Nhà thơ Hoàng Cát - người coi thơ là đặc sản của tâm hồn

Chủ Nhật, 14/07/2024, 10:51

Nhà thơ Hoàng Cát vừa đi về miền mây trắng vào ngày 1/7/2024, thọ 83 tuổi sau nhiều năm chống chọi với căn bệnh ung thư. Cuối năm trước, ngày 11/12/2023, Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức buổi tọa đàm nhân ra mắt tuyển tập thơ "Cõi người" dày ngàn trang của nhà thơ Hoàng Cát do NXB Hội Nhà văn ấn hành. Không ngờ đấy là lần cuối cùng, ông có dịp tâm sự với độc giả thơ và bạn bè văn chương những điều liên quan đến cuộc đời nhiều khó nhọc, gian truân của mình.

Nhà thơ Hoàng Cát sinh ngày 1/1/1942, quê xã Hùng Tiến, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội đã qua đời chiều 1/7/2024. Thời trẻ, Hoàng Cát học Trường Trung cao Cơ điện Hà Nội năm 1960, làm cán bộ kỹ thuật tại nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo năm 1963, rồi vào chiến đấu tại chiến trường Thừa Thiên - Huế. Năm 1971 ông ra Bắc vì bị thương, mất một chân, và tiếp tục làm thơ viết văn từ đó cho đến cuối đời. Ông là tác giả của hơn chục tập thơ và truyện ngắn với nhiều thăng trầm trong cuộc sống.

Thơ phải giàu cảm xúc cao độ mới có thơ hay

Cuộc tọa đàm về thơ và cuộc đời Hoàng Cát do Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức vào ngày 11/12/2023 đã diễn ra rất ấm cúng với sự quan tâm, chia sẻ của nhiều bạn hữu văn chương và độc giả thơ. Hoàng Cát vui vẻ đến từ sớm với chiếc xe thương binh chất đầy sách là tuyển tập thơ "Cõi người" dày cả ngàn trang vừa in tháng 8/2023 của ông. Hôm đó, ông vừa đọc thơ, bán thơ, tặng thơ và trải lòng với độc giả thơ và bạn bè về cuộc đời thi sĩ đầy gian truân của ông.

nhà tho hoàng cát copy.jpg -0
Nhà thơ Hoàng Cát tại buổi tọa đàm 11/12/2023 và ảnh bìa tuyển tập thơ “Cõi người”.

Trò chuyện với bạn bè văn chương hôm ấy, nhà thơ Hoàng Cát dứt khoát cho rằng: "Thơ phải giàu cảm xúc mà phải là thứ cảm xúc cao độ may ra mới có thơ hay; nhiều trường hợp phải "cực đoan" trong cảm xúc mới có được những sáng tạo đặc sắc. Vì thơ là đặc sản của tâm hồn, là sản phẩm của những tâm hồn phong phú, giàu cảm xúc, nhiều tâm trạng, lắm trăn trở trước những vấn đề của cá nhân hay toàn xã hội".

 Tiếp theo, Hoàng Cát đọc thơ, cả hội trường lặng đi nghe ông đọc bài thơ "Đêm bệnh viện" với những câu thơ buồn day dứt: "Từng là lính. Ta chưa từng sợ chết/ Ung thư ơi! Mi hành hạ chi ta?/ Mi chỉ khiến đời ta thêm cay đắng/ Thêm khổ đau-khi ta đã về già/ Đêm bệnh viện dài hơn Đêm Trung cổ/ Thời gian đi-như Hà Nội tắc đường/ Ta nằm nghe trái tim mình loạn nhịp/ Nhịp ngựa lồng-bởi tràn ứ yêu thương…".

Giọng Hoàng Cát khỏe và trầm ấm, ông đọc thơ khá truyền cảm. Thơ ông chân chất, giản dị, thật thà, khó nhọc như chính cuộc đời ông với mong ước: "Nếu ta còn nữa kiếp sau/ Xin đừng bắt phải khổ đau làm người/ Cho làm một áng mây trời/ Cho làm một nụ hoa tươi-rồi tàn/ Cho làm làn gió miên man/ Hay làm ngọn cỏ mọc hoang ven rừng/ Nghĩa là:- trăm lạy, xin đừng/ Bắt ta phải lộn: quay vòng nhân gian…" ("Kiếp sau" - thơ Hoàng Cát).

