Nguyễn Lương Ngọc: “Nung chảy mình ra mà tìm lõi”

Chủ Nhật, 30/06/2024, 09:55

Nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc (1958-2001) sinh ở Sơn Tây, nguyên quán ở làng Tòng Bạt, Ba Vì, Hà Nội. Thân phụ anh là nhà viết kịch nổi tiếng Nguyễn Khắc Dực, những năm 50-60 của thế kỷ XX, ông được đánh giá là một trong những nhà cách tân sân khấu Việt Nam đầu tiên. Sau khi tốt nghiệp kỹ sư cơ điện, năm 1981 Nguyễn Lương Ngọc về công tác tại công trường xây dựng thủy điện Sông Đà, bắt đầu sáng tác thơ, theo học khóa  4 Trường Viết văn Nguyễn Du, rồi làm báo ở Hà Nội.

Mỗi lần nhớ về Nguyễn Lương Ngọc, tôi lại thấy trào lên một tiếc thương day dứt về tài năng thơ lớn này. Tuy ra đi ở tuổi 43, nhưng với 4 tập thơ để lại, nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc đã hoàn thành sự nghiệp thơ lớn của đời mình. Lúc còn sống, cũng là lúc tài năng thơ anh đang vào độ sung sức nhất, chín rực nhất, Nguyễn Lương Ngọc thường nói với bạn bè về những khao khát cách tân thơ của mình.

Anh là một cá tính thơ mạnh mẽ và có thể xung đột với bất kỳ sự mòn cũ, trì trệ nào đó trong thi ca. Thời điểm những năm 90 ấy, thơ Nguyễn Lương Ngọc đã "nổ" những bài đầu tiên vào thành trì của những thói quen vần điệu sáo rỗng không - chịu - chuyển -động của nền thơ cũ.

Hiện tượng cách tân đặc biệt của thi ca đương đại

Nguyễn Lương Ngọc không muốn thơ của mình ngân vang trong những quả chuông rỗng của nhạc điệu thơ cũ (vì phải chăng đặc tính của chuông là càng rỗng thì càng ngân?). Anh muốn thơ mình phải "Đủ sức đập vụn mình ra mà ghép lại - nung chảy mình ra mà tìm lõi - xé toang mình ra mà kết cấu". Theo tôi, không cần phải bàn cãi nhiều, Nguyễn Lương Ngọc là một hiện tượng cách tân đặc biệt của thi ca đương đại và có đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của thơ Việt Nam cuối thế kỷ XX.

Nguyễn Lương Ngọc: “Nung chảy mình ra mà tìm lõi” -0
Nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc.

Bài thơ "Gọi hạc" của anh với cái nhìn đau đớn về bản thể của sự sáng tạo, đã cho ta thấy đối với Nguyễn Lương Ngọc - thơ là một tín ngưỡng, nhà thơ phải đi tới tận cùng chân lý dẫu có phải đối mặt với cái chết, hoặc phải sáng tạo cái mới hoặc không bao giờ tồn tại: "Con cắt trắng/ xếp cánh/ khi gặp con khướu vàng/ Con khướu vàng/ khép mỏ/ khi gặp con hạc đỏ/ Con hạc đỏ/nức nở/ nhìn/con hạc trắng/ Hạc trắng/ Hạc trắng/ Những con đã sinh ra thì đã chết/ Những con chưa chết thì chưa sinh ra".

Từ năm 1990-1994, Nguyễn Lương Ngọc đã cho ra mắt 3 tập thơ: "Từ nước", "Ngày sinh lại", "Lời trong lời" và được đánh giá là một trong số ít các nhà thơ trẻ có những tìm tòi, đổi mới quyết liệt trong thơ. Nguyễn Lương Ngọc gặp hiểm nạn năm 1996, nằm liệt giường rồi qua đời năm 2001 trong sự thương tiếc vô hạn của gia đình và bạn bè văn chương.

