Nhà thơ Thanh Thảo: Yếu mềm với “Hoa ngũ sắc”
Khác với những câu thơ gân guốc và mạnh mẽ mà mình đã viết, nhà thơ Thanh Thảo rất yếu mềm khi nhắc về người vợ đã cùng ông đi qua bao nhiêu năm tháng gieo neo, túng bấn. Kỷ niệm một năm người vợ qua đời, nhà thơ Thanh Thảo vừa ra mắt tập sách có tên gọi "Hoa ngũ sắc" bày tỏ sự thương nhớ của mình.
Nhà thơ Thanh Thảo là tác giả của các tập thơ "Dấu chân qua trảng cỏ", "Khối vuông ru-bích", "Từ một đến một trăm" và các trường ca "Những người đi tới biển", "Những ngọn sóng mặt trời", "Metro", "Chân đất", "Đêm trên cát", "Người khiêng võng", "Bùng nổ của mùa xuân", "Hiển thánh năm 25 tuổi" hoặc "Dạ, tôi là Sáu Dân". Không chỉ sáng tác văn chương, nhà thơ Thanh Thảo còn là một cây bút báo chí cự phách, nhiều năm đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ngãi. Ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001.
Nhà thơ Thanh Thảo có họ tên đầy đủ là Hồ Thành Công. Ông sinh năm 1946 trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Là con trai duy nhất của một cán bộ kháng chiến uy tín khu vực Nam Trung bộ, cậu trai Hồ Thành Công được đưa ra Bắc học ở Trường học sinh miền Nam, sau đó tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Nhiều cơ hội thuận lợi mở ra trước mắt nhưng nhà thơ Thanh Thảo vẫn cương quyết đăng ký phục vụ cho sự nghiệp chống Mỹ ở tiền phương, như chính ông thổ lộ: "Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình/ (Những tuổi hai mươi làm sao không tiếc)/ Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi, thì còn chi Tổ quốc".
Cuối năm 1970, nhà thơ Thanh Thảo nhận công tác ở Tiểu ban Tuyên truyền binh vận của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam. Những khói lửa, những mất mát, những oanh liệt của chiến trường cứ ngấm dần vào tâm hồn ông mà trào ra thành những câu thơ nồng nàn. Tiêu biểu nhất cho thơ Thanh Thảo giai đoạn chiến đấu và sáng tác ở căn cứ Trung ương Cục miền Nam là bài thơ "Một người lính nói về thế hệ mình" chân thành và nhiệt huyết: "Ngày chúng tôi đi các toa tàu mở toang/ Không có gì phải che giấu nữa/ Những thằng lính trẻ măng tinh nghịch ló đầu qua cửa sổ/ Những thằng lính trẻ măng quân phục xùng xình/ Chen bám ở bậc toa như chồi như nụ/ Con tàu nổi hiệu còi rung hết cỡ/ Và dài muốn đứt hơi/ Hệt tiếng gã con trai ồm ồm mới vỡ/ Thế hệ chúng tôi/ Hiệu còi ấy là một lời tuyên bố.../ Chúng tôi qua cái khắc nghiệt mùa khô/ Qua mùa mưa, mùa mưa dai dẳng/ Võng mắc cột tràm đêm ướt sũng/ Xuồng vượt sông dưới pháo sáng nhạt nhòa/ Đôi lúc ngẩn người một ráng đỏ chiều xa/ Quên đời mình thêm tuổi/ Chân dép lốp đạp mòn trăm ngọn núi/ Mà không hề rợp bóng xuống tương lai.../ Thế hệ chúng tôi không sống bằng kỷ niệm/ Không dựa dẫm những hào quang có sẵn/ Lòng vô tư như gió chướng trong lành/ Như sắc trời ngày nắng tự nhiên xanh".
