Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền: "Có giời nào đày tôi đâu!"
Nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền là cái tên gắn với một số di sản của Việt Nam đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại như: cồng chiêng Tây Nguyên, ca trù. Cho đến nay, ông đã dành hơn 30 năm để theo đuổi việc nghiên cứu và đắm say cùng nhiều loại hình âm nhạc cổ.
Cuốn sách “Âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên” vừa ra đời là một công trình đầy tâm huyết, là kết quả của những ngày nắng gió lăn lộn ở Tây Nguyên và những đêm dài thao thức. Báo Văn nghệ Công an có cuộc trò chuyện với nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền.
- Thưa nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, có thể nhận thấy anh đã thực sự rất hạnh phúc khi cuốn sách “Âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên” ra đời. Anh có thể chia sẻ về điều này?
+ Sở dĩ tôi cảm thấy hạnh phúc vì mình đã làm hết sức mình để lưu lại những giá trị của cồng chiêng Tây Nguyên về mặt khoa học. Cho đến nay, nhìn những gì đang diễn ra, sự mai một về văn hóa tại Tây Nguyên, tôi cũng thấy mãn nguyện vì những vất vả, cố gắng và tâm huyết của tôi để lưu giữ cồng chiêng Tây Nguyên bằng các thông số khoa học trong cuốn sách này. Để sau này, con cháu mình nó biết là cha ông ta đã từng có những thứ quý giá như thế và nếu muốn phục dựng lại thì có thể căn cứ vào đó để làm được.
- Anh đã đến với công trình nghiên cứu để hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận cồng chiêng Tây Nguyên là di sản văn hóa phi vật thể như thế nào?
+ Đầu tiên, nó là công việc do cơ quan giao thôi. Lúc nhận được yêu cầu vào Tây Nguyên lấy tư liệu để làm hồ sơ trình UNESCO, khi đó vợ tôi còn đang mang thai tháng cuối cùng nên rất ngần ngại không muốn đi, nhưng cuối cùng vẫn lên đường. Trước khi tôi đi, thầy Tô Ngọc Thanh gọi tôi đến nhà và dặn 2 điều: “Thang âm cồng chiêng người ta chưa đo bao giờ thì cháu thử đo xem và các bản nhạc cồng chiêng cố gắng ký âm và phân tích nó”. Cụ chỉ nói thế thôi, còn làm như thế nào là tự mình phải mày mò để làm. Tôi vừa đi điền dã, vừa nghe, vừa học và phát hiện ra mô hình cố định của nhạc cồng chiêng. Từ đó đã hoàn thành được việc ký âm các bản nhạc ấy.
- Như anh từng chia sẻ, GS Trần Văn Khê - người khi đó được UNESCO giao trọng trách đánh giá, thẩm định bộ hồ sơ cồng chiêng Tây Nguyên đã rất ngạc nhiên với bộ tổng phổ các bản nhạc cồng chiêng Tây Nguyên đã được ký âm của anh?
+ Năm 2005, GS Trần Văn Khê về Hà Nội và gọi tôi đến khách sạn yêu cầu trình bày những nghiên cứu của mình. Đối với tôi, buổi gặp gỡ đó sẽ mãi đi vào lịch sử! Thầy liên tục đặt câu hỏi phản biện, còn trò cứ thế say sưa giải trình như thể mình đang đứng giữa buôn làng Tây Nguyên. Tôi cảm thấy hạnh phúc vỡ òa khi có thể chia sẻ mọi điều về cồng chiêng Tây Nguyên với một người thầy già và ông nhanh chóng hiểu được những nghiên cứu mới mẻ đó của tôi. Khi nghe tôi trình bày kỹ thuật thu thanh của riêng mình để tách âm mô hình tiết tấu từng chiêng cồng thành viên như thế nào, ông rất xúc động khen tôi sáng tạo trong tác nghiệp, thích ứng với điều kiện của Việt Nam. Ông còn nhận xét cách làm của tôi giống hệt 1 nhà dân tộc nhạc học nổi tiếng người Pháp nghiên cứu dân ca 5 bè người Pygmy châu Phi.
- Thời điểm năm 2004 anh vào Tây Nguyên điền dã và nghiên cứu về cồng chiêng Tây Nguyên, không gian diễn xướng cồng chiêng Tây Nguyên có còn đậm nét không hay đã mai một đi nhiều? Hiện trạng bây giờ ra sao?
+ Lúc đó, không gian biểu diễn cồng chiêng đã bị mai một nhiều rồi, có nơi còn phải mang ra bãi đất trống ven đường cái biểu diễn vì không còn nhà rông, không còn các lễ hội cổ truyền. Bởi lẽ có nhiều nơi đồng bào thay đổi tín ngưỡng, theo đạo Tin lành, đạo Thiên chúa nên có ít cơ hội biểu diễn, có nơi còn mất hẳn. Nhưng cũng có nơi còn giữ được khá nguyên vẹn, như một số làng dân tộc Ba Na, Gia Rai, Xê Đăng ở phía Bắc Trường Sơn. Còn một số nơi thì phải chấp nhận thực tế thôi. Tháng 4/2021, tôi có dịp trở lại Tây Nguyên, trở lại ngôi làng mình từng gắn bó và có nhiều kỷ niệm thì không còn gặp một nghệ nhân nào nữa. Hỏi ra mới biết, một số nghệ nhân già đã mất, số còn lại đều phải đi làm ăn mưu sinh ở rất xa. Nhìn thấy sự tan tác, tan vỡ, biến dạng và mai một đó, tôi cũng chẳng biết nói thế nào nữa. Chỉ là rất xót xa! Sau khi cồng chiêng thành di sản, người dân và các buôn làng có ý thức giữ gìn cồng chiêng, nhưng lại không có người để chơi nó vì đội ngũ kế cận không phải nơi nào cũng có.
