Nhạc sĩ của “Tiểu đoàn 307”

Thứ Sáu, 06/05/2022, 14:24

Bài hát “Tiểu đoàn 307” được rất nhiều người biết đến, nhưng tác giả của nó thì không nhiều người rõ. Lại càng không biết bài hát ra đời từ bài thơ của một nhà thơ rất nổi tiếng. Vâng, người phổ nhạc là Nguyễn Hữu Trí. Nhà thơ là Nguyễn Bính - tác giả “Lỡ bước sang ngang” nổi tiếng từ phong trào Thơ mới (trước Cách mạng Tháng Tám).

Sau khi thực dân Pháp quay trở lại gây hấn ở Nam bộ, đồng bào ta đã nhanh chóng bước vào cuộc kháng chiến sinh tử (23/9/1945). Tiểu đoàn 307 thuộc Khu 8 ra đời, đã nhanh chóng trở thành một đơn vị oai hùng “đánh đâu thắng đấy” tại địa bàn đồng bằng sông Cửu Long khiến quân giặc phải khiếp vía kinh hoàng và được nhân dân rất ngưỡng mộ, tin yêu (đúng như lời bài hát: “Tiếng tiểu đoàn bao nhiêu quân Pháp run rẩy sợ hãi, vang lừng danh tiếng Tiểu đoàn lẻ bảy”). Chỉ sau một năm ra đời, tiểu đoàn đã đánh thắng liên tiếp hai trận rất oanh liệt là Mộc Hóa (Long An) và La Bang (Trà Vinh). Tin lành đồn xa, cả nước đều biết đến tiểu đoàn này.

nhtri.jpg -0
Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí.

Để biểu dương và khích lệ những chiến công dũng mãnh của Tiểu đoàn 307, cuối năm 1949, ông Trần Văn Trà khi ấy là Tư lệnh Khu 8 đã quyết định mở cuộc thi sáng tác văn nghệ ca ngợi tiểu đoàn này. Nhà thơ Nguyễn Bính khi về công tác tại nhiều địa phương ở Nam bộ đã nghe danh tiếng lừng lẫy của Tiểu đoàn 307, liền hưởng ứng cuộc vận động bằng bài thơ “Cửu Long Giang” rồi đăng báo Cứu quốc của Khu 8 vào năm 1950.

Nguyễn Hữu Trí sau năm 1945 nhập ngũ, hoạt động Việt Minh ở Nam bộ. Lúc này do giỏi nhạc mà được tổ chức phân công làm Đội phó Đội Quân nhạc Khu 8, ông đã tham gia cuộc vận động bằng việc phổ bài thơ của Nguyễn Bính thành bài hát và đoạt giải Nhì. Tư lệnh Trần Văn Trà yêu cầu triển khai tập để phục vụ quân, dân. Thế là bài hát vừa được dàn kèn của quân nhạc diễn tấu, vừa được các đơn vị bộ đội Khu 8 tập hát. Sau đó, ngày 1/10/1950, được phát trên làn sóng Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam làm nức lòng hai tác giả và toàn thể bộ đội cùng nhân dân Nam bộ và cả nước.

Lúc đầu, bài hát được viết ở nhịp 6/8. Đến khi chuẩn bị thu thanh thì các nhạc sĩ phụ trách âm nhạc ở Đài Phát thanh đã sửa lại thành nhịp 2/4 cho nổi rõ chất hành khúc mang tính chất tráng ca, hùng dũng, khỏe khoắn và cũng dễ hát hơn.

Sau thành công rực rỡ, vang dội của bài này, các linh mục ở nhà thờ Nhơn Hòa Lập gợi ý Nguyễn Hữu Trí sáng tác ca khúc về đề tài bà con Công giáo kháng chiến và tố cáo tội ác của giặc. Đáp ứng yêu cầu này, tác giả “Tiểu đoàn 307” viết bài “Tiếng chuông uất hận”. Bài này về sau cũng được trao thưởng về âm nhạc tại giải Cửu Long Giang, Chi hội Văn nghệ Nam bộ (1951-1952).