Non sông thống nhất, nhà thơ Thanh Thảo được ra Hà Nội điều dưỡng. Trên mảnh đất Thăng Long, ông đã gặp Ý Nhi, một cô gái Huế đang là sinh viên khoa báo chí. Khoảnh khắc hạnh ngộ người đẹp nhỏ hơn 4 tuổi, được nhà thơ Thanh Thảo gửi gắm trong bài thơ "Bầu trời nâu" viết tháng 12/1975: "Ấy là phút em nhìn/ Bầu trời đổi sắc/ Chuyến tàu chậm qua cầu Long Biên/ Gió dồn lên đầy ắp mặt sông/ Những ngôi sao vùi cát ẩm/ Tất cả đều chầm chậm rời xa/ Tha lỗi cho tôi vì sao tôi gặp em, vì sao tôi đi/ Cô bé ngoan như lá cây, gần như chiếc áo/ Chiếc áo nâu của mẹ của đất/ Ấm che tôi trong màu mắt em nhìn/ Lặng im thôi vì chưa thể lặng im/ Của tiếng nói khiến đời tôi đổi khác/ Chuyến tàu chậm qua cầu Long Biên/ Giá được đi suốt đời giữa mắt em và đất".
Cô sinh viên khoa báo chí Ý Nhi cũng cảm mến nhà thơ Thanh Thảo. Sau 2 năm hẹn hò, họ tổ chức đám cưới vào năm 1977. Tuy nhiên, cuối năm 1979, khi chị Ý Nhi hoàn thành chương trình cử nhân báo chí, vợ chồng mới thực sự sống chung. Dù về quê chồng làm dâu, nhưng chị Ý Nhi lại cùng chồng làm việc ở Quy Nhơn, vì lúc ấy tỉnh Bình Định và tỉnh Quảng Ngãi sáp nhập thành tỉnh Nghĩa Bình. Vợ làm báo địa phương, chồng làm hội văn nghệ, hạnh phúc đơn sơ của họ gói ghém trong căn phòng tập thể 12 mét vuông. Giữa bao gian khó thời bao cấp, nhưng có bàn tay tháo vát của người vợ đảm đang, nhà thơ Thanh Thảo đã có được nhiều tác phẩm vang dội văn đàn cả nước. Công chúng ít ai biết có bóng dáng người phụ nữ nhẫn nại phía sau những câu thơ mơ mộng: "Mang bao khát vọng con người/ Dấu chân nho nhỏ không lời không tên/ Thời gian như cỏ vượt lên/ Lối mòn như sợi chỉ bền kéo qua".
Năm 1989, tỉnh Nghĩa Bình lại tách thành 2 tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi. Vợ chồng Thanh Thảo - Ý Nhi dọn về Quảng Ngãi, tiếp tục cuộc sống phu thê đầm ấm mà chính nhà thơ khẳng định "vợ chồng tôi chia sẻ với nhau từ nghèo khổ, vất vả những năm tuổi trẻ đến sự bình yên thanh thản những năm tuổi già". Hạnh phúc của vợ chồng nhà thơ Thanh Thảo với 10 năm ở Quy Nhơn và 34 năm ở Quảng Ngãi đã khép lại vào ngày 10/5/2023, khi người vợ Ý Nhi qua đời vì bạo bệnh.
Nhà thơ Thanh Thảo nghẹn ngào viết về sự ly biệt âm dương: "Em đi rồi/ Anh rời rạc cả tâm hồn và ý nghĩ/ Ai cũng nói anh phải cố lên/ Nhưng anh biết cố cái gì bây giờ/ Ai cũng mong anh bình tâm/ Nhưng làm sao bình tâm cho được/ Em đi rồi/ Giờ anh như con suối dần cạn nước/ Không biết mình nhớ gì quên gì.../ Bây giờ tất cả anh là một mình/ Như chiếc lá gió thổi bay không định hướng/ Bây giờ anh ngồi trước di ảnh em/ Nói một mình mong em nghe thấy/ Mong em cứ mỉm cười như vậy/ Hai đứa mình lặng lẽ nhìn nhau".
