Nhà thơ Lê Thành Nghị hôm qua văng vẳng vọng về...
Tâm hồn thơ Lê Thành Nghị đa cảm và tinh tế. Ông luôn biết làm mới những điều đã cũ, tưởng cũ. Dù mới hay cũ nhưng chỉ có hai loại, hay và chưa hay, áo quần có thể theo mode, tâm hồn không thể “thời trang”.
1. Người ta thường nói “chẳng hẹn mà gặp”, nhưng nhà thơ Lê Thành Nghị đã nhiều lần được đón anh em, đồng nghiệp tại ngôi nhà của mình ở quê nhà. Phải người sống nặng tình với con người, cuộc đời, bạn bè mới tìm về.
Xã Tân Lộc, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh là nơi nhà thơ Lê Thành Nghị cất tiếng khóc chào đời, lấm láp cùng cát mặn, gió phèn. Mảnh vườn xưa của cha ông để lại, nhà thơ Lê Thành Nghị xây nhà thờ ở chính giữa, bên trái dành cho người em; bên phải, chừng 30 mét vuông, là gian phòng hai ngăn; ngoài tiếp khách, trong là nơi nghỉ mỗi lần ông về quê.
“Ngày xưa cơn mưa Ngàn Hống/ Lầy lội con đường gánh cỏ/ Nước tràn qua kênh, bạt vườn trận gió/ Tháng ba hoa bầu bên ngọn bí xanh” (Ngày xưa).
Trong vườn nhà ông vẫn còn cây ổi tàu dễ đến trăm tuổi, dẫu thân cây không lớn. Dân gian còn gọi là ổi lá kim, ổi sẻ. Thời xưa, khi trẻ con đau bụng, các bà mẹ thường ngắt mấy lá ổi dầm nước cho uống thế là khỏi, dù cổ họng đắng nghét. Không gian nhiều cây xanh. Thật đúng “Cây vườn thức với gió” như tên một tập sách của nhà lý luận phê bình Lê Thành Nghị.
Đúng là gió. Nhiều gió nữa là khác. Quê nhà của Lê Thành Nghị nằm cuối dãy Hồng Lĩnh, không xa là biển. Phía trái con đường vào nhà ông là cánh đồng ngan ngát, kênh xanh tươi mát, sóng lúa rì rào. Xưa Hạ Can là vùng nghèo của Can Lộc, năm 2007 khi thành lập huyện Lộc Hà, Tân Lộc và các xã Hạ Can mới được “cắt” về đó. Khi chưa “ngọt hóa” sông Nghèn, đồng đất Tân Lộc chủ yếu là khoai lang và cát.
Ký ức quê kiểng, thuở khó nhọc hiện lên mồn một trong thơ ông. Lê Thành Nghị thuở thiếu thời từng theo mẹ đi chợ huyện, tóc đơm gió cát, vướng vất mùi cá nướng, từ chợ phiên ven biển này. Chợ phiên ấy gọi là chợ huyện.
“Mai mốt em về đi Chợ Huyện/ Mưa bay như bụi phiên đông người/ Ngàn hạt mưa bay ngàn thương mến/ Có nhớ ngày xuống chợ cùng tôi” (Chợ Huyện).
Thuở thiếu thời, Lê Thành Nghị lên huyện lỵ học cấp 3. Thị trấn Nghèn bên dòng sông cùng tên, vì thế trở thành một phần ký ức tâm hồn. “Sông Nghèn ngày gặp lại”, “Thị trấn có con đường nhỏ”, “Đêm chiến tranh qua sông Nghèn” cho thấy, Lê Thành Nghị luôn nâng niu ký ức. Hay, nói cách khác, những nơi ông đã sống, đã đi qua được ông gìn giữ, tâm hồn vì thế luôn đầy lên, giàu lên.
Ngồi ngắm khu vườn xưa của nhà thơ Lê Thành Nghị, tôi nhớ bài thơ “Trong vườn nhà” của ông. Trong khu vườn ấy, hẳn Lê Thành Nghị luôn thấy bóng mẹ, dáng cha, kể cả bóng chính mình những ngày còn thơ bé, lạ lẫm, rụt rè, nhút nhát và những bài học luân lý được người cha dạy dỗ.
“Thưa cha/ Bao lần trở lại vườn nhà ta/ Con cứ đứng run run sau cây mít mật/ Như hôm nào đứng núp lén nhìn cha/ Rời nhà trong nước mắt” (Trong vườn nhà). Lê Thành Nghị là con của một nhà Nho, dạy chữ cho trẻ em nghèo, ở nhiều vùng quê.
Lê Thành Nghị trò chuyện mải mê với các bạn văn, ngay trên đất hương hỏa. Ông từng mơ ước: “Trở về làm cơn mưa sạch/ Như mưa thời trẻ trung/ Thơm suốt chiều hư tưởng/ Ướt một bờ đỏ thắm hoa mưng” (Miền đất quê hương). Sau khi nghỉ hưu, Lê Thành Nghị và phu nhân thường hay về quê. Ngoài “nghĩa vụ” của người con trưởng, đấy còn là nơi thuộc về ông.
“Ôi miền đất, nếu có thể mang người trên vai/ Xin sẽ mang theo suốt đường dài”, Lê Thành Nghị thổn thức, khắc khoải. Thực tế là, miền đất quê hương luôn được ông mang trong trái tim, từ lúc ra trận, cho đến những năm tháng ở Hà Nội, kể cả ra nước ngoài làm luận án tiến sĩ.
Những năm cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, ông ra Hà Nội học. Đầu năm 1972, nhà thơ Lê Thành Nghị nhập ngũ khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vào giai đoạn quyết liệt. Hoàn thành nhiệm vụ, ông trở về đầu quân cho Tạp chí Văn nghệ quân đội.
2. Nhà thơ Lê Thành Nghị là người ít nói. Thuở cha sinh mẹ đẻ đã vậy. Thơ ông xác tín. Trong bài thơ “Sông Nghèn ngày trở lại” có câu: “Con sông thì thầm điềm tĩnh chảy giữa bờ ngô”. Ông là người điềm tĩnh, đến lượt thơ cũng điềm tĩnh.
Nhà lý luận phê bình văn học Bùi Công Thuấn có nhận xét thơ Lê Thành Nghị “vừa dung dị, dân dã, vừa sang trọng, thanh cao”. Nhận xét hiểu người, hiểu văn bản. Thơ Lê Thành Nghị không mới, dẫu quan niệm về “mới - cũ” còn phải bàn cãi.
Tâm hồn thơ Lê Thành Nghị đa cảm và tinh tế. Ông luôn biết làm mới những điều đã cũ, tưởng cũ. Dù mới hay cũ nhưng chỉ có hai loại, hay và chưa hay, áo quần có thể theo mode, tâm hồn không thể “thời trang”.
Bộ tác phẩm mới nhất của ông là “Bóng người trong bóng núi” (tiểu luận phê bình) và “Hoa vàng mấy độ” (thơ), NXB Hội Nhà văn, tháng 10/2024. Ông vẫn bền bỉ cống hiến cho văn học trên cả hai lĩnh vực. Tập thơ “Hoa vàng mấy độ” gồm 45 bài; tập lý luận phê bình “Bóng người trong bóng núi”, cũng giống như “Cây vườn thức trong gió” năm 2021 - tên tác phẩm đã đầy chất thơ.
Bài thơ “Gió Tuy Hòa” là một trong những bài thơ điển hình giới thiệu tâm hồn thơ đa cảm, hướng nội cũng như thi pháp. Thơ Lê Thành Nghị nồng sàn suy tư.
“Cơn gió cũ chẳng bao giờ cũ/ Mặt biển xanh như càng xanh mê/ Con sóng lạ hình như chẳng lạ/ Từ ngoài xa từng đợt rối rít về”, nhà thơ phác ra hai câu hỏi, từ những điều dung dị, từ hiện thực thiên nhiên mà ông quan sát.
“Bông hoa nào hôm nay nhìn thấy/ Vạt hoa vàng miên man lối đi/ Hạt cát nào trên tay còn lại/ Dọc lối mòn dấu chân em qua”; “Lời ai hát dạt dào như sóng/ Biển ngoài kia cũng lặng giữa bao la/ Như để lại một vết mờ rất mỏng/ Cánh buồm xa đang gọi chân trời xa”. Khổ thứ hai và thứ ba của bài thơ tiếp tục là những suy tư của nhà thơ trước biển.
“Những buồn đau giờ chìm sâu tận đáy/ Ưu phiền qua nông nổi cũng đi qua/ Đêm mưa muộn làm thế gian thức dậy/ Nghe ngoài hiên từng đợt gió Tuy Hòa”. Tuy Hòa là thành phố biển, địa danh nơi nhà thơ đến, nhưng “tuy hòa” trong Hán Việt có nghĩa là bình tĩnh, khoan hòa, chia sẻ. Có như thế, những “buồn đau” mới “chìm sâu tận đáy”. Đó là tư duy của vô thường, là giác ngộ huyền không.
Đọc thơ Lê Thành Nghị, biết ông nặng lòng với quê hương, rưng rưng nỗi niềm xứ sở. Trong “Lê Thành Nghị tuyển tập”, cách đây 5 năm có 15 bài ông viết về quê hương Hà Tĩnh. Trong tập “Hoa vàng mấy độ”, quê hương hiện lên trong “Ngày xưa”, “Đêm chiến tranh qua sông Nghèn”, “Nhớ một lần về quê”, “Trở lại Hương Sơn”...
Có lẽ, không nhà thơ nào không viết về quê hương. Cánh đồng, bờ đê, tiếng sáo, mục đồng... những hình ảnh nghệ thuật này không thể thiếu trong thơ các nhà thơ sinh ra và lớn lên ở làng. Quê hương từ phạm vị hẹp là cố thổ, đến phạm vi rộng là đất nước luôn là một chủ đề lớn trong thơ ông.
Là một người vốn làm công tác nghiên cứu văn học, dẫu viết về quê hương, thơ Lê Thành Nghị luôn có xu hướng làm bật lên tầng nghĩa suy cảm, triết luận. “Rồi đi chín núi mười sông/ Tôi như hạt nước về nguồn vậy thôi/ Đang vui câu chuyện “rừng cười”/ Chợt dừng chân đã đến rồi bến sông” (Đêm chiến tranh qua sông Nghèn).
...
Tôi đi trăm núi ngàn non
Cái mất thì nhớ, cái còn thì thương
Mấy ai tính hết vô thường
Dáng người dẫu vắng, mùi hương mãi còn
(Trở lại Hương Sơn)
3. Lê Thành Nghị vừa làm thơ vừa viết lý luận phê bình. Cho đến nay nhà thơ Lê Thành Nghị đã có 14 tác phẩm chính. Hai lĩnh vực có vẻ “mâu thuẫn”: Thơ cần lãng mạn, bay bổng; lý luận phê bình lại đòi hỏi triết luận, tính khoa học, khúc chiết... Lê Thành Nghị giữ được cân bằng nhờ sự điềm tĩnh trong tâm hồn, điềm đạm khi suy tư, kể cả sự cập nhật tri thức, thế cuộc.
PGS.TS Nguyễn Đức Hạnh ngạc nhiên, ngay từ câu đầu trong lời giới thiệu cho “Bóng người trong bóng núi”: “...tôi ngỡ ngàng về bút pháp vẽ chân dung bằng ngôn ngữ, vừa uyên bác vừa tài hoa và giàu chất thơ của Lê Thành Nghị”. Lê Thành Nghị là một tên tuổi trong việc thẩm định văn chương, luôn có ý thức tìm tòi, phát hiện.
Nhà thơ Lê Thành Nghị có lẽ là người “hiếm hoi” đạt được thành tựu ở cả hai lĩnh vực. Ông từng được Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, Giải thưởng của Lý luận phê bình.
“Ta đã đi gần cuối con đường” nhưng “Ta cũng trẻ như ngày xưa gió hát”. Đọc bài “Ta với mọi người”, trong tập “Hoa vàng mấy độ” nhận ra tâm hồn Lê Thành Nghị vừa giàu chiêm nghiệm, vừa trẻ trung, dẫu ông đã “mon men” bát thập.
Ngày 20/11/2024