Nhà thơ Vũ Trọng Thái: “Được yêu thương là giá trị lớn nhất”
Những năm còn công tác, tác giả Vũ Trọng Thái cũng có những sáng tác đa dạng thể loại, từ thơ, bài báo, bút ký, phóng sự, đến ghi chép và xuất bản ở nhiều báo chí. Nhưng anh chỉ tập hợp in 1 đầu sách. Bao nhiêu tư liệu của cả đời đi, khám phá, tích lũy ý tưởng, cảm xúc, anh để dành cho đến khi hết thời gian công tác, mới ào ạt viết, ồ ạt xuất bản. Đến nay anh đã xuất bản 8 tập sách, trong đó có 1 tập thơ xuất bản ở Hungary, 5 giải thưởng thơ.
Chúng ta cùng trò chuyện với nhà thơ Vũ Trọng Thái về thời kỳ sáng tác thơ, xuất bản thơ nở rộ của anh hiện nay.
- Thưa nhà thơ, năm 2021 có thể coi là năm thành công nở rộ của anh khi anh xuất bản tới 3 tập thơ, ở các thể loại, dành cho đối tượng khác nhau. Anh cho biết đã phải nỗ lực thế nào để đạt thành tựu đó?
+ Ngoài 3 tập thơ xuất bản cùng lúc trong tháng 9/2021: “Bông hồng vàng và chiếc bình cổ” (NXB AB Art - Hungary); tập thơ lục bát “Vọng quê” (NXB Văn học) và tập thơ thiếu nhi “Bầy sẻ phố máy tơ” (NXB Kim Đồng), thì tôi đang chuẩn bị khép lại năm 2021 bằng tập thơ “Đêm trắng” với 36 bài thơ viết về chủ đề dịch COVID và tập truyện ký “Cánh hải âu giữa trùng dương”.
Để đạt được những điều trên, quả thực tôi đã phải nỗ lực rất nhiều. Tôi có một năng lượng làm việc khá lớn bởi lòng đam mê và cảm xúc của mình. Trong 3 tập thơ đã xuất bản thì nhiều bài tôi đã viết từ hơn chục năm trước. Do hoạt động trong phong trào Doanh nhân trẻ nên tôi là một người đi nhiều và đi được nhiều nơi, khắp trên 63 tỉnh, thành đều có dấu chân của mình. Mỗi lần đi như thế, tôi luôn tìm hiểu và thu lượm được nhiều thông tin và có nhiều cảm xúc phục vụ cho đam mê viết. Tôi có thói quen luôn để sẵn tập giấy nháp và cây bút ngay trên đầu giường của mình, mỗi khi có ý tưởng gì xuất hiện là tôi ghi chép lại ngay cho khỏi quên… chính nhờ những điều này đã giúp ích tôi rất nhiều trong đam mê của mình. Tôi nghĩ với những người viết, ngoài năng lực là thứ trời cho mỗi người thì đam mê và cảm xúc; chịu đi và chịu đọc là điều không thể thiếu.
- Hãy kể về 3 điều quan trọng nhất trong cuộc đời anh, có bao giờ anh hối tiếc việc đã dấn thân vào sự nghiệp thơ văn?
+ Điều đầu tiên tôi muốn nói đến là sự ảnh hưởng lớn của mẹ tôi. Bà là một người rất thích và rất chịu khó đọc truyện. Mẹ tôi hay mượn sách ở thư viện về đọc; rồi mỗi lần mẹ đi Hà Nội công tác, lúc về nhà thế nào cũng có một cuốn sách thiếu nhi cho tôi. Mẹ tôi thỉnh thoảng cũng hay viết những câu thơ ngắn cho riêng bà. Hiện nay tôi vẫn còn được giữ cuốn nhật ký của mẹ viết khi bà là Đội trưởng đội nữ Võ trang tuyên truyền của Tỉnh đội Lạng Sơn từ năm 1947.
Điều ảnh hưởng thứ hai khi còn là cậu học sinh cấp 3, tôi được thầy tôi là nhà giáo, nhà văn Phan Lạc Tước, củng cố niềm đam mê yêu thích văn học cho tôi. Bởi vậy đến bây giờ, hàng năm mỗi khi có dịp về thăm thầy, điều thầy tôi vui nhất là khi nhận được một cuốn sách mới của tôi đem về tặng thầy.
Điều quan trọng thứ ba là bài báo đầu tiên của tôi được đăng ở số 30 ra ngày 29/7/1991 và truyện vui đầu tiên được đăng ở số 52 ra ngày 30/12/1991, đều trên báo Phụ nữ Việt Nam. Đây chính là cú hích giúp tôi tự tin trong nghiệp viết của mình.
Và đã là niềm đam mê từ thuở xa xưa rồi thì tôi chẳng bao giờ và chẳng một lần hối tiếc khi mình theo đuổi, dấn thân vào cái nghiệp “giời đày” này.
- Anh có quan điểm thế nào về giao lưu văn học? Con đường mà anh chọn để đưa tác phẩm của mình ra nước ngoài, tiếp cận bạn đọc quốc tế, có ý nghĩa riêng thế nào với anh? Và anh có nghĩ rằng, đó là sự đóng góp của mình cho quảng bá văn học, văn hóa Việt Nam nói chung?
