Nhà văn Nguyễn Khắc Trường: Gửi mùa thu vào đất

Thứ Năm, 10/10/2024, 10:03

Nhà văn Nguyễn Khắc Trường chào chúng ta vào một buổi trưa giữa tiết trời thu Hà Nội. Tiết thu ấy đẹp như một bức tranh: "Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ, nằm kề bên nhau, phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu. Hà Nội mùa thu, mùa thu Hà Nội. Mùa hoa sữa về thơm từng con gió. Mùa cốm xanh về thơm bàn tay nhỏ…". 

Vậy là, thu Hà Nội, mẹ thiên nhiên đã dang đôi tay bao la và rộng mở đón người con ưu tú trên bầu trời văn chương về đất mẹ với một tình thương âu yếm, và dịu dàng nhất.

Trong thế giới mênh mông bao la và rộng lớn này, mỗi số phận đều mang chứa một phần lịch sử, đều có những thiên chức thiêng liêng dù bé nhỏ đến đâu, hay vĩ đại đến đâu. Trong muôn vàn số phận kia, sẽ có những người được sinh ra với một thiên chức đặc biệt khác. Số phận đã trao cho họ thanh gươm báu, để họ bước lên phía trước, như một cánh én giữa trời xanh và mang sứ mệnh cao cả. Trong địa hạt văn chương, những nhà văn ưu tú cũng có sứ mệnh của riêng họ, ở mỗi thời kì sẽ có những nhà văn tiêu biểu giai đoạn đó. Nhà văn Nguyễn Khắc Trường là một người như thế.

Nhà văn Nguyễn Khắc Trường: Gửi mùa thu vào đất -1
Nhà văn Nguyễn Khắc Trường

Ông đến cuộc đời này, với một công cụ đặc biệt là ngòi bút, và trí tuệ sáng láng, tâm hồn nhạy cảm, mẫn tiệp. Dưới ngòi bút tài năng của ông, đã có những con người được sinh ra với một đời sống cụ thể, số phận riêng biệt. Sự phản ánh chân thực của một xã hội vùng quê có nhiều biến động vào những năm sau đất nước thống nhất và trên đà xây dựng chủ nghĩa xã hội đã được nhà văn Nguyễn Khắc Trường khắc họa sâu sắc điển hình trong tiểu thuyết lừng danh của ông: "Mảnh đất lắm người nhiều ma".

Trong số những tác phẩm đã ra đời và sống trong lòng bạn đọc của ông, thì tiểu thuyết "Mảnh đất lắm người nhiều ma" xuất sắc hơn cả và được độc giả trong và ngoài nước chú ý, hâm mộ. Ngay khi cuốn tiểu thuyết ra đời, nó đã gây tiếng vang, ấn tượng mạnh mẽ trong lòng độc giả và trong bầu không khí văn chương nghệ thuật. Giai đoạn đó, "Mảnh đất lắm người nhiều ma" cùng tiểu thuyết "Bến không chồng" của Dương Hướng và "Nỗi buồn chiến tranh" của Bảo Ninh đã tạo nên một sức nóng trên văn đàn, tạo nên những cuộc tranh cãi, thảo luận về bút pháp cũng như thông điệp, tư tưởng của các tác giả.

Năm 1991, ba cuốn tiểu thuyết nêu trên đã được trao giải A của Hội Nhà văn Việt Nam. Ba nhà văn như ba thế kiềng tọa lạc vững chãi trên bầu trời văn học, và làm nhiệm vụ giữ lửa cho văn chương nước nhà thời điểm đó. Sau này, tiểu thuyết  "Mảnh đất lắm người nhiều ma" và cụm tác phẩm của nhà văn Nguyễn Khắc Trường đã được Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007.

Nhà văn Nguyễn Khắc Trường nguyên là một người lính của Binh chủng Phòng không Không quân, rồi sau này, ông trở thành phóng viên cho tờ báo của binh chủng này. Có lẽ, ngay từ khi còn là người lính trẻ, trải qua cuộc chiến, cộng với những nhạy cảm thiên bẩm của một nhà văn đã tạo nên một Nguyễn Khắc Trường điềm tĩnh, ấm áp và rành mạch trên những trang văn. Những cảm nhận "trời cho" về văn chương đã dẫn dắt ông đi cùng hành trình chữ, để sau này ông trọn vẹn dấn thân, dầm mình trong môi trường văn chương, tạo nên một dấu ấn Nguyễn Khắc Trường trên văn đàn Việt Nam với những tác phẩm chững chạc có sức nặng trên văn đàn.