Tháng 5/2006, cuốn sách "Nguyễn Lương Ngọc - Thơ và Người" do NXB Hội Nhà văn ấn hành, đã trở thành một tuyển thơ bán chạy nhất thời gian đó (ngay trong tuần đầu tiên đã bán hết 700 cuốn) và đã trở thành một sự kiện mới trong đời sống văn học đương đại. Có thể nói trong thập niên cuối cùng của thế kỷ trước, thơ của Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Quang Thiều, Dương Kiều Minh, Nguyễn Bình Phương và một số nhà thơ khác (thuộc thế hệ các nhà thơ xuất hiện sau 1975) đã vang lên trong tâm tưởng những người viết trẻ như một thứ "ánh sáng mới". Họ đã thực sự bị cuốn vào một cơn bão thi ca với những vận hội mới của nghệ thuật.

Tôi còn nhớ, một lần tại tòa soạn Báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam, Nguyễn Lương Ngọc với ánh mắt thẳng thắn, đầy tự tin đã nói với một số nhà thơ thuộc thế hệ cũ một câu nói rất hồn nhiên, đại ý rằng: "Đã đến lúc chúng em phải quên các bác, phải quên ngay cái thứ thơ cũ rích của các bác để làm một cuộc thơ mới, các bác hãy tránh ra cho chúng em chơi cuộc chơi của thế hệ mình…".

Một nhà thơ già vui vẻ nói: "Chúng tớ có cản đường các cậu đâu…". Mà cản làm sao được khi Nguyễn Lương Ngọc trong bài thơ "Hội họa lập thể" của mình đã viết thế này: "Khi mắt đã no nê/ Những quy tắc lên men/ Khi sự thật bị thay bằng cái giống như sự thật/ Có gì không ổn/ Có gì như bệnh tật/ Khi mồ hôi vẫn ê a thiên chức nghệ sĩ/ Anh không còn muốn nhìn những gì mình đã vẽ/ Chính nước mắt, hay máu tứa ra từ cái nhìn bền bỉ/ Đã cho anh chiếc lăng kính này đây/ Để anh đủ sức đập vụn mình ra mà ghép lại/ Nung chảy mình ra mà tìm lõi/ Xé toang mình ra mà kết cấu/ Em tặng anh cát/ Đây nó là thủy tinh/ Em tặng anh dòng sông/ Đây nó là ánh sáng/ Em tặng anh chính anh mà em vừa tìm được/ Đấy là em".

Trong một tuyên - ngôn - thơ như bài nói trên, ta thấy Nguyễn Lương Ngọc đã thực sự quyết liệt đối mặt với cái kiểu nghệ thuật giả tạo, nghệ thuật nửa vời cứ ngày ngày "vẫn ê a thiên chức nghệ sĩ" khi sự thật bị thay bằng cái giống như sự thật. Và ngay bản thân nhà thơ trong nghệ thuật còn quyết liệt tới mức: phải đập mình ra mà ghép lại, phải nung chảy mình ra mà tìm lõi, phải xé toang mình ra mà kết cấu… thì làm sao anh ta có thể chung sống được với một thứ nghệ thuật ngôn từ cũ mòn, sáo rỗng đã bao năm trói buộc các ý tưởng sáng tạo mới.

Một trong những ngọn cờ mở đầu của thi ca mới

Có thể nói bài thơ "Hội họa lập thể" của Nguyễn Lương Ngọc đã mang trong mình tinh thần tuyên chiến với cái cũ trong nghệ thuật để khẳng định việc xây dựng một nền nghệ thuật mới. Trong những cuộc cách mạng thi ca, khởi đầu bao giờ cũng cần những "ngọn cờ mới", Nguyễn Lương Ngọc là một ngọn cờ như thế với tất cả sự quyết đoán và quyết liệt hết mình vì thơ ca. Nhưng số phận của những người mở đường, những người tiên phong trong nghệ thuật không mấy khi được thuận buồm xuôi gió.

Nguyễn Lương Ngọc: “Nung chảy mình ra mà tìm lõi” -1
Tác phẩm của nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc.