Suốt từ đó đến nay, bài hát “Tiểu đoàn 307” đã có sức sống trường kỳ, bất diệt, trở thành tiết mục biểu diễn của nhiều đoàn văn công trong lực lượng vũ trang với nhiều hình thức trình bày: đơn ca, tốp ca, đồng ca, dàn kèn đồng diễn tấu. Bài hát này gắn chặt với tên tuổi NSND Quốc Hương bởi ông đã hát trên khắp các chiến trường Nam bộ những năm kháng chiến chống thực dân Pháp.

Sau khi tu nghiệp thanh nhạc ở Hungari về nước, ông lại tiếp tục trình diễn trên khắp các sân khấu từ trong nhà hát đến các ụ súng, chiến hào thời chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ trên miền Bắc. Nhắc đến những bản hùng ca hào sảng nhất, không thể không nhắc đến “Tiểu đoàn 307”. Âm hưởng hào hùng mang tính tráng ca biểu hiện tinh thần yêu nước, ý chí chiến đấu quật cường và niềm tự hào, lạc quan của bộ đội ta đã được toát lên rất rõ trong ca khúc hoành tráng này.

bài hát tđ307 được in lần đầu tiên.jpg -0
Bài hát “Tiểu đoàn 307” được in lần đầu tiên.

Nguyễn Hữu Trí có tên khai sinh là Nguyễn Văn Bảy, sinh năm 1917 tại Mỹ Tho (Tiền Giang). Ngay từ nhỏ đã là một cậu bé rất yêu thích âm nhạc và chơi được nhiều nhạc cụ, đặc biệt là violin. Ông theo học trường dòng nên có điều kiện am hiểu nhiều về âm nhạc và Thánh ca, lại giỏi tiếng Pháp. Năm 17 tuổi, ông tốt nghiệp tú tài rồi đi dạy học.

Sau Cách mạng Tháng Tám, ông tham gia Việt Minh rồi phụ trách đội quân nhạc như đã nói. Thời gian này, ngoài bài hát “Tiểu đoàn 307” nổi tiếng, ông còn sáng tác một số bài khác như “Phá đường” (phổ thơ Tố Hữu), “3 người chiến sĩ năm 40”… Năm 1952, Nguyễn Hữu Trí bị bệnh nặng, không thể tiếp tục công tác, phải về nhà chữa trị.

Vì bị chính quyền thực dân truy nã gắt gao nên ông phải thay đổi họ, tên, lẩn tránh ở nhiều nơi, làm đủ mọi nghề để kiếm sống. Cuối cùng, định cư rồi lập gia đình ở một vùng nông thôn xa xôi thuộc tỉnh Bạc Liêu. Vừa sức khỏe yếu, vừa bươn chải mưu sinh nên ông đã không thể sáng tác. Từ đó cho đến khi qua đời, ông không sáng tác được gì nữa. Sự nghiệp hoạt động âm nhạc của ông đã sớm khép lại. Và cũng từ đó, ông gần như không còn liên lạc với bất cứ ai nên không ai biết ông ở đâu, có cuộc sống ra sao.

Mãi tới năm 1997, một người tên là Phạm Hữu Lộc, nguyên là Trung đội trưởng, Đại đội 933, Tiểu đoàn 307 được Câu lạc bộ Cựu chiến binh của Tiểu đoàn này cử đi tìm Nguyễn Hữu Trí. Sau bao ngày vất vả, lặn lội tìm kiếm, ông đã tìm ra được gia đình người nhạc sĩ năm xưa tại xã Vĩnh Mỹ A, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu.