Sau khi rời khỏi Binh chủng Phòng không Không quân, ông về công tác tại trụ sở Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 4 Lý Nam Đế. Con phố dài thẳng tắp với hai hàng sấu cổ thụ là nơi sinh sống của hàng trăm gia đình tướng, tá cao cấp của Quân đội nhân dân Việt Nam, nên người ta gọi nó là phố nhà binh. Mặc dù có tên gọi sặc mùi "chiến trường", nhưng nó lại là một trong những con phố yên bình nhất của Thủ đô.

Trụ sở Tạp chí Văn nghệ Quân đội có đoạn cắt sang bên phố Phan Đình Phùng, con phố qua các đời lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước ở đây và ngay cả đến tại thời điểm này nó vẫn là một con phố được mệnh danh lãng mạn nhất Thủ đô. Nhà văn Nguyễn Khắc Trường về làm việc tại một trụ sở có vị thế đẹp, ở đây liên tiếp cho ra "lò" những anh tài của làng văn chương nước nhà: Những Hữu Mai, Nguyễn Thi, Nguyễn Minh Châu, Hồ Phương, Hữu Thỉnh, Xuân Thiều, Thanh Tịnh, Vũ Cao, Xuân Thiều, Nguyễn Trọng Oánh, Từ Bích Hoàng, Dũng Hà, Mai Ngữ, Nhị Ca, Nguyễn Khải, Thu Bồn, Triệu Bôn… Và tên ông được viết tiếp vào danh sách những nhà văn tiêu biểu của quân đội: Nguyễn Khắc Trường, Lê Lựu, Hữu Thỉnh, Vương Trọng, Anh Ngọc, Nguyễn Đức Mậu, Hồng Diệu, Trần Đăng Khoa, Khuất Quang Thụy, Ngô Thảo, Vương Trí Nhàn, Thanh Quế, Trung Trung Đỉnh, Chu Lai…

Có lẽ, trong mảnh đất phù sa màu mỡ với không khí văn chương ngồn ngộn ấy đã nuôi dưỡng những hạt mầm tươi tốt và cho ra đời những tác phẩm xuất sắc của một thời kì tác phẩm văn học nước nhà phát triển rực rỡ. Để có được những trải nghiệm thực tế đưa vào trang viết, các nhà văn đã đi khắp nơi cùng nẻo, đắm mình vào vùng quê, hít hà mùi nhựa sống của bản làng, thôn xóm, gần gũi những con người bằng xương thịt. Và tất nhiên, qua lăng kính thẩm thấu của từng nhà văn với cách cảm, cách nghĩ đã tạo ra những tác phẩm vô cùng đa dạng, sinh động.

Nhà văn Nguyễn Khắc Trường đã 3 cùng suốt nhiều tháng trời với bà con ở nhiều vùng quê khác nhau ở miền Bắc Việt Nam, Nam Định, Thanh Hóa, Thái Bình… và rồi ông nhận ra, đã đến lúc mình cần phải làm một cái gì đó để gửi lại cho đời như một sự tri ân. Cơ duyên đến, trại sáng tác được tổ chức ở Bãi Cháy một tháng, chính thời gian này, ông bắt tay và hoàn thành cuốn tiểu thuyết nổi tiếng ghi dấu ấn đậm nét cho nghiệp văn của mình.

Nhà văn Nguyễn Khắc Trường: Gửi mùa thu vào đất -0
Cuốn tiểu thuyết làm nên tên tuổi nhà văn.

Cầm bút từ khi còn thời trai trẻ, nhưng đến năm ông 44 tuổi, tuổi sung sức nhất và đến độ chín nhất của đời người, cuốn tiểu thuyết "Mảnh đất lắm người nhiều ma" mới thực sự làm nên tên tuổi của nhà văn Nguyễn Khắc Trường. Ngay cả chính ông cũng cảm nhận rằng, đây là một sự khẳng định chính mình, ông bỏ bút danh Thao Trường, thay vào đó là tên khai sinh Nguyễn Khắc Trường, khi lấy tên tác giả cho cuốn tiểu thuyết này.

