Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh: Ở hiền gặp lành
Phạm Ngọc Cảnh (1934 - 2014) là một tên tuổi quen biết trong làng thơ Việt Nam. Ông thuộc lớp gối kề, là cái gạch nối giữa hai thế hệ nhà thơ chống Pháp và chống Mỹ. Ông là tác giả những tập thơ có giá trị lớn về tư tưởng và nghệ thuật như “Ngọn lửa dòng sông”, “Lối vào phía Bắc”, “Đất hai vùng”, “Hương lặng”, “Nhặt lá”, “Đêm Quảng Trị”... Đó cũng là những tập thơ mang lại vinh quang cho ông khi được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007.
Là người luôn trăn trở tìm cách đổi mới về thi pháp, Phạm Ngọc Cảnh luôn đau đáu, khó khăn trong việc tìm tòi ý tứ, câu chữ để tạo nên những bài thơ có tư tưởng sâu sắc và một nghệ thuật biểu hiện không dễ dãi. Thời gian đầu mới làm thơ, ông tỏ ra cầu kỳ, rắc rối trong việc hình thành một bài thơ. Càng về sau, ông đã khắc phục dần để tiếp cận được với số đông công chúng và đã thành công.
Trong sự nghiệp làm thơ của mình, ông để lại hàng trăm bài thơ hay, được nhiều bạn đọc ưa thích. Riêng tôi đặc biệt thích hai bài “Sư đoàn” và “Lý ngựa ô ở hai vùng đất”. Đây cũng là hai bài thơ khiến tôi và ông trở nên quen biết rồi thân thiết, có nhiều kỷ niệm thật đẹp, khó quên.
Số là từ cuối thập niên 70 đến 90 của thế kỷ trước, tôi là giọng nam thể hiện thơ chủ chốt trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Một lần, tôi được người phụ trách buổi Tiếng thơ mời thể hiện hai bài thơ trên của Phạm Ngọc Cảnh. Tên tuổi ông tôi đã nghe, nhưng lúc đó chưa gặp mặt. Đọc kỹ hai bài, tôi thấy thật hay, đều có giọng điệu rất hào sảng, sang trọng.
Riêng bài “Lý ngựa ô ở hai vùng đất” là một bài thơ tình nhưng rất độc đáo, không có cái vẻ ướt át, lãng mạn, điệu đà thông thường dễ thấy ở mọi bài thơ tình khác mà có vẻ gì đó rất đĩnh đạc, chững chạc, đầy tự tin của chủ thể cảm xúc từng qua chiến tranh, nay trở về với dáng vẻ phong trần, oai phong thật đẹp: “Anh lớn lên vó ngựa cuốn về đâu/ Gặp câu hát bên lòng rong ruổi mãi/ Đường đánh giặc chảy xuôi về bến bãi/ Lý ngựa ô em hát đợi bên cầu”.
Bài thơ cứ gieo vào tôi cảm giác bâng khuâng thật khó tả. Khi thể hiện, tôi đã cố gắng diễn tả cảm giác tuyệt vời đó. Bài “Sư đoàn” thì đầy chất tráng ca, hoành tráng và hào sảng. Tôi phát huy hết thế mạnh chất giọng dầy, trầm hùng của mình để thể hiện bài này trên nền nhạc hiện đại với sự phụ họa của đàn piano và sáo flute: “...Này đây doi cát Cửu Long xanh, sư đoàn châu thổ/ Giữa bãi sú, rừng tràm, vụt đứng dậy sư đoàn Nam bộ/ Đón những sư đoàn mừng chiến thắng trở về rập bước ca vang...”.
