Nhà thơ Trần Quốc Thực: Trong ngọn tháp lặng lẽ của thi ca
Những năm cuối đời làm biên tập ở Báo Văn nghệ, nhà thơ Trần Quốc Thực vẫn lẳng lặng, âm thầm như nhiều năm trước đó trong hành trình thi ca của riêng anh. Đọc tuyển thơ “Cỏ ướt” của nhà thơ Trần Quốc Thực (1948-2007) do con gái anh là nhà báo Trần Yến Châu tuyển soạn, tôi chợt nhận ra, dường như anh là một ngọn tháp lặng lẽ cô đơn của thi ca trong suốt cuộc đời mình.
Từ xưa đến nay, thơ vốn được coi là người và người thơ Trần Quốc Thực là một minh chứng rõ rệt nhất cho nhận định đó. Là một người thơ suốt đời lặng lẽ, anh sống âm thầm, chịu đựng âm thầm, cảm nhận âm thầm và viết âm thầm, dường như Trần Quốc Thực chẳng bao giờ lớn tiếng với ai cả. Anh cũng không tranh luận, không bàn cãi nhiều về văn chương ở chốn đông người. Tôi cứ có cảm giác, anh luôn là người cố gắng dằn mình xuống, nín chịu tất cả mọi bất hạnh trong cuộc sống thường ngày vất vả và nghèo khó.
Tôi với nhà thơ Trần Quốc Thực cũng có đôi chút kỷ niệm với nhau đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Thời ấy, tuần nào bạn bè yêu thơ ca ở Hà Nội cũng thường túm năm, tụm ba ở mấy quán bia, quán rượu vỉa hè dọc mấy phố Lê Văn Hưu, Nguyễn Du, Trần Quốc Toản và mấy phố cổ, những người thành danh và chưa thành danh trong làng thơ đều bình đẳng như nhau. Tôi nhớ mấy bữa rượu vui vẻ tri kỷ với các nhà thơ Trần Quốc Thực, Nguyễn Trác, Phạm Khải, Hoàng Nhuận Cầm, Tấn Phong, Chu Hoạch, Trịnh Thanh Sơn, Hòa Vang, Nguyễn Chí Hoan, Hoàng Trần Cương… đôi khi có cả mấy nhà thơ đàn anh nổi tiếng như Hoàng Cầm, Phạm Tiến Duật, Võ Thanh An… ông nào cũng rất vui và hay rượu.
Có một kỷ niệm khá thú vị trong cuộc thi thơ Báo Văn nghệ năm 1989-1990, mà vừa rồi tôi được Thiếu tướng, nhà văn Phạm Khải, Tổng biên tập Báo CAND kể cho nghe: Hôm ấy anh rẽ qua Báo Văn nghệ, thấy vợ chồng nhà thơ Bế Kiến Quốc, Đỗ Bạch Mai đang ngồi với nhà thơ Trần Quốc Thực. Chị Mai lúc ấy làm thêm việc phát hành báo, trong chồng báo mới các loại hôm đó chị vừa mang về, mọi người tình cờ đọc thấy một bài thơ của tôi in trên một tờ báo. Sau khi đọc, nhà thơ Phạm Khải và nhà thơ Trần Quốc Thực cùng nhận định: “Đây là một bài thơ hay!”. Nghe thấy tên tôi, nhà thơ Bế Kiến Quốc bảo luôn: “Tác giả Nguyễn Việt Chiến đã gửi đến cuộc thi thơ Báo Văn nghệ mấy ki-lô-gam thơ, vẫn chưa đăng được, để rồi xem sao!”. Chỉ sau đó ít ngày, chùm thơ 3 bài của tôi được nhà thơ Bế Kiến Quốc chọn in trên Báo Văn nghệ, rồi Ban giám khảo cuộc thi thơ đã trao cho tôi giải nhì cuộc thi thơ năm đó. Và các nhà thơ Bế Kiến Quốc và Trần Quốc Thực đã từng có duyên thơ với tôi như vậy đó.