Buổi đầu đến với văn chương, Hoàng Cát đã phải chịu tai nạn nghề nghiệp với truyện ngắn thiếu nhi "Cây táo ông Lành" đăng trên Báo Văn nghệ bị suy diễn vì liên quan đến tên thật của nhà thơ Tố Hữu. Và cả chục năm sau đó, Hoàng Cát dường như bị "treo bút" không được in ấn gì, cuộc sống gia đình gặp muôn vàn khó khăn, phải bươn chải đầu tắt mặt tối, làm thêm hàng chục nghề phụ để mưu sinh. Cho đến thời đổi mới 1991, ông mới tiếp tục được in thơ và truyện ngắn, và tại cuộc tọa đàm 11/12/2023 nói trên, Hoàng Cát xin mọi người không nhắc đến chuyện đó nữa vì sau này, nhà thơ Tố Hữu và ông đã thông cảm và coi nhau như bạn bè.

Từ hai bài thơ tình Xuân Diệu viết tặng Hoàng Cát

Nhớ lại quãng thời gian gắn bó thân thiết thuở đầu đời với nhà thơ Xuân Diệu, trong đôi lời tự bạch của mình, nhà thơ Hoàng Cát cho biết đã tình cờ gặp Xuân Diệu vào năm 1958 khi nhà thơ đi thực tế sáng tác ở Nghệ An. Khi ấy, Hoàng Cát mới là chú bé 16 tuổi, đang đi tìm trâu lạc ngoài đồng, chợt thấy một người khách "kỳ lạ" đang ngồi ăn dở cái bánh tày ở phiên chợ quê bên đường quốc lộ. Nhìn thấy Hoàng Cát đi thất thểu, đầu đội nón, mồm nghêu ngao gọi trâu: "Tru ơi, mi chạy đi mô rứa/ Tru gấy kêu mi đi lộ mô…".

Thế là Xuân Diệu vẫy tay gọi Hoàng Cát lại, cười hỏi: "Em tìm trâu lạ hửa/ vô đây ngồi với anh một lát, anh cho cái bánh rất ngoong nè…". Hoàng Cát thẹn đỏ bừng cả hai tai, bẽn lẽn cúi đầu nhìn xuống hai bàn chân đi đất của mình, bùn truộng bám đầy, không dám cầm cái bánh tày mà nhà thơ chìa ra trước mặt. Xuân Diệu đứng vụt dậy, nói hơi to: "Em cứ ăn tự nhiên đi cho đỡ đói. Anh cho thật đó. Cái cách em gọi con trâu của em hay thiệt nghen, sau này có thể trở thành nhà thơ cũng chưa chừng đâu. Cố mà học thiệt giỏi, rồi tìm cách ra Hà Nội, đến Hội Nhà văn Việt Nam hỏi Xuân Diệu thì ai họ cũng chỉ cho em đến tận nhà riêng của anh, anh bày thêm cho, em rất có năng khiếu thơ ca".

Khi ấy, chú bé Hoàng Cát hoàn toàn chưa hiểu thế nào là năng khiếu, thế nào là thơ ca, tự dưng chảy hai hàng nước mắt. Ông khách "kỳ lạ" là nhà thơ Xuân Diệu mặc bộ bà ba đen, đi đôi dép cao su, đội cái mũ lá cọ rách xơ mấy chỗ, lên xe đạp xuôi Vinh… Sau cuộc gặp định mệnh nói trên, mấy năm sau, Hoàng Cát lên Hà Nội đi học và gặp nhà thơ Xuân Diệu ở Trường Viết văn Quảng Bá của Hội Nhà văn Việt Nam.

Ông cho rằng: "Số phận đã cho hai anh em chúng tôi kết nghĩa vĩnh viễn với nhau: Xuân Diệu và Hoàng Cát. Anh Xuân Diệu bao bọc tôi trong tình yêu cao cả, lo cho tôi nhiều thứ. Từ đấy, tôi bắt đầu và chính thức hoan hỉ ngụp lặn vào thế giới văn chương, thế giới thi ca, tôi đọc say sưa, ngấu nghiến, quên cả ăn cả ngủ như "húp" lấy từng bộ sách Nga, Pháp, Anh, Trung Quốc… được dịch sang tiếng Việt lúc đó. Đủ thể loại, đủ trường phái. Tôi đọc theo trình tự với sự chỉ bảo, hướng dẫn của nhà thơ Xuân Diệu và Huy Cận là chính…".

Tuy phải nếm trải nhiều nỗi thăng trầm trên đường đời như vậy, nhưng thơ Hoàng Cát luôn hướng về tình yêu cuộc sống và con người trên thế gian này. Trong bài thơ "Cát bụi đời tôi" ông viết: "Tên là CÁT-tôi sẽ rồi cát bụi/ Giữa mênh mang bất tận cõi đời này/ Tôi đã sống hết mình là hạt cát/ Đẹp lung linh bên biển biếc nắng vàng/ Ru du khách bao chiều hè mê mẩn/ Biển cùng tôi lăn sóng-gió miên man/ Là cát bụi-mà không là cát bụi/ Vẫn mặc nhiên, lặng lẽ mãi bên đời/ Tôi hạnh phúc, tôi vô cùng sung sướng/ Hạt cát vàng - biển biếc của đời tôi". Bài thơ này của ông khiến ta nhớ tới bài thơ tình nổi tiếng của nhà thơ Xuân Diệu viết tặng Hoàng Cát.

