Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Tuấn: 35 năm chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thứ Bảy, 20/04/2024, 13:10

Trong suốt 35 năm tháp tùng và chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vinh dự theo chân Đại tướng trong nhiều chuyến công tác xa với rất nhiều kỷ niệm đẹp, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Tuấn đã ghi lại chân thực, sinh động muôn vàn những khoảnh khắc quý giá khắc họa chân dung, tầm vóc của một vị Đại tướng đã đi vào lịch sử dân tộc như một huyền thoại.

Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Tuấn - nguyên phóng viên Ban Ảnh, Thông tấn xã Việt Nam hiện đang lưu giữ một kho ảnh lớn về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong suốt 35 năm tháp tùng và chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vinh dự theo chân Đại tướng trong nhiều chuyến công tác xa với rất nhiều kỷ niệm đẹp, ông đã ghi lại chân thực, sinh động muôn vàn những khoảnh khắc quý giá khắc họa chân dung, tầm vóc của một vị Đại tướng đã đi vào lịch sử dân tộc như một huyền thoại. Ông đã được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Phóng viên Văn nghệ Công an đã có cuộc trò chuyện với ông.

Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Tuấn: 35 năm chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp -0
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Tuấn.

- Thưa nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Tuấn, vừa qua ông đã được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho cụm 8 tác phẩm “Sự giản dị của Đại tướng”. Ông có thể chia sẻ những cảm xúc, tình cảm của mình khi ông nhận giải thưởng danh giá này?

+ Cho đến bây giờ tôi vẫn cảm thấy bồi hồi, xúc động bởi vì đấy là một sự đánh giá rất lớn lao của nhà nước đã giúp cho tôi nhìn nhận lại công việc tôi đã làm, được đánh giá một cách đúng mực. Tôi nghĩ rằng, cả một quá trình, thời gian dài như vậy, tôi chỉ tâm niệm một điều đó là làm sao thể hiện được những hình ảnh về Đại tướng thật giản dị, để lưu giữ lại.

- Trong số hàng ngàn bức ảnh về Đại tướng nhưng ông chỉ chọn những bức ảnh về cuộc sống đời thường, hết sức giản dị của Người để xét giải thưởng về văn học nghệ thuật năm nay?

+ Tôi nghĩ rằng, một con người giản dị bao nhiêu thì càng vĩ đại bấy nhiêu. Một con người phi thường như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được tôn kính như vậy. Trong suốt nhiều năm tháng được gần với Đại tướng, tôi cảm nhận được sự giản dị, đức tính khiêm nhường, mẫu mực của Người. Vì thế mà tôi luôn trăn trở, cố gắng làm sao ghi lại những hình ảnh chân thực, giản dị nhất trong cuộc sống thường nhật của Đại tướng.

- Trong số 8 bức ảnh này thì ông ấn tượng nhất với bức ảnh nào? Kỷ niệm gắn bó với những bức ảnh đó như thế nào, ông có thể kể cho mọi người cùng biết?

+ Trong số những bức ảnh về sự giản dị của Đại tướng thì tôi rất tâm đắc, thích nhất là bức ảnh Đại tướng nằm trên chiếc võng ở Củ Chi, nhân một chuyến công tác của Đại tướng ở TP Hồ Chí Minh. Tôi còn nhớ câu chuyện trong chuyến đi ấy, sau khi đi thăm hết địa đạo Củ Chi, nói chuyện với bà con và các đồng chí, Đại tướng có hỏi: “Trưa rồi, chúng ta nghỉ ngơi ở đâu nhỉ?”. Một đồng chí chỉ rặng tre trước mặt và nói: “Thưa bác, bác nghỉ tạm ở đây được không ạ”. Đại tướng vui vẻ ngả lưng trên cánh võng, dưới bụi tre râm mát, xung quanh là các đồng chí, đồng bào cũng đang nghỉ ngơi, chuyện trò, dường như không có khoảng cách giữa Đại tướng với đồng bào. Tôi xúc động và ghi lại khoảnh khắc đó.

- Với một phóng viên ảnh như ông trong thời điểm đó thì luôn luôn trong tâm thế sẵn sàng, phải chọn những góc nhìn khác để truyền tải đúng tinh thần chính nhân vật trong bức ảnh đấy và truyền tải cả những ý nghĩa đằng sau nữa, đúng vậy không thưa ông?

+ Muốn ghi lại những hình ảnh mà mình tâm đắc thì trước hết trong đầu của mình trước khi bấm máy đã hình dung ra hình ảnh Đại tướng trong từng cử chỉ, nụ cười, gương mặt, cái bắt tay với các đồng chí đồng bào… Do vậy mà mình phải bắt được cái thần thái ấy, nét mặt gần gũi, hiền từ, nhân hậu của Đại tướng để làm sao cho bức ảnh trung thực nhất, gần gũi, chân chất, sống động.