Một kỷ niệm nữa cũng rất đáng nhớ, khi hai tập thơ “Tháp cúc” của Trần Quốc Thực và tập “Những con ngựa đêm” của tôi cùng được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội và tặng thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2004. Theo nhận định của ban Chung khảo giải thưởng, hai tập thơ có hai giọng thơ khác nhau và bổ sung cho nhau, tập “Tháp cúc” có giọng trữ tình tự sự với nhiều bài thơ khá tinh tế và sâu sắc, còn tập "Những con ngựa đêm" mang giọng trữ tình thế sự, giầu chất sống đương đại và hướng đến sự cách tân thơ.
Hai lần trong năm ấy, hai anh em đều lên nhận giải thưởng thơ trong niềm vui hiếm có nhưng không hiểu vì sao không mấy khi thấy Trần Quốc Thực cười. Lên nhận giải thưởng trong sự chúc mừng của bạn bè, nét mặt anh vẫn ưu tư, tôi thầm bảo: “Giải thưởng thơ của Hội Nhà văn Hà Nội đủ tiền cho anh em mình in tập thơ, còn giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam chắc đủ tiền cho mình khao rượu bạn bè đấy nhỉ!”, lúc ấy tôi mới thấy anh thoáng cười nụ.
Trong tập thơ được giải thưởng, Trần Quốc Thực viết về miền “Tháp cúc” của anh như sau: “Ngày đang duỗi thăm/ lối hai tháp cúc/ nhấp nhô cánh buồm/ con sông phía trước/ tháp cúc quệt quạc/ ánh vàng lên mây/ miền sông lối cát/ miền trời heo may/ miền nào nữa cúc/ đầy hoe bóng người/ những tháp cúc nở/ em vừa đi qua/ bạn ngồi bạn nhẩm/ bông gần bông xa/ mình ngồi mình mớ/ em người đâu ta”. Trong bức tranh thơ giầu nhạc điệu trữ tình và mỹ cảm tinh tế này, ta thấy thơ anh như một dòng chảy lặng lẽ, cứ ngân nga trong tâm tưởng ta, cứ thấm dần, đọng dần trong ta qua tháng ngày. Anh chọn lối nói bình dị trong thơ nhưng với sự chắt lọc đầy tinh tế và giàu cảm xúc.
Một đặc điểm quan trọng là thơ Trần Quốc Thực rất giàu nhạc cảm, một thứ nhạc nội tại ngân rung lên thành vần điệu nối kết những câu thơ: “Đi một trưa hè, con thương mẹ/ Chợ Bầu, sông Đáy nắng nôi/ Phấn trắng mẹ phơi sườn sông vắng/ Tóc trắng mẹ phơi dưới nắng trời/ Mẹ ơi áo mẹ mười năm nắng/ Tóc mẹ phơ phơ dáng lặng thầm/ Mẹ ở tay mẹ mười năm trắng/ Chân mẹ mười năm mưa nắng ngâm/ Đi một trưa hè. Đi suốt trưa/ Vóc người đổ sáng những năm xưa/ Trưa nay sông Đáy mơ hay thức/ Sóng vật mình lên nom xanh chưa”. Những câu thơ về mẹ trong bài thơ “Không đề” nói trên của anh cho thấy sự tài hoa, thấm đẫm phẩm chất thi sĩ trong thơ Trần Quốc Thực.
Có thể nói Trần Quốc Thực làm thơ rất kỹ, anh chọn chữ, chọn vần, chọn câu, chọn hình… cũng thật kỹ. Nhạc tính mang âm hưởng buồn chính là nét đặc trưng của thơ anh, hầu như bài thơ nào của anh cũng phảng phất, cũng đầy khơi gợi và mang dư âm da diết của một nhạc điệu buồn mà bài thơ “Nói với anh” viết về người anh ruột là nhà thơ liệt sĩ Trần Quốc Anh sau đây là một trong những bài thơ hay nhất của Trần Quốc Thực: “Quỳ trước một ngôi nhà cỏ/ Quanh em tiếng lúa xôn xao/ Quỳ trước một dòng trên đá/ Tên anh gió cứ đập vào/ Anh đang nơi đâu trên cao/ Có nhớ em trong cõi thế/ Anh có nhìn xuống em/ Có thấy cuộc đời dâu bể/ Mẹ giờ đã thật tuổi già/ Người hay quên như trẻ nhỏ/ Em giờ đã nhiều phôi pha/ Nhiều vết thương không cách chữa/ Có vết thương cất tiếng hát/ Tình yêu thuốc ấy ngọt lành/ Có vết thương không khóc được/ Nín câm như nấm mồ anh/ Đã hai mươi năm có lẻ/ Cỏ chưa khâu xong nấm mồ/ Cỏ không lấp được tiếng gió/ Từ đáy anh đang thổi về”.
