Nhà văn Lê Lựu: “Ngài Đại tá thôi chờ thư”
Như một linh cảm kì lạ nào đó, đầu tuần, cách đây mấy hôm, trong một buổi họp, thảo luận cùng phóng viên thực hiện bài cho số Tết Quý Mão, tôi đã nghĩ đến nhà văn Lê Lựu. Tôi đã nghĩ đến sức sống diệu kì của ông sau bấy nhiêu năm ốm đau bệnh tật rất nặng và thầm cảm phục sức chịu đựng, sự vượt thoát của số phận để ông sống được đến hôm nay. Quyết định viết về ông với những năm tháng cuối đời trong vòng tay con cái đã được đưa ra cho số Tết này.
Nói là làm, đến chiều nhà văn Nguyễn Thế Hùng gọi điện lại báo tôi, đã đặt được cộng tác viên đến nhà con gái cả của ông ở Hưng Yên viết bài về nhà văn Lê Lựu cho số Tết Quý Mão. Thở phào vì cảm giác ấm lòng, nghĩ sẽ làm được điều gì đó như một cái kết có hậu cho cõi sống của nhà văn nổi tiếng mà tôi một mực kính trọng tôn thờ. Và cũng là sự tri ân bởi giữa tôi và ông có nhiều mối duyên lành kể từ ngày đầu tôi tập tọng cầm bút viết văn cho đến tận sau này, khi đã trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và cả sau khi ra Hà Nội công tác.
Không ngờ chỉ 2 ngày sau buổi họp đó, tôi sững sờ nghe tin nhà văn Lê Lựu qua đời.
Trước đó tôi đã có một tâm nguyện.
Cách đây 12 năm, trong một lần thực hiện bài cho An ninh Thế giới số Tết, tôi đã đến ngôi nhà khang trang ở số 319 Tam Trinh - nơi được coi là “đại bản doanh” của Trung tâm Văn hoá doanh nhân do nhà văn Lê Lựu vừa làm Giám đốc vừa là Tổng biên tập Tạp chí Doanh nhân để viết bài về ông.
Không ngờ cuộc gặp gỡ cho số Tết lần đó tôi đã nghe quá nhiều những tâm sự “thương đau” của ông về chuyện gia đình riêng tư. Đặc biệt là nỗi đau ông vừa phải chia tay vĩnh viễn với ngôi nhà số 8 Lý Nam Đế, nơi ông gắn bó bao nhiêu kỷ niệm. Hình như tôi đã vô tình đến đúng thời điểm, đúng lúc mà những chất chứa, những nỗi niềm trong lòng ông chỉ chực trào ra. Ông đã trút bỏ những nỗi niềm ấy trong câu chuyện với tôi. Bài viết hôm ấy có nhiều chi tiết riêng tư nên tôi đã xin phép tòa soạn được mang đến cho ông đọc lần cuối trước khi in. Tôi còn nhớ ông đọc kỹ, đọc chậm nhưng đọc một mạch, nước mắt ràn rụa trên gương mặt. Ông không sửa gì, lặng lẽ bảo tôi ông đồng ý in.
Sau khi bài viết chan nước mắt của ông và nỗi ngậm ngùi của tôi in lên báo, tôi đã gặp phải những hệ luỵ. Sau chuyện đó, tôi nguyện không viết bài về ông cho tòa soạn nữa vì buồn quá… và vì cả những hệ luỵ không đáng có.
Tôi đã nghĩ.
Đủ rồi cho những kỷ niệm, những năm tháng viết văn làm báo tôi có duyên may được gặp gỡ ông trong ngày đầu tiên tôi bước vào địa hạt văn chương. Đó là trại viết của Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức năm 1995, tôi cùng nhà văn Trần Thanh Hà đã may mắn được là thành viên của trại. 20 ngày ở trại viết Đồ Sơn do nhà văn Nguyễn Bảo quản lý, chúng tôi được tiếp xúc với những cây đại thụ là nhà văn, nhà thơ nổi tiếng mà trong mơ dẫu có ao ước thì cũng chỉ được gặp họ trên tác phẩm. Đó là nhà văn Lê Lựu, nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà văn Khuất Quang Thuỵ, nhà văn Nguyễn Trí Huân… được trại mời đến để đọc tác phẩm, chia sẻ kỹ năng và thủ pháp văn chương trong công việc sáng tác, giúp cho những trại viên trẻ mới cầm bút viết văn hồi đó có mặt ở trại, trong đó có tôi, Phùng Văn Khai hiểu hơn về nghề văn.
