Nhạc sĩ Phú Quang: Giờ như chiếc lá bay đi phương nào

Thứ Năm, 16/12/2021, 10:09

Thời khắc ấy rồi cũng đến, sau gần 2 năm bệnh tật hành hạ, nhạc sĩ Phú Quang - một "người Hà Nội" - đã trút hơi thở cuối cùng vào mùa: "Gió mùa đông bắc se lạnh/ Chút lá thu vàng đã rụng/ chiều nay cũng bỏ ta đi...".

Trong kiếp làm người, có một số người được tạo hoá ban cho một sinh mệnh đặc biệt để thực hiện một nhiệm vụ quan trọng. Nếu như vẽ Hà Nội bằng những mảng màu thì không ai có thể so sánh được với hoạ sĩ Bùi Xuân Phái, người ta gọi những bức tranh của ông là: "Phố Phái". Còn nói đến vẻ đẹp của Hà Nội qua ca từ và giai điệu thì đích thị là nhạc sĩ Phú Quang, một người con ưu tú của Hà Nội. Hà Nội qua âm nhạc của Phú Quang là những bản tình ca trầm buồn, xao xuyến, đẹp đến nao lòng.

Tôi vẫn nhớ lần đầu gặp ông cách đây 18 năm (năm 2003), khi ông mới từ Sài Gòn ra Hà Nội và đang có ý định ở lại hẳn mảnh đất mà ông luôn đau đáu này. Buổi ăn trưa hôm đó có nhà thơ Hồng Thanh Quang và nhạc sĩ Phú Quang. Nhạc sĩ Phú Quang bảo tôi: "Cùng tên Quang nhưng Quang kia là áng mây hồng và xanh, còn anh là đám mây đen u ám". Tôi nhìn ông, trông ông chẳng có vẻ u ám gì cả, bởi vì tại thời điểm đó, Hà Nội còn thưa thớt xe ôtô, mà ông đã sở hữu vài chiếc, đi đâu cũng có người đưa đón bằng xe riêng. Những lái xe của ông dáng to khoẻ, trông khá “ngầu”, giống như vệ sĩ. Còn nhạc sĩ mang vẻ đặc trưng của người Hà Nội, dáng dấp nho nhã, sự từ tốn, lịch thiệp, nhẹ nhàng, có nét sang và qua cách nói chuyện có chút gì kiêu. Sự kiêu này không lộ liễu, mà là kiêu ngầm, nhưng cũng đủ cho người khác biết.

người nhạc sĩ lang thang hoài trên phố_ bỗng thấy mình chẳng nhớ nổi một con đường.jpg -0
“Người nhạc sĩ lang thang hoài trên phố/ Bỗng thấy mình chẳng nhớ nổi một con đường”.

Sau này có lần "ngây ngô" tôi tò mò hỏi nhạc sĩ, là tại sao ông lại có vệ sĩ như vậy để làm gì? Ông cười sảng khoái: Đấy là những cậu em trong công ty giúp ông làm đĩa và bán đĩa. Công ty sản xuất âm nhạc của ông chỉ sản xuất ra duy nhất một loại đĩa, đó là những bài hát của riêng ông. Đĩa DVD những bài hát của ông được thu âm cẩn thận và thiết kế vô cùng tinh tế.

Hai người đàn ông tên Quang là bạn lâu năm, họ có điểm chung đều sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, yêu Hà Nội và yêu nước Nga nên tâm hồn đồng điệu. Rảnh rỗi, họ thường ngồi với nhau. Trong những câu chuyện của họ thường nói đến con người, nghệ thuật, những dự tính cho tương lai với dự án âm nhạc. Lúc này vì chưa quyết định ở hẳn Hà Nội nên nhạc sĩ Phú Quang thuê một ngôi nhà rất rộng trên phố Yên Phụ, Tây Hồ. Căn nhà nhiều tầng vừa là nơi ở vừa là nơi giao dịch của công ty.

Những sản phẩm đĩa nhạc của ông bán rất chạy, chạy đến nỗi trong va li của người Hà Nội ra nước ngoài làm việc và sinh sống luôn có đĩa nhạc của Phú Quang.