- 35 năm – một thời gian rất dài được gần gũi, làm việc với một nhân cách lớn, một con người hết sức giản dị và vĩ đại của dân tộc, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Tuấn học được những gì từ Đại tướng?

+ Đại tướng cũng đã từng là thầy giáo dạy sử, từng viết bài, chụp ảnh… Tôi nhớ có những chuyến đi công tác, tôi chụp Đại tướng và Đại tướng cũng đã chụp tôi và chụp ảnh rất đẹp. Tôi biết Đại tướng rất mê chụp ảnh, tôi quan sát từng chi tiết nhỏ khi nhìn Đại tướng cầm máy trước một khuôn hình nào đó. Đại tướng là người am hiểu về ảnh, chính tôi đã được ông chỉ bảo rất nhiều trong quá trình tác nghiệp. Tôi luôn luôn nằm lòng những câu chuyện, những kỷ niệm với Đại tướng.

Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Tuấn: 35 năm chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp -1
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các chiến sĩ.

- 35 năm được gần Đại tướng, ông có kỷ niệm đáng nhớ nhất?

+ Trong suốt 35 năm tháp tùng và chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vinh dự theo chân Đại tướng trong nhiều chuyến đi công tác xa và có rất nhiều kỷ niệm đẹp, nhưng có lẽ chuyến đi để lại nhiều ấn tượng nhất, phải kể đến chuyến đi dài ngày vào làm việc tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu năm 1996. Trong chuyến đi này, tôi bị viêm ruột thừa, phải đi cấp cứu, thời gian điều trị kéo dài hơn một tuần. Đại tướng cũng ở lại Vũng Tàu thêm một tuần, chờ tôi ra viện rồi mới tiếp tục chuyến công tác. Khi đó, Đại tướng còn đề nghị đón vợ tôi vào chăm sóc, nhưng tôi đã xin phép từ chối. Ngày tôi ra viện, Đại tướng đã chụp ảnh kỷ niệm để chúc mừng tôi bình phục.

35 năm làm nhiệm vụ bên cạnh Đại tướng, tôi đã chụp hàng nghìn cuốn phim với hàng vạn file ảnh, ghi lại một cách chân thực, sinh động muôn vàn khoảnh khắc quý giá, khắc họa chân dung, tầm vóc của một vị Đại tướng đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một huyền thoại. Đó là “kho báu” vô giá trong suốt cuộc đời công tác và lao động nghệ thuật của tôi. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người rất tài ba, rất vĩ đại, nhưng tâm hồn ông lại giản dị, nhân hậu và luôn yêu thương con người. Tôi thích sự giản dị của con người vĩ đại ấy, sự giản dị khác thường và hiếm thấy, cũng chính sự giản dị đó mà tôi ngày càng kính trọng, ngưỡng mộ con người, nhân cách của Đại tướng.

- Ông đã từng triển lãm ảnh với chủ đề “101 khoảnh khắc về vị tướng huyền thoại”, điều gì đã thôi thúc ông thực hiện dự án đó?

+ Rất nhiều lần tôi ngỏ ý với Đại tướng về cuộc triển lãm này nhưng Đại tướng chưa đồng ý. Một lần, tôi vào thăm Đại tướng ở Bệnh viện Quân y 108, tôi lại xin ý kiến nhưng ông vẫn chưa nhất trí. Bẵng đi một thời gian khá dài, tôi cũng vào thăm ông, năm ấy ông tròn 101 tuổi. Tôi lại xin ý kiến ông và lúc đó, ông nhìn tôi mỉm cười. Tôi biết là ông đã đồng ý và tôi quyết định chọn 101 bức ảnh đời thường của Đại tướng làm triển lãm, tỏ lòng tôn kính và mừng Đại tướng 101 tuổi.

Triển lãm diễn ra ở Tràng Tiền 3 ngày và sau đó, tôi xin Văn phòng Chính phủ cho phép tôi tổ chức tại Dinh Độc lập. Tôi luôn mong muốn làm một điều gì đó, dẫu nhỏ nhoi nhưng đó là tấm lòng thành kính, ngưỡng mộ vị đại tướng toàn tài của dân tộc ta. Tôi hạnh phúc vì được đi theo, làm việc cùng Đại tướng một quãng thời gian khá dài, tôi được học hỏi và trưởng thành nhờ sự dìu dắt của Người anh Cả của toàn dân, toàn quân ta.

- Trân trọng cảm ơn nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Tuấn đã chia sẻ!

Vân Khánh
.
.