Nhà văn Trần Thị Trường: Người đàn bà bên khung tranh
Sinh năm 1950, nhà văn Trần Thị Trường tuổi Canh Dần, cầm tinh con hổ. Ẩn trong vẻ ngoài có phần nữ tính là phần tính cách dữ dội, mạnh mẽ. Trong ba năm liên tiếp, người phụ nữ nhỏ bé này đã làm được những cú hích vô cùng "đỉnh".
Còn nhớ sự kiện đầu tiên chị mở triển lãm tranh cá nhân vào năm 2019 tại Ngô Quyền với 48 bức tranh. Chỉ trong thời gian ngắn, chị đã bán hết 40 bức tranh, số còn lại chị không bán nữa mà mang về nhà để lưu giữ như một kỉ niệm và đóng cửa triển lãm sớm hơn so với dự định. Đó là việc 20 năm nay chưa từng xảy ra với phòng triển lãm tranh này. Năm 2020, sau hơn mười năm ấp ủ, cuốn sách "Phố Hoài" ra mắt bạn đọc gây được nhiều thiện cảm. Tiếp đến là trước Tết nguyên đán năm nay 2022, người đàn bà tuổi hổ mang danh nhà văn lại vừa đón một sự kiện quan trọng của đời mình, chị được kết nạp vào hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Trong danh sách hai mươi người được kết nạp đợt này, chị là người cao tuổi nhất, cách xa bạn nghề hội họa lần này cả 20-30 tuổi.
Thật khác lắm so với các nhà văn cùng thời, nếu ai đó nghĩ rằng nhà văn chỉ là những người mơ mộng trăng sao, cuộc sống cơ hàn "ăn đói mặc rách", trông họ cứ khổ khổ, tồi tội thì trái lại, chị lại có sự nhậy bén của người làm kinh tế. Đầu óc thực tế của chị không cho chị được phép ngồi không nhàn rỗi bất cứ lúc nào. Chị tất bật từ lúc bước chân về làm dâu cho đến tận bây giờ. Khi đã là "con hổ già" thì chị "oai phong lẫm liệt" với những nỗ lực không ngưng nghỉ trong sáng tạo nghệ thuật, thể hiện cái chí khí mạnh mẽ không lùi bước trước mọi rào cản nào của người cầm tinh vị chúa sơn lâm oai hùng.
Người đời vốn thường hay bảo: "Được cái này thì mất cái kia" mà mọi người thấy người đàn bà tuổi Canh Dần chị được nhiều lắm. Tiền bạc ư?! Danh tiếng ư?! Sức khoẻ ư?! Kể cả những vệ tinh xoay xung quanh nữa?! Vốn dĩ ở tuổi ngoài 70, những người đàn bà khác thường chỉ lui hui quanh quẩn trong gian bếp nấu nướng cho gia đình, chăm cháu, và xem vài ba bộ phim ăn khách trên truyền hình. Nhưng, những gì tôi biết về những người đàn bà tuổi hổ như chị thì khác hẳn. Như có một nội lực, cảm hứng dào dạt khiến chị vẽ ngày đêm, nhìn số lượng tranh chị vẽ treo kín studio của chị quả là đáng nể. Càng nể hơn nữa khi chị bỏ hội hoạ gần 50 năm, đến một ngày chị xăm xắn mua giấy, màu mực về và hì hụi vẽ. Mà kì lạ là các đồ vật chị mang về Việt Nam, bước vào tranh chị bức tranh nào cũng sinh động, giàu cảm xúc. Bút pháp hiện thực pha chút ấn tượng, tranh của chị cổ điển mà hiện đại, giống như con người chị.
Là nhà văn nữ có ai là không đa đoan, đa tình?! Có ai là không bị những thứ tình cảm kì lạ ngoài luồng đốn ngã, hạ gục ở một góc khuất nào đó. Nói đến chuyện này chị chỉ cười trừ, kỉ niệm lại hiện về ào ạt, mưa xuân ngoài trời đang lất phất bay. Trong gian phòng ấm áp toàn khung tranh, bột màu, câu chuyện của 40 năm về trước quay về như mới ngày hôm qua.
Ngày trẻ, hai vợ chồng cùng thi vào Đại học Mỹ Thuật, học tài thi phận, vợ tự nhận là kém hơn chồng thì đỗ mà chồng lại trượt, đó là điều khó chấp nhận trong con mắt những người thân của chị. Cuộc sống bí bách, tù túng của những năm tháng thời bao cấp thiếu thốn và những tháng ngày ngột ngạt dằn hắt lẫn nhau làm cho cuộc sống dồn nén và nhiều khi dồn đẩy lên đỉnh điểm, chị chọn phương thức ra đi để "giải thoát" và cái chính là để kiếm tiền.
Năm 1981, đang là nhân viên của Sở Xây dựng Hà Nội, chị xin được xuất khẩu lao động ở Bulgaria. 31 tuổi, chị tạm thời xa gia đình hai con nhỏ, bé gái 11 tuổi, bé trai 7 tuổi. Song, cuộc chia tay lại vẫn bịn rịn giữa người đi và kẻ ở sướt mướt và lâm li như bất kì một cuộc chia xa của những kẻ đang yêu nào.
Cuộc sống của một người phụ nữ đang tuổi xuân xanh đầy nhựa sống, xa gia đình, sự cô đơn, cái lạnh xa xứ nhiều khi khiến cho chị rùng mình sợ hãi. Trai Tây sẵn có sự ga lăng, lãng mạn, cái nhìn đắm đuối và lời thổ lộ chân tình khiến cho chị bối rối. Mà đương nhiên là phải bối rối rồi. Một người đàn bà đầy bản năng, một nhà văn đa cảm như chị, không bối rối mới là lạ. Sự tránh né càng làm cho sóng tình âm ỉ và dai dẳng, nhưng cũng may tiếng vọng trong lòng lý trí mạnh mẽ hơn tất cả.
Trong suốt 7 năm sống ở nước bạn, chị nỗ lực kiếm tiền đến độ không còn thời gian riêng cho mình. Chị mua liền lúc 3 máy khâu công nghiệp, một máy vắt chỉ, một máy may đồ vải nặng, một máy may vải nhẹ. Hằng ngày cặm cụi 10 giờ đồng hồ làm việc bên ngoài, tối về, chị lại trần lưng ra kì cạch đạp bàn máy khâu đến đêm khuya. Lúc đó, điện thoại liên lạc chưa sẵn như bây giờ, mỗi năm chị thu xếp về thăm nhà một lần. Rồi lại ra đi trong nước mắt. Mỗi lần mang đồ về Việt Nam, hai va ly được tối đa là 50 kg, của chị bao giờ cũng chật kín. Mỗi tháng tiêu chuẩn quy định chỉ được phép gửi 1 kg về nhà, chị đều đặn hàng tháng gửi thuốc hay vải về nhà. Sự vun vén, tảo tần của người phụ nữ đảm đang làm cho cuộc sống của chị và gia đình sau này sung túc hơn.
Về nước một thời gian, số phận đẩy đưa để chị trở thành một nữ nhà văn trên văn đàn. Cuộc sống với người phụ nữ này luôn bận rộn và có nhiều điều bất ngờ thú vị. Chị cùng với nhạc sĩ Trần Tiến làm show âm nhạc đầu tiên của anh tại Cung Văn hóa Thanh Niên năm 1989. Thành công của show diễn này dẫn chị đến với ca sĩ Ngọc Tân. Họ trở thành bạn bè và cùng nhau tổ chức hơn một trăm chương trình (CT) ca nhạc của riêng Ngọc Tân. Từ một bài hát Ngọc Tân thường hát trong CT có tên "Lời cuối cho em", chị đã cho ra đời cuốn tiểu thuyết cùng tên in tại NXB Thanh Niên 1990 với lượng phát hành lên tới gần 1 vạn cuốn.
Năng nổ, tháo vát, đọc nhiều, am hiểu nhiều lĩnh vực khác nhau nên chị còn được mời làm Phó Giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả Văn học Việt Nam năm 2005. Nhưng sau đó nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ tác quyền âm nhạc Việt Nam đã mời chị về làm Phó Giám đốc khu vực phía Bắc của Trung tâm này. Bởi ông nhìn ra ngoài văn chương, chị còn là một người phụ nữ năng động và có đầy đủ tố chất của một người trợ lý tháo vát, đáp ứng được yêu cầu phức tạp của công việc này thuở ban đầu khó khăn.
Thời gian như một chớp mắt, những người bạn nghề, những người thân, những cộng sự lần lượt ra đi. Chồng chị trở về với Chúa đã hơn 10 năm. Chị giãi bày: "Chồng mình là hoạ sĩ, nghệ sĩ điêu khắc. Ông tạc nhiều bức tượng về những nhân vật được nhắc đến trong Kinh Thánh. Và cả đời ông, tác phẩm làm ra chỉ dâng tặng cho các nhà thờ. Mình không làm được như ông là tận hiến toàn diện. Bởi sau lưng mình có một gánh nặng cuộc đời... Ông không phải gánh cái gánh nặng đó. Từ ngày ông được Chúa gọi, mình âm thầm mong có ngày được trở lại với hội họa, nghệ thuật mà năm 16, 17 tuổi đã theo học và đã bỏ dở 50 năm vì cái gánh nặng mà mình tự mang...".
"Vẽ cho mình, vẽ để mang đến cho đời những gì mình coi là đẹp và vẽ để giữ những cảm xúc luôn được tươi mới cho những năm tháng còn lại của đời mình". Chị nói vậy. Và đời cũng đón nhận ở chị tình cảm đó. Tranh của chị có được lượng sưu tập đáng kể từ những người yêu tranh, từ bạn bè. Chị cũng không quên đóng góp cho việc từ thiện trong mùa dịch bệnh bằng cách gửi tranh đến những chương trình đấu giá tranh gây quỹ.
Vâng, vậy là người đàn bà văn đã sang một trang khác là người đàn bà hội hoạ, sự trở lại lần này như con tằm rút ruột nhả tơ. Những đợt sóng lòng ầm ào giông bão, kể cả những phút thiền an nhiên của người trải qua được trùng khơi, biển lửa được giãi bày qua đường nét, bố cục, màu sắc bức tranh. Gặp chị trong xưởng vẽ cá nhân đặt tại ngôi nhà chị đang sống, thấy những bức tranh chân dung các chính khách, các văn nghệ sĩ, những bức tĩnh vật hay hoa hồng đã vẽ xong, lắp trong những chiếc khung trắng thấy cuộc sống của chị thật diễm lệ. Ngoài kia bầu trời trắng trong, cùng với những hạt mưa xuân lất phất trắng, tất cả đang rơi nhẹ trong khu vườn nhiều cây xanh thấy Tết nguyên đán - Nhâm Dần lại đang đến thật gần. Năm tới, với chị là năm tuổi…