Nhạc sĩ Thanh Tùng - Khi tình yêu vẽ nên nỗi “Cô đơn sống động”
Nhìn vào âm nhạc của Thanh Tùng, ta không chỉ thấy một tình yêu tha thiết cùng nỗi cô đơn ẩn giấu. Ta còn thấy được câu chuyện của một người đàn ông từ sợ hãi đến chấp nhận đón chào cô đơn như một phần của cuộc sống.
Dẫu cho tình yêu luôn hiện hữu trong những bài hát, nhạc sĩ Thanh Tùng đời thường vẫn hay nhắc về nỗi cô đơn như một định mệnh bám lấy kiếp người của ông. Chính ông cũng ví von bản thân là “một người cô đơn bẩm sinh trong suốt quãng đời”. Nỗi sợ cô đơn đi theo Thanh Tùng từ những ngày còn trẻ, đến từ một tuổi thơ không ở gần bố mẹ, thôi thúc ông thấy mình cần yêu và được yêu để cuộc sống thêm sống động, để đời người không còn nhỏ bé và mong manh. Ông nói: “Những cuộc tình đi qua, để lại cho tôi một điều, con người sẽ cô đơn, nhỏ bé, yếu đuối biết bao, đơn điệu biết bao nếu sống không có tình yêu”.
Nhạc sĩ Thanh Tùng từng bày tỏ, tình yêu là suối nguồn cảm hứng để ông sáng tác nên những khúc nhạc. Ông say mê, khao khát được yêu thương, che chở. Những xúc cảm bồi hồi mới mẻ và đầy thăng hoa trong tình yêu là thứ rượu quyến rũ khiến ông khó có thể chối từ. Vì tham lam được yêu và sợ hãi sự cô quạnh nên ngay cả khi đã có vợ, ông thừa nhận bản thân vẫn có nhiều người phụ nữ khác. Những người phụ nữ lướt qua cuộc đời và để lại chút hình bóng vươn trên vài câu nhạc, rồi rời đi mà không có một danh phận.
Có lẽ vì vậy mà khi vợ qua đời, người nghệ sĩ như thấy mình bị kết vào “bản án chung thân”. Bởi giờ đây, ông không chỉ phải đối diện với cú sốc mất đi người phụ nữ đã gắn bó suốt 18 năm đằng đẵng, mất đi người vợ đã luôn quán xuyến chuyện kinh tế, chăm lo cho ba đứa con nhỏ cho gia đình; Ông còn phải đối diện với cái nghĩa tình của lời hứa “sẽ không lấy ai khác”, tức đối diện với trạng thái “một mình” mà ông luôn lẩn tránh.
Vợ rời đi, Thanh Tùng vẫn có những bóng hồng bao quanh. Thật khó để một người nghệ sĩ tài hoa, có biết bao cô gái mến mộ, thường sợ hãi cô đơn và khao khát được yêu lại có thể nhốt mình trong trạng thái “một mình”. Thế nhưng ông thừa nhận: “Sau khi vợ mất thì tôi cảm thấy cảm hứng sáng tác của mình cũng không còn. Tôi không còn có cảm giác yêu đương nhiệt huyết với bất cứ ai nhưng lại luôn mong muốn có một người bạn gái săn sóc, an ủi và tạo cảm hứng để tôi sáng tác".
Sự ra đi của vợ hẳn đã trở thành một cú sốc lớn, khiến cho nhạc sĩ Thanh Tùng chẳng còn cảm thấy yêu đương tha thiết được với bất kỳ ai được nữa. Và hẳn nhiên, khi những thăng hoa trong tình yêu đôi lứa không còn như trước, thì người nghệ sĩ với con đường âm nhạc “đầy ắp tình yêu” cũng khó có thể tiếp tục sáng tác. Nửa sau của cuộc đời, người ta không thấy nhạc sĩ Thanh Tùng viết nhạc nhiều như trước. Có người giải thích rằng ông lúc bấy giờ đang bận rộn kinh doanh để chăm lo cho gia đình nhỏ. Nhưng có lẽ, sự cạn khô cảm xúc yêu đương cùng nỗi cô đơn da diết, chực trào đã khiến cho cảm hứng sáng tạo của người nghệ sĩ nhạt dần đi.
Và “Một mình” được ra đời trong hoàn cảnh như thế:
Gió nhớ gì ngẩn ngơ ngoài hiên
Mưa nhớ gì thì thầm ngoài hiên
Bao đêm tôi đã một mình nhớ em
Ðêm nay tôi lại một mình…
Chị Bạch Dương, con gái của nhạc sĩ Thanh Tùng kể lại, thời điểm viết bài “Một mình”, cha của cô đang gặp nhiều khó khăn trong công việc. Con gái, người ông thương nhất, lại đang xa nhà đi học tại Mỹ. Không ai sẻ chia, không ai nương tựa, không ai cùng ông gánh vác những khó khăn trong cuộc sống, nhạc sĩ Thanh Tùng chỉ biết đêm đêm đi uống rượu giải sầu. Lúc này ông thấm thía: “Đúng là không mất mát thì không hiểu hết, không thể cảm nhận hết tình yêu của vợ cũng như nỗi cô đơn trên cuộc đời này”.