Ông đã trở lại Hà Nội đầy chất thơ ấy qua phím đàn cất lên những giai điệu thật truyền cảm, bắt sóng với tầng rung động của người nghe khiến họ cùng thổn thức để nhớ, để yêu Hà Nội da diết. Ông tâm sự: "Tôi sinh ra và lớn lên ở một con phố nhỏ, đằng sau ga Hàng Cỏ, phố Ngô Sĩ Liên. Hồi bé cứ mỗi mùa hè về là tôi với lũ bạn cùng phố rủ nhau trèo lên những cây bàng xanh rợp lá chạy dọc theo con phố để tìm những quả bàng chín vàng rồi chia nhau ăn. Ngày đó, Hà Nội vẫn còn tàu điện leng keng, nghỉ hè là ngày nào tôi cũng đi bộ từ nhà ra Cửa Nam, đi tàu điện lên Bờ Hồ rồi lại đi ngược về chỉ vì thích đi tàu điện. Sau này mãi đến năm 18 tuổi tôi mới bắt đầu học trường nhạc viện, bắt đầu có bạn gái, lúc đó tôi mới cảm nhận được mùi thơm của hoa sữa trên đường Nguyễn Du, mới thấy vẻ đẹp cuối Thu của Hà Nội khi lá cây bàng chuyển thành màu đỏ, mới biết hết vẻ đẹp của Hồ Tây mỗi khi chiều xuống. Những điều đó luôn khắc sâu trong tim tôi và là hành trang tôi mang theo trong suốt cuộc đời này".

Năm 36 tuổi xa Hà Nội vào Sài Gòn sinh sống, người nhạc sĩ ôm trọn nỗi nhớ Hà Nội, mảnh đất với trầm tích về lịch sử ngàn năm văn hiến, lắng đọng dịu ngọt. Chính vì lẽ đó, hàng loạt những ca khúc của ông đều liên quan đến mảnh đất Thủ đô cứ trầm bổng, ngất ngây ru hồn người như lạc vào cõi mơ: "Em ơi Hà Nội phố", "Im lặng đêm Hà Nội", "Hà Nội ngày trở về", "Lãng đãng chiều đông Hà Nội", "Hà Nội và em khi Thu chớm Đông sang"...

nhạc sĩ phú quang của một chiều đông hà nội.jpg -0
Nhạc sĩ Phú Quang trong một chiều đông Hà Nội.

Hà Nội của Phú Quang mang vẻ rất riêng, nó trở đi trở lại trong nhiều bài hát, đó là mùi của hoàng lan, hoa sữa, vẻ đẹp đơn côi của cây bàng, của phố cũ rêu phong, những mái ngói xô nghiêng, những cơn gió heo may, gió mùa Đông bắc se lòng, mùa Thu buồn... "Sương giăng giăng trắng niềm mong chờ/ Chợt chiều đông lạnh giá đến bơ vơ" (Lãng đãng chiều đông Hà Nội); "Ta còn em cây bàng mồ côi mùa đông/ Ta còn em nóc phố mồ côi mùa đông/ Mảnh trăng mồ côi mùa đông" (Em ơi Hà Nội phố).

Chẳng khó để nhận ra người nhạc sĩ luôn hoài niệm, trăn trở, chẳng phải cây bàng, hay nóc phố, mảnh trăng mồ côi mà chính là người nhạc sĩ luôn côi cút, bơ vơ đến ngơ ngác. 

Hai cuộc hôn nhân đứt gẫy trước đây và một vài mối tình dang dở khiến cho âm nhạc của người nhạc sĩ mang một vẻ đẹp khắc khoải, sâu lắng, day dứt. Nó ầm ào, gào thét, quẫy đạp như giông tố nhưng lại ẩn chứa đằng sau ca từ và giai điệu mượt mà.

