến sĩ CSCĐ. Trong câu chuyện đó, chi tiết 100% các các chiến sĩ CSCĐ đều tự nguyện xung phong vào Tây Nguyên tham gia truy xét, bắt giữ nhóm đối tượng khủng bố tấn công tại hai xã thuộc huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk năm 2023 khiến tôi rất ấn tượng, xúc động.
Đặc biệt, khi tới Trung đoàn CSCĐ Trung bộ và Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 3 tỉnh Quảng Nam, được tận mắt chứng kiến quá trình tập luyện vất vả của các chiến sĩ thì tôi khâm phục và ngưỡng mộ vô cùng. Dưới cái nắng bỏng rát của miền Trung, các chiến sĩ vẫn tập luyện hăng say. Nhưng khi giải lao, trò chuyện với chúng tôi, nụ cười tươi tắn, hồn nhiên lại ánh lên trên những gương mặt rám nắng...
Trở về sau chuyến công tác ấy, tôi nung nấu viết điều gì đó về các chiến sĩ CSCĐ. Và, cảm xúc trào dâng đã mang đến những câu hát đầu tiên: "Tôi gặp anh trên cao nguyên lộng gió, lấp lánh mũ sao vàng và đôi mắt tinh anh. Tôi gặp anh nơi thao trường nắng đổ, mồ hôi ướt đầm mà nụ cười vẫn tươi...". Ca khúc hoàn thành, tôi gửi về ban tổ chức với tâm nguyện dành tặng các chiến sĩ CSCĐ một món quà tinh thần vì những xúc cảm đẹp mà họ mang đến cho tôi. Và, thật sự vui, bất ngờ khi nhận được tin ca khúc đoạt giải đặc biệt.
- Tại sao ông lại chọn hình ảnh người chiến sĩ CSCĐ trên cao nguyên mà không phải ở vùng, miền khác để khắc họa trong tác phẩm của mình. Liệu có phải gần 10 năm gắn bó với mảnh đất cao nguyên nắng gió, nơi cho ông cảm hứng sáng tác ca khúc nổi tiếng "Nghe câu quan họ trên cao nguyên", khiến ông vẫn đắm đuối mãi…
+ Tôi cho rằng, các chiến sĩ CSCĐ ở vùng miền, đơn vị nào cũng xứng đáng được ngợi ca khi họ đang ngày đêm tập luyện gian khổ, chiến đấu làm nên những chiến công, nhưng các chiến sĩ CSCĐ trên mảnh đất cao nguyên lại chứa đựng câu chuyện riêng. Từng gắn bó những năm tháng tuổi trẻ ở Tây Nguyên, tôi hiểu thời tiết, khí hậu nơi đây khiến công tác huấn luyện, chiến đấu của các chiến sĩ vất vả hơn. Ngoài ra, đây cũng là địa bàn mà các lực lượng thù địch thường lợi dụng, lôi kéo bà con dân tộc thiểu số chống phá nên nhiệm vụ của các chiến sĩ CSCĐ rất nặng nề. Và, tất nhiên, câu chuyện mới đây ở Đắk Lắk đã thôi thúc tôi quyết định chọn hình ảnh người chiến sĩ CSCĐ trên cao nguyên làm "nhân vật" trong ca khúc của mình.
Tôi viết ca khúc với cấu trúc gọn gàng, khúc chiết, lời ca giản dị, mộc mạc. Tác phẩm được viết ở thể có 2 đoạn đơn và phần coda (phần kết hoặc thêm vào để kết). Đoạn mở đầu nhẹ nhàng, tình cảm. Đoạn 2 được đẩy lên cao trào để khắc họa hình tượng người chiến sĩ CSCĐ. Đoạn coda với âm điệu khỏe khoắn, mạnh mẽ với mục đích tôn vinh và nhấn mạnh hình tượng người chiến sĩ. Đặc biệt, tôi chọn giai điệu mang đậm âm hưởng dân ca của người Ê đê nhưng vẫn trẻ trung, mang hơi thở thời đại. Qua những giai điệu trữ tình, hào sảng tôi gửi gắm sự ngưỡng mộ, tình yêu với lực lượng CSCĐ - những "lá chắn thép" đã giúp cho tiếng cồng chiêng của các buôn làng được bình yên vang xa. Rộng hơn, là tình cảm yêu mến và lòng biết ơn đến lực lượng CAND đã không quản gian khổ, hy sinh để giữ gìn an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống.
- Từ thành công với ca khúc về các chiến sĩ CSCĐ, với ông, sáng tác về lực lượng CAND có khó không?
+ Tôi đã từng được tìm hiểu và viết ca khúc về các lực lượng khác trong CAND, nhưng với lực lượng CSCĐ thì đây là lần đầu tiên. Theo tôi, để viết hay thì đề tài nào cũng khó. Với những người ngày đêm cống hiến cho đất nước, nhân dân thì ở lĩnh vực nào cũng xứng đáng để ca ngợi, tự hào. Cảm xúc chân thành sẽ dẫn lối cho người nghệ sĩ tìm được chìa khóa mở ra cánh cửa cho tác phẩm của mình.
