Nhà thơ Thế Hùng: Sống và viết

Thứ Sáu, 18/07/2025, 09:45

Ông là một người tài hoa, ông có thể vẽ tranh, chơi nhạc, làm thơ. Ông là một tiến sĩ triết học, từng giảng dạy qua 10 giảng đường đại học ở lĩnh vực mỹ học. Tôi hỏi, ông muốn là ai nhất trong rất nhiều danh xưng như thế. Ông chỉ cười, đơn giản chỉ là Thế Hùng thôi.

Tuổi 80, ông vẫn dành thời gian, tâm sức viết cuốn sách về những người tài của đất nước, những nhân vật lừng lững trong đời sống văn học nghệ thuật nước nhà... Những người ông đã có duyên gặp và trò chuyện với họ, mà nếu không viết ra, ông cảm thấy có lỗi với hậu thế...

o tu%3fi 80, nhà tho th%3f hùng v%3fn say mê làm vi%3fc.jpg -1
Ở tuổi 80 nhà thơ Thế Hùng vẫn say mê làm việc.

1. Khán phòng Nhà xuất bản Hội Nhà văn buổi sáng hôm ấy thật ấm cúng. Ở đó có nhạc, có tranh, có hoa, có đông bạn bè thân hữu và học trò nhiều thế hệ của nhà thơ Thế Hùng. Mọi người hát, chơi đàn, đọc thơ, chia sẻ về người thầy, người bạn thân quý. Thế mới biết, cuộc sống của ông dài rộng thế nào. Thế mới biết, những ân tình cuộc đời dành cho ông quá nhiều, bởi ông đã sống một cuộc đời sôi nổi, cống hiến miệt mài.

Nhà thơ Thế Hùng nói, ông đã viết “Hồi ức Thế Hùng” trong 400 ngày, với 400 trang sách dày dặn về những con người mà ông may mắn được gặp, được sống và làm việc với họ. Ông, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo và nhà thơ Thụy Kha là nhân chứng sống của một thế hệ vàng của giới văn nghệ, trí thức Việt Nam. Giờ nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, Thụy Kha đều đã đi xa. Chỉ có lại Thế Hùng, nếu không viết ra, ông sẽ có lỗi với hậu thế. Vì thế ông muốn viết cuốn sách này để kể lại như một trách nhiệm với lịch sử.

53 chân dung được nhà thơ Thế Hùng khắc họa là những ai? Họ là những văn nghệ sĩ, nhà khoa học, doanh nhân mà tác giả có dịp thân quen, để lại dấu ấn sâu đậm trong cuộc đời ông. Phần lớn họ là những “tinh hoa” thực sự trên lĩnh vực văn học nghệ thuật, phần nhiều đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

Nhiều người trong số 53 nhân vật ấy đã mất. Nhưng khi họ về “miền mây trắng”, những “ngọn núi” văn chương ấy càng trở nên sừng sững. Quan trọng hơn, thế hệ hôm nay và mai sau vẫn tiếp tục được “thụ hưởng” những cống hiến của họ. Đó là những bậc kỳ tài như Văn Cao, Nguyễn Đình Thi, Hoàng Cầm, Phan Huỳnh Điểu, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Gia Trí, Bùi Xuân Phái, Quang Dũng, Xuân Diệu, Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh...

Qua từng trang hồi ức, độc giả sẽ được biết đến tài năng, cuộc đời, những thăng trầm của số phận, đớn đau và cả những góc khuất của những con người ấy. Ngoài những trang viết, sách còn tập hợp được 800 ảnh tư liệu quý - nhiều bức trong số đó ngay cả Bảo tàng Văn học Việt Nam cũng không có.

Thế Hùng nói, ông có may mắn khi còn là phóng viên Báo Văn nghệ, có cơ hội gần gũi - trước khi trở thành tri âm, tri kỷ của các “chân dung” trong hồi ức của mình. Trong đó, có một nhân vật ông gắn bó đặc biệt là nhạc sĩ Văn Cao. Ông may mắn được nhạc sĩ viết lời tựa cho hai tập thơ và nhạc.

cu%3fn sách m%3fi c%3fa nhà tho th%3f hùng.jpg -0
Cuốn sách mới của nhà thơ Thế Hùng.

Điều thú vị là cuốn sách viết về hồi ức của bản thân, của một cá nhân nhưng qua đó tái hiện được nhiều giai đoạn biến động của lịch sử dân tộc, của đất nước (chiến tranh, hòa bình, thời bao cấp, thời kì Đổi mới, thời kì hiện đại…). Qua một người nhưng hiện lên cuộc đời, số phận, thân phận của nhiều người.

Các nhân vật được viết trong cuốn sách: tầm cỡ, nổi tiếng, có sức ảnh hưởng tới cả một thời kì, một giai đoạn của lịch sử văn nghệ. Là những thế hệ vàng trong một giai đoạn đầy biến động của đất nước, tạo nguồn cảm hứng bất tận cho thi ca, hội họa, âm nhạc… Nhiều chi tiết hay, ấn tượng, độc đáo, quý giá về các nhân vật và về chính tác giả khiến người đọc thích thú, bất ngờ và càng thêm cảm phục, yêu mến các nhân vật nhiều hơn.