Nhà thơ Thanh Thảo gọi vợ mình là "người mẹ thứ hai" và dành cho "người mẹ thứ hai" sự trân trọng: "Vợ tôi suốt đời sống lành hiền, luôn đứng phía sau và rất kiệm lời, chỉ biết lo cho chồng con, lo cả cho bạn bè, em út, họ hàng. Nói ít, nhưng thể hiện tình thương yêu thì nhiều, trong lặng lẽ. Vợ chồng tôi có nhiều điểm giống nhau trong tính tình, nhưng cùng vì tính ngay thẳng mà thỉnh thoảng có bất đồng. Chuyện nhỏ thôi nhưng tôi thường chọn cách im lặng. Vì vợ tôi thực sự là người chủ trong gia đình, thực sự là chỗ dựa cho tôi, là người lo từng miếng ăn miếng uống cho tôi, mua từng viên thuốc cho tôi. Từ ngày chúng tôi sống với nhau là vợ chồng, thì vợ tôi nhận toàn bộ phần nội trợ, để tôi rảnh rang với bạn bè, rảnh rang sáng tác và viết báo. Dĩ nhiên, viết báo là hoạt động làm thuê có thu nhập không nhiều, nhưng vợ tôi coi đó là phần đóng góp quan trọng nhất của tôi cho kinh tế gia đình".
Sự ra đi của người vợ là một cú sốc đối với nhà thơ Thanh Thảo. Ông vốn nổi tiếng trong làng thơ bằng sự gai góc và sắc sảo, nhưng thơ ông viết về người vợ quá cố lại phơi bày bao nhiêu chống chếnh bơ vơ: "Bỗng một ngày mồ côi vợ/ Chưa bao giờ dám nghĩ/ Đời mình lại tới bước này/ Dù không ai tránh khỏi/ Khi mất rồi mới hay/ Nỗi đau bước vào nhà mình không tiếng động/ Từ đây chỉ còn được sống/ Buồn khổ và biết ơn".
Những người từng biết đến nhà thơ Thanh Thảo qua những trường ca dữ dội và những bài báo bản lĩnh, lại thấy một nhà thơ Thanh Thảo khác, khi ông không còn người vợ bên cạnh: "Cứ nghĩ về em lại trào nước mắt/ Mình sống hiền lành, mình thương nhau thật/ Sao trời bắt chia lìa/ Anh nào dám trách chi số phận/ Chỉ còn bốn năm nữa mình tới đám cưới vàng/ Em lại đứng bên/ anh cười hiền lành như cỏ dại/ ở nơi xa ấy/ em còn nhớ nụ cười anh".
Nhà thơ Thanh Thảo giải thích về sự ủy mị, xót xa của mình: "Nhiều người nói tôi yếu đuối, nhưng làm sao tôi mạnh mẽ được, khi người giúp tôi trụ vững giữa cõi đời này đã không còn nữa. Tôi là người làm việc hằng ngày, viết báo hằng ngày, cứ như tôi là chủ gia đình, vì vợ chồng tôi sống nhờ phần nhiều vào nhuận bút bé nhỏ của tôi. Nhưng, chính vợ tôi mới là người chủ thực sự của gia đình. Hầu hết những lời nói, những ý kiến của vợ tôi hằng ngày đều được tôi lắng nghe và thực hiện. Đơn giản, vì vợ tôi chỉ nói điều phải, nói điều đúng".
Năm nay 78 tuổi, nhà thơ Thanh Thảo đã có một sự nghiệp riêng trong giới cầm bút Việt Nam. Tuy nhiên, tập thơ "Hoa ngũ sắc" với nhiều trang thương nhớ người vợ Ý Nhi cũng góp thêm một góc nhìn để độc giả hiểu thêm về nhà thơ Thanh Thảo. Đời người, xét cho cùng, ân nghĩa phu thê là một tài sản vô cùng quý báu, như nhà thơ Thanh Thảo bộc bạch: "Khi em mất rồi anh mới thấu/ Giá trị thật của vợ mình/ Giá trị ấy không đo bằng bạc tiền hay chức tước/ Chỉ đo bằng lòng tốt/ của một người quen lặng lẽ/ Em nói khi vui, khi thèm chia sẻ/ Nói với các cháu nội bé bỏng nhà mình/ Nói với trẻ con hàng xóm/ Cuộc đời này dù rất vô thường/ Cũng cho em tất cả tình thương/ Và cho anh những tháng năm hạnh phúc/ Trong từng bữa cơm".