Hồi đó tôi không thể nào quên được kỷ niệm quý giá, và cũng chính là bài học đầu tiên, một bài học ngắn ngủi mà tôi đã giữ làm bảo bối cho nghề viết của mình. Bài học lớn chỉ chứa đựng trong vỏn vẹn một câu mà ông dạy cho tôi và nhà văn Trần Thanh Hà trong một đêm chúng tôi cùng nhau đi dạo trên bờ biển thảo luận về những trang viết hồi chiều ông đọc của chúng tôi ở trại. Trong đủ thứ chuyện để nói trên bờ biển một đêm trăng sáng ấy, nhà văn Lê Lựu say sưa. Không biết khi ấy Trần Thanh Hà nhớ được những gì ông nói không, còn tôi đọng lại sâu sắc nhất một ý tứ, mà từ đó trở đi đã thành kim chỉ nam trong công việc viết lách của tôi.
“Đó là các em hãy viết về những gì mình thuộc nhất. Hãy viết về chính cái mảnh đất em đang sống, về những con người mỗi ngày em gặp. Trí tưởng tượng dù cho có siêu phàm đến đâu cũng không thể thoát li khỏi sự chân thực của đời sống. Và không có vẻ đẹp nào trong trẻo hơn, quyến rũ hơn vẻ đẹp về sự chân thực”. Tôi thu bảo bối ấy cho nghề viết. Và không chỉ viết văn, sáng tác văn chương, tôi còn sử dụng bảo bối đó trong nghề báo sau này của mình. Đó là hãy cứ viết về những gì mình thuộc nhất. Viết về những gì mình hiểu nhất và có nhiều cảm xúc nhất. Chữ mà không lấp lánh phía sau những long lanh cảm xúc thì chữ cũng chỉ là cái vỏ chữ mà thôi.
Kết thúc trại viết năm đó, tôi và Trần Thanh Hà được giải cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Chị Hà được giải cao, còn tôi chạm được đến cái giải thưởng be bé trong cuộc thi lớn đã là một niềm hạnh phúc sung sướng vô cùng tận với một cô gái lần đầu ra Thủ đô, bước những bước chân đầu tiên vào địa hạt văn chương. Và tôi luôn tâm niệm biết ơn trong những thành công nhỏ nhoi ban đầu ấy, có bao công sức của nhà văn Lê Lựu đã dành cho chúng tôi.
Mối duyên lành giữa tôi và nhà văn Lê Lựu theo đó còn kéo dài. Ngày tôi ra tập truyện ngắn “Giông biển”, tôi và chị Hà đến tận nhà ông ở số 8 Lý Nam Đế để tặng sách. Tôi nhớ mãi khoảnh khắc ấy, ngôi nhà ấy và tôi còn nhớ cả đĩa hoa quả đỏ mọng bày biện trên chiếc bàn gỗ rất đẹp ở phòng ăn, trong ngôi nhà đẹp đẽ, gọn gàng và sang trọng ấy. Tôi từ quê ra, không thể nào nghĩ có một ngày tôi được gặp nhà văn Lê Lựu trong chính ngôi nhà của ông, được trò chuyện và được tặng sách ông, được nghe những lời động viên dạy bảo chân thành từ ông.