Trong lúc đang tập qua cho khớp với nhạc đệm, tôi nhìn ra ngoài thấy một người đàn ông lạ mặt. Đến lúc thu xong bài thứ nhất, ra nghỉ giải lao ít phút thì người này tiến đến siết chặt tay tôi với lời cảm ơn vồn vã: “Rất cảm ơn Nguyễn Đình San. Anh đã thể hiện thật sâu sắc, đúng với tinh thần và cảm xúc của tôi. Tôi đã không cầm được nước mắt khi nghe anh thể hiện bài thơ, đã khiến tôi sống lại thời khắc sáng tác bài này”. Tôi biết và quen Phạm Ngọc Cảnh từ phút ấy. Tôi cảm ơn lời ghi nhận của ông và trở vào thu tiếp bài thứ hai (Sư đoàn).
Phạm Ngọc Cảnh ngồi chăm chú lắng nghe từng tiếng, từng lời bài thơ của mình. Xong, ông lại cảm ơn và nói thêm: “Mình để ý thấy Nguyễn Đình San khi đọc bài đầu (Lý Ngựa ô...) tuy mềm mại nhưng vẫn hào sảng, không yếu đuối. Sang bài thứ hai, tuy hùng hồn, rõ chất anh hùng ca nhưng lại cũng sâu lắng chứ không ồn ào, lên gân. Mình rất thích cách thể hiện của ông”.
Rồi ông quay sang nói với cố nhà thơ Trần Mạnh Thường là người lo chương trình Tiếng thơ khi ấy: “Nếu có thể được, Trần Mạnh Thường từ nay hãy phát cái băng đọc này thay vì băng chị Trần Thị Tuyết đã ngâm”. Chẳng là trước đó, cả hai bài đều đã do các chị Trần Thị Tuyết và Linh Nhâm ngâm với nhạc cụ dân tộc. Chị Tuyết ngâm rất hay. Nhưng Phạm Ngọc Cảnh có vẻ thích lối đọc hiện đại hơn là ngâm nga kiểu truyền thống.
Sau đó, ông mời tôi ra quán uống nước, chuyện trò cởi mở. Tuy hơn tôi một giáp (12 tuổi) nhưng ông tỏ ra tôn trọng người bạn vong niên mới, luôn hô tên tôi và xưng “mình” rất thân thiện. Ngay buổi chuyện trò đầu tiên, ông đã tâm sự chân thành nhiều điều về nghề nghiệp, chuyện thơ phú, nghệ thuật. Cũng hôm đó, lần đầu tiên, tôi biết ông từng là diễn viên kịch nói Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị, đã đóng vai Trung úy Phương trong vở kịch nổi tiếng có tên “Nổi gió” của Đào Hồng Cẩm mà tôi đã được xem từ nhiều năm trước. Hóa ra nhân vật chính trong vở mà tôi từng ngưỡng mộ cách diễn rất nhập vai của diễn viên lại đang ngồi trước mặt mình.
Thật thú vị. Tôi nói với ông rằng cả vở kịch và bộ phim cùng tên “Nổi gió” tôi đều đã xem, thấy nhân vật trong vở kịch do ông vào vai chính có phần gần gũi với thực tế hơn mặc dù nhân vật này trong phim đẹp trai nhưng có vẻ lính cậu, công tử quá chứ ít chất lính tráng. Nhân vật do ông đóng thật hơn, có vẻ sù sì, rất lính, gần gũi với đời hơn. Phạm Ngọc Cảnh rất tâm đắc với nhận định này của tôi và nói: “Có gì đâu. Vì đạo diễn chọn diễn viên Thế Anh đẹp trai quá, trong khi mình không đẹp như vậy”.
Sau đó, thi thoảng tôi và Phạm Ngọc Cảnh lại gặp nhau. Lúc đầu đến chơi với nhau ở cơ quan. Ông sống ở khu tập thể Nhà máy gỗ dán Cầu Đuống bên Gia Lâm nên chỉ thỉnh thoảng mới sang cơ quan là Tạp chí Văn nghệ quân đội ở số 4 Lý Nam Đế (Hà Nội). Ông tranh thủ rẽ đến chơi với tôi tại Tạp chí Văn hóa - Nghệ thuật ở 26 Điện Biên Phủ. Tôi rất quý sự hiểu biết thông thái và sâu sắc của ông về văn hóa văn nghệ, phong cách giản dị, cởi mở, hòa đồng và trùm lên tất cả là một ngọn lửa cháy bỏng niềm đam mê sáng tạo.
Rồi một ngày kia, Phạm Ngọc Cảnh mời tôi sang nhà ông ở bên Gia Lâm chơi. Tôi chứng kiến cuộc sống của ông mà cảm kích nhà thơ mình rất có thiện cảm ngay từ phút đầu tiếp xúc. Ông chăm sóc người vợ Vũ Thị Tỵ bị liệt đã trên chục năm. Hai người đến với nhau từ mối tình thật đẹp khi cùng là diễn viên Đoàn văn công quân đội. Khi ấy, ông ở Đoàn Kịch, bà là diễn viên múa ở Đoàn ca múa. Về sau, do quá say thơ mà lao vào sáng tác rồi chuyển về biên tập thơ ở Tạp chí Văn nghệ quân đội. Bà chuyển sang làm công nhân ở Nhà máy gỗ dán Cầu Đuống.
Sau lần bị tai biến, bà liệt toàn thân, mọi sinh hoạt cá nhân đều do ông trợ giúp. Hoàn cảnh không cho phép thuê người giúp việc và ông cũng muốn tự mình chăm sóc vợ. Quả là trong đời, tôi mới thấy ông là người chồng thứ hai vất vả chăm vợ nhưng rất chu đáo trong một thời gian dài. (Người nữa là nhạc sĩ Lương Ngọc Trác). Ông nói với tôi: “Khi vợ khỏe không sao, lúc bệnh tật cần đến mình thì không thể tỏ sự mệt mỏi sẽ khiến vợ suy nghĩ, buồn phiền”. Vậy nên lúc nào ông cũng vui vẻ, hài hước cho bà thấy thoải mái, nhẹ lòng.
Thời gian này, một lần ông được Trường bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du mời đến nói chuyện cho một số cây bút mới sáng tác ở các địa phương nghe. Trong số này có cô Cao Giáng Hương là một tác giả trẻ quê Thanh Hóa. Cô ngưỡng mộ thơ và tính cách của Phạm Ngọc Cảnh nên đã rủ bạn sang nhà thăm ông. Chứng kiến người vợ của ông bị liệt giường, cô rất thương cảm nên sau đó đã trở lại chăm sóc bà. Cô tắm cho bà thật khéo khiến bà ngỏ ý muốn có dịp thì Hương lại sang chơi để tắm giúp. Hương đã hứa rồi thực hiện đúng. Cử chỉ của Giáng Hương khiến nhà thơ vô cùng cảm động.
Mấy năm sau, bà Tỵ qua đời. Còn lại Phạm Ngọc Cảnh sống vò võ, cô đơn. Vợ mất được đúng 50 ngày thì ông bị tai biến rồi sức khỏe nhanh chóng suy sụp. Sau đó một thời gian, thấy tình cảnh ông quá bi đát, cô Giáng Hương đã đưa thi sĩ vào nhà mình ở Thanh Hóa để chăm sóc, nâng khăn sửa túi. Phạm Ngọc Cảnh sống những ngày cuối đời bên người vợ thứ hai hạnh phúc, êm đềm. Nhờ vậy, ông khỏe được hơn trước nhưng cũng chỉ kéo dài được thêm ít năm. Đến năm 2014, ông qua đời, hưởng thọ 80 tuổi.
Sự kết tóc của nhà thơ với Giáng Hương được mọi người đồng tình. Ai cũng thấy đó là sự gặp gỡ thật nhân văn và nói rằng nhà thơ đã ở hiền nên gặp lành. Việc Giáng Hương đến với nhà thơ ngoài sự mến phục tài năng, tính cách còn một điểm rất quan trọng, đó là cô đã chứng kiến ông rất tốt, rất có trách nhiệm với vợ trong những ngày dài bà Tỵ ốm liệt gường. Hương rất cảm phục để không một chút đắn đo khi quyết định đến với nhà thơ lúc ông đã cuối đời, lại ốm đau, bệnh tật.