- Tham dự “Hội thảo về thực trạng công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” tổ chức vào tháng 4/2021 tại Kon Tum, anh thấy hội thảo có đưa ra giải pháp nào cho vấn đề này không?
+ Hội thảo nào cũng giống nhau hết thôi: phản ánh thực trạng và đưa ra giải pháp nhưng cuối cùng... chả để làm gì. Ai cũng nói một công thức là “phải truyền dạy”, “phải phát huy”... nhưng áp dụng vào thực tế thì không được. Mọi thứ vẫn thế, thậm chí còn xấu đi khi người dân không còn dùng các bài cồng chiêng trong các tín ngưỡng, sinh hoạt của họ. Sự duy trì của các đội chiêng có tính chất như các “đội văn nghệ” mà một số địa phương đang làm thì sẽ không bền. Với cách làm chỉ có tính chất “động viên”, “khuyến khích tinh thần”, thì không thể có hiệu quả lâu dài được, mà phải bảo tồn theo mô hình tập trung của phương Tây. Có nghĩa là người dân phải được hưởng lương tối thiểu để các buôn làng giữ gìn toàn vẹn không gian nghi thức có cồng chiêng như cha ông họ từng làm.
- Suốt mấy chục năm theo đuổi con đường nghiên cứu âm nhạc cổ đầy khó khăn gian khổ mà nhiều người ví như “đâm đầu vào đá”, sắp tới anh có khởi động dự án nào không?
+ Có nhiều chứ! Tôi vẫn còn nhiều việc đang dang dở như công trình nghiên cứu đờn ca tài tử mới hoàn thành việc nghiên cứu cơ bản mà chưa chắp bút. Đây chính là công trình lớn nhất của tôi. Tôi vẫn cảm thấy mình còn “nợ nần” rất nhiều với âm nhạc cổ truyền như cải lương, chèo, tuồng, ca trù... Nhưng sau dự án “Hiệu chỉnh khuôn thước âm luật và bài bản tại Câu lạc bộ Ca trù Hải Phòng” mất rất nhiều công sức, tiêu tốn năng lượng đến kiệt sức, tôi cảm thấy mình cũng cần một “quãng nghỉ”.
- Có vẻ như anh đã dành nhiều thời gian nhất cho việc nghiên cứu ca trù?
+ Cho đến nay là bước sang năm thứ 8. Bởi vì có lẽ đây là thể loại âm nhạc chuyên nghiệp phức tạp nhất, hóc hiểm nhất của người Việt. Thực ra, từ năm 2005 khi làm hồ sơ ca trù tôi đã có ý định nghiên cứu ca trù, nhưng phải đến sau Liên hoan ca trù năm 2014, tôi mới quyết tâm “cơm nắm muối vừng” đi nghiên cứu một cách nghiêm túc, bài bản, công phu để hiểu rõ được những âm luật của ca trù. Quá trình học hỏi, tiếp cận với các nghệ nhân nhà nghề cuối cùng như cụ Nguyễn Phú Đẹ, Nguyễn Thị Chúc, Phó Thị Kim Đức cho tôi nhiều tư liệu và những bài học quý giá!
- Được biết, trong cuộc đời làm nghiên cứu âm nhạc của mình, anh đã nhận được sự chỉ giáo của 2 người thầy lớn, đó là PGS.TS Vũ Nhật Thăng và GS.TS Tô Ngọc Thanh. Tình cảm đặc biệt nhất mà hai người thầy lớn đã dành cho anh là gì?
+ Đối với tôi, đó thực sự là 2 người thầy vĩ đại và cũng là may mắn, hạnh phúc lớn trong cuộc đời tôi khi được các thầy luôn coi tôi như một đồng nghiệp. Thầy Vũ Nhật Thăng là người trang bị và rèn luyện cho tôi về kỹ năng phân tích âm nhạc học, còn thầy Tô Ngọc Thanh trang bị cho tôi những kiến thức về âm nhạc dân tộc học thông qua điền dã. Sau này, 2 dòng kiến thức được trộn vào làm một khi tôi bắt tay vào các công trình nghiên cứu. Thầy Vũ Nhật Thăng không hề giấu giếm mọi người về việc quý mến tôi, ông không bao giờ sợ trò giỏi hơn mình mà luôn giáo dục tôi theo kiểu kích thích học trò đi xa, đi xa hơn nữa. Ngoài ra, cả 2 ông thầy đối với tôi không chỉ là người thầy mà còn như một người cha, người chú, người bạn vong niên và tôi có thể chia sẻ, tranh cãi với các sư phụ về mọi thứ mà không bao giờ có khoảng cách giữa thầy và trò.
- Tôi cứ có cảm giác anh đang ôm đồm làm quá nhiều việc? Có người còn nói rằng, Bùi Trọng Hiền như một kiểu người bị... giời đày?
+ Không! Tôi thích thì tôi làm thôi, vì có ai trả tiền cho mình đâu! Tôi tự chọn như thế và cảm thấy hạnh phúc khi được làm việc mà. Làm gì có giời nào đày tôi đâu!
- Xin cảm ơn nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền!