Nhà văn Trần Chiến với trường ngôn ngữ văn xuôi của riêng mình
Nhà văn Trần Chiến, sinh năm 1951 quê Vụ Bản, Nam Định, con trai của nhà cách mạng nổi tiếng Trần Huy Liệu, Viện trưởng Viện Sử học đầu tiên của Việt Nam. Anh là người con duy nhất trong gia đình theo nghiệp văn chương của cha ông.
Ông ngoại của anh là nhà văn, học giả lừng lẫy Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc, người chuyên soạn sách khảo cứu văn hóa dân tộc, dân gian như các cuốn: “Tục ngữ Phong giao”, “Nam thi hợp tuyển”, “Truyện cổ nước Nam” và nổi tiếng nhất là “Cổ học tinh hoa”.
Cái gen văn chương là phẩm chất tiềm năng
Nhà văn Trần Chiến đi bộ đội năm 1968 sau khi tốt nghiệp phổ thông. Năm 1974, anh được quân đội cử đi học lớp văn, Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1978 anh về NXB Quân đội làm biên tập viên phòng sách văn nghệ. Năm 1981, Trần Chiến chuyển ngành về Báo Hà Nội mới làm phóng viên, sau là Trưởng ban Văn hóa xã hội, rồi nghỉ hưu năm 2011. Với một người cha là nhà sử học nổi tiếng Trần Huy Liệu, phải chăng cái gen văn chương là phẩm chất tiềm năng của Trần Chiến?
Được biết, từ nhỏ đến khi trưởng thành, Trần Chiến sống trong sự chăm sóc chủ yếu của người mẹ ở phố cổ Hà Nội, thỉnh thoảng người cha về thăm và đem anh đi theo trong các chuyến công tác những năm kháng chiến. Có lần Trần Chiến nói vui: “Có lẽ, cha tôi để lại cho tôi cái tính bướng bỉnh, cứng đầu nhiều hơn là những cái khác”. Và, số đêm cha con nằm trò chuyện với nhau chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Năm 1969, cụ Trần Huy Liệu mất, để lại trong đống bản thảo của mình 26 cuốn nhật ký ghi chép về những sự kiện và con người lịch sử chủ yếu trong 50 năm đầu của thế kỷ XX ở Việt Nam. Với cách nhìn uyên bác và nghiêm túc của một nhà sử học có nhãn quan riêng, di cảo của cụ Trần Huy Liệu là kho sử liệu quý giá.
Sau khi cuốn sách "Trần Huy Liệu - Cõi người" (2012) của nhà văn Trần Chiến được ấn hành, điều trăn trở nhất của anh là phải từ các nguồn tư liệu lịch sử quý giá và hồi ký mà cha mình để lại, để dựng nên chân dung đời sống chân thực của danh nhân văn hóa này. Cuốn sách “Trần Huy Liệu - Cõi người” đã công bố một phần tư liệu quý giá từ hồi ký, nhật ký của Trần Huy Liệu với các yếu nhân trong giai đoạn đầu cách mạng.
Sử gia Trần Huy Liệu sinh năm 1901, quê Nam Định, thời trẻ tham gia các phong trào yêu nước và cách mạng Việt Nam. Ông từng bị thực dân Pháp bắt tù ở Côn Đảo, Sơn La. Chức vụ cao nhất của ông những ngày đầu cách mạng 1945 là Phó Chủ tịch Ủy ban Dân tộc giải phóng (sau thành Chính phủ lâm thời). Sau này, ông là Viện trưởng đầu tiên của Viện Sử học, ông mất năm 1969.
Là người trải qua nhiều sự kiện quan trọng của đất nước trong thế kỷ trước (1920-1969), Trần Huy Liệu có mối quan hệ với nhiều nhân vật quan trọng của những sự kiện nổi bật như: Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Phan Bội Châu, các ông Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Hải Triều, Trần Đình Long, Trung tướng Nguyễn Bình, Tô Hiệu... thời đầu cách mạng. Trần Huy Liệu là Trưởng phái đoàn Chính phủ lâm thời vào Huế tước ấn kiếm của Bảo Đại (vua cuối cùng của triều Nguyễn).