Và Nguyễn Lương Ngọc đã tiên cảm thấy điều này trong bài thơ "Với một nhà thơ"  viết về nhà thơ Trần Vũ Mai như sau: "Bởi anh không chịu được sự ồn ào/ ồn ào đã giết anh/ Bởi anh không chịu được dịch "cô đơn"/cô đơn đã giết anh/ Sứ mệnh, sứ mệnh khó khăn/ Phải cùng nhau giấu đi sự thật/ Để cùng sống cho ra vẻ sống/ "Mệt nhọc cũng giấu, khổ cũng giấu"/Anh không đủ can đảm mang đến người yêu nỗi buồn/ Nỗi buồn, anh còn yêu chị/ Anh không đủ dũng khí ứa ra một giọt nước mắt/ Nghìn giọt chất mãi nhão cả ngực/Anh không đủ dũng khí bắt mọi người phải khóc vì họ/ Hôm nay bao người khóc/ Chúng ta luôn phải đi đường vòng/ Với "đôi chân kẻ sốt rét rừng"/ Thôi, đừng cao giọng/ Đừng nói gì về sứ mệnh/ Sống, lặng im"Lặng im như bài hát"/ Chiều đang lụi, anh đến và bảo: Đêm thật đáng yêu/ Đêm sắp tàn, anh đến và bảo: Tôi sẽ dẫn đêm đi nghỉ".

Với bài thơ "Lý do" dưới đây, thêm một lần nữa, nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc lại triển khai một ý tưởng mới trong việc cách tân thơ, khi anh liên tục đưa ra các hình ảnh, các liên tưởng, các câu hỏi về sự tồn tại của con người, của các dạng vật chất trong thế giới này như để tìm cách lý giải về thân phận xót xa của con người trong cuộc sống.

Nhà thơ làm người đọc choáng ngợp khi đi tìm: "Lý do của đất, của bùn, lý do nước sông về biển và biển tan nát mà không tan nát được… tìm lý do của các loài cây, các loài thú, các loại đá, địa y và nấm mốc, tìm lý do của máu, một loài máu tự cho là cao quý bởi thực không gì làm cho nó bẩn được nhưng có thể làm cho nó biến mất cũng như ta chưa từng bao giờ sinh ra, trên đời... Lý do của những con chuột tủi hổ với những chiếc răng cứ mọc không ngừng và của những hạt thóc lép như ngực một người đàn bà chờ chồng không dám sống vì phải sống và của những cánh buồm cứ phồng những miếng vá lên vì nỗi niềm kẻ khác và những con cá tầng đáy, những cốc tách nơi miếu thờ bị quên lãng, những bình vôi nơi một gốc gạo hoa đỏ rụng cuối mùa cho trò chơi của trẻ con và những cặp tình nhân lao vào nhau như những con thú điên cuồng bởi biết mình đang lao vào cái chết như một khuôn mặt đẹp mê hồn làm tôi câm họng và lý do của lưỡi khô trong miệng không cho một người tốt nói lời từ giã cuộc đời lẽ ra tuyệt vời mà chỉ còn ngậm ngùi nỗi niềm của nước lọc…".

Và cho đến khi chúng ta cảm thấy dường như con người bất lực, mệt mỏi vì không thể cắt nghĩa nổi các lý do được nêu ra ấy… thì Nguyễn Lương Ngọc mới khúc triết lý giải rằng:  "Và anh yêu em vì không tìm ra lý do, vì không thể không yêu em và vì cuộc đời khốn nạn này thật đáng sống, thật tuyệt chẳng có lý do nào khác. Lý do đất đã mang tôi, nước mang tôi, và tôi mang tất cả trên đường về, một tia sáng xanh trong ngực, uốn lượn và ôm chặt lấy em. Trên đường về".

Nguyễn Lương Ngọc đã ở rất xa chúng ta, nhưng hơn 200 trang thơ anh để lại vẫn như một dòng chảy ấm nóng trong đời sống thi ca những tháng năm này. Dừng lại mãi mãi ở tuổi 43 nhưng với anh, sự nghiệp thi ca đã hoàn tất, và anh vẫn còn như một vệt sao băng chói sáng bầu trời thi ca Việt tới hôm nay.

Nguyễn Việt Chiến
.
.