Ông viết chắt lọc như ông từng chia sẻ: “Chữ là ngọc của não. Tôi đã dùng những viên ngọc ấy để gắn lên 53 chân dung các “kì nhân”, những người hiếm trong thiên hạ trên một góc bức tranh lịch sử. Đây là cuốn hồi ức chân thật, câu chuyện thật không hư cấu như truyện ngắn, kèm theo một kho tư liệu khổng lồ, gần 800 bức ảnh và bút tích cực quý mà tôi đã tích cóp, giữ gìn giữ hơn nửa thế kỷ. Là sự trân trọng yêu quý những người tài mà đa số đã về miền mây trắng”.

Đó là những góc nhìn gần gũi, đời thường của những người nổi tiếng. Như câu chuyện về ''gã du ca'' Trần Tiến, Thế Hùng nhớ, nhạc sĩ bình thường ''đàn ông, ngầu'' nhưng hễ hát ba bài “Mẹ tôi”, “Chị tôi”, “Quê nhà” là khóc. Có lần, nhạc sĩ nói: ''Hùng yêu cầu bài gì Tiến cũng hát. Nhưng ba bài ấy thì không nhé. Sợ lắm, vì cứ hát là khóc, khóc nhè''.

Theo tác giả, đời bạn mình lắm truân chuyên, song ''số Tiến cao lắm nên thần chết chịu thua''. Mấy năm trước, nhạc sĩ trải qua 30 lần xạ trị, thính lực kém dần, còn một tai cũng hỏng nốt. Tuy nhiên trong khoảnh khắc sinh tử cận kề, ông vẫn cố thu âm bài “Không gục ngã”, là nguồn sức mạnh giúp ông kiên cường hơn.

2. Trong cuốn sách “Hồi ức Thế Hùng” có một chương nhà thơ Thế Hùng tự sự về cuộc đời mình mang tên “Quê nhà tôi ơi”. Ở đó, những ký ức tuổi thơ, những năm tháng vất vả tìm đường được tái hiện sống động qua từng câu chuyện nhỏ. Ông sinh ra ở Thái Bình, lên 7 tuổi đã theo bố ra Hà Nội. Từ bé ông đã rất thích đọc sách, ông còn nhớ hình ảnh cậu bé đi từ phố Cửa Bắc đến Nhà máy nước số 40 Yên Phụ bới thùng rác kim loại, nhặt đồng vụn bán, lấy tiền mua sách.

''Chữ trong các cuốn sách tôi đọc cứ chạy dần vào tôi, cho tôi kiến thức, hình thành một đường mòn văn học để hôm nay tôi làm thơ, viết văn, viết ca khúc'', ông nhớ lại. Rồi ông cũng đi qua thời cơ cực vất vả của bao cấp nghèo khó nhưng ngẫm lại, ông thấy ''qua cái thời cơ cực ấy mới nên người hôm nay''. Ông từng nói, “Đời tôi lấy miệng nuôi thân, lấy óc nuôi sự nghiệp” và ông cũng tự nhận mình, lắm đam mê.

Là bạn vong niên với Thế Hùng, nhà sử học Dương Trung Quốc nói về bạn với sự nghiêm cẩn nhưng tự hào: "Thế Hùng đảm nhận nhiều "nhà" - nhà thơ, nhà báo, nhà giáo, nhà nhạc, nhà họa, nhà phê bình nghệ thuật, nhà hùng biện, lại còn là tiến sĩ Mỹ học nữa. Ở Thế Hùng luôn hội tụ lòng đam mê và tâm huyết với bất cứ công việc gì mà mình yêu thích". Ông viết nhạc, làm thơ, vẽ tranh, ở loại hình nghệ thuật nào, Thế Hùng cũng ghi dấu ấn của mình. Ông tốt nghiệp lớp Sáng tác khóa 1 của Hội Nhạc sĩ Việt Nam vào năm 1990.

Vào năm 1992, nhạc sĩ Văn Cao từng viết lời bạt cho tập nhạc "Tình khúc mùa hè" của Thế Hùng như sau: "Thế Hùng trăn trở đi tìm cái đẹp. Không phải dễ dàng thấy được mình…" và nhạc sĩ Văn Cao mừng cho những thành công của Thế Hùng. Về hội họa, ông từng tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, khoa Đồ họa. Từ trình bày bìa, ông chuyển sang tạo hình và vẽ tranh tạo hình. Người thầy dạy Thế Hùng vẽ tranh lụa là họa sĩ Mai Long. Năm 1992, ông tổ chức triển lãm tranh lần thứ 1. Giờ ông có cả một gia tài tranh, được nhiều người yêu thích và sưu tập.

Thế Hùng là người hào sảng, quảng giao, bạn bè tứ chiếng. Mấy năm nay, nhiều người bạn thân của ông lâm trọng bệnh. Thế Hùng cũng giật mình với hai chữ “vô thường”. Ông bán tranh, thành lập quỹ “Từ tâm Thế Hùng” để giúp đỡ những người bạn, những văn nghệ sĩ nghèo. May, ông cũng đã kịp giúp nhạc sĩ Thụy Kha, vợ nhà thơ Bế Kiến Quốc… và chắc hẳn, danh sách ấy sẽ còn nối dài…

Hàng ngày, 5h sáng, nhà thơ Thế Hùng dậy ngồi vào bàn viết. Những dự định còn giang dở, ông sẽ tiếp tục hoàn thành, bởi trái tim Thế Hùng vẫn còn đập những nhịp đập tha thiết và yêu thương cuộc đời này.

Linh Nguyễn
.
.