Sau này, khi chuyển sang nghiên cứu khoa học, Trần Huy Liệu là người đặt nền móng cho cơ quan nghiên cứu lịch sử của cách mạng Việt Nam và là Viện trưởng Viện Sử học đầu tiên. Cuộc đời của Trần Huy Liệu có nhiều đoạn thăng - trầm, từ một nhà chính trị chuyển thành nhà khoa học. Trước đó, cuộc đời hoạt động xã hội của Trần Huy Liệu có nhiều biến đổi, ông bị thực dân Pháp bỏ tù Côn Đảo từ năm 1929-1934, rồi tù ở Sơn La. Trần Huy Liệu là Bộ trưởng Thông tin tuyên truyền đầu tiên trong Chính phủ Cách mạng lâm thời năm 1945-1946. Sau này, khi cảm thấy không thích hợp với chính trường nữa thì ông chuyển sang làm nghiên cứu khoa học với khả năng tập hợp, đoàn kết giới trí thức nước nhà ở thời điểm ấy.
Nhà văn đoạt nhiều giải thưởng văn chương
Tính điềm đạm, ít nói, với mái tóc lốm đốm khói sương, với cái nhìn nửa hài, nửa ngắm nghía, Trần Chiến luôn có vẻ “ngẫm ngợi đến hóm hỉnh” nhiều hơn tôi tưởng. Ngoài công việc làm báo, Trần Chiến chủ yếu thành đạt ở mảng văn xuôi. Tập truyện ngắn “Con bụi” và tập tiểu thuyết “Đèn vàng” của anh đã 2 lần giành giải thưởng của Hội Văn học nghệ thuật và Hội Nhà văn Hà Nội. “Con bụi” là tập truyện ngắn khá nổi tiếng, được anh viết trong khoảng 10 năm trước khi phi lộ chóng mặt của báo chí cuốn anh vào guồng quay sà sã của một tờ báo ngày.
Trần Chiến tâm sự: “Làm báo được tiếp xúc nhiều nhưng đấy cũng là điều không ổn, vì người viết hằng ngày phải dành hết thời gian cho công việc báo chí mà không còn thời gian cho văn chương để viết cho thật tâm trạng, thật sâu sắc...”.
Tập truyện “Con bụi” của Trần Chiến cũng “vạn sự khởi đầu nan”, anh gửi đến mấy nhà xuất bản đều không có hồi âm. Chỉ đến khi bản thảo “Con bụi” lọt vào mắt xanh của một nhà phát hành tư nhân, thấy có thể kinh doanh được, cuốn sách được in ra ở dạng sách liên kết giữa đơn vị phát hành sách và NXB Tác phẩm mới. Sách in 2.500 cuốn, bán hết veo, lại nối bản in tiếp.
Sách ban đầu lấy tên truyện ngắn “Vũ điệu ngoạn mục”, nhưng sau nhà phát hành yêu cầu lấy tên “Con bụi” (cũng là tên một truyện ngắn trong tập) cho “ăn khách”. Chưa xong, truyện ngắn mở đầu tập “Bạch đàn trắng” được đổi thành “Gã thất tình lang thang” cũng nhằm mục đích “gọi khách”. Nhuận bút tập truyện ngắn “Con bụi” viết trong 10 năm chỉ đủ tiền mua một chiếc cát-xét “còm”.
Tôi bắt đầu đọc Trần Chiến qua những truyện ngắn trong tập “Con bụi” (NXB Tác phẩm mới, 1990), có phong văn giàu chất phóng sự của một nhà báo với những trải nghiệm sâu sắc về đời sống đô thị. Tác phẩm đầu tay này của anh được trao Giải thưởng 5 năm của Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội 1992.
Trần Chiến có tới 30 năm làm báo “chính thống” và trong một lần chia sẻ với bạn văn, anh cho biết: “Nghề báo có hai đặc điểm tương phản. Một mặt được đi nhiều, tiếp xúc rộng. Mặt khác không thể đưa hết những suy nghĩ, ấn tượng của mình lên mặt báo. Đây cũng là một nguyên cớ để viết văn. Nhưng, tôi viết muộn, có lẽ vì phải “tiêu hóa” cho hết lý luận nhà trường. Đi làm báo, thấy mình tự do trong suy nghĩ, lựa chọn không bị nhiều khuôn khổ ràng buộc. Làm báo cho phép tích tụ vốn sống, từng trải, dần dần thoát khỏi lý luận nhưng tỉnh táo, kém lãng mạn đi. Năm 1992, được giải của Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội cho tập truyện đầu tay “Con bụi”, tôi thấy tự tin, thích lao động viết văn hơn. Năm 2011 tôi về hưu, các suy nghĩ độc lập hẳn, không phụ thuộc công việc. Thời gian và nguồn sống cũng không còn là vấn đề lớn. Tôi bắt đầu thấy Hà Nội là một đề tài lớn. Đời làm báo cho phép tôi “nhúng sâu” vào hiện thực nên văn trọng chi tiết, thích những câu thoại “tươi nảy”. Cũng có thể vì vậy mà khó viết lối suy tưởng, mang nặng chủ quan đang thịnh hành, tuy thích câu “Chữ đẻ ra chữ” của Nguyễn Huy Thiệp”.
Trong số các cây bút văn xuôi đương thời, dường như Trần Chiến khá có duyên với văn chương khi các tác phẩm của anh được trao nhiều giải thưởng văn học. Tập truyện ngắn “Con bụi”, NXB Tác phẩm mới, 1990, được trao Giải thưởng 5 năm của Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội. Tập truyện ngắn “Đường đua”, NXB Văn hóa - Thông tin, được trao giải C Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, 1997. Tiểu thuyết “Bốn chín chưa qua”, NXB Hội Nhà văn được trao giải B Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam, 2001. Tiểu thuyết “Đèn vàng”, NXB Phụ nữ, được trao Giải Văn xuôi Hội Nhà văn Hà Nội, 2003. Tiểu thuyết “Cậu ấm”, NXB Trẻ, 2015, được trao Giải tác phẩm “Bùi Xuân Phái - vì tình yêu Hà Nội” của Báo Thể thao - Văn hóa. Và mới đây, truyện ngắn “Con chú con bác” của Trần Chiến đoạt giải Nhất cuộc thi truyện ngắn "Làng Việt thời hội nhập" do Báo Nông thôn ngày nay tổ chức, thêm một lần nữa khẳng định tài năng đích thực của anh.
Với các giải thưởng văn chương cho cả truyện ngắn và tiểu thuyết như vậy, cho thấy anh là một người làm nghề rất bền bỉ và nghiêm túc trong mấy chục năm qua. Trần Chiến viết văn khá kỹ, ngẫm ngợi câu chữ khá kỹ cũng như chiêm nghiệm cuộc đời khá kỹ. Anh có những truyện ngắn xuất sắc và độc đáo như: “Thượng đẳng thần”, “Tổ sư gàn”, “Thúy Vân”, “Thị Mầu”... với cốt truyện khá hấp dẫn, lấy tích chuyện cũ từ xa xưa để bàn chuyện hôm nay, lấy bài học thế sự từ quá khứ để dẫn dắt mạch hư cấu văn chương với những phát hiện mới rất tinh tế và đề cao tính ẩn dụ qua dấu ấn dã sử.
Tự sự về nghề viết, Trần Chiến cho biết: “Giai đoạn đầu, tôi mê Sêkhốp, thích viết “truyện ngắn dài” kiểu “Đồng cỏ” của ông và mang ảnh hưởng mạnh nhất của xu hướng này trong các truyện của tôi, không có cốt truyện nhưng chi tiết, giọng văn, chữ, tâm lý, chất thơ... là đặc biệt quan trọng. Theo tôi, khi viết truyện ngắn, ý tưởng thường có sẵn nhưng phải đợi cốt truyện xuất hiện, nó mới gói được. Cốt truyện lại phải nương vào những tình huống mới dắt/tải đến ý tưởng, tức là triết lý. Cuối cùng tìm cái kết bất ngờ, khó đoán nhưng hợp lý. Tất cả phải nhờ vào một giọng điệu riêng, tạo ra trường ngôn ngữ của mình”.