Tiểu thuyết của ông rất thật và rất đời, đời và thật đến độ điển hình. Cũng như những nhà văn đã làm nên tên tuổi của mình qua các tác phẩm điển hình, mang dấu ấn của thời đại, như nói đến Nam Cao là thấy "Chuyện Làng Vũ Đại", nói đến Vũ Trọng Phụng là "Giông tố", nói đến "Cây bạch đàn vô danh" là Xuân Trình. Và ở thập niên 80 của thế kỉ trước, câu chuyện về "Mảnh đất lắm người nhiều ma" thực sự là một bức tranh vô cùng sinh động và sắc nét về những góc khuất của xã hội vùng quê đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam. Nếu như thời kì này sân khấu kịch có Lưu Quang Vũ thì tiểu thuyết có Nguyễn Khắc Trường. Hai tác giả, với hai ngòi bút phê phán điển hình đã ít nhiều đưa hiện thực cuộc sống vào văn chương, và làm nên những điểm sáng trên văn đàn Việt Nam vào giai đoạn này.

Năm 2001, cuốn tiểu thuyết: "Mảnh đất lắm người nhiều ma" đã được hai nhà văn Khuất Quang Thụy và Phạm Ngọc Tiến chuyển thể sang tác phẩm phim truyền hình với tên gọi hiền hòa hơn: "Đất và Người" do NSND Nguyễn Hữu Phần, Phạm Thanh Phong đạo diễn. Năm 2002, bộ phim ngay sau khi phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam đã gây nên tiếng vang lớn. Nhân vật lão Quềnh do diễn viên Hán Văn Tình thể hiện được khán giả đặc biệt yêu thích. Ca khúc trong bộ phim "Đất và Người" do nhạc sĩ Trọng Đài sáng tác và ca sĩ Mai Hoa thể hiện cũng đã nằm lòng trong bao tâm hồn người yêu điện ảnh.

Giờ, giữa mùi cỏ non, mùi của lúa tháng 10, của chuối chín vàng, của hương cốm thơm xanh màu mạ, của những ngày Hà Nội trái tim hồng cả nước đang diễn ra lễ kỉ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô, một người con ưu tú của địa hạt văn chương đã ra đi - nhà văn Nguyễn Khắc Trường lại tiếp tục hành trình tới một miền đất khác. Nơi ấy, những người thầy, người bạn văn chương và đồng đội đã đợi để đón ông. Và ông, nhẹ nhàng bay lên cao, nhìn xuống nở nụ cười như thiên sứ đã hoàn thành xong sứ mệnh và đi tới một vùng đất khác… 

Nhà văn Nguyễn Khắc Trường sinh năm 1946 tại Đồng Hỷ, Thái Nguyên. Năm 1965, ông nhập ngũ, phục vụ trong Quân chủng Phòng không - Không quân. Năm 1979, ông học khóa I, Trường Viết văn Nguyễn Du. Sau khi tốt nghiệp, ông chuyển về làm biên tập viên văn xuôi tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Năm 1993 ông về công tác tại Báo Văn nghệ. Nhà văn Nguyễn Khắc Trường từng làm Phó tổng biên tập Báo Văn nghệ, sau làm Phó giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Sau khi nghỉ hưu, ông làm Chủ tịch Hội đồng Văn xuôi của Hội Nhà văn Việt Nam khóa VIII (2010-2015).

Nhà văn Nguyễn Khắc Trường là tác giả của nhiều tác phẩm: "Cửa khẩu", "Mảnh đất lắm người nhiều ma", "Miền đất mặt trời"... Trong đó, nổi tiếng nhất với bạn đọc là tiểu thuyết "Mảnh đất lắm người nhiều ma". Tiểu thuyết này đã được chuyển thể thành phim "Đất và Người", chuyển thể kịch bản sân khấu và được nhiều đơn vị nghệ thuật dàn dựng… Nhà văn Nguyễn Khắc Trường được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007.

Trần Mỹ Hiền
.
.