Người vợ xuất hiện trong bài “Một mình” được nhạc sĩ Thanh Tùng viết lên với hình ảnh tảo tần “áo tơi trời đổ cơn mưa”, “gió sương mòn cả hai vai” và “nghiêng nghiêng bóng em gầy”. Hình ảnh đó chẳng hào nhoáng, quyến rũ, nhưng lại gần gũi, thân thương. Là hình bóng mà mãi về sau này, nhạc sĩ Thanh Tùng vẫn luôn ao ước được gặp lại. Từng lời nhạc trong ca khúc “Một mình” là từng lời bộc bạch thật tâm nhất được người nhạc sĩ viết nên từ những đêm say túy lúy vì cô đơn, thấy trong lòng chực trào tình yêu chân thành dành cho người vợ quá cố.
Vắng em còn lại tôi với tôi
Lá khô mùa này lại rơi
Thương em mênh mông chân trời lạ
Bơ vơ chốn xa xôi
Vắng em đời còn ai với ai
Ngất ngây men rượu cay
Đêm đêm liêu xiêu con đường nhỏ
Cô đơn, cùng với tôi về.....
Nỗi nhớ da diết ấy trải dài đến nhiều năm sau đó, khi nhạc sĩ Thanh Tùng viết nên ca khúc “Hoa cúc vàng”. Nghe kể lại, ca khúc “Hoa cúc vàng” được nhạc sĩ Thanh Tùng viết sau khi thấy vợ mình tìm về trong giấc mơ. Sau khi hoàn thành bài hát này, ông đã ngay lập tức gọi điện khoe với con gái, dẫu lúc ấy chị đang ngồi trên xe đi về để gặp ông sau giờ làm. “Bố bảo rằng ông vừa sáng tác được một bài rất hay về mẹ, rồi ông hát cho tôi nghe”.
Đêm qua anh nằm mơ anh mơ thấy em về
Khi anh tuổi đôi mươi em mới lên mười tám
Trong tim em ngập nắng mang theo đóa cúc vàng
Em tặng mùa thu sang mùa thu bông hoa thiên đường.
Vẫn là nỗi nhớ đó, vẫn là tình yêu đó, nhưng trong “Hoa cúc vàng”, sắc thái của cảm xúc đã đổi khác. Vợ ông giờ đây hiện lên trong hình ảnh của cô thiếu nữ tuổi mười tám xinh đẹp, yểu điệu ôm đóa cúc đứng đợi dưới sắc nắng vàng ươm. Từng lời ca đều dịu dàng và lãng mạng, như vòng tay nhẹ nhàng ôm ấp người con gái mình yêu.
Rõ ràng, khi thời gian trôi qua và bao khó khăn trong cuộc sống đã trở thành dĩ vãng, tình yêu của Thanh Tùng giờ đây càng thêm phần rõ ràng và thuần khiết. Nỗi nhớ trỗi dậy không chỉ vì ông mệt mỏi, lạc lõng và cần một người để dựa dẫm những lúc lòng trống vắng chông chênh. Nỗi nhớ ở đây chỉ đơn thuần vì ông da diết thương yêu và khát khao được gặp người phụ nữ mà mình trân quý. Nó đơn thuần chỉ là “anh nhớ em nhiều lắm”.
Đêm qua em vừa đến sao chưa ghé qua nhà
Sao chưa về để thăm anh
Anh nhớ em nhiều lắm đấy
Bâng khuâng trong vườn nắng cô đơn
Khóm cúc vàng đang chờ mùa thu sang
Chờ cho đến lúc phai tàn.
Và rồi sự cô đơn vẫn hiện lên trong “Hoa cúc vàng”, những cũng như nỗi nhớ và tình yêu, tâm thế của người nghệ sĩ nay đã khác. Nỗi cô đơn giờ đây nhẹ nhàng hơn, dịu dàng hơn. Có lẽ là vì giờ đây, ông đã không còn sợ cô đơn nữa. Hoặc chăng, hình hài của nỗi cô đơn trong con mắt của người nghệ sĩ khi đến tuổi xế chiều cũng đã thay màu, chẳng còn gai góc, đáng sợ như lúc xưa.
Nhạc sĩ Thanh Tùng nói: "Không còn cảm giác cô đơn nữa dù người ngoài nhìn vào thấy tôi một mình. Tôi có gia đình hạnh phúc, có đông bạn bè. Trong thân phận của mình, tôi tìm được sự lý giải về tình yêu cuộc sống, tình yêu lứa đôi. Chưa chắc hai người ở cạnh nhau đã có hạnh phúc, đã hết cô đơn. Nhưng nếu cuộc sống chỉ có một người và người này vẫn nhớ về người kia, vẫn cảm thấy người kia luôn hiện diện thì sẽ không cảm thấy cô đơn”.
Lắng nghe những tác phẩm của Thanh Tùng, ta không chỉ thấy tình yêu và nỗi nhớ tha thiết của ông dành cho vợ, ta còn thấy được hành trình của làm quen, mở lòng và chấp nhận trạng thái cô đơn, hay còn được ông gọi là “cô đơn sống động”- nỗi cô đơn để giúp con người sẻ chia, yêu thương và tiếp tục sống trong hạnh phúc và yêu thương.
Những ngày cuối đời, nhạc sĩ Thanh Tùng đã không còn có thể nói rõ ràng, rành mạch. Thế nhưng, khi được nhắc ông thương ai nhất, ông chỉ nói, “bà”. Lúc này, hẳn ông đã không cảm thấy sợ hãi nỗi cô đơn của kiếp người bé nhỏ nữa rồi.