Những lần gặp ông gần đây, ông mang dáng dấp của một nhạc sĩ phong lưu biết làm kinh tế giỏi nhưng cô đơn. Trên khuôn mặt ông ẩn chứa nỗi buồn phảng phất, đó chính là sự cô đơn của người nghệ sĩ. Một lần, vào dịp gần Tết ông kể với tôi: Ngày còn rất trẻ, vào sáng mồng 1 Tết ông ngồi ở nhà và nhìn xác pháo rơi rụng, ngắm hoa đào. Sau câu chuyện giữa hai cha con ông, cha ông nhìn ông chép miệng thở dài, nói: "Số con sau này sẽ buồn thôi". Quả nhiên, câu nói của cha ông khi ông 18 tuổi ấy đã vận vào ông gần suốt cuộc đời.

Có lẽ, ông là một nhạc sĩ hiếm hoi biết cách làm giàu bằng sản phẩm âm nhạc. Nếu như các nhạc sĩ khác chỉ dám mơ trong cuộc đời nhạc sĩ của mình có một đêm diễn ở Nhà hát Lớn thì trái lại nhiều năm liên tiếp, cứ vào cuối Thu đầu Đông là nhạc sĩ Phú Quang lại có hai đêm nhạc ở Nhà hát Lớn của thành phố. Vé đêm nhạc của ông bao giờ cũng hết từ cách đêm biểu diễn nửa tháng, mặc dù giá lên đến hàng triệu đồng mỗi vé. Âm nhạc của ông được mọi người tìm kiếm, săn đón.

Vào một buổi chiều đông, nhà thơ Hồng Thanh Quang, nhạc sĩ Phú Quang và tôi gặp nhau tại quán cafe trên phố Trần Quốc Toản của nhạc sĩ Phú Quang và cùng nghe bài hát "Khúc mùa thu" (thơ Hồng Thanh Quang, nhạc Phú Quang) qua giọng ca Lê Dung. Nhạc sĩ bảo với tôi, khi Lê Dung và Hồng Thanh Quang mới đến với nhau, ông đã dự cảm những điều không ổn rằng cuộc tình này sẽ tan vỡ. Có lẽ, ông dự cảm được bởi ông là một nghệ sĩ đích thức, vì nghệ sĩ đích thực thì trực giác vô cùng nhạy cảm.

Khi bài hát "Chiều đông Mátxcơva" cất lên, tôi thấy đôi mắt nhạc sĩ đỏ và ăm ắp nước, toàn thân ông rung lên xúc động, còn nhà thơ thì nước mắt lã chã tuôn rơi. Đó là một câu chuyện buồn. Năm 1990, nhạc sĩ có dịp sang Nga, ông đến khu chợ Vạc để mua đồ, khi trả tiền thì người bán hàng nhận ra người nhạc sĩ của những bản tình ca lãng mạn nên nhất định không lấy tiền, và nói: "Em biết anh, em xin tặng anh". Hai hôm sau, quay lại khu chợ ngoài trời, nhạc sĩ mang những đĩa nhạc rất đẹp của mình và một chút tiền để tặng cho người bán hàng. Nhưng người bán hàng ấy đã không còn nữa, anh chết vì lạnh, khi nhiệt độ ở ngoài trời xuống dưới âm 40 độ C. Sự việc đó đã đẩy cảm xúc của nhạc sĩ để viết bài "Chiều đông Mátxcơva".

Sau khi ra Hà Nội được vài năm, vào tuổi 60, ông lấy vợ mới, cuộc hôn nhân này mang đến cho ông sự bình yên, ngọt ngào. Ông không còn phải cô đơn trong căn nhà lạnh, trống vắng mà chuyển đến căn nhà hơn 100 mét vuông nhiều tầng gần Hồ Tây và sông Hồng cùng người vợ trẻ và con gái riêng của vợ.

Những người nghệ sĩ, nhạc sĩ đặc biệt xuất sắc như ông, họ không phải là của riêng ai, họ là người con của Hà Nội sau khi làm tròn sứ mệnh thiên sứ của mình thì lặng lẽ "giờ như chiếc lá bay đi phương nào". Chỉ còn những người ở lại mang nỗi nhớ mênh mông...

Trần Mỹ Hiền
.
.