Với những câu thơ day dứt buồn, những câu thơ ám ảnh buồn và trong một trường mỹ cảm của thi ca u buồn đến thế, tôi hiểu vì sao Trần Quốc Thực không mấy khi vui vì có thể anh là một “Thi- sĩ-có-gương-mặt- buồn” với những nét khắc khổ, dãi dầu qua tháng năm buồn bã.
Nhận xét về văn chương, thi ca, nhà thơ Trần Quốc Thực cho rằng: “Văn chương nó là cái vô cùng. Mỗi người đi một nẻo. Mỗi người xử lý một cách. Chả ai giống ai cả. Làm thế nào cho bài thơ đứng được? Không đơn giản. Cách đứng, phải là cách đứng của riêng mình. Không phải là cái cách mà thiên hạ người ta đứng… Theo tôi, ai làm thơ mà chỉ đơn thuần dựa vào cảm hứng thì sẽ thất bại. Ai làm thơ chỉ dựa vào ý tưởng cũng thất bại. Một ý tưởng được tôi chăm gom rất lâu, song muốn phát tiết ra được thành câu, thành vần như ý thì lại phải nhờ cậy vào sự dẫn dắt của linh giác”.
Cõi thơ tình của Trần Quốc Thực cũng rất lạ và khác biệt, nó mang tâm thế của một thi sĩ luôn vùi mình trong ngọn tháp cô đơn với mong muốn hướng về cái đẹp để nâng đỡ tâm hồn anh. Trong nhiều bài thơ tình viết về mùa thu tặng người vợ cuối đời của anh là nhà thơ Phạm Hồ Thu, tôi cảm nhận được hơi thở cô đơn của anh trong từng con chữ như bài “Thu” (8) dưới đây: “Từ một góc trời khuya tôi ngồi nhớ em/ Từ một ngọn đèn dầu tôi ngồi hình dung ra em/ Từ một trang giấy trắng, tôi ngồi vẽ em/ Và những câu chữ cứ vì em mà hiện lên, vì em mà sinh nở/ Cứ thế em đầy dần lên, tràn ra ngoài những dòng chữ/ Tràn ra mặt bàn, tràn ra ngoài thềm/ Tràn trên lối đi, tràn đến một bóng cây đang run rẩy/ Và, tràn xuống mặt Hồ Tây đang trăng lên/ Cách chi thu em lại được, từ mặt sóng về dưới gốc/ Rồi cất vào nỗi tôi đang nặng trĩu hình em...”.
Trần Quốc Thực là như vậy, trong ngọn tháp lặng lẽ cô đơn của thi ca, những khúc thu buồn dường như luôn đến sưởi ấm anh, ngay cả trong bài thơ cuối cùng anh viết tặng vợ cuối thu năm 2007, ba tháng trước khi mất: “…Mùa thu/ Lại sắp hết mùa thu/ Cho anh xin đừng mùa thu cuối/ Nếu có thật chuyện kiếp người quay lại/ Lần thứ nhất/ Lần thứ hai/ Lần thứ N/ Anh vẫn sẽ quay về/ Đợi em bên bậu cửa/ Cạnh đôi dép xinh em thường để đó/ Đôi dép xinh ướt đẫm sương thu/ Và em ra mở cửa/ Anh sẽ gửi em những bài thơ tình anh viết tặng mùa thu...”. Và, trong mùa thu cuối cùng của đời mình, những câu thơ của anh đã thắp bừng lên dự cảm của hy vọng, mong tình yêu như một cứu cánh đến nâng đỡ con người trên thế gian này.