+ Tôi nhớ có bài viết về Diễn đàn các nhà văn châu Á năm 2019 tại Kazakhstan, kể lại rằng cố nhà văn Xuân Đức khi sang đó trở về đã nói rằng cảm thấy thật thiệt thòi khi không có nhiều các nhà văn Việt Nam và tác phẩm của mình được bạn bè quốc tế biết đến. Bởi vậy, với tôi thì giao lưu văn học là việc rất nên và cần thiết phải được làm và làm thường xuyên. Nếu cứ đóng cửa ở nhà thì chẳng khác gì “ếch ngồi đáy giếng” nhìn bầu trời bé xíu. Chỉ khi nào có sự giao lưu với nhau thì mới có được sự giao thoa, hiểu biết và có cơ hội giới thiệu mình với bạn bè, dù là trong nước hay ngoài nước, dù là lĩnh vực văn học hay hoạt động khác…Tôi hay giao lưu trong phong trào Doanh nhân trẻ nên quá thấu hiểu và cảm nhận sâu sắc ích lợi của sự giao lưu kết nối này.
Trong năm 2020 và 2021 tôi đã có những bài thơ, chùm thơ đăng trên các tạp chí và tuyển tập ở Hàn Quốc, Rumani, Ấn Độ, Italia và nhất là có tập thơ “Bông hồng và chiếc bình cổ” được dịch sang tiếng Hungary và vừa xuất bản bởi NXB AB Art tại thủ đô Budapest. Tôi coi đây là những trải nghiệm và niềm vui của riêng mình, nó như động lực để tôi tiếp tục sáng tác và kết nối giao lưu cùng bạn bè khắp nơi khi có thể. Tôi hoàn toàn chẳng nghĩ gì đến chuyện đó là sự đánh bóng tên tuổi cá nhân hay muốn chơi trội, vì mình đã là gì đâu, ghê gớm gì đâu mà phải hoắng cơ chứ? Tôi hoạt động quá lâu năm trong nhiều phong trào nên quá hiểu và biết cách chơi để không bị những thứ phù phiếm làm che mắt mình mà đi chệch hướng. Với tôi chỉ là sự đam mê cùng tác phẩm của mình mà thôi.
Chẳng phải khiêm tốn gì đâu, nhưng tôi cũng không hề nghĩ và dám coi đó là sự đóng góp và quảng bá cho văn học Việt, văn hoá Việt của cá nhân mình; vì đơn giản tôi chỉ là một người viết bình thường thôi. Nhưng tôi nghĩ như thế này, nếu với mỗi người cầm bút mà không có ý thức hoặc cao hơn là trách nhiệm làm lan toả tác phẩm của cá nhân mình thì trước hết là có lỗi và chưa tôn trọng chính bản thân mình, với từng con chữ mà mình viết ra.
- Thơ anh đa dạng đề tài và chủng loại, vậy tư tưởng thơ đối với anh có là quan trọng nhất? Hay anh trọng niêm luật, vần điệu?
- Đúng là tôi viết theo đa dạng đề tài và thể loại. Tôi thường có cảm xúc mạnh trước những sự việc, sự vật, hình ảnh hay câu chuyện éo le, đau buồn, bất hạnh, xảy ra trong cuộc sống hằng ngày; tôi lại bắt nhịp nhanh cả tính thời sự vì thơ tôi viết cũng ảnh hưởng hơi hướng của Phạm Tiến Duật; tôi viết đủ thể loại, từ truyền thống đến tự do…bởi vậy tôi cho rằng mình viết được cái gì chưa quan trọng bằng có làm lay động được cảm xúc người đọc hay không; và như thế có cảm xúc rồi, sinh ra tứ thơ thì viết như thế nào để đạt hiệu quả tối ưu nhất là điều mà tôi luôn hướng đến, và cuối cùng thì tác phẩm của mình có hữu ích cho đời không là điều mình luôn phải suy nghĩ.
Vừa rồi tôi có tập “Vọng quê” gồm 50 bài lục bát, một thể loại thơ không khó viết, nhưng viết được hay lại vô cùng khó. Nó chênh vênh như người làm xiếc đi trên dây. Bởi vậy, tôi đã lấy sự mộc mạc, giản dị và đặc biệt là tình cảm chân thành của mình, làm thăng bằng trước sự chênh vênh kia; làm cái dây an toàn để không bị ngã. Nhà thơ Kim Chuông đã nhận xét thế này khi đọc “Vọng quê”:
“Vũ Trọng Thái và lục bát “Vọng quê” là vẻ đẹp của những câu thơ mát lành, sáng trong, hữu ích. Những câu thơ trụ vững ở bến bờ cái Hay, cái Đẹp, làm nên vệt loang, với ý thức và tự thức suốt quá trình vươn tới giá trị phản ánh, giá trị giúp mỗi ai thêm những lần mở mắt nhìn đời…”.
- Theo anh, thơ ca có làm con người trở nên mạnh mẽ hơn?
+ Theo tôi thì thơ ca giúp con người lấy lại thăng bằng sau những gì bất ý. Thơ ca có thể giúp người ta mạnh mẽ lên, hoặc cũng làm người ta trở nên dịu dàng hơn… giống như một sự điều tiết trạng thái tâm lý, thơ ca có thể giúp con người cân bằng trong cuộc sống. Và như vậy đồng nghĩa với việc thơ ca dù ở nơi nào đó có thể còn bị “rẻ rúng”, nhưng cuộc sống luôn là vậy, vẫn không thể thiếu thơ ca.
- Trân trọng cảm ơn nhà thơ!