6 năm sau, khi đã trở thành nhà văn, tôi ra toà soạn Báo An ninh Thế giới làm việc. Hồi ấy, nhà văn Hữu Ước, sếp cũ của tôi là người luôn trọng tài và mời các nhà văn, nhà thơ cộng tác với toà soạn. Ông có những hành xử đặc biệt ưu ái với giới văn nghệ sĩ. Thế nên tôi thường xuyên được gặp nhà văn Lê Lựu cũng như các nhà văn nổi tiếng khác, các văn nghệ sĩ nổi tiếng dập dìu đến toà soạn. Thế rồi tôi có dịp viết chân dung ông, chứng kiến và quan sát ông nhiều hơn trong giai đoạn ông chuyển sang làm Văn hóa doanh nhân với bao tâm huyết, khát vọng. Tôi thầm cảm ơn số phận đã cho tôi mối duyên lành được gặp ông, được gần gũi, thân thiết kính trọng ông và được ông quý mến như cô học trò…
Thế nên, nghĩ đến bài báo Tết năm đó: “Nhà văn Lê Lựu: Cái Tết buồn nhất của đời người” và những giọt nước mắt của ông từng rơi rất nhiều lần mỗi khi anh em gặp mặt, tôi quyết định không viết thêm bài báo nào về ông nữa. Tất cả những kỷ niệm, những chuyện chưa kịp viết, chưa từng viết, tôi xin phép được giữ lại. Tôi thấy tốt nhất là có đến thăm ông thì đến chứ đừng “bán báo” ông nữa. Xót lắm.
Nhưng rồi vì công việc, sau đó tôi có thêm một bài phỏng vấn ông năm 2011 khi ông ra tiểu thuyết mới “Ở quê ngày ấy”. Và có lẽ đó cũng là tiểu thuyết cuối cùng của đời ông nếu tôi nhớ không nhầm. Thế là lần thứ nhất tôi đã phá lời nguyện, dù lần gặp thứ 2 ấy cũng đẫm nước mắt khóc cười xót xa…
Và tôi đã “buông tha” ông từ bấy đến nay, vì tôi sợ mỗi lần đến phải thấy ông ốm, ông khóc, rồi lại phải viết gì đó cho tòa soạn vì ông là người nổi tiếng. Mà nghề của tôi là làm báo, không viết thì lấy gì để tồn tại ở một tòa báo được cho là “khủng” trong làng báo về tiara và về sự khắt khe, đòi hỏi cao của tòa soạn như Báo An ninh Thế giới lúc bấy giờ.
Ấy vậy mà sau hơn 10 năm tôi lại phá lời nguyện. Tôi muốn đặt một bài báo Tết về ông ấm áp tình thân bởi bấy lâu nay ông đã về trong vòng tay chăm sóc ân cần của gia đình, của các con ở quê nhà Nam Đàn, Mãn Hoà, Khoái Châu, Hưng Yên điền viên nơi thôn dã. Và ông sống bình yên thêm được nhiều thời gian nữa từ bấy đến nay trong vòng tay con cháu, dù bệnh tật nặng nề. Chắc chắn đó là khoảng thời gian ấm tình thân của gia đình, của con cái, và thế thì đáng viết lắm.
Không ngờ bài báo ấm tình thân chưa kịp thực hiện cho số Tết Quý Mão năm nay, nhà văn Lê Lựu đã buông bỏ hết để về trời.Và tôi đành nặng lòng bỏ lời nguyện lần thứ 2, sau hơn 10 năm tôi lại đặt bút viết về ông trong một nỗi tiếc thương, khi lần này ông đã dứt bỏ được trần thế, đã buông bỏ được hết để ra đi thanh thản. Xét cho cùng, ông mới chính là nhân vật chịu nhiều đau khổ nhất trong tác phẩm đời người của ông. Nhưng, với một số phận lớn, một tài năng lớn, một nhân cách thì hạnh phúc hay khổ đau chính là những phần không thể thiếu trong cuộc đời thành đạt của họ. Không hiểu sao khi viết những dòng cuối về ông, tôi liên tưởng tới truyện ngắn: “Ngài Đại tá chờ thư” của Gabriel Marquez. Ngài Đại tá Lê Lựu giờ cũng không còn “chờ thư” nữa.
2h sáng ngày nhận tin nhà văn Lê Lựu mất (10/11/2022)