- Là nhạc sĩ được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật cho chùm ca khúc, ngoài ra là khá nhiều giải thưởng khác, mới đây nhất, ông vừa được nhận Giải B của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2023 với ca khúc "Về đất Tổ"... Được mệnh danh là "nhạc sĩ có duyên với giải thưởng", ông có bí quyết gì để chinh phục các cuộc thi không?
+ Nói có thể có người không tin nhưng tôi không có bất kỳ bí quyết nào. Tôi cho rằng, mỗi cuộc thi có ban giám khảo với những tiêu chí khác nhau. Đương nhiên, khi ca khúc được giải thì có nghĩa nó đáp ứng được tiêu chí do cuộc thi ấy, ban giám khảo ấy đề ra. Tuy vậy, giải thưởng không phải là tất cả. Đã từng có những tác phẩm không nhận được giải thưởng hoặc giải thưởng không cao nhưng vẫn luôn được công chúng yêu mến và ngược lại. Quan trọng là tác phẩm có đời sống trong lòng công chúng. Tôi chỉ có một nguyên tắc đó là viết bằng cảm xúc sâu sắc, chân thành và luôn cẩn thận, chỉn chu ở mọi khâu nhất có thể. Âm nhạc với tôi không phải là cuộc chơi mà là sự nghiêm túc. Có khi, viết xong cả bài rồi nhưng chỉ còn một nốt nhạc hay một từ chưa ưng, tôi vẫn đau đáu tới khi chỉnh sửa hài lòng mới thôi.
- Dường như từ khi nghỉ hưu ông tập trung cho sáng tác, cho những chuyến đi thực tế nhiều hơn?
+ Ngay khi đang công tác tại Ban Âm nhạc, Đài Tiếng nói Việt Nam, tôi may mắn được đi nhiều nơi, tiếp xúc với dân ca mọi miền Tổ quốc. Nhưng, đúng là sau khi nghỉ hưu, tôi đi được nhiều hơn, tìm hiểu sâu, kỹ hơn về âm nhạc truyền thống. Điều tôi học từ các nhạc sĩ đàn anh đi trước là tác phẩm phải mang hồn cốt dân tộc. Tôi nghe nhạc bất cứ khi nào có thể. Ví dụ như sáng nào đạp xe tôi cũng nghe dân ca các vùng miền. Phải nghe nhiều mới thấm, để đến độ những âm hưởng ấy đi vào các tác phẩm tự nhiên như hơi thở.
- Là thành viên trong Hội đồng Nghệ thuật của Hội Âm nhạc Hà Nội, nơi thường xuyên tiếp cận những tác phẩm mới của hội viên, ông có nhận xét gì về tình hình sáng tác ca khúc hiện nay?
+ Hội Âm nhạc Hà Nội duy trì được một hoạt động rất có ý nghĩa là sinh hoạt vào ngày 15 hằng tháng. Mỗi tháng, từ những sáng tác gửi lên, chúng tôi sẽ chọn khoảng trên dưới 10 tác phẩm biểu diễn để các nhạc sĩ nghe, góp ý. Tôi cho rằng, khi được nghe góp ý, tác giả và mọi người đều vỡ ra nhiều điều. Bản thân tôi khi nhận xét các sáng tác khác cũng là nhắc nhở chính mình. Đã có những ca khúc sau đó được nhận giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Gần đây, trong đợt sáng tác ca khúc chào mừng Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, có tác phẩm của hội viên nằm trong danh sách 17 bài vào vòng chung kết...
- Trò chuyện với ông có cảm giác "lửa nghề", sức sáng tạo trong ông vẫn chưa khi nào vơi cạn?
+ Đúng vậy, âm nhạc vẫn luôn chiếm phần lớn thời gian, suy nghĩ của tôi. Thật mừng là thời điểm này tôi có cảm giác mình vẫn đầy ắp ý tưởng. Trong tôi luôn trăn trở làm thế nào để có được sáng tác hay, có ý nghĩa với cuộc sống. Ngoài các đề tài yêu thích, tôi không ngại thử sức ở những đề tài "khó nhằn" như tòa án... Tôi luôn quan niệm nghệ thuật hình chóp, càng lên cao càng ít. Để có được tác phẩm hay, sáng tạo chưa bao giờ là dễ dàng. Giờ đây, tưởng như ai cũng có thể viết nhạc, làm thơ nhưng để tạo dựng thành một gương mặt thì không phải là chuyện đơn giản. Ngoài tài năng thì rất cần đam mê, sự trau dồi, không ngừng học hỏi của mỗi người.
- Xin cảm ơn nhạc sĩ và chúc ông có thêm nhiều sáng tác thành công!