Thời trai trẻ, Hoàng Cát được nhà thơ Xuân Diệu coi như một người em kết nghĩa rất thân thiết và chăm sóc, dìu dắt vào nghề thơ. Khi nhắc đến cố nhà thơ Xuân Diệu và bạn bè văn chương thời trai trẻ, nhà thơ Hoàng Cát đã ngậm ngùi, trào rơi nước mắt khi biết ơn Xuân Diệu.

Không ít người biết "mối tình trai" giữa nhà thơ Xuân Diệu và "em" Hoàng Cát thuở ấy mà bài thơ "Biển" nổi tiếng của ông hoàng thơ tình Xuân Diệu viết tặng Hoàng Cát vào ngày 4/4/1962: "Anh không xứng là biển xanh/ Nhưng anh muốn em là bờ cát trắng/ Bờ cát dài phẳng lặng/ Soi ánh nắng pha lê/ Bờ đẹp đẽ cát vàng/ Thoai thoải hàng thông đứng/ Như lặng lẽ mơ màng/ Suốt ngàn năm bên sóng…/ Anh xin làm sóng biếc/ Hôn mãi cát vàng em/ Hôn thật khẽ, thật êm/ Hôn êm đềm mãi mãi/ Đã hôn rồi, hôn lại/ Cho đến mãi muôn đời/ Đến tan cả đất trời/ Anh mới thôi dào dạt…/ Cũng có khi ào ạt/ Như nghiền nát bờ em/ Là lúc triều yêu mến/ Ngập bến của ngày đêm/ Anh không xứng là biển xanh/ Nhưng cũng xin làm bể biếc/ Để hát mãi bên gành/ Một tình chung không hết/ Để những khi bọt tung trắng xóa/ Và gió về bay tỏa nơi nơi/ Như hôn mãi ngàn năm không thỏa/ Bởi yêu bờ lắm lắm, em ơi". Nhà thơ Hoàng Cát cho biết, bài thơ này nằm trong cuốn sổ tay đã ố vàng của ông với dòng chữ chép tặng của Xuân Diệu "Tặng em Hoàng Cát của anh".

Đáng chú ý, trong buổi tọa đàm về thơ Hoàng Cát tại Hội Nhà văn Hà Nội, ông đã ngậm ngùi đọc lại bài thơ "Em đi" của Xuân Diệu viết tặng lúc Hoàng Cát lên đường đi bộ đội vào năm 1965. Ông xúc động nhắc tới câu thơ "Em ơi, anh thấy như anh đứng/ Ôm mãi chân em chẳng chịu lìa" như dự báo chuyện ông mất một chân khi trở về là thương binh trong bài thơ này: "Em đi, để tấm lòng son mãi/ Như ánh đèn chong, như ngôi sao./ Em đi, một tấm lòng lưu lại/ Anh nhớ thương em, lệ muốn trào/ Ôi Cát! Hôm vừa tiễn ở ga/ Chưa chi ta đã phải chia xa!/ Nụ cười em nở, tay em vẫy/ Ôi mặt em thương như đóa hoa/ Em hỡi! Đường kia vướng những gì/ Mà anh mang nặng bước em đi/ Em ơi, anh thấy như anh đứng/ Ôm mãi chân em chẳng chịu lìa/ Nhưng bóng em đi đã khuất rồi,/ Đứt lìa khúc ruột của anh thôi!/ Tình ta như mối dây muôn dặm/ Buộc mãi đôi chân, dẫu cách vời/ Em hẹn sau đây sẽ trở về/ Sống cùng anh lại những say mê/ Áo chăn em gửi cho anh giữ/ Xin gửi cùng em cả hẹn thề/ Một tấm lòng em sâu biết bao/ Để anh thương mãi, biết làm sao/ Em đi xa cách, em ơi Cát/ Em chớ buồn, nghe! Anh nhớ, yêu".

Giờ đây, nhà thơ Hoàng Cát đã từ bỏ cõi đời này để gặp lại nhà thơ Xuân Diệu và bạn bè ở miền mây trắng như câu thơ viết tặng người thầy, người anh yêu mến: "Chao ôi anh Diệu, em yêu mãi/ Muốn riết thêm anh được một lần/ Không phải tình yêu đôi trai gái/ Tình yêu Cát Diệu ấy Tình thân".

Nguyễn Việt Chiến
.
.