Nhưng tác giả bài hát nổi tiếng đã qua đời từ tháng 2 năm 1979. Ông Lộc được bà Phan Thị Đượm là vợ nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí cho biết nhiều năm liền, ngoài việc dạy chữ, nhạc sĩ còn dạy nhạc trong nhà thờ. Ông lấy vợ rồi về sống ở Bạc Liêu từ cuối năm 1950 đến năm 1969. Sau đó, ông lên Sài Gòn làm thuê cho các hãng sản xuất và kinh doanh. Sau 30/4/1975, lại trở về xã Vĩnh Mỹ A, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu. Mấy năm sau, ông bị ngã dẫn tới tai biến mạch máu não, liệt toàn thân rồi đến tháng 2/1979 thì qua đời.

Tôi nhớ hồi năm 1977, đã có dịp vào tỉnh Minh Hải công tác một tháng. Tỉnh này được hình thành từ sự sáp nhập hai tỉnh cũ là Cà Mau và Bạc Liêu. Tôi khi ấy làm việc ở Fafilm Trung ương, được cơ quan cử vào tìm hiểu để viết về đội chiếu bóng Cà Mau - Ninh Bình vừa được Chính phủ phong danh hiệu Anh hùng. Trước khi vào đây, tôi có ở chơi Sài Gòn mấy ngày thì được cố nhạc sĩ Trần Kiết Tường cho biết ở Bạc Liêu có nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí - tác giả ca khúc “Tiểu đoàn 307” nổi tiếng - đang “ở ẩn”.

Tác giả “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người” chỉ nói với tôi là “nghe nói” và “hình như”, chứ không khẳng định trăm phần trăm và dặn tôi nếu có thời gian hãy dò hỏi anh em ở Hội Văn nghệ tỉnh xem sao. Và cuối cùng, tôi đã có được địa chỉ nơi ở của Nguyễn Hữu Trí. Từ thị xã Bạc Liêu đến nơi ông ở khá xa. Nhưng tôi quyết tâm tìm đến gặp bằng được. Ngày ấy đi lại rất khó khăn, không sẵn đường xá như bây giờ. Từ ấp nọ đến ấp kia chủ yếu là bằng xuồng trên kênh, rạch. Lặn lội phải đến gần nửa ngày, từ thị xã Bạc Liêu, tôi mới tìm tới được nhà Nguyễn Hữu Trí.

Sau khi tự giới thiệu và bày tỏ sự quý trọng, ngưỡng mộ bài hát “Tiểu đoàn 307” nổi tiếng, tôi được ông tiếp đón nồng hậu và chân tình. Lúc này ông đã yếu nhiều. Tuy vậy, ông tỏ ra rất hào hứng kể về những kỷ niệm trong quá khứ gắn với việc sáng tác bài ca bất hủ. Những tư liệu tôi có được về ông là do chính ông đã kể cho nghe dịp này. Ông nói chỉ dồi dào mạch âm nhạc chứ khả năng soạn ca từ thì khó khăn. Ông có ý định tham dự cuộc vận động sáng tác ca khúc do Tư lệnh khu 8 Trần Văn Trà phát động nhưng rất bí lời. May quá, đọc được bài thơ của Nguyễn Bính khi ấy đã rất nổi tiếng nên ông phổ thành bài hát một cách nhanh chóng.

Lần ấy, ông giữ tôi ở lại ăn cơm và đãi một rổ trứng vịt luộc do nhà nuôi được. Tuy nhiên, với sức trai trẻ lúc ấy, tôi cũng chỉ có thể ăn được 3 quả. Ông bắt tôi cầm về ăn tiếp.

Tuy chỉ viết về một tiểu đoàn cụ thể, nhưng “Tiểu đoàn 307” đã như một bài quân ca có sức khái quát lớn về sức mạnh, ý chí và uy tín của quân đội ta. Bài hát đã mãi đi vào lịch sử, đến hôm nay nghe lại vẫn thấy còn nguyên vẹn sự mới mẻ, nóng hổi của không khí chiến thắng năm xưa, góp phần khích lệ bộ đội ta nối tiếp truyền thống hào hùng để tiến bước trên những chặng đường mới.

Nguyễn Đình San
.
.